10 Thiên kiến làm lu mờ phán đoán của bạn | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 01, 2021
Tâm Lý Học

10 Thiên kiến làm lu mờ phán đoán của bạn

Cùng điểm qua 10 dạng thiên kiến (bias) thường xuyên gây nhiễu loạn khả năng phân tích và đánh giá của chúng ta.

10 Thiên kiến làm lu mờ phán đoán của bạn

Nguồn: Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera

Thiên kiến là những lỗi sai xảy ra một cách có hệ thống trong lúc chúng ta suy nghĩ, đặc biệt là khi phải phân tích vấn đề và đưa ra quyết định. Ở bài viết trước, Vietcetera đã giới thiệu 12 dạng thiên kiến ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Lần này, chúng ta sẽ cùng điểm qua 10 dạng thiên kiến khác thường xuyên gây nhiễu loạn khả năng phân tích và đánh giá của chúng ta.

1. Ambiguity effect: Hiệu ứng mơ hồ

Ambiguity effect Hiệu ứng mơ hồ
Ambiguity effect: Hiệu ứng mơ hồ

Hiệu ứng mơ hồ xảy ra khi chúng ta có xu hướng né tránh những lựa chọn thiếu rõ ràng hoặc không đầy đủ thông tin. Vì muốn né tránh rủi ro, chúng ta thường đưa ra quyết định dựa trên những lựa chọn có khuynh hướng đem đến kết quả tốt.

Hiệu ứng này ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định vì nó hạn chế khả năng nhìn nhận một cách khách quan. Chúng ta thường cho rằng một lựa chọn mình không biết là không an toàn, từ đó bỏ qua những lợi ích lâu dài của nó.

Ví dụ khi đi mua hàng, bạn có xu hướng chú ý đến những sản phẩm đã lâu và được cung cấp nhiều thông tin hơn. Những sản phẩm mới thường chưa được viết và đánh giá nhiều, khiến bạn cảm thấy không an tâm mặc dù chúng có chất lượng tương đương.

2. Anchoring effect: Hiệu ứng mỏ neo

Anchoring effect Hiệu ứng mỏ neo
Anchoring effect: Hiệu ứng mỏ neo

Hiệu ứng mỏ neo xảy ra khi chúng ta luôn dựa vào phần thông tin đầu tiên được cung cấp. Khi đưa ra quyết định, phần thông tin đó đóng vai trò như một điểm tham chiếu cho những thông tin tiếp theo.

Ví dụ khi mua bán một món đồ cũ, giá tiền đầu tiên được đưa ra trở thành giá trị đối chiếu cho những lần đàm phán sau đó. Nếu giá tiền tiếp theo thấp hơn ban đầu, người mua sẽ cảm thấy mức giá đó hợp lí, dù nó vẫn cao hơn giá trị thực tế của món đồ.

3. Attentional Bias: Khuynh hướng chú ý

Khuynh hướng chú ý khiến nhận thức của chúng ta chỉ tập trung vào những điều đang quanh quẩn trong đầu nhiều hơn là xác định những vấn đề tiềm ẩn. Khi đưa ra đánh giá hay phân tích một vấn đề, chúng ta dễ mất đi cái nhìn trực quan hơn.

Ví dụ như khi đói, bạn thường chú ý nhiều hơn đến những món ăn giúp no nhanh, khiến bạn vô tình quên mất yếu tố lành mạnh trong các bữa ăn.

4. Authority bias: Thiên kiến địa vị

Authority bias Thiecircn kiến địa vị
Authority bias: Thiên kiến địa vị

Thiên kiến địa vị ám chỉ việc xem trọng ý kiến đến từ một người nhất định trong nhóm, ngay cả khi những người còn lại đưa ra những ý tưởng sáng tạo và hiệu quả hơn.

Ví dụ như khi cùng trình bày ý tưởng, ý kiến từ cấp senior trong nhóm thường được xem là tốt nhất, dù đôi khi những thành viên khác có thể đưa ra những ý tưởng phù hợp hơn.

5. Bandwagon bias: Hiệu ứng đoàn tàu

Hiệu ứng đoàn tàu là khuynh hướng thực hiện một hành vi hay đồng tình với một ý kiến vì những người xung quanh đều cùng thực hiện nó. Khi đó, áp lực của các chuẩn mực khiến chúng ta cũng thực hiện điều đó. Hiệu ứng này thường song hành với thiên kiến địa vị.

Ví dụ như khi một phong cách thời trang nổi lên, những người khác cũng cố gắng theo đuổi phong cách nó.

6. Conformity bias: Khuynh hướng thích ứng

Khuynh hướng thích ứng khiến chúng ta thường hành động theo những người xung quanh, ngay cả khi điều đó đi ngược lại với quan điểm cá nhân. Khuynh hướng này có thể xuất hiện khi chúng ta đối mặt với áp lực đồng trang lứa (peer pressure) hoặc muốn hoà nhập vào một môi trường xã hội.

Ví dụ trong một buổi họp xem xét hồ sơ ứng viên, bạn vô thức điều chỉnh ý kiến, ấn tượng của mình về ứng viên đó sao cho phù hợp với phần đông ý kiến của những người đã phát biểu trước.

7. Groupthink: Tư duy tập thể

Groupthink Tư duy tập thể
Groupthink: Tư duy tập thể

Tư duy tập thể xảy ra khi chúng ta muốn duy trì sự hoà đồng và thống nhất trong nhóm, vì thế thường đưa ra những quyết định ít mang tính cá nhân hơn và tránh những vấn đề gây tranh cãi. Điều này làm phai nhạt tính sáng tạo và hạn chế khả năng suy nghĩ độc lập của từng thành viên.

Ví dụ trong những buổi làm việc nhóm, bạn thường chấp nhận phương án được phần lớn thành viên thống nhất thay vì phản bác lại và nói lên quan điểm cá nhân.

8. Loss aversion: Lo ngại mất mát

Loss aversion Lo ngại mất maacutet
Loss aversion: Lo ngại mất mát

Lo ngại mất mát xảy ra khi bạn không muốn đánh mất thứ mình đang có. Chúng ta thường nhìn nhận nỗi đau mất mát lớn gấp đôi niềm vui gặt hái được. Do đó khi xem xét các lựa chọn, chúng ta lo lắng về những gì có thể mất khi từ bỏ hiện trạng hơn là những gì có thể đạt được khi thử điều mới.

Hiệu ứng ám ảnh về mất mát có liên quan đến bẫy chi phí chìm (sunk cost). Đây là xu hướng thực hiện một hoạt động đến cùng dù kết quả không khả quan vì không muốn lãng phí sự đầu tư từ trước đến nay.

Ví dụ sau khi mua một cái áo qua mạng, bạn nhận ra mình không thể mặc nó. Tuy nhiên bạn vẫn giữ lại chiếc áo đó với hi vọng rằng một ngày nào đó bạn có thể mặc được.

9. Planning fallacy: Ngụy biện lập kế hoạch

Planning fallacy Nguỵ biện lập kế hoạch
Planning fallacy: Ngụy biện lập kế hoạch

Nguỵ biện lập kế hoạch là một dạng thiên kiến nhận thức cho thấy góc nhìn lạc quan quá mức của chúng ta khi dự đoán thời gian cần thiết để hoàn thành một việc nào đó. Cho dù trước đây bạn đã từng thực hiện một việc với tính chất tương tự, bạn vẫn sẽ tiếp tục tính sai trong lần kế tiếp.

Tác nhân chủ yếu là do thiên kiến tiêu cực (Negativity bias). Chúng ta chỉ hình dung ra viễn cảnh thành công chứ không lường trước những rắc rối tiềm ẩn. Hoặc dù đã chuẩn bị trước thì cũng không thể đoán hết được. Do đó, chúng ta chỉ ước tính thời gian trong trường hợp mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Ví dụ, bạn có một tuần để nộp bài báo cáo. Bạn đã từng làm nhiều bài báo cáo tương tự và tự tin rằng mình chỉ cần ba ngày để thực hiện nó. Nhưng khi bắt tay vào làm, bạn nhận ra mình cần chuẩn bị nhiều hơn dự kiến và thường xuyên bị gián đoạn bởi những hoạt động khác.

10. Status quo bias: Thiên kiến hiện trạng

Thiên kiến hiện trạng là xu hướng muốn gắn bó với tình trạng hiện tại của mình và thường nhìn nhận những thay đổi là một mất mát lớn, tốn kém và không an toàn. Vì vậy chúng ta thường giữ nguyên trạng thái hiện tại để giảm thiểu rủi ro.

Ví dụ khi đi ăn nhà hàng, bạn thường chọn một món ăn quen thuộc thay vì thử nhiều món ăn khác vì sợ những món ăn mới sẽ không hợp khẩu vị với mình và bạn phí tiền vào những món đó.