Hàng loạt thủy điện xả lũ, người dân chạy xuyên đêm | Vietcetera
Billboard banner

Hàng loạt thủy điện xả lũ, người dân chạy xuyên đêm

Xả lũ có phải là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt?
Hàng loạt thủy điện xả lũ, người dân chạy xuyên đêm

Nguồn: Tuổi Trẻ

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Trong những ngày vừa qua, nhiều tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, phải hứng chịu những cơn mưa lớn. Điều này dẫn tới việc nước lũ đổ về các đập thủy điện, làm tăng lưu lượng xả lũ ở nhiều nơi.

Người dân thành phố Tuy Hòa chạy lũ trong đêm | Nguồn: TTXVN

Ông Trần Hữu Thế, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết rằng việc đồng loạt xả lũ, đi kèm với lưu lượng lớn bất ngờ đã tạo ra khó khăn trong việc điều tiết chống lũ. Lưu lượng nước lớn kết hợp với mưa dai dẳng khiến nhiều khu vực hạ du nhanh chóng ngập sâu. Nhiều người dân bất ngờ trước đợt xả lũ, tháo chạy bỏ lại của cải.

2. Hậu quả của những đợt mưa lớn là gì?

Tất bật sống sót qua cơn bão lũ là một chuyện, nhiều người dân vẫn chưa kịp yên tâm khi phải đối mặt với những hậu quả sau lũ. Một trong số đó là sạt lở đất. Tại Quảng Nam nhiều tuyến đường nằm ở vùng cao bị sạt lở gây ảnh hưởng tới việc đi lại và di chuyển.

Tại Ninh Thuận, các khu vực trồng lúa và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều thành phố từ Huế tới Hội An chìm trong biển nước. Ngập lụt trên diện rộng ảnh hưởng tới hàng chục nghìn hộ dân, giao thông bị chia cắt thậm chí nhiều người còn bị lũ cuốn mất tích.

3. Quy trình xả lũ là gì?

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ mà một số hồ thủy lợi và thủy điện phải xả nước để điều tiết lũ. Quy trình xả lũ có những bước như sau:

Mỗi hồ xả nước đều có một mức “đón lũ". Tùy theo hồ có chức năng điều tiết lũ hay không mà mức nước đón lũ sẽ được giảm xuống.

Khi mực nước trong hồ dâng lên tới ngưỡng thứ nhất (hay còn gọi là ngưỡng xả) do mưa lớn, hồ sẽ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng lên trong hồ. Tùy theo mực nước dâng lên mà lưu lượng xả nước cũng thay đổi theo.

Nếu mực nước trong hồ dâng tới ngưỡng thứ 2, lưu lượng nước xả ra sẽ bằng với lượng nước đang đổ về hồ chứa. Vì thủy điện vẫn cần đảm bảo đủ lượng nước trong hồ để phát điện, nên nó không thể xả nhiều hơn lượng nước đổ về. Điều này cũng là để đảm bảo không tạo ra “lũ nhân tạo" cho vùng hạ lưu.

Ngoài ra trước khi bắt đầu xả lũ, chủ đập sẽ thông báo trước cho cơ quan chức năng theo đúng quy trình. Từ đó, các biện pháp ứng phó như sơ tán sẽ được áp dụng cho những cư dân sống ở vùng hạ du.

4. Thủy điện có phải nguyên nhân gây ra lũ?

Cứ mỗi mùa lũ về, câu chuyện liệu việc phá rừng xây thủy điện có gây ra lũ lụt lại được đem ra mổ xẻ. Tuy nhiên theo PGS, TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã khẳng định rằng “không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn”.

Ông so sánh hồ chứa nước của đập hay thủy điện như một cái chậu chứa nước đổ về. Khi cái chậu này đầy, bắt buộc phải xả đi bớt lượng nước dư ra, đổ về những vùng trũng. Thủy điện cần nước để vận hành, vậy nên không có chuyện nước lũ được tạo ra từ nước tích sẵn trong đập.

Trong quá khứ, cũng có nhiều đập như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang đã giúp chống lũ cho vùng đồng bằng sông Hồng. Vậy nên, tuy các hồ chứa không thể cắt lũ nhưng nếu được tận dụng và vận hành đúng khoa học sẽ giúp giảm thiểu lũ.

5. Bất cập trong xả lũ là gì?

Năm 2020, Thủy điện Đắk Mi 4 cũng đã xả lũ với lưu lượng cực lớn gây thiệt hại cho những người dân ở Nam Giang lên tới khoảng 47 tỷ đồng. Ông A Viết Sơn, phó chủ tịch UBND H.Nam Giang (Quảng Nam), đã từng chia sẻ những bức xúc này với báo Thanh Niên: “Thủy điện thì xả lũ đúng quy trình mà dân thiệt hại nặng thế này thì ăn nói làm sao?”

Dù ít hay nhiều thì xả lũ vẫn gây ra hậu quả thật lên người và tài sản những cư dân sinh sống gần các đập. Vấn đề ai chịu trách nhiệm cho hậu quả gây ra bởi xả lũ của các thủy điện cũng gây nhiều tranh cãi. Nhất là khi đa phần các thủy điện đều làm đúng quy trình xả lũ. Vấn đề về quy trình xả lũ này cũng nhiều lần được đưa vào các cuộc họp Quốc Hội trong thời gian qua.

6. Các dự án giúp đỡ người dân vùng lũ là gì?

Lũ lụt mỗi năm dội vào miền Trung khiến biện pháp sống chung với lũ trở thành lẽ dĩ nhiên của những người dân nơi đây. Để giảm thiểu những khó khăn về tài sản của người dân mà trong những năm gần đây, dự án Nhà Chống Lũ nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Một loại nhà chống lũ | Nguồn: Sống Foundation

Dự án từ thiện này được lập ra bởi chị Jang Kều, nhằm mục đích cải tạo và xây dựng những căn nhà có khả năng chống chọi trước thiên tai, đặc biệt là bão lũ và ngập mặn. Cho tới hiện nay, dự án này đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn với các kiểu hình thiên tai khác nhau.

7. Tình hình khí hậu trong thời gian tới ra sao?

Theo như Viện Sáng tạo Khí tượng Thâm quyến và Đại học Hong Kong, trong tương lai các cơn bão sẽ có sức công phá lớn hơn, gây nhiều thiệt hại lên khu vực châu Á. Nghiên cứu này dựa trên các dữ liệu thu thập từ năm 1979 - 2016.

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng vào khoảng cuối thế kỷ này, sức tàn phá của những cơn bão gây ra bởi khủng hoảng khí hậu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, ăn sâu vào đất liền.

Một nguyên nhân khác dẫn tới việc này có thể kể tới hiện tượng nóng lên toàn cầu làm thay đổi điều kiện khí quyển, khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn. Tuy nhiên, không chỉ châu Á mà trong năm vừa qua ta cũng đã chứng kiến nhiều trận lũ lụt lịch sự như tại châu Âu. Gần đây nhất chính là cơn bão lũ 500 năm mới có một lần xảy ra tại Mỹ và Canada.