Từ chuyện Trung Quốc cấm sao nam nữ tính, đến áp lực của cái mác “nam tính” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Từ chuyện Trung Quốc cấm sao nam nữ tính, đến áp lực của cái mác “nam tính”

Đằng sau sự phân biệt giới tính trong chính sách quản lý của Trung Quốc, là câu chuyện lớn hơn về khuôn mẫu thể hiện giới.
Từ chuyện Trung Quốc cấm sao nam nữ tính, đến áp lực của cái mác “nam tính”

Nguồn: Cai Xukun Studio, Interview Magazine

Tháng 9 vừa qua, NRTA (Trung Quốc) thông báo một số quy định về quản lý nghệ sĩ và chương trình phát sóng. Họ dùng cụm từ "nương pháo" để chỉ hiện tượng nam giới điệu đà, nữ tính, và coi đó là "mốt thẩm mỹ lệch lạc". Với chính quyền nước này, các sao nam ẻo lả, ăn mặc và trang điểm kiểu nữ tính sẽ không được biểu diễn.

Đây có thể là một phần của chiến dịch "thanh lọc" showbiz mà Trung Quốc đang đẩy mạnh, cùng với việc truy sát tận cùng Ngô Diệc Phàm để làm gương, hay xóa tên Triệu Vy ra khỏi toàn bộ phim ảnh, lịch sử, trí nhớ cộng đồng.

Tuy nhiên, bước đi mới này bị nhiều cư dân Trung Quốc cho là phân biệt giới tính, thậm chí quân phiệt khi dùng đến lệnh cấm.

Tôi đồng ý với nhận định này. Trên trang Hoán Đổi Giới Tính, tôi thử đảo lại vị trí và kết quả là nghe rất chói tai. Có bạn nói lệnh cấm chỉ nhằm vào nghệ sĩ, và tự do nào cũng có giới hạn. Đúng là tự do nào cũng có giới hạn, nhưng sự quân phiệt và độc tài cũng phải có giới hạn.

Phân biệt giới tính - Một dấu hiệu của độc tài quân phiệt

Chúng ta nghĩ sao khi nữ nghệ sĩ Việt Nam bị cấm có phong cách mạnh mẽ, nam tính hóa? Khi các sao nữ bị kiểm tra chặt chẽ phong cách biểu diễn, trang phục, lối trang điểm? Khi sao nữ bị cấm thể hiện sự mạnh mẽ, phong thái biểu diễn nam tính? Khi họ không được ăn mặc quần áo vốn dành cho đàn ông?

Chúng ta có thấy một lệnh cấm như thế là chấp nhận được và công bằng không? Nếu tự do cũng có giới hạn thì sự cấm đoán đó có đi quá giới hạn không?

Kể cả khi chính quyền sợ nghệ sĩ nữ tính gây ảnh hưởng xấu cho xã hội, thì tại sao không dùng sức mạnh văn hoá của việc khuyến khích, chia sẻ, thuyết phục, giáo dục, tuyên truyền hay hình mẫu... để thay đổi cách nhìn nhận của giới trẻ, mà lại dùng một phương pháp cấm đoán kiểu quân phiệt, xâm phạm tự do cá nhân như vậy?

Việc lạm dụng quyền lực kể trên khá điển hình ở Trung Quốc - nơi chính quyền thâu tóm thông tin, tìm cách quản lý suy nghĩ của người dân triệt để.

Đó là cuộc cách mạng văn hoá đẫm máu, tẩy não dân chúng về vấn đề biển Đông, dùng quyền lực đồng hoá Tibet, cưỡng chế người Hồi Uighurs, dùng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát dân chúng đến từng lời ăn tiếng nói, cấm đoán và xử phạt những người đầu tiên lên tiếng về virus Corona khiến thông tin về dịch bệnh bị trì hoãn.

Mới đây nhất, chính quyền thay thế luôn bố mẹ, dùng công nghệ nhận dạng để quản lý trẻ em chỉ được chơi video game 3 tiếng/tuần. Một đồng nghiệp của tôi ở Trung Quốc thậm chí bị tẩy não đến mức tin rằng Covid đến từ Mỹ, và Việt Nam luôn tìm cách xâm lược Trung Quốc (!).

Ở đây, sự thâu tóm quyền lực và độc tài quân phiệt của chính quyền Trung Quốc là vấn đề nguy nan không chỉ cho những nghệ sĩ nữ tính và người dân Trung Quốc. Sự bá quyền ngông ngạo ấy còn ảnh hưởng tới cả cách Trung Quốc bắt nạt láng giềng và các nước khác.

Chính vì thế, kể cả khi thấy các nam nghệ sĩ yểu điệu không hợp gu, ta cũng không nên cậy vào sự độc đoán vừa ý ấy mà ủng hộ cách làm quân phiệt bằng lệnh cấm, chỉ vì nó không trực tiếp làm ta chảy máu.

Vì sao đàn ông bị bó buộc trong khuôn mẫu của thể hiện giới?

Tạm rời showbiz và sự độc đoán trong quản lý của chính quyền Trung Quốc, chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề này ở khía cạnh đời thường để nhìn ra một vấn đề khác: sự thiệt thòi của đàn ông.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Hàn Quốc biến mỹ nam thành một trào lưu văn hóa hàng tỷ đô la, chinh phục cả thế giới, còn Trung Quốc thì lại cho rằng đàn ông xinh đẹp là độc hại?

Phụ nữ từ lâu đã được giải phóng ra khỏi khuôn mẫu thể hiện giới (gender expression). Họ có thể ăn mặc kiểu nữ tính (váy, giày cao gót), nhưng cũng có thể ăn mặc kiểu nam tính (tóc ngắn, đồ vest, cà vạt, giày bệt).

Bản thân tôi là một ví dụ. Khi đi làm, tôi luôn mặc vest đen và giày đen kiểu đàn ông. Tôi có 6 cái áo vest và quần Âu giống hệt nhau. Tuy nhiên, bạn bè thân quen một chút sẽ biết ra khỏi giảng đường và công sở thì tôi đích thị là một cô công chúa bánh bèo.

Tuy nhiên, đàn ông thì ngược lại. Cho đến bây giờ, họ vẫn bị bó buộc tù túng trong khuôn mẫu của thể hiện giới. Rất ít đàn ông dám mặc quần áo của người khác phái, dám trang điểm, dám thể hiện phần nữ tính trong con người mình. Nếu ai đó làm được thì họ trở thành kẻ can đảm.

Bản thân tôi luôn ngầm thán phục những chàng trai không ngại mặc áo hồng đi làm. Một số ít trường hợp như ông Mark Bryan, người đàn ông dám mặc váy mang giày cao gót đi làm, họ sẽ được cả thế giới biết đến.

alt
Rất ít đàn ông dám mặc quần áo của người khác phái, dám trang điểm, dám thể hiện phần nữ tính trong con người mình. | Nguồn: Mark Bryan

Mấu chốt là, luôn có những người muốn thể hiện mình khác với khuôn mẫu xã hội quy định cho họ. Nhưng họ sợ bị chê cười, bị trêu chọc, bị coi là không phải đàn ông, bị đánh giá thấp đi, bị chính những người phụ nữ dè bỉu vì ăn mặc giống phụ nữ.

Thử nghĩ mà xem, tại sao phụ nữ lại chê cười một người ăn mặc giống mình, trong khi đàn ông không mấy ai còn làm như vậy?

Nhìn sâu thêm một mức nữa, ta cũng có thể thấy cái gốc của sự thiệt thòi cho đàn ông lại xuất phát từ chính định kiến cho rằng nam tính thì trội hơn nữ tính, thậm chí đôi khi còn được coi là siêu việt và cao cấp hơn.

Chính vì thế, phụ nữ mà nam tính có thể không sao, nhưng đàn ông mà nữ tính thì lại là một sự xuống cấp. Phụ nữ đi làm kiếm tiền thì OK, nhưng đàn ông ở nhà chăm con thì bị chê cười. Phụ nữ cá tính mạnh mẽ thì OK, nhưng đàn ông yểu điệu, bộc lộ cảm xúc và yêu cầu trợ giúp thì bị xem là yếu đuối. Phụ nữ làm võ sĩ, cảnh sát, tướng lĩnh quân đội thì OK, nhưng đàn ông dạy trẻ con, làm y tá, bảo mẫu, đan len, nấu nướng, thì dễ bị hỏi một cách kỳ thị là có "bị bê-đê" không?

Câu chuyện đàn ông bị cấm yểu điệu chính là một ví dụ rất rõ về việc tréo ngoe là phân biệt giới hóa ra khiến phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn đàn ông. Vì nữ tính đồng nghĩa yếu đuối, nên phái "yếu" được quyền vừa "yếu" vừa "mạnh", vừa nữ tính vừa nam tính. Trở nên nam tính đôi khi được coi như sự "nâng cấp", nhất là khi nó có hiệu quả kinh tế.

Vì nam tính đồng nghĩa mạnh mẽ, và nữ tính đôi khi bị coi như sự "xuống cấp", nên đàn ông chỉ có thể dậm chân tại chỗ với một lựa chọn duy nhất là nhìn trông nam tính và trở nên mạnh mẽ. Họ không thể "thoái hoá" với việc trở nên nữ tính.

Như vậy, bất kỳ khuôn mẫu, định kiến hay sự kỳ thị giới nào cũng đều có hai mặt. Những yếu tố tưởng là tích cực như "mạnh mẽ" và "quyền lực", nếu nhìn kỹ hơn sẽ có hậu quả tiêu cực là "áp lực" và "kiềm chế tự do".

alt
Khuôn mẫu thể hiện giới dường như bị xóa nhòa khi ta nhìn vào cách ăn mặc của vợ chồng diễn viên Frances McDormand và đạo diễn Joel Coen | Nguồn: AP

Kết

Điều chúng ta có thể làm là loại bỏ "giới/giới tính" ra khỏi những phẩm chất của con người. Mạnh mẽ không nhất thiết phải bị nhét cho cái mác nam tính, và duyên dáng không nhất thiết phải bị chụp cho cái mác nữ tính. Nó khiến đàn ông bị áp lực phải nam tính, và phụ nữ bị áp lực phải nữ tính.

Những phẩm chất ấy ai cũng cần có, thì nó phải có tính "lưỡng giới" hay "vô giới", chứ sao lại là tính nam hay tính nữ?

Nhưng nếu ta cứ nhất định phải gắn những phẩm chất ấy với một giới tính, thì trong mỗi chúng ta đều có cả nam và nữ tính, và liều lượng nam nữ tính cũng không cố định mà thay đổi tuỳ theo thời điểm, hoàn cảnh.

Bất kỳ ai cũng cần phải bồi đắp, cân bằng giữa việc mạnh mẽ và dịu dàng, cương quyết và mềm dẻo, mãnh liệt và bền bỉ, bùng nổ và ngấm ngầm, cháy nồng và ấm áp... Nếu không vun xới phát triển cả hai yếu tố thì không ai có thể tồn tại và thành công trong xã hội hiện đại.

Phẩm chất và tính cách, suy cho cùng, không nhất thiết phải có một bộ phận sinh dục.