Chuyện yêu, học được gì từ bố mẹ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
19 Thg 05, 2023
ThươngThế ____ Hệ

Chuyện yêu, học được gì từ bố mẹ?

Bố mẹ thường là người cho chúng ta những định nghĩa đầu tiên về tình yêu. Dù tròn hay méo, chúng là thứ có thể theo ta đến hết đời.
Chuyện yêu, học được gì từ bố mẹ?

Nguồn: Unsplash.

Hành trình trưởng thành khiến thường chúng ta nhiều lần mong mỏi đi xa để học được nhiều, nhưng riêng trong tình yêu, có lẽ đứa trẻ nào cũng ít nhất một lần ngoái đầu nhìn về phía bố mẹ để đúc rút cho mình một bài học nào đó. Ngay cả ngôi nhà trống vắng tình thương cũng có thể âm vọng đâu đó những tiếng nói về lý tưởng yêu đương.

Những lý tưởng đó dù tròn hay méo cũng trở thành chất liệu đầu tiên mà chúng ta có để nắn ống kính nhìn về cuộc đời. Có người đến hết đời vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu của chiếc ống kính đó. Nhưng cũng có người cố gắng nắn lại theo hướng mà họ nghĩ là đúng với mình.

Nhân dịp Monthly Feature mới của Vietcetera ra mắt, tôi mang theo 3 từ khoá bố mẹ, tình yêu, bài học để lắng nghe câu chuyện của vài người bạn. Với một số người, 3 từ khoá đó không có mối liên kết nào với nhau. Có người phải mất một chút thời gian để suy nghĩ. Có người lại có thể kể cho tôi liên tục 2 tiếng đồng hồ về những gì họ quan sát được.

Những “bài học” tôi viết lại ở đây có thể đúng với bạn, hoặc không. Tôi không hy vọng mang đến một bộ công cụ xoay chuyển tình thế nào cho cuộc yêu của bạn, vì chuyện yêu con người đã nói hàng ngàn năm nay rồi. Chỉ mong bạn có thêm những góc nhìn mới nào đó, hay ít nhất là một câu chuyện để đồng cảm như hành trình cảm xúc của tôi với các nhân vật của mình.

Yêu là phụ thuộc, và tôn trọng sự phụ thuộc đó

Mai Anh

Bố mẹ mình đều đã trên 60 tuổi. Từ khi mới lấy nhau, mẹ đã ở nhà làm nội trợ, còn bố làm trụ cột kinh tế cho gia đình – đúng kiểu một gia đình sách giáo khoa nhỉ?

Bây giờ người ta vẫn hay nói để yêu nhau lành mạnh thì bản thân mỗi người phải tự biết lo cho mình và có sở thích riêng. Mình cũng tự hỏi: Bố mẹ mình có khả năng tự hạnh phúc nếu không có nhau không? Nếu họ vẫn sống tốt mà không có nhau, thì liệu họ có yêu nhau?

Mình không thể thẩm định mức độ nồng nhiệt trong tình yêu của bố mẹ, nhưng mình biết bố mẹ khó mà sinh hoạt bình thường nếu thiếu đi người kia. Và dường như sự phụ thuộc cũng là một thứ ngôn ngữ tình yêu họ dành cho nhau.

Hồi còn nhỏ mình vẫn hay cùng mẹ ngồi với các cô hàng xóm nghe đủ thứ chuyện trên đời, rằng chồng tôi vô tâm thế này, chồng tôi nhậu nhẹt thế kia. Mỗi lần như thế, mình lại thấy bản thân hình như trở thành một đứa trẻ xấu tính. Vì trong lúc trộm nhìn các cô, trong bụng mình sẽ tự nở một nụ cười và thầm nghĩ “Bố mình thật ngầu!”.

Mỗi ngày, đồng hồ trên tường điểm 5h đúng là cửa nhà mở – bố đi làm về! Bao nhiêu năm vẫn không sai lệch. Bố khen mẹ nấu ăn ngon (mình thì không chắc lắm…), còn mẹ thì khen bố chăm chỉ, giỏi giang (chỉ có điều lâu lâu hơi lớn tiếng).

quotTrước khi cưới bố mẹ quen nhau trong 6 thaacuteng Cograven bacircy giờ đatilde ở becircn nhau hơn 30 năm rồiquot Nguồn Mai Anh
"Trước khi cưới, bố mẹ mình quen nhau trong 6 tháng. Còn bây giờ họ đã ở bên nhau hơn 30 năm rồi." | Nguồn: Mai Anh.

Tất nhiên gia đình nào cũng có những lúc “cơm không ngon, canh không ngọt”, nhưng đến giờ bố mẹ mình vẫn còn gọi nhau là “anh – em”. Mình đã từng cho rằng nhà nào mà bố mẹ chẳng thế, nhưng dần dần mình nhận ra đó là một điều đáng tự hào.

Dường như họ vẫn duy trì tình cảm cho nhau qua những điều như thế. Mình biết ở nhiều gia đình khác, thời gian có thể khiến tình yêu trở thành tình nghĩa, và đứa con sẽ trở thành cầu nối hàn gắn. Còn mình, đôi khi mình cảm giác bản thân như một khán giả trong ngôi nhà của bố mẹ.

Có một lần, khi còn rất bé, mình nhìn thấy mẹ quàng tay ôm lấy bố từ phía sau khi cả hai đang xem phim. Thấy vậy mình lẹ làng chuồn luôn. Còn bây giờ bố mẹ có lãng mạn với nhau không à? Mình không trả lời được. Giờ mình không còn ở chung phòng với bố mẹ nữa, ai mà biết họ làm gì với nhau trong phòng riêng chứ.

Yêu là biết quay đầu

Thanh Hải

Trên tay ba mình có một cái hình xăm. Đúng ra là một “chữ” xăm. Từ lúc biết đánh vần thì mình biết, đi đâu, ba cũng mang theo một chữ “Hận” trên người. Từ lúc được chúng bạn cho xem “xăm” là như thế nào thì mình biết ba mình cũng là “thứ dữ”. Hơn 30 năm trước ông đã làm chuyện mà bây giờ là xu hướng giữa đám thanh niên. Còn từ lúc bắt đầu khủng hoảng hiện sinh thì mình bắt đầu thắc mắc tại sao ba có hình xăm đó trên người.

Mình chưa bao giờ trực tiếp hỏi ba, vì nếu hỏi thì kiểu gì ba cũng trả lời “tại thích thôi”. Hỏi mẹ thì mẹ chỉ cười.

Nhưng thật ra chẳng có gì quá khó. Có chuyện gì mà qua được họ hàng đôi bên đâu chứ. Lượm lại ký ức qua những lần về nhà nội – ngoại, mình biết hồi còn trẻ, ba mình là dân chơi chính hiệu. Mâu thuẫn với gia đình, ông bỏ học, bỏ nhà, đi làm từ sớm, đi sang tới tận biên giới ngoài Bắc.

Hình xăm đó có lẽ là một cách để ba xả cái hận tuổi trẻ ra khỏi người. Hoặc nếu không thì là minh chứng cho tình yêu đắm say của ông với một cô gái nào đó tên Hận (không phải mẹ mình). Nhưng chắc cũng không quan trọng nữa, vì sau khi ba gặp mẹ thì phía trên hình xăm đó đã có một đường gạch ngang. Chắc ba hết “hận” đời rồi, nhưng lâu lâu cuối chiều vẫn ngồi uống rượu một mình.

Ba chẳng bao giờ nói lời sến súa, nhưng chắc để mình nói hộ: dù mẹ đôi lúc hơi lớn tiếng, nhưng bà cho ông bình yên để ông “quay đầu”. Hoặc có khi chỉ là ông đi thẳng về phía mẹ thôi, chẳng phải sức mạnh tình yêu khiến ông quay đầu gì. Khi đã “chả ngán thứ gì nữa” thì ông biết rõ mình muốn gì. Còn bây giờ ông mà “quay đầu” lần nữa thì… chắc tới lượt mình xăm.

Mình thì đích thị là con ngoan của ba. Mình hiểu không cần phải đánh đổi nhiều thế cho tuổi trẻ, giống ba, nhưng yêu thì đôi khi phải chấp nhận đánh đổi. Chắc để hôm nào về ngồi uống với ba một ly.

Yêu là thật lòng muốn biết hôm nay người đó ăn gì

Lê Khải

“Hôm nay em ăn gì? Gặp ai? Học được gì?” – Lúc tán tỉnh hay mới yêu nhau, chuyện nhắn cho nhau những câu thế này chắc chẳng lạ gì. Khi đó tưởng tượng về nhau thôi là đã không ngồi yên được rồi ấy chứ, chưa nói tới chuyện biết được cuộc sống của người kia thế nào.

Nhưng 6 tháng, rồi một năm, cứ ngày nào cũng nhắn cho nhau như thế thì có chán không?

"Chán chết. Con trai thế thì nhạt thếch!" – Mình từng nghĩ thế, cho tới khi đi làm, có những ngày mệt mỏi đến ăn cũng chẳng muốn. Có đói quá thì đi ra ngõ húp tô hủ tiếu gõ giữa 10h đêm. Ai mà hỏi thăm giờ đó thì có khi nhỏ hai giọt nước mắt thật.

Nghĩ lại hồi còn ở nhà, một ngày ba bữa ăn uống chẳng phải lo nghĩ gì. Tới bữa đúng giờ xuống bếp phụ mẹ dọn mâm cơm. Hôm nào bố đi làm xa về thì trên mâm có thêm món khoái khẩu nào đó cho bố.

Có những ngày bữa cơm trôi qua êm đềm, nhưng cũng có những ngày điều đó xảy ra – chén bát, cơm mắm văng tung tóe xuống đất. Người ta hay nói "trời đánh tránh miếng ăn" nhưng bố mình chẳng phải ông trời. Có những cơn giận chẳng biết từ đâu, ông trút nó lên bữa cơm tối gia đình.

Có lẽ vì lúc đó là tiện tay nhất và có nhiều cái cớ để ông bắt bẻ nhất. Chẳng hạn như sao hôm nay canh mặn, rau nhạt, hay sao không có món A, món B. Chẳng nhớ nổi chuyện như thế đã xảy ra bao nhiêu lần, nhưng ký ức méo mó đó đã hằn lại trong não mình.

Bây giờ mình hiểu cái áp lực của một người đàn ông làm trụ cột gia đình là thế nào. Nhưng có lẽ mình sẽ không bao giờ hiểu hết được những cơn giận của ông.

Khi yêu nhau mọi người hay thề non hẹn biển. Người ta hay nói “muốn cùng nhau đi qua sóng gió cuộc đời”, “muốn khi bệnh tật, nghèo hèn vẫn có nhau,” nhưng có những “sóng gió” nổi to vì mồi bén từ những chuyện rất nhỏ thường ngày tích tụ lại.

Đi làm kiếm nhiều tiền thế nào thì cũng phải ăn. Bao nhiêu bệnh tật trên đời này là từ ăn uống mà ra. Thế nên, hỏi một câu quan tâm nhau đến chuyện cái ăn đến giờ đã thành cách chào hỏi hàng ngày với mình.

Nguồn Dragon PanUnsplash
Nguồn: Dragon Pan/Unsplash

Có thể không cần làm gì thì tình yêu cũng đến, nhưng để hạnh phúc với tình yêu thì cần nỗ lực

Linh Trần

Khi nghe bố mẹ nói về kế hoạch về già của họ chỉ có “anh với em” mà không có “cùng với con…”, mình có buồn một chút. Bố từng nói thẳng với mình: bố mẹ sẽ không chăm cháu hộ nếu sau này mình có gia đình. Mình nghĩ bố lo hơi xa, vì tới hiện tại mình chỉ muốn nuôi mèo thôi.

Tính bố thẳng thắn, ngày trước đôi lúc còn nóng như Trương Phi. Nhưng chắc chắn luôn, bố là hình mẫu cho người chồng tương lai của mình. Bố dặn dò thế kia là vì với bố mẹ, mình phải có trách nhiệm với cuộc đời mình. Mình yêu ai, bố mẹ cũng chưa từng bao giờ bảo rằng "đừng yêu thằng đó" dù họ có gặp gỡ và thấy bạn trai mình có điều gì không tốt. Mình yêu ai là quyết định của mình.

Nhưng bố có dặn: có lấy ai thì phải yêu người đó. “Khi yêu thì không quan trọng người ta có gì cho con, mà là họ nỗ lực bao nhiêu để xứng đáng với tình yêu của con. Đã yêu thì giờ trong túi không có đồng nào, người ta cũng tự biết chăm chỉ làm việc để lo cho con.”

Bố và mẹ mình học cùng lớp ở trường đại học. Mới gặp mẹ là bố đã thích, nhưng chỉ dám nhìn từ xa thôi, vì hồi đấy mẹ đang có bạn trai, một người “rất môn đăng hộ đối” với mẹ. Bố thì lại là con trai út của một gia đình đông con, phải ăn cơm độn khoai hàng ngày. Nhưng với một người mà chấp nhận thi lại 3 năm để vào được đại học thì bạn biết rồi đấy. Bố không quyết tâm cưa được mẹ thì làm gì mình ngồi đây.

Bố từng làm qua cả chục nghề để chăm lo cho gia đình. Lúc mẹ mang bầu mình, vì thương bầu bí to đi lại khó khăn, bố dành dụm tích cóp để mua cho mẹ một chiếc xe máy – là chiếc Spacy, xe Nhật đắt nhất hồi đó ấy.

Đến bây giờ mình biết bố mẹ còn ở với nhau là vì yêu nhau, chứ không chỉ vì thương nhau. Vì sao mình biết à? Vì có ai không yêu mà lại thơm nhau và nói yêu nhau hàng ngày chứ. Họ hay nói lời cảm ơn nhau. Cãi nhau thì cũng có, nhưng lần giận nhau dài nhất thì cũng chỉ thường kéo dài 1 tuần. Bố có đặt ra một nguyên tắc từ khi mới kết hôn, đó là có cãi nhau cũng không được ngủ riêng.

quotChị lấy caacutei ảnh rung lắc yacute Full of lovequot Nguồn Linh Trần
"Chị lấy cái ảnh rung lắc ý =)) Full of love." | Nguồn: Linh Trần

Nhìn thấy điều đó hàng ngày trong gia đình, đâu đó mình cũng tự hình thành cho bản thân những tiêu chuẩn khi yêu. Mình và bạn trai vẫn hay cãi nhau, nhưng mình có nguyên tắc không bỏ đi giữa chừng. Lúc trước mình cũng yêu bản năng lắm, cãi nhau nhiều tí là chia tay thôi, nhưng giờ thì mình biết tình yêu cần nhiều lý trí.

Khi gặp được người mà mình cảm thấy họ là người tốt, mình biết mình cũng phải nỗ lực vun đắp cho tình yêu. Nhất là từ những điều nhỏ hàng ngày, như nói thế nào khi người kia chia sẻ về sở thích của họ, vì như bố nói, “nếu lấy nhau về mà không nói chuyện được với nhau thì thà ở với gián”.

Làm người trước khi làm người yêu

Hà Lan

Mình may mắn lớn lên trong một gia đình cho mình niềm tin vào tình yêu. Nhưng không hiểu sao đường tình duyên của mình cứ lận đận hoài. Giờ mình chẳng cố giải thích điều gì nữa.

Nhiều khi mình nghĩ mọi người hay đặt nặng chuyện yêu đương quá. Với cả đâu phải ai cũng lớn lên cùng bố mẹ và thật sự học được điều gì đó từ gia đình mình.

Nấu ăn dạy tôi điều gì về tình yêu? Loài mèo dạy chúng ta yêu thế nào? 5 bài học về tình yêu từ phim ảnh. Thực sự nếu đã có ý thì nhìn đâu mình cũng có thể nghĩ đến tình yêu, vì chắc như người ta hay nói – “vạn vật hữu tình”.

Giờ mình “vô tình” thì thôi cứ sống đã. Trước khi là người yêu của ai đó thì mình cũng phải làm người mà.