Hết yêu rồi, sao vẫn cứ “luẩn quẩn” bên nhau? | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 12, 2023
Cuộc SốngThươngDuyên #Số

Hết yêu rồi, sao vẫn cứ “luẩn quẩn” bên nhau?

Không chỉ áp dụng trong kinh tế, bẫy chi phí chìm còn xuất hiện thường xuyên trong các mối quan hệ của chúng ta.
Hết yêu rồi, sao vẫn cứ “luẩn quẩn” bên nhau?

Nguồn: Phim Decision To Leave

Được chuyển ngữ từ bài viết “Why We Stay In Bad Relationships” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là “bẫy chi phí chìm” (sunk cost fallacy). Nó xảy ra khi bạn tiếp tục làm một việc không còn phù hợp với thời điểm hiện tại, chỉ vì tiếc nuối thời gian hoặc nguồn lực đã đầu tư vào nó.

Một ví dụ điển hình là bạn mua một thứ bạn không thực sự cần hoặc thích, nhưng vẫn cố dùng nó vì tiếc tiền. Nhưng thực tế bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu vứt bỏ nó, vì bạn chỉ đang cố tìm một lý do hợp lý để giữ nó mà thôi.

Ví dụ khác ở quy mô lớn hơn: một công ty dành ngân sách lớn để làm một chiến dịch quảng cáo, song nó thất bại. Nhưng thay vì dừng chiến dịch, họ lại tư duy theo kiểu “đã bỏ tiền ra làm thì nhất định phải nhận lại gì đó”. Thế nên họ vẫn tiếp tục chạy nó, dù điều này khiến họ mất thêm tiền chứ không thu được gì.

Một cách nói hình tượng của kiểu ngụy biện này là “ném tiền xấu qua cửa sổ, sau đó ném tiền tốt”. Nó xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, mà nếu để ý bạn sẽ nhận thấy ngay:

Người ta không muốn nghỉ công việc trả lương thấp cho họ suốt 5 năm, vì họ không muốn cảm thấy như thể mình đã lãng phí công sức trong ngần ấy thời gian.

Các doanh nghiệp không muốn cắt những hạng mục chi tiêu lãng phí, vì ban quản lý không muốn thừa nhận họ đã sai.

Các chính quyền không đầu hàng nếu thua trong cuộc chiến, vì họ không muốn người dân cảm thấy binh lính của họ đã hy sinh vô ích.

Trong kinh tế học, chi phí chìm bị coi là kiểu tư duy phi lý. Bạn chán ghét công việc hiện tại và muốn nghỉ, và bạn hoàn toàn có thể làm công việc khác. Nhưng bạn vẫn ở lại, bởi bạn đã phải tập huấn rất lâu cho công việc này. Bạn không muốn khoảng thời gian đó trở nên lãng phí.

Nhưng tư duy này được coi là ngụy biện bởi ta dùng tiền làm đơn vị đo lường hệ quả. Còn thực tế khi ra một quyết định quan trọng, ta còn bỏ thêm nhiều cảm xúc vào cán cân đó nữa.

27nov2023chalis0078mzdmmauchwunsplashjpg
Khi ra một quyết định quan trọng, ta bỏ ra không ít cảm xúc. | Nguồn: Unsplash

Có thể bạn không muốn nghỉ vì bạn coi trọng bản dạng và niềm tự hào gắn bó với công việc ấy hơn là số tiền bạn có thể kiếm ở nơi khác. Cũng có thể bạn sợ phải đối mặt với sự bất ổn của thị trường việc làm, hoặc bạn không muốn bỏ lại sau lưng những đồng đội thân thiết đã sát cánh bên bạn suốt thời gian dài.

Các nhà kinh tế học thường tập trung vào khía cạnh tài chính của ngụy biện này. Nhưng với tôi, nó dễ hình dung nhất khi chúng ta nhìn vào khía cạnh cảm xúc. Vì vậy, những ví dụ phổ biến nhất về ngụy biện chi phí chìm không phải trong sòng bạc, kinh doanh hay chính phủ, mà là trong các mối quan hệ.

Bẫy chi phí chìm trong các mối quan hệ

Chúng ta đều biết một ai đó (hoặc có thể ta chính là người đó) mắc kẹt trong một mối quan hệ xấu, nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với nó. Cả hai bên đều bất hạnh, và ai nhìn vào cũng thấy điều đó. Nhưng họ vẫn ở lại bên nhau, chịu đựng nhau suốt nhiều năm trời. Vì sao lại thế?

Bởi trong bối cảnh công việc hay tài chính, bạn có thể dễ dàng bước khỏi chiếc bẫy này bằng cách làm toán. Nhưng làm gì có phép toán nào cho các mối quan hệ? Bạn đâu thể tạo một file excel để tính toán xem, giữa việc chia tay và việc tiếp tục chịu đựng nhau, cái nào sẽ khiến bạn mất mát nhiều hơn?

27nov2023seoulbeatsjpg
Bạn không thể tính toán xem giữa việc chia tay và chịu đựng lẫn nhau, cái nào đau hơn. | Nguồn: Seoulbeats

Chúng ta vốn rất tệ trong việc đánh giá chính xác cảm xúc của mình trong tương lai, cũng như tầm quan trọng của những cảm xúc đó. Chẳng hạn bạn thường quá sợ hãi việc chịu đựng một nỗi đau lớn hôm nay, hơn là việc chịu từng nỗi đau nhỏ tích tụ sau nhiều năm.

Thế nên bạn tiếp tục gắn bó với những mối quan hệ xấu, những công việc tồi tệ. “Chỉ một năm nữa thôi mà”, bạn hay tự nhủ như thế, bởi một năm vẫn ở trong giới hạn chịu đựng của bạn. Trong khi đó, việc chia tay sẽ mang lại nỗi đau không chịu đựng nổi.

Theo cách này, bạn cũng vứt bỏ các mối quan hệ tốt sau các mối quan hệ xấu. Bởi cứ mỗi năm mắc kẹt lại trong mối quan hệ xấu, bạn lại bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Và khi viết những điều này ra giấy, chúng có thể dễ thấy, nhưng rõ ràng không dễ cảm nhận.