Có vô vàn thứ để kể về chuyện của Giang Ơi và Trị Nguyễn (Anh Bạn Thân). Việc họ đã đi từ bạn bè sang tình yêu, về hôn lễ như cổ tích và căn nhà trong mơ, hay cả việc họ lên kế hoạch để đón chào em bé. Nhưng tôi nghĩ câu trả lời của Giang trong cuộc trò chuyện với hai vợ chồng đã miêu tả đầy đủ về tình yêu của họ.
Cô bảo, tình yêu giữa người với người cũng như hai cái cây. Có những cặp đôi trưởng thành và vươn các nhánh ra xa hẳn khỏi nhau. Nhưng Giang và Trị đã lớn lên và hóa thành hai cây dây leo, họ tựa vào nhau để vươn cùng một hướng.
Trong quãng đường đồng hành đó, họ lên kế hoạch, học hỏi, sai lầm, rồi lại lên kế hoạch và học hỏi để giúp nhau trưởng thành hơn.
Yêu nhau qua nhiều giai đoạn của cuộc đời như thế, có một bài học lớn nào Giang Ơi và Anh Bạn Thân đã nhận được từ nhau không?
Giang: Tụi mình học từ nhau ở những điểm khác biệt. Như Giang thì lúc nào cũng muốn nhanh nhanh nhanh, không có được thứ mình muốn là sẽ khó chịu. Nhưng anh Trị đã cho mình thấy sự kiên nhẫn rất quan trọng trong cuộc sống này.
8, 9 năm trôi qua, để mà nói có một khoảnh khắc “trà sữa cho tâm hồn” khiến mình chợt nhận ra sự cần thiết của người kia trong đời thì thực sự là không. Nhưng từng ngày bình dị, đôi lúc nhạt nhẽo, mà cả hai trải nghiệm cùng nhau đã khiến Giang hiểu rằng mình đã dần thay đổi nhờ người kia.
Trị: Quen Giang, Trị mới biết rằng trên đời này không phải ai nghĩ gì cũng nói hết ra. Giang rất ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Ban đầu, mình hay nghĩ sao cô này không thương mình gì hết.
Nhưng có một chuyện khiến mình nhớ mãi. Đó là có quãng thời gian Giang đi chùa liên tục, mà mình thì không tin tâm linh nên thấy cổ đi hoài cũng bực, cũng giận. Sau này không hiểu sao lại phát hiện suốt những lần đi chùa đó, Giang đều đến chỉ để cầu cho mình thi đậu thạc sĩ, để hai đứa được du học cùng nhau. Lúc ấy mình mới ồ lên, cô này im im thế thôi, chứ yêu thương thì dào dạt lắm.
Trong việc sáng tạo và trong gia đình, cả hai đã đóng vai trò lớn nào đối với người kia?
Giang: Giang ghi lại cuộc sống của mình, nên chồng luôn là một phần quan trọng trong hành trình này.
Anh Trị bên mình từ những ngày đầu tiên tập làm video. Rồi làm anh quay phim miễn phí cho mình. Lúc có cái máy tính thứ nhất là anh ấy cùng đi săn sale. Tới bây giờ vẫn thỉnh thoảng góp ý cho nhau, muốn cắt ghép gì “ngầu ngầu” cũng là nhờ chồng làm giúp (đôi khi không vừa ý lắm nhưng sửa lại thì nhìn… cũng được).
Trị: Hồi xưa mình chưa bao giờ nghĩ sẽ làm sáng tạo nội dung, vì ngại lắm. Nhưng ở bên một cô suốt ngày tíu tít trước máy quay, dần rồi mình thấy chuyện này cũng hay hay, thế là mới thử tập làm. Mình trở thành content creator đều là nhờ Giang truyền cảm hứng đấy!
Cả hai: Khi về chung một nhà, tụi mình không có bảng mô tả công việc rạch ròi như ai sẽ đối nội hay ai sẽ đối ngoại. Giang và Trị luôn ai mạnh việc gì thì làm điều nấy.
Chẳng hạn Giang sẽ kỹ hơn trong việc cần sự nhỏ nhặt: sắp xếp đồ đạc, giặt giũ, tiền bạc. Còn Trị thì chuyên làm những việc cần sự liều lĩnh như đầu tư (vì Giang hay lo xa lắm) hay chuyên trị các loại máy móc trong nhà.
Trong cuộc sống hôn nhân, không ai là điểm tựa để người kia hoàn toàn ngả vào. Tụi mình như hai cây cột tựa vào nhau, để giải quyết mọi chuyện trơn tru. Tất nhiên có những việc tụi mình đều làm không tốt, và đó là bài học cả hai cần vượt qua để trưởng thành.
Cả hai có phải mẫu người luôn lên kế hoạch trong đời sống và hôn nhân?
Trị: Bạn bè mình hay trêu là thứ gì không dính vào người thì mình chắc chắn không nhớ được, chẳng hạn có lần lên taxi sắp tới sân bay rồi, mình vẫn hỏi Giang là có mang hộ chiếu chưa (cười).
Giang: Nếu mà nói là mỗi sáng ngủ dậy đều biết bản thân phải làm gì thì hơi quá, nhưng đúng là luôn tính trước. Chẳng hạn đi du lịch, một tuần trước khi đi mà mình chưa có vé máy bay, booking khách sạn hay đầy đủ thông tin về điểm đến thì mình sẽ không thể chịu được.
Mình đã rèn luyện tính chỉn chu này từ bé, vì có một người bố rất "khủng bố". Nếu cả nhà hẹn 7 giờ tối sẽ ra xe để chuẩn bị đi ăn đám cưới, bố sẽ đứng ngoài cửa với bộ dạng chuẩn chỉnh từ 6 giờ 45', tạo một áp lực kinh khủng đến tất cả những ai chưa kịp làm gì.
Mỗi lần kế hoạch chệch hướng, cả hai sẽ làm thế nào?
Giang: Thì mình sẽ thực sự hoảng loạn!
Trị: Thì mình sẽ điềm tĩnh và linh hoạt trong mọi tình huống.
Giang thích lên kế hoạch và làm đúng theo nó, nên khi mọi thứ không như dự đoán thì phản xạ của Giang cực kém. Ở nhà, mình chuyên lo vụ đầu tư vì Giang chẳng bao giờ dám mạo hiểm. Chơi game mà trò nào bất ngờ quá Giang hay bỏ tay cầm để mình tự xử. Còn đi du lịch gặp bất trắc gì thì Giang cũng chỉ… xụ mặt đi theo mình thôi, haha.
Chúng mình từng sống ở mức thu nhập eo hẹp của sinh viên làm thêm khi đi học thạc sĩ, từng đánh rơi (khá nhiều) tiền, và cũng từng thử đầu tư vào hạng mục mới nhưng thua lỗ.
Tụi mình nghĩ rằng ai cũng sẽ gặp những biến cố nhất định về tài chính trong đời. Nhưng để nó không đẩy mình vào khủng hoảng thì cả hai có hai tiêu chí nằm lòng suốt những năm qua.
Sở thích con người rất vô hạn, khi thu nhập tăng giảm thì chất lượng đời sống cũng tăng giảm theo. Nhưng tụi mình luôn tuân thủ tiêu chí đầu tiên chi tiêu dưới mức thu nhập. Tiêu chí thứ hai là phải có một khoản phòng bất trắc, không bao giờ để hết trứng vào một giỏ. Nó sẽ là tấm nệm để không sứt đầu mẻ trán khi vấp ngã.
Thế nhưng có bao giờ cả hai vấp phải khó khăn trong việc quán xuyến vấn đề tài chính khi sống chung?
Trị: Có lần mình “bé cái lầm”, tặng quà sinh nhật cho Giang một chiếc túi xách hàng hiệu. Giang bất ngờ lắm, cũng thử dùng nhưng cứ thấy không hợp. Không phải là chưa từng tiêu số tiền lớn, nhưng tiêu vào thứ vượt quá khả năng sử dụng như túi xách thì chưa hề.
Thế là một thời gian sau, Giang mới thỏ thẻ là lần sau đừng mua quà như thế nữa. Cả hai thống nhất là có tiền nhiều sẽ mua hai chiếc vé máy bay cùng đi du lịch, như thế thích hợp với phong cách của bọn mình hơn.
Giang: Chuyện chiếc túi xách chắc là bài học lớn nhất trong chi tiêu của hai đứa rồi đấy. Mình luôn quan niệm rằng để một cặp đôi hòa hợp trong cuộc sống thì khẩu vị đầu tư, phong cách chi tiêu và tầm nhìn tài chính nên giống nhau. Cả hai đều dễ đồng điệu về khoản này nên may mắn là chưa bao giờ gặp vấn đề lớn về tiền bạc.
COVID-19 ảnh hưởng đến cả hai thế nào và mọi người đã có kế hoạch cụ thể nào nếu tình hình này vẫn kéo dài chưa?
Cả hai: Công việc thì may mắn không bị ảnh hưởng quá lớn, vì tụi mình luôn có plan A, plan B trong mùa này. Hồi xưa thì chẳng bao giờ tính xa đến mức hai tháng tới, đôi khi vẫn chi tiêu tùy hứng, nhưng giờ phải tập cách nghĩ xa và không mở ví bất kỳ khi nào thấy thích nữa.
Giang: Kế hoạch sinh em bé hiện tại không có vấn đề, tuy có lẽ phải hạn chế số người vào thăm theo đúng yêu cầu của bệnh viện.
Trở ngại lớn nhất hiện giờ là việc mua sắm đồ để chuẩn bị cho sự ra đời của em bé. Dù muốn cân bằng giữa chất lượng và giá thành nhưng điều này gần như không thể khi hiện tại các cửa hàng đều đóng cửa, thậm chí mua hàng online cũng không có người giao.
Giang cố gắng tham khảo kinh nghiệm từ bạn bè cùng với việc giữ tinh thần và sức khoẻ thật mạnh mẽ để chuẩn bị sức bền cho thời gian tới.
Dù sốt ruột nhưng mình biết là rồi mọi thứ cũng sẽ ổn thôi, vợ chồng mình trước giờ cũng đã trải qua nhiều bước chuyển trong cuộc sống và tụi mình đều vượt qua. Những lần trước đã vậy, lần này cũng sẽ vậy.
Mọi người có nghĩ việc lên kế hoạch trong đời sống và hôn nhân là quan trọng?
Giang: Sự lên kế hoạch của mỗi gia đình là khác nhau vì với mỗi tính cách, hoàn cảnh, hệ giá trị cá nhân sẽ có một cách tính toán phù hợp nhất. Nhưng tụi mình luôn giữ vững hai tiêu chí về tài chính đã đề ra từ khi còn học chung với nhau để sống với tiền, vượt qua những biến cố về tiền và không phải đối mặt với khủng hoảng tài chính.
Từ bé Giang đã là người cẩn thận, lại đi xa nhà từ năm 18 tuổi, không thể nào không quan trọng việc tính toán được.
Anh Trị cứ vô tư vô lo, giống cô bé quàng khăn đỏ, đi trên đường thích đuổi hoa bắt bướm. Còn đi du lịch hộ chiếu không biết có không, tiền cũng không chuẩn bị. Bay sang nước ngoài mà nghĩ là có app ngân hàng ở Việt Nam là đủ, thế không có tiền anh tính thế nào?
Trị: Thì lúc đấy anh sẽ lại quay sang em thôi (cười).
“Yêu phải tính” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu từ Prudential, xoay quanh câu chuyện của những mối quan hệ, hành động vì nhau và làm cho nhau. Trong quá trình hành động vì nhau, sẽ luôn có những bài học về tình yêu để họ học mỗi ngày, cùng hòa hợp và hạnh phúc. Chắc chắn không thể thiếu đi bài học rất chân thật về “cơm áo gạo tiền” mà họ luôn phải tính để đảm bảo hạnh phúc cho nhau.