Đừng vội chọn phe khi thấy dư luận dậy sóng! | Vietcetera
Billboard banner

Đừng vội chọn phe khi thấy dư luận dậy sóng!

Thấy người ta “bóc phốt” nhau? Bình tĩnh nhé, đừng vội chọn phe!
Đừng vội chọn phe khi thấy dư luận dậy sóng!

Phong trào mạng nào cũng nhân danh chính nghĩa, nhưng số người bị phe chính nghĩa xử oan không phải là nhỏ. | Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Dư luận xã hội không phải là điều xấu

Lên tiếng tập thể trên mạng xã hội là một trong những cách hiệu quả nhất để thể hiện quan điểm của người dân đối với các vấn đề vĩ mô. Các nhà chuyên môn gọi sự lên tiếng tập thể này là dư luận xã hội (public opinion).

Nhà triết học Pháp Michel de Montagne đã đưa ra khái niệm dư luận xã hội từ năm 1588. Sự phát triển của khái niệm này trong lịch sử triết học có công lớn của những bộ óc vĩ đại như Jean-Jacques Rousseau và John Locke.

Dư luận xã hội sẽ gây áp lực đối với nhóm có địa vị xã hội, có khả năng đưa ra những quyết định liên đới tới biến đổi khí hậu, nghèo đói toàn cầu, bạo lực giới, và nhiều mối đe dọa mà trước đây các nhà cầm quyền không mấy để ý.

Cộng hưởng với mong muốn thay đổi xã hội trong lòng dân chúng, tất cả đã mở đường cho nhiều phong trào dân quyền trên thế giới. Quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội liên tục được cải thiện nhờ áp lực dư luận.

Lên tiếng tập thể trên mạng xã hội là một trong những cách hiệu quả nhất để thể hiện quan điểm của người dân đối với các vấn đề vĩ mô.

Tuy vậy, đây cũng có thể là con dao hai lưỡi

Dư luận xã hội trong vụ việc “6700 người vì 6700 cây xanh” đã kịp thời chỉ ra sai phạm của Sở Xây dựng Hà Nội trong việc thay thế cây xanh đô thị là một thành công. Tuy vậy, nhiều vụ việc lên tiếng tập thể của cư dân mạng Việt Nam lại… đi lạc đường.

Hẳn nhiều bạn còn nhớ vụ việc MC Minh Tiệp (VTV) bị em vợ tố bạo hành suốt 5 năm, nhiều cư dân mạng đã đi tìm công lý bằng cách chửi bới… diễn viên Minh Tiệp, BTV Minh Tiệp của đài VTC, cùng rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác có tên là Minh Tiệp.

Trong vụ việc clip một lái xe taxi bị khách hàng hành hung tàn bạo được đăng lên mạng xã hội, nhiều người đã nhanh trí đi tìm ra tài khoản Facebook cùng số điện thoại được cho là của vị khách hàng kia. Trong đêm, cư dân mạng đã dồn công lực tấn công và sỉ vả thậm tệ vào địa chỉ trôi nổi trên mạng kia. Kết quả, đến sáng hôm sau dư luận mới bàng hoàng nhận ra họ tấn công nhầm người.

Nghiêm trọng hơn, dư luận Việt từng sử dụng những từ ngữ thậm tệ để lăng nhục PGS. TS ngôn ngữ học Bùi Hiền, tác giả của bộ chữ Tiếng Việt cải cách. Nên nhớ, công trình của thầy Bùi Hiền chỉ được công bố trong một hội thảo khoa học kín, toàn bộ chi phí nghiên cứu cũng do PGS tự chi trả.

Nhà khoa học nào cũng có quyền tự do nghiên cứu những gì mình quan tâm. Họ xứng đáng được đánh giá bởi những người có chuyên môn, chứ không phải bị “xử đẹp” trên mạng.

Bị vạ lây bởi vụ chữ tiếng Việt cải cách, GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập trường Thực Nghiệm và chịu trách nhiệm cho bộ sách Công Nghệ Giáo Dục cũng bị cộng đồng mạng thóa mạ với những ngôn từ chẳng hay ho gì. Lý do là bởi, họ đã nhầm lẫn ký hiệu trong sách Công Nghệ Giáo Dục với chữ cải cách.

Phong trào mạng nào cũng nhân danh chính nghĩa, nhưng số người bị phe chính nghĩa xử oan không phải là nhỏ.

Dư luận xã hội cũng có thể là con dao hai lưỡi.

Vậy đâu là những vấn đề của dư luận xã hội ở Việt Nam?

Thiếu năng lực nhận biết tin thật, tin giả

Nhiều trận cãi vã trên internet bỗng trở nên vô nghĩa khi cả hai phe phát hiện ra rằng họ tranh luận và cáo buộc lẫn nhau dựa trên những nguồn tin giả (fake news), chưa có kiểm chứng.

Đơn cử, cộng đồng mạng gần đây đã tranh cãi rất nhiều về vụ việc “bác sĩ Khoa” rút ống thở của người thân để cứu sản phụ. Thông tin này sau đó đã được kiểm chứng là fake news.

Song việc xuất hiện tin giả trong các cuộc tranh luận không tuyệt nhiên biến toàn bộ cộng đồng mạng trở thành “nạn nhân” của fake news. Nhận định “Ai cũng có thể là nạn nhân của tin giả” đối với tôi là thiếu sót, vì điều đó đồng nghĩa rằng ta phải miễn trách nhiệm của những người cố tình sử dụng bằng chứng ngụy tạo để tăng sức nặng cho lập luận của mình.

Tư duy lưỡng cực: “Ta” đối đầu với “Họ”

Khi một số người tự nhận chính mình là đứng về công lý, họ sẽ thuyết phục những người khác rằng ở chiến tuyến đối nghịch chỉ có kẻ xấu. Trong thực tế, ranh giới đúng sai không rõ ràng đến vậy.

Người sai lên tiếng xin lỗi, tức là họ có mầm thiện. Còn người đúng mà sẵn sàng từ bỏ lập luận logic, lăng nhục phẩm giá của cá nhân, thì họ đã đứng về phía xấu xa.

Trong sự vụ “bác sĩ Khoa”, tôi đồng ý với PGS. TS Nguyễn Phương Mai rằng thay thì xúc phạm và trả đũa những người từng chia sẻ thông tin này và đã lên tiếng xin lỗi, thì ta nên hiểu những uẩn ức của cá nhân họ.

Họ đã nhận sai về phía mình. Hơn thế nữa, họ là những nạn nhân thực sự của fake news vì tin rằng trong loạn lạc, vẫn còn người biết hi sinh cho người khác ở ngoài kia.

Trong thực tế, ranh giới đúng sai không rõ ràng đến vậy.

Làm thay nhiệm vụ của cơ quan tư pháp

Trong cơn nóng giận của cộng đồng mạng, nhiều người đã tự biến mình thành thẩm phán online để chắc nịch kết tội người bị “bóc phốt”. Đơn cử như trong vụ việc của MC Minh Tiệp, điều công chúng cần phải làm là gây áp lực để người trong cuộc lên tiếng và các cơ quan chức năng vào cuộc.

Họ đã đi quá xa khi khẳng định tuyệt đối rằng MC này có tội, dù chưa có bất cứ điều tra chuyên môn nào được tổ chức. Hành động kết tội thay tòa như vậy có thể bị coi là vu khống.

Giận cá chém thớt

Trong các vụ việc cộng đồng mạng tấn công một cá nhân cụ thể, nhiều người truy tìm cả tên tuổi và liên lạc của người thân, gia đình, bạn bè và đối tác làm ăn của đối tượng để làm nhục. Họ truy lùng thông tin liên lạc cá nhân của đối tượng để tìm ra những người khác. Thuật ngữ chuyên môn gọi là doxxing.

Doxxing là một hành động cực kỳ nguy hiểm và cần phải lên án. Nó làm ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của những người vô tội, và thậm chí không liên quan gì đối với đối tượng và hành vi bị “bóc phốt”.

Đừng đổ thừa cho tâm lý đám đông, vì lời nói của bạn có trọng lượng!

Trong quá khứ, học thuyết “Tâm lý học đám đông” của Gustave le Bon hay được sử dụng để hạ thấp các hành vi tập thể của người dân. Sau hơn một thế kỷ bị chứng minh là sai lầm do lược đi tính tự chủ của từng người tham gia vào đám đông, lý thuyết này lại được dựng lên để lấy lòng thông cảm đối với những người “bóc phốt” xấu tính.

Sau khi các vụ va chạm trên mạng đã kết thúc, nhiều chuyên gia sẽ quay lại lời phân tích cổ xưa như trái đất rằng cư dân mạng dễ dàng hành động theo bản năng và đánh mất lý trí của mình.

Nhiều nghiên cứu gần đây về dư luận, như Không gian công (public sphere) của Jurgen Habermas hay Hành động tập thể (Collective actions) của Herbert Blumer đã chứng minh điều ngược lại.

Các học giả cho rằng khi tham gia vào đám đông, từng cá thể có sự chủ động tương đối trong việc quyết định hành động của mình. Vì thế, việc đòi hỏi họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điểm họ đã làm sai trong các cuộc cãi vã là hoàn toàn hợp lý.

Lời nói của bạn có trọng lượng hơn bạn tưởng đấy.

Vậy cần phải làm gì trước khi chọn phe?

Trang bị "tư duy phản biện"

Không phải cứ hễ là người nổi tiếng và báo chính thống là sẽ đưa ra quan điểm đúng đắn. Số lượt theo dõi và mác “cơ quan chính thống” không phải là tấm bài vạn năng chứng tỏ một số nguồn tin nổi tiếng luôn đưa tin chính xác.

Đơn cử, VTV từng làm phóng sự sai sự thật “dùng chổi quét rau”, hay nhiều báo chính thống từng đăng ảnh “cống xả thải màu đỏ” được copy đâu đó trên mạng để phê phán Formosa Hà Tĩnh.

Những niềm tin phổ biến được nhiều người ủng hộ không có nghĩa là nó đúng đắn, đối với nhà nghiên cứu dư luận xã hội Elisabeth Noelle-Neumann.

Trong lý thuyết Dòng xoáy của sự im lặng (The spiral of silence), bà chỉ ra rằng truyền thông đại chúng chỉ nêu lên quan điểm của một nhóm rất nhỏ trong xã hội, và bỏ quên nhiều dư luận ngầm khác. Những người im lặng hoặc trái quan điểm đối với “tin hot” trong xã hội không có nghĩa là họ không tồn tại và không có khả năng tác động vào dư luận.

Là người đọc tin thông thái, chúng ta hãy có tư duy phản biện đối với nguồn tin. Đối với những nguồn chính thống hoặc nổi tiếng, hãy quan sát và đối chiếu các sự thật (facts) họ viết ra, nhưng chớ tin quan điểm chủ quan của họ.

Ngoài ra…

Trong một xã hội nhiễu loạn thông tin, hãy biết nói không với tài khoản ảo, không rõ danh tính. Hãy chắc chắn rằng người bạn tranh luận với có đủ khả năng chịu trách nhiệm trước những gì họ nói ra.

Hãy trau dồi khả năng lập luận của mình thông qua các nguyên tắc phê bình.

Và quan trọng hơn cả, hãy nắm rõ quyền hạn và nghĩa vụ của từng cá nhân trước khi tham gia lên tiếng trên mạng xã hội. Đừng vì chút nóng giận bộc phát mà sử dụng sự phi lý và tục tĩu để hạ thấp nhân phẩm của người khác, nếu bạn không muốn người khác làm điều tương tự với mình.

Kết

Dù quan điểm có đối lập nhau đến mấy, thì chúng ta vẫn đang tranh luận với những con người giống mình. Lập luận có thể gay gắt, nhưng hãy công bằng, liêm chính, tôn trọng pháp luật và phẩm giá của nhau.