Đình công tập thể: Khi có công việc không phải là đặc ân | Vietcetera
Billboard banner

Đình công tập thể: Khi có công việc không phải là đặc ân

Một xã hội tiến bộ không cần nhiều hàng hoá hơn. Nó cần người sản xuất hàng hoá được hưởng những quyền lợi họ xứng đáng.
Đình công tập thể: Khi có công việc không phải là đặc ân

Tình trạng khát lao động xảy ra ở nhiều ngành sản xuất là minh chứng rõ rệt cho việc các doanh nghiệp lớn cũng cần người công nhân như thế nào. | Hình ảnh minh họa đến từ nguồn mở Streamline.

Các phong trào đòi quyền lợi cho người lao động đã, đang, và sẽ xây dựng nên một môi trường làm việc lành mạnh hơn cho tất cả. Trong quá khứ, khi công nhân thuộc các công xưởng phương Tây đứng lên, họ đòi được ngày nghỉ phép, phúc lợi y tế, nâng dần mức lương cơ bản, và định nghĩa thời gian lao động tiêu chuẩn.

Ở Việt Nam, việc các công ty chấp nhận yêu sách của người lao động khi họ ngưng việc tập thể cho thấy tầm vóc của lực lượng này trong việc định vị tương lai của sự tiến bộ và phát triển sắp tới. Ủng hộ phong trào lao động là điều tối thiểu tôi có thể làm để góp sức cho sự tiến bộ.

Không chỉ có người lao động cần doanh nghiệp

Việc người công nhân đòi quyền lợi lao động nhằm được sống với sức khoẻ và phẩm giá là điều hoàn toàn hợp lý. Ngay cả trong thời buổi khan hiếm việc làm thì công việc cũng không phải đặc ân ai ban cho ai, mà nó là thỏa thuận trong đó các bên đều có lợi ích và trách nhiệm của mình.

Xã hội càng phân công lao động chặt chẽ bao nhiêu, mỗi người lại càng lệ thuộc vào công việc của người khác bấy nhiêu. Chúng ta thường có suy nghĩ rằng nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì người lao động hưởng lợi. Nhưng ở chiều ngược lại, khi người lao động đủ sống và được đảm bảo toàn bộ quyền lợi, thì việc sản xuất và kinh doanh mới bền vững.

Vì thế, khi người công nhân phải tự hỏi, lương nhận được có đủ để nuôi sống mình và gia đình hay không, họ lựa chọn không tới công xưởng nữa để gây sức ép đòi quyền lợi cho mình.

Vào ngày 07/02, hơn 5000 công nhân công ty Viet Glory ở Nghệ An đã ngừng việc, do mức lương cơ bản và phụ cấp thâm niên còn thấp, dẫn tới không đủ trang trải cuộc sống. Theo một người công nhân, tổng thu nhập, bao gồm cả tiền tăng ca và phụ cấp chỉ hơn 4 triệu/tháng.

Ngày 11/02, hơn 5000 công nhân tại công ty TNHH Vienergy, Ninh Bình, đã đình công, với 21 vấn đề cần kiến nghị và 3 vấn đề phát sinh. Đáng chú ý nhất là kiến nghị huỷ bỏ quy định lao động nữ khi vào công ty trong 2 năm không được mang bầu.

Tiếp đến 15/02, hơn 2000 công nhân tại công ty TNHH Cresyn Hà Nội, đặt tại Bắc Ninh, cũng ngừng việc tập thể để đòi tăng lương cơ bản, phụ cấp và các chế độ phúc lợi khác.

Với hệ quả từ đại dịch Covid-19 cùng tình trạng phúc lợi lao động không tốt, nhiều doanh nghiệp thiếu nhân công trầm trọng. Có doanh nghiệp còn nhận tuyển cả người có tay nghề không cao và chấp nhận đào tạo lại từ đầu vì khát nhân sự.

Tình trạng khát lao động xảy ra ở nhiều ngành sản xuất là minh chứng rõ rệt cho việc các doanh nghiệp lớn cũng cần người công nhân như thế nào. Chúng ta nên ghi nhận rằng người công nhân, chứ không chỉ những ông chủ doanh nghiệp, nên được vinh danh trên mặt báo với cống hiến cho nền kinh tế, và nhận được sự đồng cảm nếu kinh tế khó khăn.

alt
Việc người công nhân đòi quyền lợi lao động nhằm được sống với sức khoẻ và phẩm giá là điều hoàn toàn hợp lý.

Người lao động thỏa thuận được những gì sau đình công?

Tiếng nói của người lao động lần này không rơi vào dĩ vãng. Những ngày gần đây đánh dấu khoảng thời gian hiếm hoi tầng lớp này đóng vai nhân vật chính trên các mặt báo, thay vì các ông chủ giàu có trong danh sách Under 30.

Tới ngày 14/02, hơn 5000 công nhân công ty TNHH Vienergy ở Ninh Bình đã đi làm việc trở lại sau khi công ty này đồng ý tăng 6% lương cho công nhân. Những kiến nghị liên quan đến việc không trừ tiền thưởng lương tháng 13 khi công nhân nghỉ việc riêng, làm đúng giờ quy định hay các chính sách liên quan đến thai sản cũng được giải quyết.

Các công nhân làm việc tại công ty Viet Glory, Nghệ An, cũng nhận được mức tăng 6% lương cơ bản và được bổ sung phụ cấp thâm niên áp dụng cho công nhân làm việc từ 1 năm trở lên.

Có thể nói, những thoả thuận mới đến từ phía doanh nghiệp là chiến thắng lớn đối với người lao động. Thay đổi chính sách theo hướng có lợi cho người lao động không chỉ giúp ích những cá nhân cụ thể làm việc cho một doanh nghiệp, mà còn có ảnh hưởng đến điều kiện lao động của mọi công nhân nói chung trong tương lai.

Có lẽ những vụ đình công và giá trị của chúng không phải hệ quả thoáng qua của đại dịch Covid-19. Và chúng ta cũng không nên để giá trị của việc xây dựng môi trường lao động lành mạnh rơi vào quên lãng.

Đôi lúc sự đấu tranh gay gắt của người lao động đem đến hiệu quả nhãn tiền hơn là thương thảo nhẹ nhàng. Lịch sử chỉ ra rằng thái độ không khoan nhượng của kẻ yếu đã góp phần định hình những quyền con người cơ bản của chúng ta ngày hôm nay.

Các phong trào đấu tranh của người lao động đã cho thế giới hiện đại biết chiều dài của một ngày lao động nên là bao nhiêu, mức lương tối thiểu của người lao động được quyết định thế nào, công dân nên được phúc lợi về chăm sóc y tế ra sao,...

alt
Sự thương thảo nhẹ nhàng, và nhiều lúc là đấu tranh gay gắt, giữa người lao động và người mua lao động, đã góp phần định hình những quyền con người cơ bản của chúng ta ngày hôm nay.

Nhìn lại di sản của các phong trào công nhân

Phong trào Tám giờ (Eight-hour Movement)

Phong trào Tám giờ góp phần định hình việc người lao động đi làm 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, thay vì bị bóc lột cùng kiệt bởi giới chủ. Phong trào này bùng lên tại thành phố Chicago, Mỹ vào ngày 01/05/1867. Công nhân toàn thành phố đã đình công khiến nền kinh tế phải đóng cửa một tuần.

Phong trào tiếp tục lan tỏa ở nhiều nơi sau đó và là tiền đề cho Luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng (Fair Labor and Standards Act - FLSA) được thông qua ở Mỹ vào năm 1938. Mốc 01/05 được lấy làm ngày Quốc tế Lao động.

Ngày nghỉ cuối tuần

Trước khi FLSA được thông qua, nhiều xí nghiệp cho nhân công nghỉ việc vào chủ nhật chỉ vì lý do tôn giáo. Các chuẩn mực như số giờ lao động mỗi tuần và quan niệm về thời gian phục hồi sức lao động gần như không được nghĩ đến.

Sau nhiều phong trào đấu tranh nối tiếp nhau, một số công xưởng ở Anh cho phép người công nhân nghỉ thêm nửa ngày thứ 7. Rồi Henry Ford và các nhà tư sản đầu thế kỷ 20 nhận ra rằng thời gian nghỉ ngơi là lúc để người người lao động tiêu dùng. Nếu phải làm quá nhiều, người ta sẽ không mua sắm nữa và thị trường sẽ gặp vấn đề. Vì thế mô hình làm việc 5 ngày/tuần ra đời.

FLSA quy định tuần lao động kéo dài 40 tiếng. Một khi nhân công làm việc vượt quá số giờ đó trong tuần, doanh nghiệp sẽ phải trả tiền làm thêm giờ.

alt
Xã hội càng phân công lao động chặt chẽ bao nhiêu, mỗi người lao động lại càng lệ thuộc vào công việc của người khác bấy nhiêu.

Chăm sóc y tế và ngày nghỉ ốm

Khi một người công nhân bị tai nạn lao động, bạn nghĩ doanh nghiệp sẽ làm gì? Cho anh ta/cô ta thời gian nghỉ ngơi, hỗ trợ chi phí y tế và có chính sách trả lương ngày bệnh cho đến khi phục hồi và quay lại cơ quan? Đó là một quan niệm rất hiện đại.

Trước đây giới chủ từng sẵn sàng loại người làm ra khỏi guồng quay sản xuất nếu họ gặp tai nạn lao động hoặc ốm đau. Thông qua đấu tranh không biết mệt mỏi, người lao động mới có phúc lợi y tế (healthcare) và quyền có ngày nghỉ ốm (sick days).

Ngày nay, trước khi làm việc chính thức tại một công sở, tuỳ tính chất công việc, bạn có thể hỏi doanh nghiệp kỹ càng về quyền lợi bảo hiểm y tế và bảo hiểm tính mạng của mình.

Lương tối thiểu

Sau khi được quy định lần đầu tiên bởi FLSA, khái niệm lương tối thiểu (minimum wage) là nền tảng để xã hội tính toán đâu là mức tối thiểu doanh nghiệp cần trả cho một loại lao động nhất định.

Xa hơn, khái niệm lương đủ sống (living wage) cũng được đặt ra để tính toán đâu là mức trả đủ để người lao động và gia đình họ không phải sống trong đói nghèo.

Ngày nay, các phong trào lao động vẫn liên tục nổ ra để chắc chắn rằng mức lương tối thiểu dành cho người lao động vẫn tăng cùng với đà tăng trưởng thu nhập của người sử dụng lao động.

Công đoàn Lao động

Sau nhiều thế kỷ vấn đề về quyền cho người lao động liên tục vận động và đổi thay, chúng ta hiểu công đoàn (union) là tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động bằng cách huy động sự đoàn kết của công nhân và đảm bảo rằng hoạt động đấu tranh của họ đúng luật.

Công đoàn đầu tiên trên thế giới được thành lập ở Philadelphia, Mỹ, vào năm 1784. Đây là công đoàn của những người thợ đóng giầy.

Trải qua lịch sử, ở nhiều nước trên thế giới, quyền được gia nhập công đoàn đã trở thành quyền cơ bản của người dân.

alt
Sự tiến bộ là khi người gồng gánh nền sản xuất này được đảm bảo quyền lợi, được sống trong sự đầy đủ về cả vật chất và nhân phẩm.

Kết

Những vụ đình công gần đây, và lịch sử dài của phong trào lao động cho thấy vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn là điểm nóng. Sống trong một thế giới tồn tại dựa vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, chúng ta buộc phải lao động để xã hội tiếp tục vận hành và phát triển.

Chúng ta vẫn hay nghĩ về sự tiến bộ như là việc các sản phẩm đột phá liên tục ra đời, hay số hàng hoá được sản xuất ngày một nhiều hơn. Tuy vậy, những điều trên liệu có nghĩa lý gì khi bộ phận người lao động phải hi sinh mức sống và sức khoẻ của mình vì sự thoải mái của các tầng lớp khác?

Đối với tôi, sự tiến bộ là khi người gồng gánh nền sản xuất này được đảm bảo quyền lợi, được sống trong sự đầy đủ về cả vật chất và nhân phẩm. Đó là khi giới chủ nhận ra mối quan hệ hai chiều giữa họ với người làm công, từ đó nghĩ cho những người sở hữu ít hơn mình.

Hình ảnh minh họa đến từ nguồn mở Streamline.