Lũ lụt châu Âu nói gì về biến đổi khí hậu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Lũ lụt châu Âu nói gì về biến đổi khí hậu?

Thiên tai này là bài học tiếp theo cho nhân loại về những hậu quả tưởng xa, nhưng gần ngay trước mắt, của biến đổi khí hậu.
Lũ lụt châu Âu nói gì về biến đổi khí hậu?

Hai anh em ôm nhau trước căn nhà bị lũ tàn phá của bố mẹ ở Altenahr, Đức | Nguồn: AP

1. Lũ lụt ở châu Âu - Chuyện gì vừa xảy ra?

Vào giữa tuần trước, mưa lớn kèm theo giông bão suốt nhiều ngày liền đã gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở ở nhiều nước châu Âu, như Đức, Bỉ, Anh, Pháp, Ý, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ.

Ở những vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất là Tây Đức và Đông Bỉ, người dân đã rơi vào cảnh “màn trời chiều đất”.

Đến nay, ước tính có khoảng 200 người đã thiệt mạng, gồm 163 người ở Đức và 36 người ở Bỉ. Trong khi đó, gần 300 người vẫn đang mất tích.

alt
Xe tăng Đức trở thành phương tiện cứu hộ trong trận lũ kỷ lục | Nguồn: AP

2. Đợt lũ này có sức tàn phá như thế nào?

Theo trung tâm khí tượng Đức, tổng lượng mưa trong 2 tháng đã rơi xuống chỉ trong 24 giờ ở những vùng bị lũ quét nghiêm trọng nhất, tạo nên trận “đại hồng thủy” chưa từng có ở nước này trong 100 năm qua.

Mưa bão đã tàn phá cây cối, khiến nước sông dâng cao và chảy siết, gây vỡ bờ, lở đất, phá hỏng nhiều hệ thống cầu đường, làm hư hại hàng loạt nhà cửa, tài sản của người dân.

alt
Thiên nhiên luôn có sức công phá nằm ngoài tưởng tượng của con người | Nguồn: Getty Images

Phần lớn những người thiệt mạng sau trận lũ quét, là người dân ở bang Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia của Đức. Ở Bỉ, vào cuối tuần rồi, vẫn còn hơn 17 nghìn hộ gia đình bị mất điện, 30 nghìn hộ chưa có nước sạch để uống.

Trước thảm họa này, theo tờ bbc.com, nước Bỉ đã dành ngày 20/7 vừa qua cho việc tưởng niệm những nạn nhân xấu số. Còn thủ tướng Đức Angela Merkel, sau chuyến thăm đến các vùng bị tàn phá bởi lũ, thì đành ngậm ngùi bởi theo bà tiếng Đức không có từ ngữ nào có thể diễn tả sự tàn phá kinh hoàng này.

3. Nguyên nhân gây nên thiên tai này là gì?

Theo nhiều chuyên gia nhận định, trận mưa kỷ lục này là một dấu hiệu rõ ràng từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Hayley Fowler, giáo sư về biến đổi khí hậu tại Đại học Newcastle cho biết, Trái Đất nóng lên khiến nước bốc hơi nhanh, làm tăng độ ẩm lẫn khả năng tích nước của không khí. Qua đó, các trận mưa sẽ vừa lớn, vừa diễn ra thường xuyên hơn. Cụ thể, lượng mưa sẽ tăng thêm 7% mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C. (Nguồn: vox.com)

alt
Quận Blessem thuộc vùng Erfstadt (Đức) bị tàn phá nặng nề sau trận lũ | Nguồn: Reuteurs

Mặt khác, sự thiếu hiệu quả trong cách làm việc của Hệ thống Cảnh báo Lũ châu Âu (EFAS) cũng đã để lại hệ lụy. Theo Linda Speight, tiến sĩ tại Đại học Reading (Anh), trong khi đợt mưa lớn vừa qua đã được dự báo từ nhiều ngày trước, chính quyền đã không thể đưa thông điệp đến tai người dân một cách kịp thời.

Nhà nghiên cứu cũng đề xuất, ta cần thay đổi cách cảnh báo, thay vì nói “Sắp tới đây lượng mưa sẽ đạt mức 200mm”, thì thông tin hẳn sẽ có sức nặng hơn nhiều nếu nói “Mực nước sẽ tăng lên nhanh chóng, có khả năng gây thiệt hại của cải, đe dọa đến tính mạng của bạn!”.

4. Châu Âu ứng phó thế nào trước tình hình này?

Để khắc phục một số hậu quả trước mắt, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz vừa đề xuất một gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hơn 300 triệu Euro cho người dân ở 2 vùng bị ảnh hưởng nặng nhất của nước này, là Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia.

Số tiền trên được dự trù cho việc tái xây dựng hệ thống hạ tầng như nhà cửa, cầu đường, cũng như hỗ trợ các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

alt
Những gì sót lại sau mưa lũ hầu hết là... bùn đất | Nguồn: AP

Ở Bỉ, khi mực nước rút xuống mức an toàn, hơn 10 nghìn tình nguyện viên từ khắp đất nước sẽ cùng góp sức chung tay đến hỗ trợ người dân, vận chuyển các nhu yếu phẩm, giúp thu dọn ở các khu vực bị lũ quét.

Một lần nữa, bức tranh về biến đổi khí hậu không còn là những mường tượng, khiến Liên minh châu Âu (EU) phải mạnh tay hơn nữa trong những chính sách ứng phó với vấn đề này. EU đã đưa ra cam kết cụ thể, là đến năm 2030, sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống 55% so với mức ghi nhận được vào năm 1990.

5. Còn hiện tượng thời tiết thất thường nào gần đây?

Trong khi “áng mây đen” Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh trường kỳ, thiên tai cũng xuất hiện nhiều hơn, mà điển hình là những đợt nắng nóng thất thường gây cháy rừng lẫn chết người ở Bắc Mỹ gần đây.

Theo Antonio Navarra, chủ tịch của tổ chức Euro-Mediterranean Center về Biến đổi Khí hậu, khi nào bầu khí quyển vẫn còn nghẽn đặc khí CO2, thì cường độ và tần suất của các trận lũ, sóng nhiệt và hạn hán sẽ tiếp tục gia tăng. (Nguồn: ruetir.com)

Điều đó đồng nghĩa, hoặc là con người kìm hãm tình trạng nóng lên toàn cầu, hoặc là những hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ xảy đến thường xuyên, và khủng khiếp hơn.

alt
Công viên quốc gia Death Valley ở California, Mỹ ghi nhận mức nhiệt kỷ lục vào ngày 17/6 vừa qua | Nguồn: Getty Images

6. Vì sao Hà Lan đứng vững trước thiên tai này?

Không như Đức và Bỉ, người hàng xóm Hà Lan dù có hơn ⅓ diện tích thấp hơn mực nước biển, lại không gặp bất kỳ thương vong nào sau trận lũ lịch sử. Thành công trong việc bảo vệ người dân trước lũ lụt của Hà Lan được cho là đến từ một hạ tầng quản lý nguồn nước hiệu quả.

Hiểu rằng với biến đổi khí hậu, mực nước biển sẽ tăng cao, Hà Lan đã xây dựng một hệ thống chắn sóng kiên cố với khoảng 12 triệu mét khối cát được đắp thêm mỗi năm. Chưa hết, họ còn tăng cường đắp đê, nạo vét lòng sông và mở rộng bờ để các sông sẽ đủ sức chống chọi với các cơn mưa lớn và kéo dài, mà hiện tượng vừa qua là một ví dụ.

alt
Hệ thống chắn sóng kiên cố của Hà Lan | Nguồn: Getty Images

7. Để phòng lũ, châu Âu còn có những sáng kiến nào?

Tuy lũ lụt đang xuất hiện thất thường hơn, nhưng sự thật là, chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm kịch vừa qua chính là những nơi có công tác chuẩn bị và phòng vệ lũ lụt kém.

Vì vậy, để “sống chung với lũ”, nhiều thành phố tại châu Âu đang áp dụng những sáng kiến như: xây nhà trên cao (HafenCity, Hamburg), xây một hệ thống hạ tầng có thể chuyển đổi thành “hầm chứa nước” khi lũ đến (Rotterdam), xây các công trình ngay trên mặt nước (Venice), thiết kế các công viên “bọt biển” (West Gorton Park, Manchester)...