Giang Ơi: Liệu sinh con có thể sống xanh không? | Vietcetera
Billboard banner

Giang Ơi: Liệu sinh con có thể sống xanh không?

Sau 3 năm, vlogger Giang Ơi (tên thật Trần Lê Thu Giang) trở lại Have A Sip với mội vai trò và tâm thế hoàn toàn mới.
Giang Ơi: Liệu sinh con có thể sống xanh không?

Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Trong lần đầu tiên đến với Have A Sip, Giang Ơi đã chia sẻ về những bài học mà 2020 - một năm COVID đầy sóng gió - đã chuẩn bị cho 2021. Lần này cô cũng nói về một bước ngoặt lớn khác trong “hành trình bước vào cuộc sống người lớn” của cô: làm mẹ. Cùng lắng nghe Giang Ơi chia sẻ những điều cô đã chiêm nghiệm được từ hành trình mới này.

Việc có con đã khiến chị thay đổi như thế nào?

Từ khi có Mây (tên ở nhà của con gái Giang Ơi), mình gần như trở thành một con người mới, có những tính cách mới tuôn trào ra. Chẳng hạn trước đây mình hầu như chỉ mặc theo phong cách minimalism đơn giản. Nhưng từ khi có bé, mình bắt đầu thích những gam màu tươi sáng hơn.

Đặc biệt mình đã xây dựng được những thói quen lành mạnh hơn. Giờ cứ mỗi khi muốn bộc phát tính xấu, mình lại nghĩ đến con đầu tiên để kiềm chế lại. Bởi vì muốn con học được điều gì, thì mình phải làm gương cho nó trước.

Một lần khác Mây tỏ vẻ không hài lòng khi thấy mình mải cầm điện thoại trước mặt. Thế là mình quyết tâm đặt mục tiêu giảm thời gian màn hình (screen time) của mình xuống. Thay đổi này tốt cho cả mình và Mây, vì nó cho mình thêm không gian để cảm nhận những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.

Liệu có thể sinh con mà vẫn sống xanh?

Nhiều bạn trẻ ngày nay ngại sinh con vì muốn tránh gây áp lực lên môi trường. Chị nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Thực tế có nhiều khía cạnh khác nhau xoay quanh việc sinh đẻ. Chẳng hạn về khía cạnh xã hội, chính phủ lo lắng tỷ lệ sinh thấp sẽ dẫn đến mất cân bằng dân số. Nó khác với nỗi lo của từng người nếu xét theo khía cạnh cá nhân. Và nỗi lo nào cũng chỉ mang tính tương đối, chứ không thể giải quyết triệt để vấn đề.

Về khía cạnh môi trường, mình từng rất đam mê lối sống zero waste (tạm dịch: không rác thải). Nhưng sau khi thử thì mình nhận ra điều này gần như không thể. Mọi việc chúng ta làm mỗi ngày đều phát thải một cái gì đó ra môi trường.

Thế nên việc chọn không sinh con để tránh phát thải ra môi trường cũng không thực sự khả thi. Vì vậy bạn có thể vẫn sinh con nếu muốn, nhưng duy trì mức phát thải thấp nhất có thể thông qua những thay đổi nhỏ hàng ngày.

05jan2024hasgiangoi7jpg
Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Chị có bao giờ đo lường dấu chân carbon (carbon footprint) của chính mình?

Đây vốn là khái niệm chỉ lượng khí thải chúng ta thải ra trong hoạt động hàng ngày. Chúng ta có carbon footprint ở quy mô nhà nước, doanh nghiệp và cả mỗi cá nhân. Nó nằm ở chính những thực phẩm, điện nước, xe cộ và cả quần áo chúng ta vẫn dùng mỗi ngày.

Ví dụ khi mình mua một cái đèn, thì lượng chất thải ra khi sản xuất, vận chuyển, sử dụng và cả khi vứt bỏ nó đều tính vào carbon footprint của mình. Thế nên đây là một thông số rất khó đo lường, và nó cũng cho thấy việc sống zero waste hoàn toàn là không thể.

Vậy có cách nào đơn giản hơn để đo lường mức phát thải của mình không?

Có một sự thật là, chưa cần bàn đến carbon footprint hay những khái niệm ở tầm vĩ mô hơn, thì chúng ta đều cảm nhận được trái đất đang nóng lên. Đơn cử như ở miền Bắc, mọi người giờ có thể mặc áo dài mỏng ăn Tết - thời điểm vốn dĩ phải rất lạnh.

Thế nên mỗi người đều có thể “giảm” carbon footprint ở quy mô của mình, chứ không cần chờ đến những chính sách vĩ mô từ các cấp cao hơn. Chẳng hạn mình không dùng thìa, dĩa nhựa khi đặt đồ ăn, hoặc đi cùng xe với bạn nếu ở gần nhà nhau, như vậy là đã góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường.

Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là quy tắc 3R: reduce, reuse and recycle (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế). Chẳng hạn nếu trước đây mình hay chốt đơn vì đam mê, thì bây giờ mình có thể “giảm thiểu” bằng việc chỉ mua sắm khi thực sự cần thiết.

Và thực tế việc không mua thêm đồ mới cũng giúp mình sắp xếp, tổ chức lại đồ đạc trong nhà tốt hơn. Mình sẽ luôn nhớ trong nhà đang có cái gì, và tái sử dụng/tái chế đồ cũ theo cách tối ưu nhất có thể.

06jan2024hasgiangoi8jpg
Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Sống xanh: Trào lưu nhất thời hay thay đổi lâu dài?

“Sống xanh” đang là chủ đề được nhiều nhãn hàng khai thác tích cực. Chị nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Về mặt tích cực, nó tạo ra ảnh hưởng lan rộng. Nhưng nó cũng đang có xu hướng trở thành một trào lưu, và đã là trào lưu thì sẽ đến lúc thoái trào.

Vì vậy bản thân mình không muốn tiếp cận đề tài này theo hướng đó. Mình không muốn nâng việc sống xanh lên mức tuyệt đối. Vì cái gì quá thì cũng không tốt, việc dùng sức ảnh hưởng của mình “ép” người khác phải sống zero waste sẽ vô hình trung gây phản ứng ngược.

Nếu không đi theo hướng zero waste, chị sẽ “sống xanh” theo hướng nào?

Mình muốn đi theo cách tiếp cận từ từ mà gần gũi. Cách này sẽ mất thời gian dài, nhưng sẽ tạo ra một thay đổi tích cực, bền vững chứ không chỉ dừng lại ở một trào lưu.

Chẳng hạn việc phân loại rác thải - cái này có lẽ sớm hay muộn cũng sẽ thành quy định chung. Với giới trẻ thì không sao, nhưng với các thế hệ lớn tuổi hơn, họ sẽ mất nhiều thời gian để quen với việc này.

Nhưng ông bà, bố mẹ chúng ta vốn là các “chuyên gia” về tái sử dụng và tái chế. Họ biết dùng lại hộp để đựng đồ, dùng nước vo gạo/rửa rau để tưới cây. Những thói quen này vốn xuất phát từ thời kỳ thiếu thốn, nhưng giờ lại trở thành cái “nền” rất tốt giúp họ học cách phân loại rác.

Ở một khía cạnh nào đó, mình thấy việc này cũng giống như phổ cập đội mũ bảo hiểm. Nó hoàn toàn có thể thực hiện được, chỉ cần các thế hệ kiên nhẫn đồng hành. Và nó là một thay đổi xứng đáng với công sức chúng ta bỏ ra.

06jan2024hasgiangoi21jpg
Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Hợp tác với nhãn hàng: Làm sao để giữ giá trị cốt lõi của chính mình?

Phải nói mình may mắn vì tính chất công việc làm độc lập, có thể chủ động lựa chọn nhãn hàng mình muốn đồng hành. Vì doanh nghiệp có dấu chân carbon và tầm ảnh hưởng quy mô lớn đến quần chúng, nên mình phải rất lưu ý khi lựa chọn.

Một trong những tiêu chí lựa chọn của mình là sự thực tiễn trong mục tiêu sống xanh. Với mình, ý tưởng sống xanh mà doanh nghiệp đưa ra phải dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ thực hiện với mọi tầng lớp người tiêu dùng, không dùng thuật ngữ quá hàn lâm.

Chẳng hạn một siêu thị có thể bỏ túi nylon để khuyến khích khách tự mang làn, một tiệm cafe giảm giá cho khách tự mang bình tới mua nước. Hoặc có thể làm hoạt động trồng cây từ những nguyên liệu dễ kiếm. Những bước đi nhỏ này khi được thực hiện trên quy mô lớn với nhiều người sẽ tạo ra những thay đổi lớn.

Và quan trọng nhất, sống xanh là một nỗ lực đến từ cả hai phía: nhãn hàng và người tiêu dùng. Vì vậy chúng ta không thể quy trách nhiệm sống xanh cho một mình doanh nghiệp, mà bản thân mỗi người phải có sẵn tinh thần này. Một khi có chung tinh thần, thì dù quy mô hành động lớn hay nhỏ, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

05jan2024hasgiangoi28jpg
Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Bi quan về môi trường có phải là một kiểu sống xanh?

Việt Nam đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn năng lượng điện than vào 2040, và phát thải carbon ròng bằng 0 năm 2050. Chị lạc quan hay bi quan khi nhìn về những cột mốc này?

Về vấn đề này, có lẽ mình là người lạc quan trong sự bi quan của chính mình.

Về bản chất, Giang cũng là người hay lo lắng, sợ hãi khi nhìn về một mục tiêu lớn trong tương lai, mà sống xanh là ví dụ điển hình. Nhưng sau nhiều trải nghiệm sống của bản thân, mình nhận thấy con đường dài đó cũng chỉ bắt đầu bằng một bước chân của mình.

Vì vậy điều chúng ta cần làm là cứ đi, rồi sẽ bước được đến nơi dành cho mình. Ta có thể không đạt tới cảnh giới zero waste, nhưng giảm lượng rác thải ra dù chỉ một chút cũng vẫn tốt hơn là không làm gì. Và mình tin là khi đi được nhiều bước nhỏ, chúng ta sẽ có động lực để bước thêm những bước lớn hơn.

Mình thấy việc này khá tương đồng với việc tập thể dục. Chúng ta có thể không đạt tới cấp độ 6 múi như các PT, nhưng chỉ cần tập 10 phút/ngày là sẽ thấy sự khác biệt sau một thời gian, rồi nâng dần cấp độ lên. Quan trọng là ta tập trung vào những gì mình có thể làm.

Chị có từng thấy… nhụt chí khi mình nỗ lực sống xanh mà người khác thì không?

Quả thực trong hành trình sống xanh sẽ có lúc ta thấy phí công sức mình bỏ ra. Đúng là nhiều khi mình vứt rác đúng chỗ nhưng người khác vẫn vứt ra đường, hoặc mình không lấy thìa nhựa nhưng họ vẫn lấy. Những lúc này bạn có thể thấy công sức mình bỏ ra hơi vô nghĩa.

Nhưng con người vốn là động vật xã hội, và việc chung sống trong một cộng đồng sẽ khiến họ ảnh hưởng lẫn nhau. Chẳng hạn khi bạn quét rác ở ngõ, có một người khác nhìn thấy và ngày hôm sau họ không vứt rác ra đó nữa.

Đương nhiên vẫn sẽ có người vứt rác. Nhưng mình tin rằng chỉ cần một, hai người nhìn thấy việc bạn làm, họ sẽ có ý thức rằng đây là việc có thể làm được, và đã có người gần mình làm nó. Tác động này không thể tính bằng con số, nhưng nếu cứ kiên trì thực hiện, nó cũng sẽ dẫn chúng ta đến một dấu mốc mới.

05jan2024hasgiangoi25jpg
Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Liệu có cách nào giúp cộng đồng ý thức về việc sống xanh từ sớm hay không?

Câu trả lời của mình có lẽ vẫn là phải đi từng bước nhỏ trước.

Cũng giống như khi mới bắt đầu làm YouTube, mình không bao giờ nghĩ mình có thể được như ngày hôm nay. Nhưng nếu có ai hỏi mình công thức làm video viral, thì thú thực mình chẳng có bí quyết nào khác ngoài việc cứ làm, thấy chưa hay ở đâu thì sửa từng tí một.

Việc sống xanh cũng tương tự như vậy. Chúng ta phải thử và sai, và đi lên từ những bước nhỏ. Thay đổi nhỏ vẫn luôn tốt hơn là không làm gì. Quan trọng là ta làm những gì mình có thể làm.

Tựu chung lại thì mình có thể đúc kết nên thái độ lạc quan dựa trên sự bi quan mình từng có trước đó. Việc bi quan thực ra không hoàn toàn tiêu cực, nếu nó thúc đẩy bạn hành động để thay đổi tình hình, tiến tới một cộng đồng sống xanh hơn.