Không gian cá nhân khi yêu: Bao nhiêu là đủ? | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 11, 2021
Cuộc SốngThương

Không gian cá nhân khi yêu: Bao nhiêu là đủ?

Vì sao chúng ta nên học cách trao cho đối phương không gian cá nhân phù hợp?
Không gian cá nhân khi yêu: Bao nhiêu là đủ?

Nguồn: Pexels

Khi mới yêu một ai đó, có lúc chúng ta muốn nhắn tin, gọi điện và ở cạnh họ cả ngày. Tuy nhiên, tình yêu, giống như những mối quan hệ khác, cũng cần những “khoảng thở” để cả hai dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, đồng thời cân bằng lại mối quan hệ. Nói cách khác, tình yêu cần một thứ gia vị có tên không gian cá nhân (personal space).

Không gian cá nhân trong một mối quan hệ là gì?

Trong một mối quan hệ, không gian cá nhân là cuộc sống riêng tư, sự tự do của mỗi người. Họ có thể theo đuổi sở thích, thực hiện các hoạt động bên ngoài mà không bị tác động bởi nửa kia.

Không gian cá nhân là một phần của ranh giới cá nhân (personal boundary). Ranh giới cá nhân bao gồm những giới hạn về cơ thể, cảm xúc, tinh thần mà chúng ta đặt ra để bảo vệ bản thân. Chúng ta cũng mong đối phương hiểu và tôn trọng ranh giới đó.

Ví dụ, bạn muốn dành ít nhất 20 phút mỗi ngày để thiền và muốn vợ/chồng của mình không làm phiền bạn trong khoảng thời gian này.

Nhà tâm lý học Terri Orbuch, tác giả của cuốn sách Finding Love Again: 6 Simple Steps to a New and Happy Relationship, nhận định, việc có đủ không gian riêng tư trong một mối quan hệ còn quan trọng hơn cả sự hòa hợp về tình dục.

titleTrong một mối quan hệ khocircng gian caacute nhacircn lagrave cuộc sống riecircng tư sự tự do của mỗi người Nguồn Pexels
Trong một mối quan hệ, không gian cá nhân là cuộc sống riêng tư, sự tự do của mỗi người | Nguồn: Pexels

Tại sao chúng ta cần không gian cá nhân?

Để cả hai đầu tư nhiều hơn cho bản thân

Terri Orbuch từng tiến hành thí nghiệm trên 373 cặp đôi trong 25 năm. Gần 30% các cặp đôi than phiền rằng họ không có đủ sự riêng tư hay thời gian cho bản thân khi yêu.

Nhà tâm lý học nhận định, mỗi người đều cần thời gian riêng để tận hưởng cuộc sống mà không cần 24/7 lo lắng về nửa kia. Quỹ không gian cá nhân này thay đổi tùy thuộc vào giới tính, tính cách và thói quen trong cuộc sống. Ví dụ, người hướng nội thường cảm thấy được “sạc pin” khi ở một mình, trong khi người hướng ngoại lại được truyền năng lượng nhờ giao tiếp với người khác.

Để xây dựng sự gắn bó lành mạnh

Một trong những điều ảnh hưởng đến nhu cầu về không gian cá nhân là phong cách gắn bó của một người.

Nếu lớn lên mà thiếu sự chăm sóc và tình yêu của cha mẹ, họ có thể hình kiểu gắn bó né tránh - lo âu. Với nhóm người này, hai biểu hiện thường gặp trong tình yêu là: hoặc cần rất nhiều không gian cá nhân và ngại sự thân mật; hoặc luôn muốn bạn đời bên cạnh mình. Ngược lại, nếu thuộc kiểu gắn bó an toàn, họ biết cách trao cho đối phương không gian cá nhân thích hợp.

Sự gắn bó lành mạnh nên là sự gắn bó mà cả hai không quá phụ thuộc vào nhau. Khi yêu, bạn vẫn là chính bạn chứ không cần cố gắng trở thành một ai khác.

titleTrong một mối quan hệ khocircng gian caacute nhacircn lagrave cuộc sống riecircng tư sự tự do của mỗi người Nguồn Unsplash
Sự gắn bó lành mạnh nên là sự gắn bó mà cả hai không quá phụ thuộc vào nhau | Nguồn: Pexels

Để sự thân mật phát triển theo cách mới

Đối với những người yêu xa, họ coi khoảng cách là một thử thách nên có xu hướng đầu tư nhiều hơn cho tình yêu.

Sau khi quan sát 63 cặp đôi yêu xa, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Cornell nhận ra họ cảm thấy gắn bó nhiều hơn những cặp thường xuyên chạm mặt. Mặc dù không tương tác thường xuyên, nhưng mỗi lần gặp qua video call, họ nói chuyện rất lâu, và thường chia sẻ những vấn đề sâu sắc. Điều này đẩy sự thân mật lên một mức độ mới.

Khoảng cách khi yêu cũng khuyến khích tính sáng tạo. Ví dụ, họ có thể bất ngờ gửi những món quà nhỏ cho đối phương, điều mà họ hiếm khi làm khi sống cùng nhau. Một số duy trì đời sống tình dục bằng cách sexting, hoặc sử dụng đồ chơi tình dục từ xa.

Làm sao để cho nhau không gian riêng nhưng không xa cách?

Đón nhận yêu cầu của đối phương một cách tích cực

Một ngày, người yêu của bạn muốn có không gian riêng, họ đề nghị muốn đi du lịch một mình. Bạn có thể hơi bất ngờ, vì trước giờ cả hai đi đâu xa đều có nhau. Thay vì tỏ ra bối rối, bạn nên nhẹ nhàng hỏi về nguyện vọng của đối phương, lý do họ muốn đi một mình, và thử đề nghị xem bạn có thể giúp gì không.

Nếu cả hai đang có những dấu hiệu bị phụ thuộc lẫn nhau, hãy đón nhận điều này như một cơ hội để bạn và người đó nuôi dưỡng tính độc lập.

titleĐoacuten nhận yecircu cầu của đối phương một caacutech tiacutech cực Nguồn Unsplash
Việc để đối phương có thời gian một mình cũng là một cách để chữa lành mối quan hệ | Nguồn: Unsplash

Hạn chế nhắn tin, gọi điện

Khi đồng ý trao cho ai đó không gian cá nhân, bạn cũng cần học cách tôn trọng thời gian online của họ. Bạn không cần nhắn tin, gọi điện cho họ quá thường xuyên. Cả hai có thể thống nhất thời gian chung để video call mà không gián đoạn lịch sinh hoạt của nhau.

Thay vì nhắn tin liên tục như thuở mới yêu, đôi khi bạn chỉ cần để lại vài lời nhắn “Chúc ngày mới nhiều năng lượng” để nhắc nhở đối phương rằng bạn vẫn quan tâm và nghĩ về họ.

Thiết lập “vòng an toàn”

Nếu bạn đang yêu một người muốn can thiệp vào hoạt động trên mạng của bạn, hãy thẳng thắn chia sẻ với họ về những điều bạn cảm thấy không thoải mái. Chẳng hạn như bạn không muốn họ truy cập Facebook, Instagram của bạn.

Ngoài ra, họ có thể muốn biết nhiều hơn về mối quan hệ khác (bạn bè, người yêu cũ), hay bí mật đời tư của bạn. Có nhiều cặp đôi không ngần ngại chia sẻ mọi suy nghĩ với nhau, nhưng cũng có người chỉ muốn chia sẻ những gì quan trọng nhất, đặc biệt khi mối quan hệ còn trong giai đoạn đầu.

Nếu bạn rơi vào trường hợp thứ hai, thiết lập vòng an toàn cũng là một cách để biết người kia tôn trọng bạn đến đâu.

Kết nối với bản thân đúng cách

Thời điểm lập gia đình, bạn sẽ có nhiều mối bận tâm hơn, quỹ thời gian dành cho bản thân ít nhiều bị thu hẹp. Nhưng nuôi dưỡng các mối quan hệ với chính bản thân cũng quan trọng tương đương với việc nuôi dưỡng mối quan hệ với bạn đời.

Trong những lúc mất kết nối với bản thân, bạn có thể thử làm một gì đó mới: học thêm kỹ năng ngoại ngữ, đi du lịch một mình, học một khóa nhảy. Hoặc đôi khi, bạn chẳng cần làm gì nhiều, chỉ cần ngồi xuống và thiền yêu thương.

Nhưng đừng nhầm lẫn giữa không gian cá nhân và sự trốn tránh

Mặc dù dành thời gian một mình là hoạt động lành mạnh, nhưng nhà trị liệu Jenni Skyler lưu ý, có sự khác biệt nhất định giữa việc dành thời gian để kết nối với bản thân và dành thời gian để “chạy trốn”. Có lúc, chúng ta sợ cảm giác thân mật quá mức với ai đó nên mới sử dụng không gian cá nhân như một cơ chế phòng vệ.

Hãy tự hỏi bản thân, liệu bạn có đang quá lệ thuộc vào không gian cá nhân? Bạn có thuộc kiểu gắn bó né tránh - lo âu? Bạn muốn ở một mình vì bạn sợ cảm giác thân mật? Nếu cảm thấy cần nhiều thời gian xa nhau hơn là thời gian bên nhau, đã đến lúc để cả hai cần nhìn nhận lại mối quan hệ.

titleĐừng nhầm lẫn giữa thời gian để kết nối vagrave thời gian để ldquochạy trốnrdquo
Đừng nhầm lẫn giữa thời gian để kết nối và thời gian để “chạy trốn”

Kết

Mọi người đều có những kỳ vọng khác nhau về không gian cá nhân khi yêu. Có người thích dành thời gian đi chơi với bạn bè vào tối thứ Bảy hằng tuần. Có người muốn tập trung vào công việc trong buổi sáng và dành thời gian cho người yêu vào buổi tối. Có người chỉ cần không gian cá nhân khi mối quan hệ đang có dấu hiệu không ổn.

Hãy nói chuyện và trao đổi để hiểu về nhu cầu của đối phương, điều này giúp cả hai học được cách chấp nhận, thỏa hiệp và tôn trọng lẫn nhau.