FOMO cả đời rồi. Tại sao không JOMO? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

FOMO cả đời rồi. Tại sao không JOMO?

2021 này, bạn định FOMO tiếp? Hay sẽ chuyển sang JOMO - The Joy of Missing Out?
FOMO cả đời rồi. Tại sao không JOMO?

Nguồn: An Ho @meaptopia cho Vietcetera

Curnon Logo

Nếu tôi nói những người viết, đặc biệt là viết nội dung số, sống với một nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear of Missing Out) thường trực. Bạn tin không?

Khi bạn sống và hít thở “nội dung” quá nhiều, mỗi lần đặt bút xuống viết gì đó, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy FOMO thế này: Sự kiện này có phải là mới nhất chưa? Còn khía cạnh nào của chủ đề này mà mình không biết? Có ai đã nghĩ giống mình và làm trước mình rồi không?…

Những câu hỏi như thế như quả tạ kéo trì ngòi bút, và làm nhụt chí người cầm bút.

Trong sự nghiệp viết lách của mình, đã không ít lần tôi phải tìm cách ngắt-kết-nối với thế giới xung quanh. Tắt wifi, ngừng tham khảo và tin vào trực giác của mình, rồi đóng cửa nhốt mình trong phòng, tìm kiếm sự tĩnh lặng để viết.

Nhưng FOMO thì có muôn kiểu, và nhiều khi, bạn và tôi cũng đang FOMO, chỉ là chúng ta không biết, hoặc không để ý hành vi của mình.

FOMO 1
FOMO, nỗi sợ bỏ lỡ, là hiện tượng được tiến sĩ Dan Herman phát hiện và đặt tên từ năm 1996. Khi có quá nhiều lựa chọn thú vị, con người sẽ cảm thấy áp lực khi mình không được tận hưởng toàn bộ. | Nguồn: An Ho @meaptopia cho Vietcetera

Để đong đếm mức độ FOMO, năm 2013, Andrew Przybylski và các đồng sự đã phát triển một thang điểm gồm 10 tuyên ngôn, mọi người có thể tự chấm điểm cho bản thân mình, từ 1 (“hoàn toàn không phải mình") đến 5 (“đây chắc chắn là mình"). 10 tuyên ngôn đó là:

  1. Tôi sợ người khác có được những trải nghiệm đáng nhớ hơn mình.
  2. Tôi sợ bạn của mình có được những trải nghiệm đáng nhớ hơn mình.
  3. Tôi cảm thấy bồn chồn khi phát hiện ra lũ bạn đang chơi rất vui mà không có mình.
  4. Tôi cảm thấy bồn chồn khi không biết bạn mình đã phát triển tới tầm nào.
  5. Việc hiểu được “insider joke” của mấy đứa bạn là rất quan trọng.
  6. Đôi lúc, tôi tự hỏi mình có đang dành quá nhiều thời gian để cập nhật các xu hướng/tin tức nóng hổi không.
  7. Thật là khó chịu khi lỡ mất dịp hẹn với bạn bè.
  8. Khi đang tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ, phải ngay lập tức chia sẻ trên mạng xã hội.
  9. Khi bỏ lỡ một buổi tụ họp đã được lên kế hoạch từ trước, tôi cảm thấy phiền lòng.
  10. Khi đang đi nghỉ mát, tôi vẫn liên tục F5 mạng xã hội để biết bạn bè đang làm gì.

Nói thật đi, bạn đang ở mức nào? Đáng báo động chưa?

Sự FOMO của chúng ta đã “tiến hoá" đến ngưỡng nào?

Đợt dịch vừa rồi:

  • Ai đã tham gia [ít nhất] một challenge trên TikTok? (fyi: Tiktok đã vượt mặt Facebook, trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trong năm 2020, chủ yếu là để giải trí khi phải ở nhà, giãn cách xã hội, theo Fast Company.)
  • Ai đã xem Itaewon Class, Money Heist, The World of The Married, Kingdom?
  • Ai đã chơi Adorable Home, Animal Crossing, Among Us?
  • Ai đã đánh cà phê bọt biển muốn nhừ cả tay, và lui hui trong bếp làm bánh mì bơ tỏi?
  • Ai đã tập thử các bài tập của Chloe Ting?
  • Và ai đã liên tục F5 các trang tin tức để biết diễn biến mới nhất của đại dịch, xong rồi bị nhấn chìm trong đó?

“Hiện tại, chúng ta đa số đều FOMO các trải nghiệm trực tuyến mà chúng ta không/không thể tham gia.” - Lalin Anik, một Trợ lý Giáo sư tại Đại học Virginia, nghiên cứu về ảnh hưởng của cách ly xã hội đối với FOMO cho biết.

FOMO 2
Nguồn: An Ho @meaptopia cho Vietcetera

Chưa hết, đại dịch còn khiến chúng ta cảm thấy FOMO những thứ đáng-lẽ-đã-có-thể-xảy-ra. 2020 đáng lẽ là năm bạn đi du lịch xuyên châu Âu. 2020 đáng lẽ là năm bạn “quit job" và theo đuổi ước mơ của mình. 2020 đáng lẽ là năm bạn làm một chiến dịch “social detox”, đăng ký một khoá học để phát triển bản thân.

Bạn có chắc là những điều này sẽ xảy ra không, nếu như không có đại dịch?

Hay đại dịch là một cái cớ hoàn hảo để bạn [tiếp tục] trì hoãn, ngồi đây lướt điện thoại và gặm nhắm COVID-19 FOMO (hay còn gọi là quarantine FOMO).

FOMO, về bản chất, chưa bao giờ là một từ khoá mang ý nghĩa tích cực. Nghiên cứu chỉ ra FOMO đa phần mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho cảm xúc và mức độ hài lòng cuộc sống của bạn. FOMO còn được xác định như là “biểu hiện sớm" của chứng lệ thuộc điện thoại di động (problematic smartphone use).

Rất ít người trong số chúng ta thật sự tỉnh táo để nhận ra rằng: COVID-19 chính là thời điểm sống chậm mà chúng ta hằng ao ước. Và cũng rất ít người tận dụng khoản thời gian ấy để làm những việc thật sự có ý nghĩa.

2021 này, bạn định FOMO tiếp? Hay sẽ chuyển sang JOMO - The Joy of Missing Out?

Từ FOMO đến JOMO

JOMO
JOMO là lối sống giúp bạn thực sự tập trung vào những gì quan trọng và giảm bớt cảm xúc tiêu cực khi liên tục so sánh bản thân với người khác. | Nguồn: An Ho @meaptopia cho Vietcetera.

Đúng vậy, JOMO là suy nghĩ đảo chiều với FOMO, là tận hưởng niềm vui khi bỏ qua những gì ‘có vẻ là vui’ mà người khác đang làm, để tập trung vào điều khiến bản thân thực-sự-hạnh-phúc.

Điều gì khiến bạn hạnh phúc? Nếu câu hỏi này quá rộng để trả lời, thì đây là những cách bạn có thể ứng dụng:

  • Hiểu về 4 loại hormones hạnh phúc và đi “thâu tóm" từng cái một;
  • Dưới góc độ tâm lý học, chúng ta có 3 công thức cho một cuộc sống hạnh phúc;
  • Hạnh phúc có thể đong đếm được! Chỉ số hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, và bạn chính là người làm chủ tất cả những yếu tố đó.

Tuy góc nhìn khác nhau, cách làm cũng khác nhau, có một sự thật không thể phủ nhận: chúng ta chạy đi tìm hạnh phúc, chứ hạnh phúc không tự nhiên chạy về phía mình!

Để có được hạnh phúc, ta phải tạo ra mục tiêu phát triển cho bản thân; đặt sự quan tâm của mình vào đúng chỗ, cho đúng người; cố gắng vận động, sống hài hoà với thiên nhiên… Hạnh phúc - tôi tin rằng, là cả một sự quyết đoán và nỗ lực để tạo ra hạnh phúc cho chính mình, dựa trên những giá trị mà mình tin tưởng, bằng những gì mình hiện có.

Và hạnh phúc là biết cách chấp nhận chính bản thân mình, tin vào hành trình mình đi. Đừng tự đặt mình lên bàn cân của sự phô trương, dùng giá trị vật chất để định danh bản thân. Đừng tìm kiếm lối tắt (shortcut). Và quan trọng nhất là, đừng để mạng xã hội lấy đi thời gian quý báu và cuốn ta vào vòng xoáy ganh đua không đáng có. Hãy nói "KHÔNG"!

Thử cố gắng làm từng ấy việc để hạnh phúc xem bạn có còn thời gian FOMO không?

Be Present.

Được chấp bút bởi Minh Ng.