“Ủa giọng ai đây?” không chỉ là câu hỏi của riêng bạn mà còn là của 62% người tham gia khảo sát của nhà tâm lý học Silke Paulmann. Có người chần chừ một lúc, có người thậm chí không nhận ra giọng mình trong bản ghi âm. Hiện tượng này được đặt hẳn thuật ngữ riêng là voice confrontation (tạm dịch: sự đối đầu với giọng nói). Vậy rốt cuộc, voice confrontation từ đâu mà đến?
Não tiếp nhận giọng thu âm khác với giọng khi nói
Chúng ta cảm nhận được âm thanh đều do màng nhĩ tiếp nhận các rung động. Nhưng đường truyền và xử lý trong não bộ mới là điều tạo nên sự khác biệt.
Khi nghe bản ghi, âm thanh bên ngoài sẽ truyền qua không khí đến ống tai. Quá trình này còn gọi là "dẫn truyền không khí" (air conduction). Tiếp tục, các sóng âm di chuyển vào tai trong, đến ốc tai, rồi biến thành những tín hiệu thần kinh cho não bộ xử lý.
Còn khi nghe trực tiếp từ thanh quản, ngoài đường dẫn không khí, màng nhĩ còn tiếp nhận thêm rung động từ xương hàm và xương sọ. Quá trình này được gọi là "dẫn truyền quán tính qua xương" (inertial bone conduction). Hỗn hợp của cả dẫn truyền ngoài và trong sẽ làm nổi bật các âm thanh ở tần số thấp.
Do sự khác biệt nêu trên, giọng của bạn sẽ trầm và đầy đặn hơn khi nói, nhưng mỏng và cao hơn qua bản thu âm, tạo nên cảm giác xa lạ, từ đó dẫn đến hiện tượng voice confrontation.
Không chỉ là câu chuyện của âm thanh
Bật mí về cảm xúc
Bên cạnh cảm giác xa lạ với giọng của mình như đã đêu trên, theo hai nhà nghiên cứu Phil Holzemann và Clyde Rousey, voice confrontation còn đến từ sự phát giác về “tín hiệu ngôn ngữ phụ” (extra-linguistic cues).
Cụ thể khi nói, chúng ta vô thức để lộ những khía cạnh cảm xúc như lo âu, do dự, tức giận, vui sướng, và tình cờ bị bản ghi âm bắt trọn. Điều này như một “cú lật” cho những gì chúng ta đã nghĩ về bản thân. Giọng ca vàng khi hát nhưng bàng hoàng khi nghe là một trường hợp như thế.
Đặc biệt, tín hiệu ngôn ngữ phụ sẽ gây thất vọng lớn với những người “mặc cảm ngoại hình” (body dysmorphia), “bức bối giới” (gender dysphoria) hoặc mắc các rối loạn về ngữ âm khi họ phát hiện giọng nói của mình không hề khớp với kỳ vọng của họ về bản thân. Ví dụ của hiện tượng này là khi bạn nghe giọng của mình lại “ồm ồm” hoặc “eo éo” như của người khác giới. Phụ nữ cũng được cho là nhạy cảm hơn về giọng của mình so với các giới tính khác.
Tư tưởng quy chiếu
Theo nhà thần kinh học Marc Pell, ác cảm với giọng nói còn là hệ quả của tư tưởng quy chiếu. Chúng ta có xu hướng dùng con mắt người đối diện để đánh giá chính mình. Bạn không thích ai nói điệu, nhưng lại nghe bản thân giống vậy nên tự sinh bất mãn. Không chỉ giọng nói, đằng sau những nhận định của ta về bản thân luôn có bóng dáng của các tiêu chuẩn xã hội.
Phát hiện trên cũng được tìm thấy ở nghiên cứu với nhóm người song ngữ. Những người học ngôn ngữ thứ hai sau 16 tuổi đặc biệt khó chịu với giọng thu âm bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Khác biệt ngôn ngữ là cơ sở để họ so sánh cái mới với cái cũ, từ đó có ánh nhìn khắt khe hơn về thứ tiếng đầu tiên.
Giọng “kỳ” thì có cần sửa?
Trên mạng, có không ít các bài viết gợi ý mẹo vặt để cải thiện giọng nói “khó ưa.” Tất nhiên, nhu cầu thay đổi giọng còn tùy thuộc vào sở thích, thể trạng và yêu cầu công việc của từng cá nhân. Ví dụ, một số người chọn chuyển giọng như một hình thức khẳng định bản dạng giới của họ. Hay người gặp các bệnh như khàn giọng, viêm thanh quản thường được điều trị qua liệu pháp giọng nói (voice therapy).
Nhưng có lẽ bạn không cần ép bản thân phải sửa đổi để hài lòng ai đó ngoài kia. Đôi khi, sự xấu hổ của bạn lại là vẻ đẹp trong mắt người khác. Đây là hiệu ứng tâm lý nổi tiếng beautiful mess effect về mâu thuẫn giữa nhận định của người trong và ngoài cuộc.
Điều này đã được kiểm chứng qua một nghiên cứu với những bệnh nhân có vấn đề về giọng nói. Khi đánh giá bản ghi âm giọng của họ, hầu hết người bệnh đều có cảm nhận tiêu cực hơn so với phản hồi khách quan từ các bác sĩ. Tương tự, những người tham gia nghiên cứu năm 2003 xếp độ hấp dẫn cho giọng của họ cao hơn hẳn các mẫu âm khác, trong khi không hề biết đó là giọng mình.
Nhìn chung, cảm giác “giọng kỳ” phần lớn đến từ khoảng trống giữa kỳ vọng và thực tế trong nhận thức của chúng ta về giọng của mình. Điều này không đồng nghĩa với việc giọng của bạn kém hay. Do đó, đừng quá khắt khe với bản thân, vì biết đâu một ai khác lại vô cùng ngưỡng mộ đặc điểm mà bạn coi là “kỳ.”