Generational bias - Có phải bạn Gen Z nào cũng tệ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Generational bias - Có phải bạn Gen Z nào cũng tệ?

Từ vụ lùm xùm của một startup thời trang với hai nhân viên trẻ, cùng nghĩ về những thiên kiến thế hệ mà ta đang có.
Generational bias - Có phải bạn Gen Z nào cũng tệ?

Nguồn: Pexels

1. Generational bias là gì

Generational bias, tạm dịch là thiên kiến thế hệ, là cụm từ miêu tả niềm tin rằng một thế hệ hay một lớp người cụ thể có những đặc điểm nhất định về tính cách và hành vi. Thuật ngữ này cũng mô tả việc coi thường thế hệ khác và cho rằng họ không bằng thế hệ của mình.

Là một hiện tượng tâm lý-xã hội gắn với sự sinh ra và lớn lên của nhiều lớp người, generational bias diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau. Ta có thể bắt gặp hiện tượng này ở cả trong những không gian thân mật như gia đình hay các mối quan hệ bạn bè thân thiết, lẫn trong các môi trường làm việc như chốn văn phòng, nơi công sở.

2. Nguồn gốc của generational bias?

Công cụ tra cứu Ngram của Google chỉ ra rằng thuật ngữ này đã xuất hiện rải rác từ đầu thế kỷ 20 trong một số văn bản mang tính hành chính tại phương Tây. Tuy nhiên, cách hiểu generational bias như một hiện tượng tâm lý hay hiện tượng xã hội chỉ bắt đầu từ thập niên 60 cùng với sự phát triển của những nghiên cứu xã hội học lấy con người cá nhân và gia đình hạt nhân làm trọng tâm nghiên cứu.

Từ năm 2000, người ta nhắc tới generational bias để lý giải sự khác biệt về suy nghĩ và hành vi giữa các thế hệ. Bối cảnh của cách sử dụng này là giai đoạn già hóa dân số. Generational bias khi ấy gắn với các nghiên cứu và quy trình xây dựng chính sách an sinh xã hội cho người già.

Gần đây, cụm từ này xuất hiện nhiều hơn trong bối cảnh nơi làm việc, đồng thời mang thêm nét nghĩa văn hóa. Ngoài lý giải sự khác biệt giữa các thế hệ dựa trên một nhóm các suy nghĩ, tính cách, và hành động chung, khái niệm còn tính tới sự tham gia của những bối cảnh văn hóa khác nhau trong việc tạo nên các thế hệ người và những định kiến về các thế hệ đó.

18jul2023pexelsthirdman7652188jpg
Người ta nói về generational bias nhiều hơn từ khi các lứa Gen Z bắt đầu đi làm. | Nguồn: Pexels

3. Vì sao generational bias trở nên phổ biến?

Sự xuất hiện thường xuyên hơn của cụm từ này trong khoảng thời gian gần đây tới từ hai nguyên nhân. Trước tiên, làn sóng các Gen Z đã tốt nghiệp đại học và tới làm việc ở các môi trường công sở hay nhà nước truyền thống đã khiến cho những xung đột thế hệ ở nơi làm việc trở nên rõ ràng hơn. Truyền thông và các đơn vị nhân sự cũng chú ý hơn tới điều này.

Bên cạnh đó, những thay đổi mà công nghệ thông tin mang lại khiến cho Gen Z trở thành một thế hệ khác hẳn những thế hệ trước. Trong bối cảnh Việt Nam, họ là thế hệ đầu tiên sinh ra với vô tuyến truyền hình và internet, lớn lên với văn hóa phẩm Tây phương, và bước vào cuộc sống của người trưởng thành với trí tuệ nhân tạo. Đó là một bối cảnh văn hóa rất khác biệt.

Chính hai lý do này khiến generational bias đối với Gen Z trở nên rõ ràng hơn so với các thế hệ trước. Ví dụ, nhiều người cho rằng Gen Z không biết vượt sướng, rất lười biếng, không biết vị trí của mình mà luôn đòi hỏi. Những mô tả này đúng với một số người, nhưng khó có thể áp dụng chung cho cả một lớp người.

Ngoài ra, bản thân Gen Z cũng có những generational bias với các thế hệ khác, cả trước lẫn sau họ. Ví dụ, nhiều bạn trẻ cho rằng những người đứng tuổi chỉ có khả năng sử dụng công nghệ ở mức độ “i tờ” và toàn là những người khó tính, khó chiều.

Chúng ta hiểu rằng thế hệ nào cũng có người này và người kia, vì thế khó có thể quy chụp một số đặc tính, đặc điểm tính cách và hành vi như những thứ “tự nhiên” hay sẵn có của cả một lớp người. Tất nhiên, ta cũng cần thừa nhận rằng có những đặc điểm mà nhiều người trong cùng một thế hệ sẽ có, nhưng đó vẫn không đủ để có thể bao quát cả một thế hệ.

Chính điều này làm ta phải suy nghĩ lại về những cách phân loại thế hệ mà cả xã hội đang dùng. Liệu có phải cứ sinh trong khoảng năm này, ở độ tuổi này thì thuộc về thế hệ này không? Liệu có phải cứ sinh trước năm 1996 thì là millennials? Và nếu như có một bạn trẻ sinh năm 2001 nhưng hoàn toàn không có điều kiện tiếp xúc với internet, liệu ta có thể gọi bạn là Gen Z?

4. Cách dùng generational bias

Tiếng Anh:

A: This fashion startup is calling out two of its employees due to misconduct. I have no problems with that, but why do they have to put Gen Z in?

B: I feel like it’s just generational bias. You can’t judge millions of people base on the thoughts and actions of two.

Tiếng Việt:

A: Bồ ơi có cái doanh nghiệp thời trang này đang bóc phốt hai bạn nhân viên. Tui không phản đối, nhưng không dưng cứ phải lôi chuyện họ là Gen Z vào làm gì nhỉ?

B: Là bởi thiên kiến thế hệ đó bồ. Chứ ai lại đi đánh giá cả một lớp người dựa trên suy nghĩ và hành động của hai đứa?