Định cư nước ngoài: Phim vs. Thực tế | Vietcetera
Billboard banner

Định cư nước ngoài: Phim vs. Thực tế

Cuộc sống tha hương chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng người châu Á dường như chưa bao giờ vì thế mà chùn bước.

Định cư nước ngoài: Phim vs. Thực tế

Nguồn: RODNAE (Pexels)

Năm nay, Minari, một tác phẩm điện ảnh khác của một vị đạo diễn gốc Hàn Quốc, lại tiếp tục gây tiếng vang trên phim trường quốc tế.  

Qua câu chuyện của một gia đình người Hàn Quốc rời bỏ quê hương để đi tìm miền đất hứa, bộ phim dường như phần nào nói hộ nỗi niềm của những người tha hương. Ở xứ người, họ đã trải qua biết bao cay đắng, tủi nhục để rồi nhờ vào tình yêu, gia đình và tính kiên cường trong dòng máu châu Á để mạnh mẽ vươn lên.

Tôi không biết cảm xúc của bạn khi xem bộ phim này thế nào, nhưng với tôi, cũng là một người nhập cư, tôi có phần hụt hẫng. Vì câu chuyện của Minari mang lại một lát cắt rất nhỏ về bức tranh nhập cư, không thể lột tả được hết những khó khăn chung mà những người nhập cư phải trải qua.

Ngày nay, lực lượng nhập cư có đầy đủ thành phần "thượng vàng hạ cám", từ bất hợp pháp (mà báo chí vẫn gọi là "người rơm"), qua hôn nhân, hợp đồng lao động chân tay, đến lao động bậc cao, trí thức và nhà đầu tư. Nhưng dù có đắng, có chát, thì đâu đó ta vẫn thấy được những ngọt, những bùi.

Để tôi kể thêm các bạn nghe một vài câu chuyện nhé. Chúng có thể không hấp dẫn, như phim, nhưng chúng là những câu chuyện "đời" mà tôi may mắn được biết tới. 

Bị phân biệt không phải vì màu da

Trong phim Minari, có một chi tiết thể hiện sự phân biệt chủng tộc được thể hiện khá nhẹ nhàng. Một cậu bé Mỹ hỏi cậu bé Hàn Quốc: - "Sau mặt mấy người châu Á trông cứ bèn bẹt vậy?" 

Tôi thì không cho rằng đây là chủ ý phân biệt chủng tộc, vì vốn bọn trẻ con rất vô tư. Chúng chỉ hỏi vì nhận thấy sự khác biệt mà thôi.

Tuy nhiên, sự thật là người châu Á, châu Phi hay những người nhập cư khác chịu sự kỳ thị là không tránh khỏi. Hơn nữa, có những sự "phân biệt" được quy định bằng pháp luật, trên cơ sở bảo vệ "người nhà" thì những người nhập cư không cách gì phản đối được. Còn lại, trong hầu hết các trường hợp, họ hoàn toàn có quyền phản kháng. 

X. sang Pháp làm tiến sĩ, bảo vệ xong, anh muốn ra ngoài làm công ty thay vì tiếp tục con đường nghiên cứu. Anh hăng hái rải hồ sơ khắp nơi. Điện thoại anh liên tiếp rung lên và câu hỏi đầu tiên anh nhận được luôn là: - Anh có đi làm được ngay không?

Tất nhiên là không, vì anh sang Pháp với visa Nghiên cứu, giờ muốn làm việc ăn lương, anh phải xin đổi sang Visa Lao động. Và công ty thuê anh phải làm giúp anh việc đó mới được.

Thủ tục hành chính có khi còn đáng sợ hơn rất nhiều.
Thủ tục hành chính không phân biệt màu da, nhưng có khi lại phân biệt quốc tịch. Nhưng với sự kiên trì, nỗ lực và năng lực rồi cũng được công nhận.

Để xin đổi visa thành công, công ty phải chứng minh rằng họ không thuê được người bản địa, phải trình, khai báo nhiều giấy tờ liên quan tới thuế má, hoạt động của công ty, chưa kể phải đóng một khoản tiền kha khá nữa. Thời gian chờ đợi xin được giấy phép lao động thường là 1- 1,5 tháng.

Các công ty thấy rắc rối quá, bèn đi tìm người khác. 

Đối với X., sau hàng trăm cuộc gọi, phỏng vấn thất bại, anh cũng đã ký được hợp đồng. Tuy rằng vị trí ban đầu không như anh mong đợi, nhưng với năng lực và nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã có những bước tiến rõ rệt sau vài năm.

Đứng giữa lựa chọn công việc trí thức, và công việc chân tay

B., ngược lại, theo chồng sang Đan Mạch, vì chồng cô nhận được học bổng tiến sĩ.

Lúc ở Việt Nam, B. là giảng viên tại một trường đại học uy tín. Lúc sang nước bạn, vì sinh con nhỏ, rồi bỡ ngỡ với cuộc sống mới, B. đã lần lượt bỏ qua các cơ hội tiếp tục học tập.

Khi con đã lớn, chồng cũng xong tiến sĩ và đã đi làm, B. bắt đầu buồn chán vì cuộc sống quanh quẩn bốn bức tường. Không muốn mang tiếng là "ăn bám" chồng, cô quyết định mở dịch vụ bán đồ ăn Việt để thoả mãn nhu cầu "nhớ quê" của cộng đồng.

Đơn giản là người biết đủ thường vui.
Đơn giản là người "biết đủ thường vui".

Dù trí tưởng tượng có bay bổng đến đâu thì B. cũng không thể nghĩ được rằng một cô nàng tiểu thư được bố mẹ cưng chiều như cô, từng là giảng viên đại học, giờ lại trở thành một đầu bếp. 

Dù không nói thẳng ra, bạn bè B. vẫn cảm thấy nuối tiếc và thương hại cho cô. B. thì không hối tiếc gì cả, cô cảm thấy hạnh phúc với những gì gia đình đang có, đơn giản là người "biết đủ thường vui". 

Chọn trở thành "người rơm" để đổi đời

Hẳn chúng ta vẫn chưa ai quên vụ 39 người tử vong trong chiếc xe đông lạnh trên đường sang Anh. Cái chết kinh hoàng đó vẫn không làm chùn chân những con người mong muốn được đổi đời, dù rằng điều đó đồng nghĩa với việc họ phải đánh đổi cuộc sống của một người bình thường, được đường đường chính chính hưởng những quyền lợi của một công dân.

Calais, Pháp.
Calais, Pháp.

T. là một "người rơm" đang bị kẹt lại ở cảng Calais, miền Bắc nước Pháp. Vì dịch COVID-19 nên con đường chạy sang Anh bị phong toả, anh không biết sẽ phải chờ đến bao giờ.

Đã hai mùa đông lạnh lẽo trôi qua, anh cùng đội quân "người rơm" vẫn chui lủi trong cánh rừng sát cảng Calais chờ ngày đến được bến cuối. Cuộc sống rơi vào thế, về chẳng được, ở chẳng xong, thiếu thốn đủ bề. Giữa cái rét cắt da cắt thịt của trời Âu, giữ được mạng sống đã là phước lớn. 

May mắn rằng, dù trốn chui trốn lủi trong rừng, vào dịp giáp Tết, anh vẫn có bánh chưng ăn. Đó là tấm lòng của những đồng bào máu đỏ da vàng. Họ cùng nhau gom góp các món quà Tết, mỳ tôm, đồ ăn khô, quần áo ấm, cả băng vệ sinh cho phụ nữ rồi chở về rừng... để đồng bào của mình cũng có thể cảm nhận chút ấm áp. 

Lạc lõng nơi công sở

Sống ở nước bạn, dù sống bao lâu đi chăng nữa, nếu không cởi mở, không hiểu văn hoá của họ thì mãi mãi chỉ đóng vai nhân vật phụ ngoài lề. 

H. sang Bỉ du học bậc đại học, học xong thạc sỹ thì tìm được việc nên cô quyết định ở lại định cư. Tuy đã sống khá lâu năm ở Pháp nhưng cô vẫn cảm thấy lạc lõng nơi công sở.

Lúc còn đi học, cô chỉ lo chuyên tâm học hành, không vui chơi, không hò hẹn gì cả; nghĩ rằng mình sẽ làm những việc đó sau khi ổn định công việc. Thế nhưng, sự thật không giống như cô nghĩ.
Nghĩ rằng mình sẽ làm những việc đó sau khi ổn định công việc. Thế nhưng, sự thật không giống như cô nghĩ.

Lúc còn đi học, cô chỉ lo chuyên tâm học hành, không vui chơi, không hò hẹn gì cả; nghĩ rằng mình sẽ làm những việc đó sau khi ổn định công việc. Thế nhưng, sự thật không giống như cô nghĩ.

Buổi trưa cả phòng ngồi ăn ở căn-tin với nhau, ai cũng nói chuyện hào hứng vui vẻ, đôi lúc họ cười ầm lên nhưng H. chẳng hiểu gì, cứ ngồi như phỗng. Chiều thứ 6, đồng nghiệp rủ nhau đi uống, cô cũng theo vài lần nhưng chẳng mấy khi hoà được vào câu chuyện. Dần dần, H. thu mình vào vỏ ốc và tự loại mình ra khỏi vòng tròn. 

H. chia sẻ vấn đề về rào cản văn hoá của mình với hội sinh viên, và hoá ra cô không phải là người duy nhất gặp phải chuyện này. Bạn bè đi trước thay nhau truyền cô bí kíp, tin chắc rằng với một người có năng lực như H., cô sẽ nhanh chóng vượt qua. 

Con gái mà lấy chồng xa, chồng đuổi khỏi nhà thì biết làm sao...

Cuộc sống vợ chồng, dù ở ngóc ngách nào của thế giới này cũng sẽ có lúc cơm chẳng lành, cơm chẳng ngọt. Tệ hơn là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay hay bạo lực tinh thần. Sống ở Việt Nam, lúc chẳng vui thì còn có cha mẹ dỗ dành "về nhà đi con"; nhưng ở nước ngoài thì sao?

M. lấy chồng người Đức và sang Đức định cư cùng chồng. Chưa sang được bao lâu thì chồng dở chứng, đánh đập và đuổi ra khỏi nhà. Cô muốn báo cảnh sát nhưng lại không thông thạo tiếng Đức. Mặt khác, cô cũng dám làm lớn chuyện vì sợ sẽ không thể tiếp tục làm giấy tờ để ở lại Đức, mà quay về quê mẹ thì xấu hổ, ngại ngần. 

Đêm hôm M. lên mạng kêu cứu, cộng đồng người Việt đã lập tức giúp cô gọi cảnh sát, lại còn tới tận nơi để làm phiên dịch. Họ muốn đảm bảo rằng cuộc sống của mẹ con cô được an toàn. Kể cả khi chồng cô không bảo lãnh cho cô ở lại, thì cộng đồng cũng sẽ có cách để giúp.

Kết

Còn vô số câu chuyện khác nữa về cuộc sống tha hương: bị phân biệt vì màu da, bị chính đồng loại lừa lọc, dự án đầu tư thất bại buộc phải quay về, hay gia đình tan đàn xẻ nghé vì không chia sẻ nổi áp lực cuộc sống...

Cuộc sống tha hương chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng người châu Á dường như chưa bao giờ vì thế mà chùn bước. Họ chẳng những đã tồn tại và vươn lên mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển, mà còn xây dựng được bản sắc riêng của dân tộc mình trong lòng nước bạn. 

Theo số liệu của Viện Di trú Hoa Kỳ (2021), hơn một nửa (53%) người nhập cư châu Á làm việc trong các ngành nghề quản lý, kinh doanh, khoa học và nghệ thuật - một tỷ lệ cao hơn nhiều so với nhóm người Mỹ và những nhóm nhập cư khác.

Qua tất cả, tôi chỉ mong số lượng ít ỏi của những bộ phim tạo được tiếng vang lớn như Minari sẽ không làm cộng đồng phương Tây, thậm chí là người dân nước mình, có cái nhìn một chiều về những người nhập cư châu Á.  

Vốn tri thức, cùng với tinh thần kiên cường, luôn là thứ tài sản quý giá nhất của những người châu Á, là thứ giá trị mà chúng ta có quyền tự hào và phát huy!