Điều gì nằm giữa chai nước ở sân bay và những vụ tai nạn lao động? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Điều gì nằm giữa chai nước ở sân bay và những vụ tai nạn lao động?

Việc cấm chất lỏng ở sân bay làm tiêu tốn hàng chục tấn nước sạch trên thế giới mỗi ngày. Vì sao quy định này vẫn tồn tại suốt 18 năm?
Điều gì nằm giữa chai nước ở sân bay và những vụ tai nạn lao động?

Nguồn: Travel and Leisure, chinhphu.vn

Tội của chai nước

Năm 2020, trước lúc lên máy bay từ Thái Lan về Việt Nam, tôi quên cất hai lọ dầu gội mua tặng mẹ vào hành lí kí gửi. Nhân viên an ninh bảo tôi là tiếc thì cũng phải vứt thôi, quy định là vậy, không được mang chất lỏng qua cổng kiểm tra, mua đồ trong sảnh chờ thì được.

Sang Trung Quốc, mỗi lần đi tàu điện ngầm hay tàu cao tốc tôi cũng phải chủ động mang chai nước ra ngoài để tiện kiểm tra. Có chỗ nhân viên còn bắt uống luôn tại chỗ. Gần đây, tôi biết thêm rằng Disneyland Thượng Hải cũng hạn chế mang chai nước lọc vào.

Việc phải kiểm tra chai nước hay vứt các lọ chất lỏng gây khá nhiều phiền phức cho tôi. Ban đầu, tôi đoán rằng việc làm vương vãi nước trên các phương tiện sẽ gây bất tiện hoặc nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, có đổ mấy xô nước đầy sàn máy bay hay tàu cao tốc cũng chẳng có ảnh hưởng gì cả, cùng lắm chỉ bẩn thôi.

Mà nếu bẩn, thì chẳng đến mức phải bắt hành khách phải vứt hết hoặc kiểm tra nghiêm túc như thế.

alt
Chai nước không được chào đón ở sân bay | Nguồn: Travel and Leisure

Tôi quyết định tra xem tại sao có quy định như vậy tồn tại.

Một vài từ khóa về "chai nước" và "máy bay" dẫn tôi tới một chất hóa học kì lạ có tên Nitroglycerin (trong bài này hãy tạm gọi là chất N).

Chất N. nhìn giống y hệt nước, nhưng nó có thể phát nổ.

Một nhà khoa học đã quay lại thí nghiệm để xem chuyện gì xảy ra khi tìm cách kích nổ N. Ông nhỏ một giọt lên phiến đá và dùng búa đập. Ánh lửa lóe lên cùng tiếng nổ, gây ra chấn động đủ khiến người xem giật mình. Đáng nói hơn, khi tua chậm video tới 600 lần, ánh lửa vẫn chỉ lóe lên trong một cái chớp mắt.

Bên dưới video, một chuyên gia từng làm việc 30 năm trong nhà máy sản xuất đạn lớn nhất nước Mỹ để lại bình luận về N.

Ông nói rằng N. là loại chất nổ không khoan nhượng với tốc độ nổ gần 8km/s (tương đương tốn 3 giây đi hết một vòng Hồ Tây), không ai kịp chạy thoát khi có tai nạn.

Tại nhà máy nơi ông làm việc, mỗi khi thay ca, người lao động phải ghi tên vào sổ để biết ai "biến mất" nếu N. phát nổ. Ngày nay, việc điều chế được tự động hóa hết mức có thể để hạn chế người tiếp xúc trực tiếp.

alt
Nguyên nhân nằm ở Nitroglycerin, một chất nổ trông chẳng khác gì nước | Nguồn: The New York Times

Khi vận chuyển N., người ta phải pha thêm chất hóa học làm giảm độ nhạy và tăng tính chống chịu va đập cho nó.

Với đặc tính nói trên, N. hiển nhiên là một vũ khí hiệu quả. Điều đáng sợ hơn, N. chỉ là một trong số thuốc nổ dạng chất lỏng.

Năm 2006, nước Anh chấn động sau khi các đội đặc nhiệm triệt phá âm mưu khủng bố 10 chiếc máy bay bằng chất lỏng nổ.

Để làm được việc này, các thám tử cài máy quay lén vào nhà nghi phạm. Họ phát hiện chúng tập dượt pha chế thuốc nổ và đã tải lịch trình bay về để sắp xếp cho cuộc tấn công.

Thuốc nổ lỏng không thể bị phát hiện bằng máy quét an ninh thông thường. Nếu muốn nâng cấp máy quét xịn, mỗi cửa quét phải tốn thêm 1 triệu USD. Vì vậy, hàng không Anh quyết định cấm luôn việc mang chất lỏng lên máy bay. Các nước khác nghe tin và bắt đầu làm theo.

Tới nay, quy định này vẫn không được dỡ bỏ dù nó làm tiêu tốn tới hàng chục tấn nước sạch trên thế giới mỗi ngày.

Những điều luật "thừa thãi"

Triệt tiêu mọi rủi ro, dù là nhỏ nhất, chính là cách tốt nhất để đảm bảo tính mạng của con người - và có thể bảo vệ những thứ khác như hình ảnh hãng máy bay, uy tín quốc gia, ổn định chính trị.

Để làm được điều đó, người ta đã thực hiện một cách nghiêm khắc và cực đoan những điều luật tưởng chừng thừa thãi.

Tuy nhiên, không phải lúc nào luật an toàn cũng được tuân thủ.

Vài ngày trước, 7 người lao động thiệt mạng trong máy nghiền ở Yên Bái. Nguyên nhân trực tiếp chỉ đơn giản là bởi có một nhân viên dùng cán chổi để chọc nút tắt điện, nhưng chọc nhầm nên vô tình làm khởi động máy nghiền.

Nguyên nhân gián tiếp, đó chính là quy trình an toàn lao động đã không được thực hiện một cách chuẩn chỉ. Về nguyên tắc, khi có người đang làm việc trong máy, phải có bảng treo cấm đóng điện, hoặc khóa tủ điện bằng nhiều ổ khóa, thậm chí phải có người đứng trông để "đuổi" những người táy máy.

Vụ tai nạn này chỉ là bề nổi. Ngay ngày Quốc tế Lao động năm nay, ở một xưởng gỗ Đồng Nai vừa có vụ nổ bình hơi làm 6 người tử nạn. Trên khắp Việt Nam, vẫn có thợ xây không đội mũ bảo hiểm, thợ phun sơn không đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, thợ điện không ngắt cầu dao khi nối dây điện.

alt
Hiện trường vụ tai nạn lao động làm 6 người tử nạn ở Đồng Nai. | Nguồn: Dân Trí/Phú Việt

Việc tuân thủ quy định tưởng dễ thực hiện, nhưng nhiều người lại cho đó là vướng víu, rườm rà, dù ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của mình và người khác.

Hồi tôi lớp 1, bố tôi hay gọi một chú thợ quen đến sửa máy tính. Cho tới một đợt không thấy chú này đến nữa, hỏi ra mới biết chú "đi" rồi, chỉ vì một lần giật điện do sờ máy tính tay trần. Từ đó, bố tôi hay dạy tôi lúc có người đang bị điện giật thì phải làm gì. Còn tôi cũng bị ám ảnh, đến lúc lên đại học vẫn thà tốn tiền gọi thợ điện còn hơn tự nghịch ổ.

Rủi ro luôn thường trực và không thể triệt tiêu hoàn toàn. Dù vậy, giảm thiểu nguy cơ đến mức thấp nhất là điều có thể. 99,99% chai nước không có tội, nhưng loại bỏ nguy cơ là chuyện phải làm.

Nói vậy để thấy rằng, tuân thủ nguyên tắc liên quan tới từng người, bởi nạn nhân tiếp theo của việc vi phạm có thể sẽ không phải người lạ.