Gender-fluid: Con trai đeo vòng ngọc trai thì có gì mà sai? | Vietcetera
Billboard banner

Gender-fluid: Con trai đeo vòng ngọc trai thì có gì mà sai?

Tại sao nam giới mặc đồ nữ tính là yếu đuối, còn phụ nữ ăn mặc nam tính lại mạnh mẽ?
Gender-fluid: Con trai đeo vòng ngọc trai thì có gì mà sai?

Nguồn: G-Dragon cho tạp chí Vogue

1. Gender-fluid là gì?

Từ điển Oxford định nghĩa gender-fluid là những người không xác định một giới cố định, hay nói cách khác là có bản dạng giới hoặc cách thể hiện giới linh hoạt. Bên cạnh đó, tính từ này còn có thể sử dụng để chỉ tính linh hoạt giới trong thời trang và văn hóa.

Lá cờ đại diện cho gender-fluid

Gần đây, cộng đồng mạng lại được một phen tranh cãi khi Sơn Tùng xuất hiện với hình ảnh khác lạ: mái tóc dài cong và đeo vòng ngọc trai. Hình ảnh này của anh đã bị chê là nữ tính trong khi đây chỉ là xu hướng thời trang linh hoạt giới mà rất nhiều ngôi sao lớn đã và đang theo đuổi.

Mang vòng ngọc trai thì có gì sai | Nguồn: Báo Lao Động

Tuy nhiên, gender-fluid không đơn giản chỉ dựa trên thể hiện giới thông qua cách ăn mặc. Sự linh hoạt này nằm sâu bên trong bản sắc cá nhân và tâm sinh lý của một người. Vẻ bề ngoài là cách mà một người gender-fluid bộc lộ những gì đang xảy ra bên trong họ, về giới mà họ đang cảm nhận.

2. Nguồn gốc của gender-fluid?

Gender-fluid được cho là đã xuất hiện từ những năm 1980. Khái niệm này trở nên phổ biến khi nó nhấn mạnh tới việc giới là phi nhị nguyên (non-binary), không chỉ có nam hoặc nữ. Một người không nhất thiết phải bị bó buộc vào các đặc điểm sinh học theo giới tính của họ.

Triết gia Judith Butler, đồng thời là nhà lý thuyết về giới cũng đã góp phần xây dựng khái niệm này khi cho rằng định nghĩa về giới được cấu thành bởi xã hội. Trong lịch sử, khái niệm tương tự với gender-fluid đã luôn tồn tại khi mà giày cao gót, thật ra đã từng phổ biến với đàn ông hơn là phụ nữ. Hoặc việc trang điểm từng rất bình thường với cả nam và nữ trong xã hội Ai Cập cổ đại.

Vua Louis trong mái tóc xoăn bồng bềnh và đôi giày cao gót | Nguồn: Merit School

Sự ra đời của khái niệm gender-fluid đã khiến chúng ta thảo luận cởi mở về giới, vai trò giới cũng như thể hiện giới trong thời hiện đại.

3. Gender-fluid phổ biến như thế nào?

Năm 2011, từ khóa gender-fluid có khoảng 37,000 lượt tìm kiếm. Năm 2016, từ này được Oxford đưa vào từ điển và tới năm 2018, lượng tìm kiếm trên Google đã lên tới 2.3 triệu. Một khảo sát toàn cầu của IPSOS cho thấy, số lượng Gen Z nhận rằng mình là gender-fluid hoặc phi nhị nguyên giới cao gấp 4 lần so với những người trên 40 tuổi. Có thể thấy thế hệ trẻ, những người được tiếp xúc với đa dạng thông tin đã từ chối thu mình vào một chiếc hộp phân loại giới như các thế hệ trước.

Gender-fluid đã len lỏi vào trong mọi khía cạnh của cuộc sống và văn hóa đại chúng. Ta bắt gặp những ngôi sao nam khoác lên mình những bộ trang phục nữ tính như David Bowie. Bản thân ông cũng đã từng gọi mình là bisexual (song tính luyến ái), sau đó lại thay đổi thành “closet heterosexual” (dị tính trong bí mật). Có thể thấy sự linh hoạt tồn tại không chỉ trong cách thể hiện giới mà còn trong cả xu hướng tính dục.

David Bowie mặc váy vào năm 1971 | Nguồn: Pinterest

Dù được sự chấp nhận của phần đông giới trẻ, nhưng linh hoạt giới vẫn gây tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới. Điển hình gần đây, Trung Quốc đã cấm sao nam nữ tính và gọi đây là “gu thẩm mỹ lệch lạc".

Khác với Trung Quốc, nền giải trí Nhật Bản hay Hàn Quốc trước giờ vẫn luôn là ngôi nhà sản xuất ra hàng loạt mỹ nam, rất nhiều trong số đó mang vẻ đẹp có phần nữ tính. Khái niệm như bishounen (mỹ nam) hay otokonoko (đối tượng nam giả nữ hoặc có nét nữ tính) cũng trở nên phổ biến, phát triển thành một thể loại riêng tại Nhật.

Tương tự như việc màu hồng dành cho phái nữ và màu xanh dành cho phái nam, những quy chuẩn về giới và vai trò giới của nam và nữ như một cái khuôn ép xã hội phải đi theo chuẩn mực. Tuy nhiên, quần áo từ lâu đã không còn là công cụ dùng để phân biệt giới.

Trong ngành thời trang xu hướng gender-fluid cũng chiếm sóng, đánh tan những định kiến và tiêu chuẩn thời trang cho nam và nữ. Đi đầu những xu hướng này ta bắt gặp những cái tên như G-Dragon, Miley Cyrus, Ezra Miller hay Harry Styles. Những quy chuẩn của tính nam độc hại dần bị phá bỏ, thay thế bằng sự tự do trong việc tự tin ăn mặc đúng với danh tính của bản thân.

Ezra Miller trong bộ ảnh của Play Boy | Nguồn: VNExpress

Theo như PGS.TS Nguyễn Thị Phương Mai, khác với đàn ông, phụ nữ đã có sự tự do trong việc bộc lộ giới. Họ đã sớm đấu tranh để được mặc quần như đàn ông. Chúng ta cũng đã không còn bắt gặp những ánh nhìn dị nghị với những người phụ nữ ăn mặc như nam giới, cũng như xu hướng thời trang tomboy hay menswear.

Gốc rễ của sự khác biệt này nằm ở việc trong tiềm thức, chúng ta vẫn đánh đồng những gì gần với tính nam là tốt và mạnh mẽ. Việc phụ nữ ăn mặc giống nam giới đồng nghĩa với mạnh mẽ và ngược lại, nam giới có biểu hiện nữ tính thì đồng nghĩa với yếu đuối. Lối suy nghĩ này đã vô tình cổ vũ cho sự tồn tại của cả tính nam và nữ độc hại. Đây có lẽ cũng chính là lý do mà hình ảnh của Sơn Tùng trong mái tóc dài và cả bộ dây chuyền ngọc trai khiến nhiều người không thuận mắt.

Tương lai đang thay đổi dần và khái niệm về giới hay giới tính cũng vậy. Nhiều người nổi tiếng như Angelina Jolie cũng đứng ra chọn nuôi con và để chúng phát triển tự nhiên thay vì đi theo cái khuôn về giới của xã hội. Và đây là cách mà tương lai của chúng ta dần trở nên linh hoạt hơn.

Hành trình trưởng thành mà không bị ép vào khuôn mẫu giới của Shiloh Jolie-Pitt | Nguồn: Life & Style

4. Cách dùng gender-fluid?

Tiếng Anh

A: What do you think about Son Tung's new appearance?

B: I think it's nice to see celebrities embracing gender-fluid fashion and challenging gender norms.

Tiếng Việt

A: Cậu thấy diện mạo mới của Sơn Tùng sao?

B: Mình thích việc các sao chọn cho mình phong cách thời trang linh hoạt giới và thách thức những định kiến cũ.