Lụt từ Đông sang Tây: Vì sao năm nay mưa bão, lũ lụt nhiều? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Lụt từ Đông sang Tây: Vì sao năm nay mưa bão, lũ lụt nhiều?

Nếu ở Việt Nam, miền Trung đang gồng mình chống chọi lại hậu quả của cơn bão số 6 thì ở Tây Ban Nha, một trận lũ quét đã khiến cả thành phố Chiva tan hoang trong bùn đất.
Lụt từ Đông sang Tây: Vì sao năm nay mưa bão, lũ lụt nhiều?

Nhóm cứu trợ đang tiếp cận khu vực bị cô lập ở huyện Hướng Hóa (Quảng Bình). | Nguồn: VnExpress

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Cơn bão số 6 (bão Trà Mi) đã đổ bộ miền Trung Việt Nam hôm 27/10. Dù vậy cho đến hiện tại, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, nhiều tỉnh thành ở khu vực này vẫn đang phải đối mặt với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Cụ thể, lượng mưa lớn từ tối ngày 4/11 khiến gần 300 xã ở Bắc Trung Bộ đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Tại Đà Nẵng, mưa lớn diễn ra liên tiếp trong 6 giờ từ 1:00 đến 7:00 sáng 5/11. Một số địa điểm có lượng mưa đạt trên 200mm, khiến nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học.

06nov2024anhchupmanhinh20241105l727551221730777430jpg
Bản đồ các khu vực có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất ngày 5/11. | Nguồn: Thông tin Chính Phủ

Còn theo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc nhiều huyện tại Quảng Bình, tỉnh đã ghi nhận 12 người thiệt mạng, 7 người bị thương, 5 tàu chìm và hơn 34.000 nhà dân bị ngập. Nhiều bản làng miền núi tại Quảng Bình hiện vẫn bị chia cắt, do nước lũ lên cao gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

Nhiều tỉnh thành ở Nam Trung Bộ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt các vùng trũng ở Bình Định và Đồng Nai. Đáng chú ý có thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), dù nằm ở độ cao 1000m so với mực nước biển vẫn có nhiều tuyến phố bị ngập và sạt lở. Cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, mưa lớn và nguy cơ lũ quét ở miền Trung có thể kéo dài cho đến ngày 9/11.

2. Còn những nơi nào trên thế giới đang bị lũ?

Ngoài Việt Nam, một số khu vực tại châu Âu cũng đang chịu ảnh hưởng nặng của lũ quét và sạt lở đất. Đặc biệt ngày 29/10, vùng Valencia (Tây Ban Nha) vừa trải qua trận lũ quét lịch sử với lượng mưa tương đương một năm trút xuống chỉ trong 8 giờ đồng hồ.

Tính đến hiện tại, trận lũ đã khiến hơn 200 người chết, nhiều xe cộ bị cuốn trôi và làm trật bánh một đoàn tàu cao tốc chở hơn 300 hành khách, khiến đường tàu giữa Valencia và thủ đô Madrid bị gián đoạn. Mưa lũ cũng nhấn chìm đất canh tác ở khu vực sản xuất 2/3 sản lượng cam quýt ở Tây Ban Nha. Đây là trận lũ gây chết người nhiều nhất tại Tây Ban Nha tính từ năm 1973.

06nov2024ap243043405380221730339775jpg
Cảnh tan hoang sau đợt lũ quét ngày 29/10 ở thành phố Chiva (Tây Ban Nha). | Nguồn: VnExpress

Theo cơ quan khí tượng Tây Ban Nha, hiện tượng DANA (áp thấp biệt lập ở độ cao lớn) là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa lũ lụt ở Tây Ban Nha lần này. Nó xảy ra khi một khối khí ấm gặp lạnh ở độ cao khoảng 9000m, làm không khí lạnh bị “mắc kẹt”, hơi nước đọng lại gây mưa lớn dồn dập.

Vùng biển ấm nóng chính là “nguồn cung cấp nhiên liệu” cho DANA. Theo nhà khí tượng học Mar Gómez, việc biển Địa Trung Hải nóng lên đáng kể trong những năm gần đây gây ảnh hưởng không nhỏ trong đợt bão lũ này. Đặc biệt đây là thời điểm cuối năm, khi các khối khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, mà nước biển Địa Trung Hải vẫn nóng khoảng 22 độ thì những hiện tượng thời tiết cực đoan là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, vào giữa tháng 10, sa mạc lớn nhất thế giới là Sahara đã bị… ngập lụt sau nhiều thập kỷ. Errachidia, một thành phố thuộc Morocco ở phía tây sa mạc, đã ghi nhận lượng mưa lên tới gần 100mm từ ngày 14-16/10. Con số này nhiều gấp 4 lần lượng mưa một tháng, và tương đương lượng mưa một năm tại khu vực này.

3. Vì sao năm nay lại mưa nhiều như vậy?

Từ đầu tháng 9 đến nay, mưa bão, lũ quét và các thảm họa liên quan dường như xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới với tần suất dày đặc hơn trước đây. Tuy nhiên điều này thực ra không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia khí tượng.

Theo một báo cáo từ tháng 2/2024 của Trung tâm Dự báo Khí hậu trực thuộc Cơ quan khí tượng Hoa Kỳ (CPC), sau khi El Nino và ENSO (thời tiết trung tính) kết thúc vào tháng 6, hiện tượng La Nina sẽ “chiếm lĩnh” khí hậu toàn cầu vào nửa cuối năm 2024. Theo đó, các khu vực cận xích đạo như Đông Nam Á, Nam Á, Australia và khu vực Caribbean sẽ gặp lượng mưa lớn.

06nov2024ap24281375236981jpg
Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, sa mạc Sahara bị… lũ lụt. | Nguồn: CNN

Điều này là tương đối bình thường, xảy ra thường xuyên qua các năm. Tuy nhiên riêng với 2024, điểm khác biệt khiến tần suất mưa bão và thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn là các xoáy thuận nhiệt đới, xảy ra do nhiệt độ trung bình của nước biển ấm lên.

Dựa trên báo cáo của CPC, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã dự báo từ giữa tháng 4/2024 rằng, Biển Đông sẽ xuất hiện số lượng áp thấp/bão nhiệt đới nhiều hơn so với năm 2023, tập trung vào nửa cuối mùa bão (tháng 9-11). Riêng với khu vực miền Trung, số lượng xoáy thuận nhiệt đới có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.