Trong một thế giới hoàn hảo, những hộp sữa sẽ đi đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Trong một thế giới hoàn hảo, những hộp sữa sẽ đi đâu?

Khai thác và sử dụng là việc của con người, quay vòng và tái tạo là việc của… ông trời?

Trong một thế giới hoàn hảo, những hộp sữa sẽ đi đâu?

Nguồn: Pexel

Pro vietnam

Nếu bạn giải thích khái niệm “rác” cho một chú khỉ (giả sử như bạn nói được tiếng khỉ!), nó sẽ không hiểu. Trong thiên nhiên, không có gì được coi là rác. Chất thải của sinh vật này chuyển hóa thành nguồn sống của sinh vật khác. Những chiếc vỏ cây khô trở lại mặt đất làm dinh dưỡng cho vạn vật. 

Sự quay vòng này là thứ tạo nên cân bằng sinh thái trên Trái Đất qua hàng trăm triệu năm, ít nhất là cho tới cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18.

Trong thế giới loài người, mọi chuyện hơi khác một chút: chất thải rất khó quay vòng, và còn có phần độc hại. Một hộp sữa giấy cần khoảng 5 năm để phân hủy, chai nhựa thì cần 450 năm. Những chiếc hộp xốp gần như không phân hủy, và khí ga từ chai xịt tóc thì có khả năng làm thủng tầng ozone.

rác thải
Trong thế giới loài người, mọi chuyện hơi khác một chút. | Nguồn: Unsplash

Trong vài thế kỷ qua, nền kinh tế toàn cầu phát triển trên một “luật bất thành văn”: khai thác và sử dụng là việc của con người, quay vòng và tái tạo là việc của… ông trời. Vấn đề là thiên nhiên không kịp tiêu hóa rác thải con người tạo ra, và không kịp hồi sinh những tài nguyên con người khai thác. 

Lối tư duy này đẩy kinh tế và môi trường vào hai bên của cán cân phát triển. Vô hình trung, phát triển kinh tế thường đi đôi với việc phá hủy môi trường. Và một cuộc sống ấm no lại dẫn đến những thảm họa sinh thái tiềm tàng.

Những nhà thiết kế tiên phong của thế kỷ 20 đã nhận ra nghịch lý nguy hiểm này. Năm 1976, Walter Stahel và Genevieve Reday đề xuất một mô hình kinh tế bền vững hơn, quy trách nhiệm quay vòng về phía con người. 

Được gọi là “kinh tế tuần hoàn”, mô hình này trở thành một trong những từ khóa nóng nhất của thế kỷ 21.

kinh tế tuần hoàn
Điểm khác biệt giữa hai mô hình kinh tế. | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera.

Kinh tế tuần hoàn là gì?

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng Vietcetera đến thăm một hộp sữa giấy, thành viên tiêu biểu của "đại gia đình rác".

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15 tỷ hộp sữa giấy được sử dụng. Nếu bạn xếp 15 tỷ hộp sữa 180ml cạnh nhau, nó sẽ phủ đầy một diện tích bằng khoảng 151 sân vận động quốc gia Mỹ Đình!

Nghe có vẻ to, nhưng đó mới chỉ là một trong hàng trăm loại rác thải bao bì chúng ta xả ra mỗi ngày. Những loại rác này được gọi chung là "chất thải rắn sinh hoạt", và được xử lý bằng cách chôn lấp tại những bãi thải trên cả nước. 

Những nguyên liệu tạo nên hộp sữa chỉ được “sống” một lần ngắn ngủi rồi vĩnh viễn nằm dưới lòng đất. Vừa tốn đất chôn lấp, vừa lãng phí tài nguyên, vừa dễ gây ô nhiễm.

Quá trình khai thác - sử dụng - vứt bỏ thẳng tay này được gọi là “kinh tế tuyến tính” (linear economy). Và đây là tình hình chung trên thế giới.

Ngược lại với kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoàn là khi hộp sữa giấy được tái chế thành nguyên liệu để tạo nên những vật dụng khác. Kinh tế tuần hoàn hướng đến quay vòng tài nguyên con người khai thác, sử dụng nguyên - nhiên liệu tái tạo, và trả lại thiên nhiên những chất thải “dễ tiêu hóa”.

Kinh tế tuần hoàn giúp con người tái định nghĩa lại “rác”. Rác không phải đồ bỏ đi. Một ngày nào đó, nó sẽ quay về làm tài nguyên, giống như vạn vật trong thiên nhiên vậy.

kinh tế tuần hoàn
Một hộp sữa, hai viễn cảnh. | Nguồn: Nhi Thanh cho Vietcetera

Trong một thế giới hoàn hảo, những hộp sữa sẽ đi đâu? 

Một chiếc vỏ hộp sữa giấy có ba thành phần chính: giấy, nhôm, và nhựa. Đây là ba trong số những nguyên liệu thô phổ biến nhất thế giới, được khai thác lần lượt từ gỗ, quặng, và dầu mỏ. Và cả ba đều có thể tái chế.

Trong một thế giới hoàn hảo, tất cả hộp sữa sẽ được phân loại, thu gom đến điểm tái chế, đi vào dây chuyền phân tách giấy, nhôm, nhựa, và tái sinh nguyên liệu mới. Một phần của viễn cảnh đó đã trở thành hiện thực rồi, với những cuộn giấy vệ sinh và tấm lợp làm từ vỏ hộp sữa tái chế. 

Nhưng vì sao đường đến tái chế hàng loạt vẫn còn dài? Theo một đại diện từ công ty Tetra Pak - “cha đẻ” của hộp sữa giấy tiệt trùng, có 4 yếu tố thử thách sau:

  1. Hạ tầng thu gom (khả năng tập hợp, làm sạch bao bì để sẵn sàng tái chế)
  2. Năng lực tái chế (công nghệ sản xuất nguyên liệu tái chế)
  3. Cơ hội về thị trường cho nguyên liệu tái chế 
  4. Nhận thức của người tiêu dùng

Lon nhôm, một “người anh họ” của hộp sữa giấy, có tỉ lệ tái chế khá cao so với các thành viên khác trong đại gia đình rác thải bao bì. Tại Brazil, tới 98% lượng nhôm được tái chế. Đây có lẽ là lần gần nhất chúng ta đưa một nguyên liệu thô tiến đến kinh tế tuần hoàn.

Bước đầu để tiến tới kinh tế tuần hoàn? 

Hãy tưởng tượng kinh tế là cả một cỗ xe lớn, và những chiếc bánh xe là nhà nước, doanh nghiệp, nhà tái chế, người tiêu dùng... Để chuyển giao từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, tất cả những chiếc bánh phải cùng lăn

Hiện tại, chưa có quốc gia nào trên thế giới chuyển giao thành công sang nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, một số quốc gia tiến xa hơn hẳn. Đức, Áo, và Hàn Quốc có tỉ lệ rác tái chế hơn 50%, ở mức cao nhất thế giới (EEB & Eunomia, 2017). 

Đố bạn biết có điểm gì chung giữa những quốc gia này? Tất cả người dân đều phải phân loại rác! Một hệ thống phân loại chất thải sinh hoạt toàn quốc (và sự đồng lòng!) là bước tiến lớn đầu tiên.

Tại Việt Nam, khoảng 10-15% lượng rác thải được tái chế mỗi năm. Chúng ta có thể làm gì để nâng con số này lên? Hãy đón đọc Giải Rác những tập tiếp theo!

#Giải Rác là series giải bài toán khó nhất thế giới: làm sao để xử lý rác thải bao bì một cách bền vững?