Giải pháp của ngày hôm qua chính là vấn đề của ngày hôm nay. Bạn tin không?
Lốp xe - phát minh vĩ đại của ngành công nghiệp xe hơi - có một bí mật được cất giữ gần 2 thế kỷ qua: cứ mỗi kilomet đi qua, nó để lại 5,8g các hạt có hại, cao gấp 1.289 lần so với chất thải từ ống xả ô tô, vốn “mang tiếng" là nhân tố gây ô nhiễm nhiều nhất. Trên thế giới hiện có khoảng 1,4 tỉ chiếc ô tô đang hoạt động mỗi ngày.
Quần jeans - đồng phục của thời đại - là kết quả của khoảng 1kg bông cotton thô, 1kg thuốc nhuộm và 2.630 lít nước, chưa kể gần 30.000 lít sử dụng để trồng sản xuất 1kg bông cotton kể trên. Mỗi năm, người ta sản xuất khoảng 2.286 tỉ mét vải denim trên toàn thế giới.
Bản thân tôi, một chiếc hộp sữa giấy, cũng từng là giải pháp. Trước khi tôi và chiếc tủ lạnh cùng ra đời vào đầu thế kỷ 20, giải pháp duy nhất của mọi nhà là đặt giao sữa hằng ngày, trong chai thuỷ tinh, và bằng mọi giá uống hết trước khi sữa bị hỏng.
Rồi cũng không thoát khỏi quy luật "nay giải pháp - mai vấn đề" trên, tôi và 15 tỉ người anh em [chỉ tính riêng tại Việt Nam mỗi năm] đã-qua-sử-dụng của mình giờ đây là một vấn nạn...
Tại sao người ta chọn tôi, thay vì chai nhựa hay chai thuỷ tinh?
Sữa nước vốn nhiều dinh dưỡng, nhưng lại “nhạy cảm” với đủ thứ: vi khuẩn, ánh sáng, nhiệt độ bên ngoài,... Thế nên sau khi lấy về từ nguồn cung, sữa được tiệt trùng bằng phương pháp xử lý nhiệt độ cao, giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn gây hại mà vẫn bảo toàn hương vị và giá trị dinh dưỡng.
Để được chọn là người “bảo bọc" cho sữa, tôi phải khoác lên mình 6 lớp áo giáp với thành phần là 75% bột giấy, 21% polymer và 4% nhôm. Có thể ngăn được không khí, ánh sáng và các tác nhân bên ngoài để giữ gìn sự an toàn cho sữa, tôi rõ ràng là vượt trội hơn hẳn bạn nhựa và bạn thuỷ tinh.
Nhưng cũng chính vì cấu tạo ưu việt đó, nên khi sữa đi rồi, tôi cần ai đó giải thoát cho mình, khỏi hình hài rỗng tuếch của mình, để không biến thành rác.
Sữa đi rồi, tôi có thể đi đâu?
Về bản chất, trên người tôi, mọi thứ đều có thể tái sinh được. Giấy có thể sống lại lần nữa. Nhôm, nhựa cũng có thể sống lại lần nữa. Nhưng đó là trong thế giới lý tưởng, còn ở thực tại, vỏ hộp chúng tôi vẫn là “rác chết". Đơn giản vì những người mang sữa đi đã quá “ích kỷ”, hoặc do họ không biết rằng: Khi không bảo vệ sữa nữa, tôi còn có thể làm nhiều hơn thế.
Ở nơi khác trên trái đất này, liệu tôi có hạnh phúc hơn?
Người ta kể tôi nghe về nước Nhật, mỗi thành phố có một quy luật xử lý rác khác nhau, nhưng những chiếc vỏ hộp như tôi, các loại phế liệu và rác sẽ luôn được đối xử tử tế. Họ phân chia chúng tôi thành từng nhóm nhỏ, loại nào giống nhau thì ở với nhau.
Vỏ chai dầu gội, túi nhựa, hộp đựng trứng, hộp cơm… vào một túi. Các loại chai soda và chai nước khoáng (thuộc loại nhựa tái chế số 1 - PET) là một túi khác. Sách vở, tờ rơi thì chồng lên nhau rồi cột gọn gàng.
Và những loại hộp giấy như tôi thì nhất-định-phải-đập-dẹp, làm sạch rồi mới cột gọn gàng lại thành một chồng khác. Rồi túi rác dễ cháy. Túi rác không cháy. Mọi thứ nằm ngăn nắp trong một phạm vi đã định sẵn, bọc ngoài là một tấm màn màu xanh để đề phòng chó mèo.
Tại Đan Mạch, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác, người dân cũng thực hành phân loại và xử lý rác tại nguồn.
Ở Việt Nam, tôi cũng bắt đầu nhìn thấy những tia hy vọng. Bạn biết chương trình “Tái chế học đường” không? Chỉ riêng tại Hà Nội trong năm học 2020-2021, chương trình đã thú hút tham gia của 1.600 trường mầm non và tiểu học, và thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để tái chế.
Và hành trình vẫn còn tiếp diễn, vẫn chờ người đến gởi vỏ hộp sữa, và cả những người tự nguyện trở thành điểm thu.
Bạn nhớ nhé, lần sau mang sữa đi, xin hãy cứ đập-dẹp-và-làm-sạch hộ tôi. Người lớn hãy làm gương cho trẻ em, để mai này các em làm điều đó như một thói quen, kể cả trong vô thức.
Hành trình "Giải Rác" phía trước còn dài, cứ hoàn thành bước đầu tiên trước đã!
Giải Rác là series nội dung Vietcetera cùng PRO Việt Nam thực hiện nhằm trả lời những câu hỏi cấp thiết này, trước khi em bé thứ 100 triệu chào đời.
Hãy đón đọc Giải Rác trong những tuần tiếp theo!