Những điều LinkedIn không nói với bạn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 03, 2021

Những điều LinkedIn không nói với bạn

Cũng dần giống như Instagram và Facebook, LinkedIn cho bạn cái nhìn không trung thực về thế giới việc làm.
Những điều LinkedIn không nói với bạn

Nguồn: Unsplash

Bạn đã bao giờ lướt LinkedIn và tự nhủ, dường như ai cũng thành công hơn mình? Tôi khá thích công việc của mình, nhưng mà thực sự, cuộc sống của những người trên LinkedIn dường như quá hoàn hảo.

Cũng dần giống như Instagram và Facebook, LinkedIn cho bạn cái nhìn không trung thực về thế giới việc làm. Vậy đâu là những "sắc hồng" được tô quá đậm trên LinkedIn?

1. Không phải ai cũng được onboarding một cách chuyên nghiệp

“Onboarding” là quy trình chào đón nhân viên mới, giúp họ nhanh chóng làm quen, bắt nhịp với công việc. Trên LinkedIn, có lẽ bạn đã từng thấy nhiều ảnh chụp welcome kit long lanh hay những hoạt động chào đón ấn tượng.
Và có thể, những tấm ảnh đó khiến bạn chán cách công ty hiện tại chào đón mình, hay kỳ vọng rồi lại thất vọng khi không được onboard hoành tráng.

Tạo cho nhân viên niềm tự hào là một phần của chiến lược truyền thông nội bộ và thương hiệu nhà tuyển dụng (employer branding) của ngày càng nhiều công ty. Tuy nhiên, cũng tương tự như chuyển đổi số, có công ty đi trước, có công ty mới chuẩn bị lên đường.

Theo một khảo sát của Gallup, công ty tư vấn hàng đầu cho các tổ chức, trên 195.600 nhân viên ở Mỹ thì chỉ có 12% thấy hài lòng với quy trình onboarding của công ty họ đang làm. Điều này có nghĩa là 88% người còn lại không hài lòng, và phần lớn đều không post gì trên LinkedIn!

Chính vì thế, bạn đừng quá thất vọng khi công ty không onboarding hoành tráng. Hãy kiên nhẫn! Khi đã có được sự tin tưởng của công ty, bạn có thể góp ý kiến để giúp công ty bắt kịp cuộc chuyển đổi này.

2. Từ điển những chức danh hoành tráng

Nếu có một tổ chức nào nhiều quản lý, giám đốc, phó chủ tịch hay chủ tịch nhất trên hành tinh này, thì đó có lẽ là LinkedIn.

Đơn giản bởi, trên LinkedIn, bạn có thể tự phong mình với bất kỳ chức danh gì, với bất kỳ công việc kiêm nhiệm gì mà ít người có thể kiếm chứng.

Blind, mạng xã hội công việc mà người dùng được giấu tên đã đưa ra một khảo sát năm 2019 về việc nói dối trong CV và LinkedIn. Kết quả bất ngờ là 10% người trả lời họ có nói dối. Nhiều người trong số này hiện đang làm cho những công ty lớn như SAP, Amazon, Cisco, PayPal hay eBay.

Laura Smith-Proulx, một moderator của LinkedIn hé lộ rằng công việc “Consultant” (Tư vấn viên) là chức danh tự phong nhiều nhất. Laura cho biết 1/3 trong số 1,44 triệu kết quả tìm kiếm từ khóa “Consultant” sẽ đưa bạn đến với những người thực ra đang không làm công việc gì hết.

Ngoài ra, các từ phổ biến sau cũng được cho vào chức danh để thêm phần hoành tráng như: Guru (chuyên gia trong tiếng Sanskrit), Warrior (chiến binh), Sensei (sư phụ theo tiếng Nhật) rồi cả thêm cả tính từ "digital" (nền tảng số) hay “data-driven” (dựa trên số liệu) để thu hút các kết quả tìm kiếm.

Thú vị hơn cả, từ “President” (chủ tịch) cũng là một chức danh tự phong khá phổ biến. Những người chọn chức danh này không hoàn toàn nói dối. Họ có những dự án cá nhân như blog, các câu lạc bộ sở thích...

Một số trong số họ nghĩ rằng tự phong chức chủ tịch cho những dự án kiểu đó thể hiện họ thú vị và hài hước (ai mà tin nghiêm túc cơ chứ). Còn một số khác, ờ thì… nói dối.

Nhiều nhà tuyển dụng, vì thế, chỉ tin vào các chức danh tại các công ty có trang LinkedIn công ty. Trang công ty càng nhiều người follow càng đáng tin cậy. Họ dùng số lượng người follow để đánh giá mức độ tin cậy của một tổ chức hay cá nhân.

Cơ chế này bạn thấy có quen không?

3. Nơi này, không ai được quyền thất nghiệp

Có một sự thật là: trên LinkedIn, ít người nào dám nhận mình đang thất nghiệp cho dù đó là lý do chính vì sao họ dành rất nhiều thời gian trên LinkedIn và chăm chút cho profile của mình.

Tờ Financial Times đưa ra số liệu: số lượng người dùng LinkedIn tăng từ 16 triệu lên 706 triệu trong quý 2/2020 và số lượng post để công khai trong tháng 3/2020 tăng 50%. Những bước nhảy thần kỳ về lượng người dùng vô tình trùng khớp với những đợt khủng hoảng việc làm ở châu Âu và Mỹ do ảnh hưởng của COVID-19. Thế nhưng lạ nhất là, không ai trên LinkedIn đề rằng họ đang không làm việc.

Joshua Waldman, tác giả cuốn “Cẩm nang tìm việc trên mạng xã hội cho người mới bắt đầu” cho rằng: “Nguyên nhân là do hiện tượng kỳ thị người thất nghiệp. Những nhà tuyển dụng luôn muốn tiếp cận những ứng viên vẫn có việc làm hơn các ứng viên đã thất nghiệp”. Trên thực tế, các nghiên cứu còn chứng minh các nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá thấp những ứng viên đã nghỉ việc mặc cho thời gian họ nghỉ việc ngắn đến thế nào (1 tuần hay 1 năm).

Chính vì thế, dù để dấu “Open to work” thì không ai trên LinkedIn để là họ đã nghỉ việc hay đang trong thời gian nghỉ giữa hai công việc. Một số người trong số họ sẽ tích cực đăng nội dung như ảnh sự kiện họ tham gia, quan điểm chuyên môn… Nhờ vậy, họ sẽ tăng tần suất xuất hiện của bản thân trên công cụ tìm kiếm và gây ấn tượng với người tuyển dụng.

4. Đằng sau một biệt đội siêu anh hùng

Chắc bạn chả còn xa lạ với những post khoe về thành tựu công việc và gắn tên các thành viên trong đội vào post đó. Họ hẳn là có một đội ăn ý tuyệt vời, bạn thầm nghĩ và chán nản nghĩ tới đội hình lủng củng và có không ít mâu thuẫn của mình.

Sự thật là, chúng ta có hai sự thật.

Một là, rất có thể đó chỉ là một cái post xã giao và gắn tên nhiều người để post đó có thể lan tỏa mạnh hơn. LinkedIn hoạt động với đúng cơ chế của Facebook: gắn tên ai đó để post hiện ra với connection của người đó.
Hai là, đoạn post ngắn ngủi này chỉ là cái kết viên mãn cho một quá trình nỗ lực, gọi gọn lại những bất đồng đã qua và được điểm trang lấp lánh bằng niềm vui hoàn thành mục tiêu. Nói cách khác, đây không phải chỗ kể tới những mâu thuẫn, bất đồng.

Năm 1965, nhà nghiên cứu tâm lý người Mỹ, Bruce Tuckman, đã đưa một mô hình phát triển nhóm đơn giản với bốn từ: forming (lập nhóm) – storming (va chạm) – norming (thiết lập quy tắc chung) –performing (làm việc hiệu quả).

Bốn bước này là bốn giai đoạn bắt buộc để hình thành một nhóm ăn ý. Nếu thiếu đi bước “storming”, thiếu đi những va chạm, mâu thuẫn thì từng thành viên trong nhóm không thể bộc lộ hết mình và thấu hiểu lẫn nhau. Và quy trình này không diễn ra một lần rồi kết thúc. Ngược lại, quy trình này sẽ diễn đi diễn lại, nhất là khi có người mới, nhiệm vụ mới hay tình hình mới.

Những người ca ngợi đội nhóm của mình trên LinkedIn không nói dối. Họ chỉ cho bạn thấy kết quả của một quá trình mà họ đã đi qua. Việc đội của bạn còn có “storming” là hoàn toàn bình thường. Hãy nghĩ đó là một bước không thể bỏ qua của quy trình thành lập nhóm.

Dù cố gắng khuyên mình đừng so sánh, bạn chắc không ít lần bị chạnh lòng, thậm chí bế tắc khi nhìn thành công của người khác trên LinkedIn: của những người bạn cùng lớp không giỏi bằng bạn, hay của những đồng nghiệp bạn biết không hề chăm chỉ.

Đừng lấy những điều trên LinkedIn hay chính bài viết này làm lý do cho bạn ngừng cố gắng. Đúng là hiện giờ, không phải ai trên LinkedIn cũng thành công hơn bạn. Nhưng nếu bạn dừng lại để lo âu, bế tắc hay bỏ cuộc thì cũng chả lâu lắm đâu, ai ai cũng thành công hơn bạn!