Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Thương vong có thể lên đến 20.000 người | Vietcetera
Billboard banner

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Thương vong có thể lên đến 20.000 người

Con số thương vong có thể sẽ còn tăng do quy mô thảm họa là rất lớn.
Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Thương vong có thể lên đến 20.000 người

Nguồn: ACC

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Sáng sớm ngày 6/2 vừa qua, trận động đất mạnh hơn 7,8 độ đã xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực biên giới với Syria. Những dư chấn và động đất làm rung chuyển nhiều tòa nhà vào rạng sáng, chấn động lan tới cả Lebanon và Israel.

Theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), tâm chấn trận động đất nằm ở độ sâu khoảng 17,9 km, gần thành phố Kahramanmaras. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan nói rằng đây là thảm họa lớn nhất của đất nước kể từ năm 1939.

Tính đến chiều 7/2, số người thiệt mạng trong thảm họa đã lên đến hơn 4.700 người, cùng với đó là hàng nghìn người khác bị thương. Thương vong dự kiến tiếp tục tăng lên do nhiều người mắc kẹt trong đống đổ nát. WHO dự đoán con số này sẽ vượt 20.000 người.

2. Vì sao trận động đất này lại gây nhiều thiệt hại như thế?

Theo các nhà địa chấn học ở Cơ quan địa chất Mỹ, chấn động gây thiệt hại nặng nề do vị trí và độ sâu tâm chấn. Ngoài ra, đang có sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo địa chất ở quy mô lớn nơi đây. Bên cạnh đó, các công trình dễ bị sập cũng là nguyên nhân gây nên những thiệt hại kinh khủng như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên vành đai động đất nối từ phía Đông Bắc Nhật Bản, đi qua Trung Quốc, Trung Á và tới Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế trước đây, quốc gia này cũng từng hứng chịu những trận động đất gây thương vong hàng nghìn người.

Thế nhưng, các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ lại thường được xây bằng gạch, không có cốt thép, với khung bê tông thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh. Hình ảnh trên truyền thông và báo chí cũng cho thấy nhiều tòa nhà cao tầng sụp đổ hoàn toàn, trở thành đống đổ nát chôn vùi nhiều người bên dưới.

alt
Nguồn: CNBC

Một yếu tố nữa được đề cập khiến thương vong cao là thảm họa xảy ra vào sáng sớm. Đây là lúc đa số người dân đang ngủ, họ không kịp ứng phó hay thoát thân và mắc kẹt trong đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu.

Thời điểm xảy ra động đất, khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang đón những cơn bão tuyết với nhiệt độ xuống dưới -6 độ C. Việc tiếp cận, giải cứu cũng như sơ cứu các nạn nhân vì thế càng trở nên khó khăn hơn.

3. Bên cạnh thiệt hại về người, còn những thiệt hại gì khác sau động đất?

Không chỉ thiệt hại nặng nề về người, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng sẽ phải gánh chịu rất nhiều những thiệt hại nặng nề khác. Chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan Quản lý khẩn cấp và Thảm họa của nước này cho biết ít nhất 5.606 tòa nhà đã bị sập. UNICEF cho biết tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở Syria.

Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ lập tức lao dốc sau thảm hoạ, đồng lira của nước này cũng chạm mức thấp kỷ lục trong phiên hôm qua. Hơn nữa, với những dữ liệu dư chấn ban đầu cho thấy trận động đất có chiều dài đứt gãy hơn 300km. Chiều dài này đủ làm cho nhiều làng mạc, thị trấn bị phá hủy, hệ thống cơ sở hạ tầng như khí đốt, điện, đường ống dẫn nước sẽ bị gián đoạn.

Đặc biệt, các công trình cổ xưa của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị hư hại nặng nề. Lâu đài Gaziantep, một di tích lịch sử được UNESCO công nhận và là điểm tham quan hút khách ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sụp đổ. Mái vòm và tường phía đông của nhà thờ Hồi giáo Şirvani, được cho là có lịch sử từ thế kỷ 17, nằm cạnh lâu đài, cũng bị hư hại.

Mặc dù thiệt hại về kinh tế vẫn chưa được thống kê, nhưng cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1-10 tỷ USD, tương đương 2% GDP.

alt
Nguồn: Dailysabah

Tại Syria, hơn một thập kỷ xung đột và nhiều năm cấm vận kinh tế đã tàn phá nền kinh tế cũng như khả năng ứng phó thảm họa quy mô lớn của nước này. Chính vì thế, khi đối mặt với thảm hoạ lần này họ gần như kiệt quệ.

Giới chức khu vực xảy ra thảm họa ở Syria đã cắt nguồn cung điện và khí đốt trên toàn khu vực để đề phòng, đồng thời đóng cửa trường học trong hai tuần.

4. Những hoạt động cứu trợ nào đang được triển khai?

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc xác nhận, các đội ứng phó khẩn cấp của Văn phòng Đánh giá thảm họa và điều phối (UNDAC), Nhóm Cố vấn tìm kiếm và cứu hộ quốc tế (INSARAG), Nhóm Khẩn cấp y tế (EMT) của Tổ chức Y tế thế giới đang được huy động tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác ứng phó nhân đạo.

Trước đó, ít nhất 300.000 chiếc chăn, 24.712 giường và 19.722 lều đã được chuyển tới các khu vực chịu ảnh hưởng của động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Để cung cấp dịch vụ hỗ trợ "tâm lý xã hội" cho những người bị ảnh hưởng, 765 nhân viên và 50 phương tiện đã được triển khai tới các khu vực xảy ra động đất.

Hơn 10 nhóm tìm kiếm và cứu nạn của Liên minh châu Âu đã được triển khai tới hỗ trợ quốc gia bị thiệt hại trong trận động đất này. Hệ thống vệ tinh Copernicus cũng được kích hoạt để cung cấp dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp. Các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Jordan,.. cũng đang huy động các đội tìm kiếm, cứu hộ đến các quốc gia chịu ảnh hưởng từ thảm hoạ này.

Nhân viên y tế và thiết bị khẩn cấp từ cơ quan Trăng lưỡi liềm Đỏ sẽ được vận chuyển trên máy bay cứu trợ khẩn cấp từ một căn cứ không quân quân sự gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq đến Syria để hỗ trợ các nạn nhân.

Đặc biệt, Thủ tướng Israel cho biết ông cũng đã chấp thuận yêu cầu viện trợ nhân đạo cho Syria. Israel và Syria không thiết lập quan hệ ngoại giao và đã trải qua nhiều cuộc xung đột.

5. Những việc phải làm sau thảm họa thiên nhiên là gì?

Nhìn lại lịch sử thảm họa thiên nhiên về động đất hay thảm họa kép trên thế giới, chúng ta đã có rất nhiều bài học vê khắc phục hậu quả và phòng chống. Đầu tiên, phải chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu động đất lớn. Đây là việc cực kỳ quan trọng.

alt
Nguồn: The National

Nhật Bản sau động đất mạnh năm 1978 đã tập trung xây dựng các công trình công cộng có khả năng chống chịu động đất mạnh. Trên thực tế, thảm họa năm 2011 ở quốc gia này đã xảy ra ở quy mô lớn ngoài sức tưởng tượng, nhưng thiệt hại do nó gây ra đã được giảm thiểu tối đa. Đây là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ phải hướng đến sau khi khắc phục được thiệt hại.

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cũng cần sự đồng lòng của người dân khi tham gia cứu nạn. Năng lực của chính quyền có hạn, trong khi thiên tai ngày càng khó lường. Các nước cần thiết lập các cơ sở cứu nạn kết hợp giữa tự lực và tương trợ lẫn nhau.

Cuối cùng, quan trọng nhất là việc đào tạo kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân. Sau các thảm họa thiên nhiên, Nhật Bản đã rất chú trọng tới việc xây dựng kỹ năng phòng chống thiên tai cho mỗi cá nhân. Đó sẽ là bài học cần áp dụng cho mỗi quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.