Giận người yêu? Bí kíp cho những cuộc tranh cãi lành mạnh | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 03, 2023
Cuộc SốngThươngThương Thân

Giận người yêu? Bí kíp cho những cuộc tranh cãi lành mạnh

Có một sự thật là, vấn đề mà không được giải quyết sẽ liên tục quay lại.
Giận người yêu? Bí kíp cho những cuộc tranh cãi lành mạnh

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Đã bao giờ giữa một cuộc cãi vã, bạn giận đến mức hét lên với người yêu và hối hận ngay sau đó? Đã bao giờ bạn “lỡ miệng" nói chia tay hay những câu gây tổn thương đối phương chỉ vì bạn quá giận dữ? Bạn có thường xuyên nổi nóng với nửa kia chỉ vì những lý do vụn vặt?

Tức giận, phẫn nộ là cảm xúc tự nhiên và bình thường của mỗi con người. Nó xuất hiện trong hầu hết các mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta. Tuy vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được bản chất thực sự của sự giận dữ, cách nó tác động đến mối quan hệ cũng như cách để xử lý cơn giận của chính mình.

Từ đâu mà bạn dễ nổi nóng với người thương?

Theo bài đăng “Sự giận dữ trong một mối quan hệ" trên Psychology Today, có hai lý do lớn dẫn đến sự tức giận trong một mối quan hệ tình cảm.

Khi một người trong mối quan hệ luôn cảm thấy không được thấu hiểu

Người yêu tôi là người hay muộn giờ. Có những buổi hẹn, anh đến muộn 5 phút, nhưng có những buổi muộn đến 1 tiếng mà tôi không được báo trước. Suốt một thời gian dài, tôi thường xuyên nổi nóng vì dù đã có nhiều cuộc cãi vã, anh vẫn không thực sự hiểu vì sao việc anh muộn giờ lại làm tôi khó chịu đến thế.

Nếu những câu chuyện “nhỏ nhặt" như vậy liên tục xảy ra cùng với việc cố gắng giải thích mà không được lắng nghe, bạn sẽ dần trở nên nhạy cảm và dễ tức giận hơn. Nhất là khi bạn có xu hướng kỳ vọng nhiều ở đối phương.

Khi những lý do bên ngoài làm chất xúc tác

Đã có khi nào bạn gặp một chuyện không vui ở chỗ làm và sau khi về nhà bạn trở nên gắt gỏng hơn với người yêu?

Trong trường hợp này, nguồn cơn gây ra sự tức giận là yếu tố bên ngoài mối quan hệ nhưng lại có khả năng tác động tiêu cực đến nó. Chẳng hạn như bạn gặp xích mích với đồng nghiệp, bạn chia sẻ chuyện đó với người yêu nhưng thay vì thông cảm, bạn lại nhận được những câu như “anh/em đã bảo mà".

Người yêu của bạn không sai khi diễn giải những gì họ nghĩ nhưng những gì bạn cần là sự thông cảm, an ủi và đôi khi là sự bảo vệ của người yêu. Bên cạnh đó, stress từ công việc, gia đình, tài chính… đã được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) chứng minh có thể khiến một người dễ nổi nóng hơn.

alt
Tức giận, phẫn nộ là cảm xúc tự nhiên và bình thường của mỗi con người.

Quy tắc "6 không” cho một cuộc cãi nhau đến nơi đến chốn

Không phải ai cũng có cách giải quyết vấn đề giống nhau

Theo nghiên cứu của Bartholomew và Horowitz RQ (1991), con người thuộc một trong bốn kiểu gắn bó với các biểu hiện tâm lý khác nhau. Có người thuộc kiểu gắn bó lo âu, dễ bị áp lực từ những chuyện có thật lẫn suy diễn dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như nhạy cảm thái quá. Có người lại luộc kiểu gắn bó né tránh, có xu hướng gây hấn thụ động hoặc ái kỷ.

Bởi tính cách khác nhau nên cách mỗi người tiếp cận vấn đề cũng không giống nhau. Có những người lựa chọn giải quyết vấn đề ngay lập tức nhưng có những người quan sát, chờ đợi trước rồi mới đưa ra quyết định. Mỗi cách giải quyết đều có điểm cộng, điểm trừ riêng của nó. Hãy hiểu rằng khi giải quyết vấn đề, không có cách nào là tốt hơn.

Chính vì vậy, hãy xác định kiểu gắn bó, xu hướng giải quyết vấn đề của bản thân và chia sẻ thật lòng với đối phương, từ đó nhận ra được điểm mạnh hay khía cạnh dễ tổn thương trong mối quan hệ.

Không phải vấn đề nào cũng cần giải quyết ngay

Người ta hay nói “giận quá mất khôn" nên việc đầu tiên cần làm khi cơn giận ập đến vẫn nên là giữ im lặng. Khi bạn giận người yêu và muốn thay đổi hành vi của họ, bạn sẽ thường có những phản ứng tiêu cực như chì chiết, la hét, đổ lỗi…

Giải quyết vấn đề không có nghĩa là phải ngồi xuống và giải quyết ngay giữa đỉnh điểm của cơn giận, bạn có thể tự ra một góc riêng để hít thở, bình tĩnh lại và sắp xếp suy nghĩ trong đầu. Hãy trả lời các câu hỏi: Vì sao mình lại nổi nóng? Vì sao đối phương lại phản ứng như vậy? Việc này có thể giải quyết theo hướng khác ra sao?

“Mỗi khi nổi nóng, mình sẽ cho bản thân thời gian và không gian riêng tư để nghĩ và tìm cách truyền đạt sao cho đối phương không bị tổn thương đồng thời đảm bảo chuyện mình giận có hợp lý hay không” - Vân Anh, Hà Nội

“Mình là người nóng tính nên sẽ chọn đi ngủ để “hạ hoả" vì nếu còn thức, mình sẽ nói cho bằng hết bức bối, không quan tâm người kia có bị tổn thương hay không" - Nhi, Hà Nội

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có xu hướng kể ra và phàn nàn với một bên thứ 3 như bạn bè, người thân về vấn đề với người yêu. Việc này được gọi là “emotional triangle" (tam giác cảm xúc). Mong muốn được trút giận không sai nhưng đôi khi “tam giác” này vừa khiến bạn không giải quyết được vấn đề, vừa khiến người yêu cảm thấy bị cô lập và phòng thủ hơn.

Chính vì vậy, lần tới khi nổi nóng với người yêu và muốn nhắn tin với bạn thân, hãy tự hỏi: “Tôi đang tìm kiếm sự giúp đỡ hay chỉ đang tìm ai đó đồng tình với mình?”. Nếu là trường hợp thứ hai, hãy thử trấn tĩnh bản thân trước.

Không có thời điểm tốt nhất để cãi nhau, nhưng thời điểm tệ nhất thì có

Tùy vào mỗi người, đó có thể là ngay sau khi đi làm về, trước khi ăn và trước khi lên giường đi ngủ.

Mỗi chúng ta đều có một “body budget" (ngân sách cơ thể) quyết định suy nghĩ và nhận thức. Ví dụ khi bạn đói, bạn sẽ xuất hiện cảm giác bực bội, cáu kỉnh nên nếu chọn thời điểm đó để tranh luận, bạn sẽ dễ có những phản ứng cảm xúc kém lý tưởng. Tương tự với sự mệt mỏi, kiệt sức sau khi đi làm về và trước khi đi ngủ.

Bởi vậy, thời điểm lý tưởng để tranh luận với đối phương là khi ngân sách cơ thể được bảo toàn. Đó là khi bạn đã được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và có một tâm trạng ổn định, vui vẻ.

alt
Hãy chấp nhận cả bạn và người yêu đều có thể phạm sai lầm.

Không quan trọng nói gì mà nói như thế nào

Sau khi bình tĩnh lại, bạn có thể bắt đầu giải quyết vấn đề.

Trong quan hệ tình cảm, “assertive communication” (giao tiếp quyết đoán) là một kỹ năng mà đôi bên đều cần học. Đó là khi bạn chủ động kiểm soát sự giận dữ, thể hiện cảm xúc cá nhân, bảo vệ bản thân đồng thời đi tìm một thỏa thuận hợp lý cho cả hai. Giao tiếp quyết đoán cũng tập trung vào việc lắng nghe đối phương thay vì đổ lỗi.

“Quan trọng là mình nóng nhưng phải tìm cách truyền đạt sao cho tập trung vào vấn đề, không đả kích cá nhân và cố gắng tìm cách tiếp cận không tổn thương đối phương" - Huyền, TP. HCM.

Quay lại với vấn đề đi muộn, thay vì chì chiết người yêu “vì sao anh luôn đi muộn?", tôi thay đổi cách nói sang “em không thể làm được việc gì khi phải chờ đợi mà không biết khi nào anh tới”. Từ đó chúng tôi đi đến một thỏa thuận: nếu không thể đến đúng giờ, người yêu tôi sẽ cần nhắn tin và cập nhật chính xác thời gian để tôi có thể tận dụng thời gian đó làm việc khác.

Và đôi khi, giải quyết không nhất quyết phải là nói chuyện trực tiếp, bạn có thể viết thư hoặc nhắn tin, miễn sao vẫn có thể xử lý một cách thấu tình đạt lý.

Không phải cái gì cũng có đúng hoặc sai

Đôi khi, bạn và người yêu sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến quan điểm cá nhân, không có đúng và sai. Đó là lúc có tranh luận nữa, tranh luận mãi cũng không thể đi đến quan điểm chung.

“Mỗi lúc như vậy, mình sẽ học cách sống chung với quan điểm của đối phương bằng việc giảm bớt quan điểm của mình xuống một chút, đồng thời ghi nhận quan điểm của họ một chút" - Trang, Hà Nội.

Tôi có một người bạn không muốn đi cùng bạn trai đến những bữa tiệc cưới mà không quen biết bất cứ ai. Bạn trai cô ấy thì cho rằng đám cưới là nơi có thể giới thiệu và cho bạn gái mình gặp gỡ mọi người. Bạn tôi thì quan niệm là đám cưới không quen ai thì không phải đi. Sau những lần bất đồng, họ cùng thống nhất bạn tôi sẽ chỉ đi nếu có quen biết hoặc cô dâu, hoặc chú rể.

Không để bụng và “xào đi xào lại"

Bạn đã bao giờ nghe về những mối quan hệ mà dù vấn đề đã được giải quyết xong, nó vẫn bị “đào đi đào lại" giữa những cuộc cãi vã, vô tình làm tổn thương những người trong cuộc?

Hãy chấp nhận cả bạn và người yêu đều có thể phạm sai lầm, vì vậy, tha thứ là một “công cụ” mạnh mẽ, giúp đóng lại vấn đề một cách trọn vẹn. Tuy bỏ qua không phải một điều dễ dàng, đó là điều cần thiết cho một hành trình dài. Đừng quên thống nhất với nhau rằng một khi vấn đề đã được giải quyết, cả hai sẽ không bao giờ “đào xới" nó lên nữa.