Hiệu ứng đà điểu - Khi không thể đối mặt với sự thật đắng lòng | Vietcetera
Billboard banner
12 Thg 01, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Hiệu ứng đà điểu - Khi không thể đối mặt với sự thật đắng lòng

Tâm lý né tránh những điều tiêu cực, rủi ro là thứ mà nhiều người chúng ta mắc phải. Hiệu ứng đà điểu sẽ lý giải nguyên nhân của nỗi sợ này.
Hiệu ứng đà điểu - Khi không thể đối mặt với sự thật đắng lòng

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Đón nhận thông tin tiêu cực là điều ai cũng phải trải qua trong đời, song không phải lúc nào ta cũng sẵn sàng tâm lý để làm điều đó.

Có những hôm bạn chẳng muốn coi tin nhắn từ sếp bởi cảm thấy có nguy cơ bị “dội ngược”. Một lần khác, bạn cố trì hoãn lên lịch hẹn với một khách hàng mà trông có vẻ khó tính. Hay có thể bạn đã từng rất ngại ngùng khi ngỏ lời đề nghị với ai, vì sợ bị từ chối.

Hay vào thời điểm “năm hết Tết đến”, có lắm điều mà ta ước giá như mình có thể trốn chạy. Từ những câu hỏi khó của họ hàng, số tiền phải chi để mua sắm quà cáp, lì xì các cháu, đến "núi" deadline buộc phải trả trước Tết. Thế là mỗi lần nghe ai đó nói về Tết, ta lại tảng lờ hoặc cố gắng đổi chủ đề.

Người ta gọi đây là hiệu ứng đà điểu (ostrich effect).

Hiệu ứng đà điểu là gì?

Hiệu ứng đà điểu là một dạng thiên kiến nhận thức, khi con người né tránh thay vì đối mặt với thông tin tiêu cực. Tên gọi “hiệu ứng đà điểu” được lấy cảm hứng từ một quan niệm cũ rằng đà điểu vùi đầu vào cát để trốn kẻ thù.

Nguồn gốc và bối cảnh sử dụng ban đầu của hiệu ứng đà điểu đến từ lĩnh vực kinh tế học hành vi. Vào năm 2006, hai nhà kinh tế học người Israel là Dan Galai và Orly Sade đưa ra tên gọi “hiệu ứng đà điểu” để mô tả việc các nhà đầu tư né tránh các rủi ro tiềm ẩn bằng cách vờ rằng chúng không tồn tại.

Vì đâu mà chúng ta trải qua hiệu ứng đà điểu?

Nhạy cảm với những mất mát

Mất mát thường luôn đi kèm với nỗi buồn và tiêu hao nhiều sức lực để vượt qua, do đó chúng ta dễ mang tâm lý lo ngại mất mát (loss aversion). Người mang tâm lý này nhìn nhận nỗi đau mất mát lớn gấp đôi niềm vui gặt hái được. Nó khiến họ chỉ tập trung vào những gì mất đi thay vì xem xét đến cả những điểm có lợi.

Nỗi lo này còn có một biến thể là “lo ngại mất mát trước mắt” (myopic loss aversion). Trong kinh tế, lo ngại này xảy ra khi mọi người không thấy được lợi nhuận dài hạn mà chỉ tập trung vào các khoản lỗ ngắn hạn.

Con người nhìn chung luôn nhạy cảm với những mất mát.

Ví dụ, các nhà đầu tư thường ít đầu tư vào các tài sản mang nhiều rủi ro hơn, vì họ sợ bị thua lỗ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này có thể khiến họ lỗ trong dài hạn, vì các khoản đầu tư rủi ro hơn thường sinh lợi nhuận cao hơn.

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng né tránh các mục tiêu do quá bận tâm đến những mất mát để đạt được chúng.

Chẳng hạn, sau khi đã rất tâm huyết hoàn thành bài luận, bạn nhận được phản hồi từ giáo viên. Nhưng nỗi lo tức thì ập đến ngay khi bạn thấy số lượng lời phê, bởi bạn biết mình sẽ mất nhiều công sức và thời gian để sửa. Vậy là bạn trì hoãn và quyết định làm những việc khác để né tránh.

Bảo vệ cái tôi

Hiệu ứng đà điểu còn được thúc đẩy bởi nhu cầu cảm thấy hài lòng về chính mình, do vậy ta sẽ bẻ cong nhận thức của bản thân để bảo vệ cái tôi.

Để bảo vệ cái tôi của mình chúng ta cũng dễ sinh ra tâm lý né tránh những điều tiêu cực.

Chẳng hạn, dù biết mình vẫn còn hạn chế trong công việc, chúng ta vẫn không tránh khỏi tâm lý tự ái mỗi khi được góp ý. Bởi vậy, ta tự “vùi đầu vào cát” bằng cách phóng đại thành công của bản thân và coi nhẹ tính nghiêm trọng của những sai lầm mình mắc phải. Đây được gọi là thiên kiến tự củng cố (self-enhancement bias), một “tấm khiên” tâm lý để bảo vệ lòng tự trọng của bản thân.

Sợ phải thay đổi niềm tin của mình

Hiệu ứng đà điểu là một nhánh của bất hòa nhận thức. Bất hòa nhận thức là sự căng thẳng khi niềm tin và hành động thực tế mâu thuẫn, buộc bạn phải chọn thay đổi niềm tin hoặc hành động để giảm đi bức bối.

Chẳng hạn sau khi đã đổ rất nhiều tâm huyết và tiền bạc vào một dự án, chúng ta thật sự muốn tin rằng nó sẽ thành công. Vì thế ta từ chối tiếp nhận những lời cảnh báo hoặc góc nhìn khác.

Nếu tiếp diễn lâu ngày, hiệu ứng đà điểu sẽ trở thành thiên kiến xác nhận vì nó khiến ta chỉ muốn tin vào những gì đúng ý mình và từ chối ý kiến mâu thuẫn với quan niệm sẵn có.

Làm thế nào để vượt qua hiệu ứng đà điểu?

Tập trung vào bức tranh lớn

Phát triển bản thân là việc xuyên suốt cuộc đời. Vì thế mỗi khi bạn thực hiện bất cứ hoạt động nào đóng góp cho mục đích này, xây dựng tư duy dài hạn từ đầu là điều cần thiết.

Lời phê bình hoặc những thông tin tiêu cực tuy là “gáo nước lạnh” trong ngắn hạn, nhưng nhận thức được chúng giúp ta tránh ôm “ảo tưởng” về bản thân lẫn không bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn về lâu dài.

Luyện tập chánh niệm

Chánh niệm được nhiều người ưa chuộng vì nó có ảnh hưởng tích cực toàn diện trong việc giúp bản thân vượt qua các loại rào cản tâm lý.

Chánh niệm để bình tâm trước "phong ba bão táp".

Thực hành chánh niệm giúp ta tự nhận thức dòng suy nghĩ và thái độ của bản thân, từ đó tách biệt tâm trí ra khỏi luồng suy nghĩ lo âu khi đối mặt với những lời góp ý hay thông tin tiêu cực. Từ đó, chúng ta sẽ đón nhận nó trong một tâm thế bình thản hơn.

Hiểu đúng về sai lầm

Chúng ta né tránh, phủ nhận sai lầm của chính mình bởi trong thâm tâm ta thấy hổ thẹn về nó. Nhưng thực ra nỗi hổ thẹn tồn tại vì nó giúp ta ý thức được lỗi lầm từ đó hướng đến việc điều chỉnh và sửa sai.

Cái chính là chúng ta không nên đánh đồng sai lầm với con người của mình. Suy cho cùng, không có ai là hoàn hảo cả và những sai lầm trên hành trình là cần thiết để chúng ta phát triển. Hiểu đúng về điều này giúp ta có thêm động lực để đối mặt với những va vấp thay vì cứ mãi “vùi đầu vào cát”.