Trong cuộc sống, đôi khi bạn nhìn lại các mối quan hệ và tự hỏi điều gì khiến chúng dần trở nên xa cách. Các cuộc trò chuyện trở nên thưa dần và cả hai đánh mất kết nối với người còn lại. Đây chính là dấu hiệu đầu tiên của xa cách cảm xúc (emotional distance). Nếu không được giải quyết, hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của mối quan hệ.
Xa cách cảm xúc là gì?
Theo chuyên gia tâm lý Lori Glass, hiện tượng này xảy ra khi một cá nhân mất khả năng gắn kết với cảm xúc của mình và người khác. Nó thường thể hiện ở kỹ năng lắng nghe thấp, khó khăn trong thể hiện cảm xúc và thiếu tự trọng. Ở mức độ nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống xã hội và sự phát triển của người đó.
Xa cách cảm xúc thường là hệ quả của một quá trình mâu thuẫn về cảm xúc, nhu cầu và sự thấu hiểu giữa hai người. Nó cũng có thể là phản ứng tạm thời của tâm trí trước căng thẳng. Nhưng khi tình trạng này kéo dài, những ảnh hưởng tiêu cực có thể khiến bạn kiệt sức. Một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này bao gồm:
Gây hấn thụ động khi tâm trạng không tốt
Gây hấn thụ động là hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, nhằm công kích người khác mà không để người đó nhận thấy. Trong một số trường hợp, người gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc có thể vô tình gây hấn thụ động lên người khác. “Giận cá chém thớt” là một ví dụ điển hình.
Khi những điều tiêu cực bị đè nén trong thời gian dài, bạn có xu hướng “xả” chúng lên những người xung quanh. Điều này khiến các mối quan hệ trở nên xa cách vì đối phương có thể bị tổn thương và cảm thấy không được tôn trọng.
Mâu thuẫn tồn đọng chưa được giải quyết
Mâu thuẫn là điều bình thường trong một mối quan hệ. Nhưng khi nó không được giải quyết triệt để, bạn dễ gắn hình ảnh đối phương với cuộc cãi vã đó và yếu tố gây ra mâu thuẫn. Những đặc điểm tiêu cực này có thể khiến cảm xúc thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Do ảnh hưởng từ hiệu ứng đà điểu, một hoặc cả hai người không muốn giải quyết triệt để mâu thuẫn do. Về lâu dài, nó trở thành “con voi trước mặt” khiến cả hai ngày một xa cách.
Căng thẳng trong cuộc sống
Một tình huống căng thẳng có thể khiến chúng ta “phớt lờ” mọi khía cạnh khác trong cuộc sống. Chẳng hạn, những vấn đề trong công việc có thể tác động đến đời sống cá nhân bằng cách khiến bạn lo lắng 24/7 về nó, ngay cả khi giờ làm việc đã kết thúc.
Hệ quả là bạn không thể để tâm đến các nhu cầu khác của chính mình và đối phương, từ đó giảm khả năng thấu cảm. Khi không có sự thấu hiểu lẫn nhau, một cặp đôi sẽ dần xa cách về mặt cảm xúc và đứng bên bờ vực chia tay. Điều này cũng có thể xảy ra trong các mối quan hệ khác của bạn, đặc biệt với những người thân trong gia đình.
Thiếu vắng không gian cá nhân
Dù là bạn bè, cặp đôi hay vợ chồng, một yếu tố quan trọng giúp mối quan hệ bền lâu là mỗi người có thể dành thời gian riêng cho chính mình. Đây chính là không gian cá nhân, cuộc sống riêng tư và sự tự do của mỗi người. Đây là lúc mỗi người có thể dành thời gian đầu tư cho bản thân, làm việc mình yêu thích, và là tiền đề để xây dựng sự gắn bó lành mạnh.
Khi không gian cá nhân không đủ hoặc không được tôn trọng, nó sẽ khiến cả hai bị bức bối. Điều này khiến đôi bên dễ trở nên bất mãn về người còn lại, và gây hấn thụ động nhằm khiến đối phương chú ý tới nhu cầu của mình.
Không dành thời gian vun đắp mối quan hệ
Trong một mối quan hệ, việc giao tiếp đúng cách giúp gỡ bỏ những nút thắt quan trọng. Vì vậy khi không dành đủ thời gian để giao tiếp, cả hai sẽ gặp khó khăn khi thấu hiểu cảm xúc của nhau. Sự mâu thuẫn này dẫn đến cảm giác “lười" chia sẻ, vì cho rằng có nói thì đối phương cũng sẽ không hiểu mình. Đây chính là yếu tố đẩy cả hai ngày một xa nhau.
Điều này cũng tương tự việc dành thời gian cho nhau để xây dựng mối quan hệ. Để thấu hiểu và phát triển tình cảm, mỗi người cần dành thời gian đóng góp cho những hoạt động chung và chất lượng với nhau. Nếu không có nỗ lực này, đôi bên đều cảm thấy không được trân trọng.
Bảo mình ổn dù thực tế không ổn
Đôi lúc, bạn cảm thấy không muốn chia sẻ với đối phương về những gì bản thân đang trải qua. Bạn sợ đối phương phải bận tâm về mình, hoặc bạn biết đây không phải vấn đề họ có thể giải quyết. Trong một số trường hợp, điều này xuất phát từ sự thiếu niềm tin dành cho đối phương.
Dù ở trong hoàn cảnh nào, việc nói dối về tình trạng và cảm xúc sẽ khép lại cánh cửa giúp bạn mở lòng với đối phương. Khi bạn luôn nhận định mình ổn, người còn lại không thật sự hiểu được vấn đề bạn đang gặp phải.
Vì vậy, họ có thể không cho bạn thời gian riêng hoặc hiểu nhầm rằng bạn đang ngó lơ họ. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn độc hại, khiến bạn ngày một thu mình, họ ngày một hiểu lầm và mối quan hệ ngày một xa cách.
Cần làm gì để hạn chế xa cách cảm xúc?
Vậy là chúng ta đã bước đầu hiểu các yếu tố rủi ro dẫn đến xa cách cảm xúc. Để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của nó, bạn và người ấy có thể thử các cách sau:
Dành cho nhau không gian riêng khi cần
Trong mối quan hệ, đây là điều giúp cân bằng thời gian bên nhau và thời gian mỗi bên dành cho bản thân. Khi cần có không gian riêng, bạn nên thẳng thắn trao đổi với đối phương để cả hai cùng hiểu mong muốn của nhau. Từ đó, việc kết nối với chính mình và kết nối lẫn nhau sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thường xuyên dành thời gian chất lượng bên nhau
Mỗi tuần, hai bạn nên dành một khoảng thời gian cố định ở bên nhau. Và để khoảng thời gian này thực sự chất lượng, nên hạn chế tối đa việc sử dụng công nghệ và ưu tiên những hoạt động có tính tương tác cao. Cách này giúp hai bạn bớt xao nhãng bởi yếu tố bên ngoài và tập trung vào nhau nhiều hơn.
Cùng thử nhiều hoạt động khác nhau
Một buổi tối cùng xem phim hoặc đi ăn là cách nhiều cặp đôi dành thời gian chất lượng bên nhau. Nhưng nếu lặp lại quá thường xuyên, nó sẽ nhanh chóng gây nhàm chán. Ngoài ra, những hoạt động này có tính thử thách không quá cao, vì vậy hai bạn hiếm khi nhìn thấy những khía cạnh khác của nhau.
Để hiểu hơn về đối phương, hai bạn thử mạnh dạn tham gia các hoạt động mới mà chưa ai từng làm trước đây. Leo núi, cắm trại, tham gia workshop về hội họa, nấu ăn hay làm nến đều là những gợi ý hay. Đây cũng là cách rất tốt giúp cả hai “làm mới” bản thân và mối quan hệ.
Điều này đúng kể cả khi hai bạn yêu xa và chỉ có thể kết nối qua màn ảnh. Với trường hợp này, các bạn có thể thử một trò chơi mới hoặc đọc một cuốn sách mới mỗi tuần.
Thẳng thắn trao đổi vấn đề của bản thân mình
Việc thẳng thắn nói về các vấn đề, cảm xúc và suy nghĩ của mình là tiền đề xây dựng lòng tin cho mọi mối quan hệ. Khi cởi mở hơn trong việc chia sẻ, bạn cho đối phương thấy họ là người đáng tin cậy. Từ đó họ cũng sẽ chủ động chia sẻ, giúp hai bạn hiểu nhau hơn, thậm chí cùng hợp tác để giải quyết một số vấn đề.
Điều này đặc biệt quan trọng với các cặp yêu xa. Khi không thể ở bên đối phương, việc cập nhật tình hình, chia sẻ cảm xúc và các vấn đề là phương pháp hiệu quả giúp hai bạn dù xa mặt nhưng không cách lòng.