Hot girl bình luận World Cup: Cần nhiều hơn số liệu và thị hiếu để kết luận | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 11, 2022
Sáng TạoTruyền ThôngOpinion

Hot girl bình luận World Cup: Cần nhiều hơn số liệu và thị hiếu để kết luận

Trong khi chờ đợi ý kiến người trong cuộc và hướng tới một giải pháp triệt để, ý kiến đám đông và thị hiếu không nên là bàn đạp cho luận điểm.
Hot girl bình luận World Cup: Cần nhiều hơn số liệu và thị hiếu để kết luận

Nguồn: VTV

Cứ mỗi mùa World Cup hay Euro, một cuộc tranh luận lại nổ ra: nên hay không nên tổ chức các chương trình truyền thông sử dụng hình ảnh và cơ thể phụ nữ để thỏa mãn nhóm khán giả nam giới? Cuộc tranh luận đã xuất hiện từ năm 2018 và tiếp diễn trong năm nay với nhiều ý kiến phản đối.

Hai luồng dư luận đối nghịch, một bên ưu tiên nhu cầu của thị trường để giữ lại phần bình luận bóng đá của các hot girl; một bên ưu tiên quyền con người, đòi hỏi loại bỏ sự vật hoá (objectification) người phụ nữ. Tuy nhiên, chúng ta chưa được nghe tiếng nói từ chính những cô gái đang bị coi là nạn nhân.

Nếu như chính những người trong cuộc chưa lên tiếng, thì đâu là những yếu tố chúng ta đang dựa vào để tranh luận? Và liệu có tồn tại một giải pháp rốt ráo nhằm chiều lòng cả hai phe?

“Khán giả đại chúng” và “Khẩu vị đại chúng”

Giữa nhân danh số đông và tôn trọng nguyên tắc

Một phía cho rằng chính bởi vì khẩu vị đại chúng (popular taste) của khán giả xem bóng đá, nam giới chiếm phần đa, là quan sát các hot girl để làm nóng mùa bóng, nên truyền thông cần khoả lấp nhu cầu ấy. Chưa kể các đơn vị truyền thông đều phải kiếm doanh thu, nên chừng nào những hình ảnh câu khách phía trên còn ra tiền, chừng ấy còn các chương trình như vậy.

Phía còn lại, bên cạnh bảo vệ quyền phụ nữ, cũng lập luận rằng truyền thông phân biệt giới có thể làm tổn hại khẩu vị đại chúng. Và bên cạnh xoáy sâu vào những tranh cãi về đạo đức truyền thông, thì họ cũng nhấn mạnh rằng ngày nay, các luồng dư luận “cấp tiến” hơn đã lên ngôi, và truyền thông phải phục vụ cả loạt độc giả mới này nữa.

Cả hai bên đều nhân danh sở thích và quan điểm của “khán giả đại chúng” để lên tiếng chứ không dựa vào ý kiến người trong cuộc, hay nhận định và đánh giá của chuyên gia. Tuy nhiên, bao nhiêu người có chung thị hiếu thì trở thành đại chúng? Xa hơn, con số có thể trung thực đến đâu để nói thay lời của hàng chục triệu người?

24nov2022pexelswendywei1916816jpg
Đại chúng chính xác là những ai? | Nguồn: Pexels

Chúng ta thường nghĩ về đại chúng như một đám đông lớn, trong đó mọi quan điểm và tiếng nói bị bão hòa vào nhau thành một khẩu vị đại chúng. Nhưng việc có hai luồng ý kiến trái chiều cùng dựa vào đại chúng để lập luận cho ta thấy rằng đại chúng không chỉ là một khối vô tri thống nhất.

Vì thế, sẽ là không hợp lý khi giả định rằng tất cả đại chúng xem bóng đá đều là nam giới có sở thích ngắm phụ nữ như một loại "phụ gia" cho món bóng đá. Sự mập mờ của cái gọi là đại chúng dễ trở thành chiếc bình phong để ta và những luận điểm núp sau.

Đại chúng được tạo ra như thế nào?

Khán giả đại chúng thực tế là một nhóm được truyền thông tạo ra, chứ không hề là một nguồn cầu sẵn có và truyền thông chỉ có mặt để thoả mãn nhu cầu. Cái gọi là đa số không nằm ở con số, mà nằm ở cảm giác về sự đồng thuận chung.

Khái niệm "đại chúng" được ngành truyền thông sử dụng để thiết kế và đo lường sự hiệu quả của một chương trình (bao nhiêu người xem và xem trong bao lâu). Khẩu vị đại chúng được định hình qua khảo sát của các nhà đài.

Bản thân người làm truyền thông giả định nhu cầu của thị trường, “dò đường” bằng vô vàn thử nghiệm để người xem hình thành trong đầu nhu cầu đó, và biến giả định của mình thành một thứ có thật. Sự thật là với trình độ nghiên cứu hiện tại, không bộ số liệu nào có thể khách quan tuyên bố “đại chúng” muốn gì.

Các định kiến phổ biến được lan toả do người làm truyền thông tự tạo ra một “thị hiếu đại chúng” và ép nó lên khán giả. Người nói cần tôn trọng nguyên tắc của thị trường thì ngầm tạo ra nhu cầu và bắt thị trường phải đi theo. Còn người cho rằng cần “giáo dục” công chúng xem những thứ tốt đẹp hơn thì lại bỏ qua tiếng nói của chúng những phụ nữ được coi là “bình hoa” ở trong cuộc.

“Chế biến” phái đẹp theo khẩu vị đại chúng

Từ những giả định về thị hiếu của khán giả và khẩu vị của đại chúng, các kênh truyền thông sản xuất các chương trình sao cho phù hợp với giả định để tăng lợi nhuận. Trong trường hợp mà chúng ta đang bàn, những quyết định sản xuất được dựa trên hai giả định: rằng phụ nữ không giỏi thể thao, và đại chúng muốn xem và nhìn vẻ đẹp của phái nữ hơn là nghe họ nói hay phân tích về trận đấu.

“Đàn bà thì biết gì về bóng đá?”

Ngay từ những sự kiện thể thao đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ đã không có vai trò, hoặc có vai trò rất mờ nhạt. Dù Thế vận hội Olympic nổi tiếng lâu đời từ thời Hy Lạp cổ đại, phải tới Thế vận hội Paris vào năm 1900 phụ nữ mới được tham gia tranh tài. Trong các sự kiện thể thao, nữ giới chỉ xuất hiện như những tệp đính kèm, những vật trang trí.

24nov20221900olympicgamesposterparisjpg
Tấm poster cho bộ môn đấu kiếm tại Thế vận hội mùa hè 1900. | Nguồn: Jean de Paleologu

Biểu hiện sớm nhất của việc vật hóa phụ nữ cho mục đích giải trí trong thể thao là các phần vũ đạo cổ động (cheerleading) được thực hiện hầu hết bởi nữ giới trong trang phục bó sát. Họ chỉ xuất hiện ở trước trận đấu và giữa các hiệp đấu, khi ban tổ chức cần một hình thức giải trí để câu kéo sự chú ý của tệp khán giả phần lớn là nam giới.

Trong thời đại vô tuyến, sự xuất hiện của nữ giới trong các chương trình bình luận thể thao bên lề cho thấy những biểu hiện mới của việc lợi dụng hình ảnh và cơ thể phụ nữ. Một số chương trình dù mang tiếng là nói về thể thao và phổ cập kiến thức World Cup lại chỉ tập trung vào việc phô bày cái đẹp của nữ giới.

Nhưng như vậy mới chỉ là một nửa vấn đề. Nửa còn lại nằm ở chỗ, các chương trình thường xuyên hỏi những câu hỏi có phần ngây ngô về thể thao để các bạn nữ trả lời. Sự ngây ngô này song hành với việc phô bày cơ thể và vẻ đẹp của phụ nữ, từ đó kết nối hai giả định nói ở trên: nữ giới chỉ đẹp chứ không biết gì về thể thao, cho nên chỉ để ngắm chứ không để lắng nghe hay bàn luận chuyên môn.

Người trong cuộc ở đâu?

Khi đã nhận ra những giả định trên, rất dễ để chúng ta phê phán các kênh truyền thông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phe còn lại hoàn toàn trong sạch và xác đáng.

Như đã nói ở trên, chính những người đang lên tiếng phản đối chương trình trên danh nghĩa bảo vệ phụ nữ cũng dựa theo một giả định có tính ảo tưởng về ý kiến số đông. Họ dường như đang nói thay lời những người trong cuộc, trong khi chính những cô gái được cho là nạn nhân thì chưa lên tiếng.

Có lẽ những cô gái tham dự chương trình hiểu rằng mình sẽ phải làm gì trên truyền hình, và khán giả sẽ nhìn họ như thế nào. Lý do họ vẫn đồng ý với một vị trí như vậy là bởi nó có tiềm năng mang lại những lợi ích về nghề nghiệp hay thu nhập… Nhưng tất cả chỉ là những suy đoán.

Để hiểu tường tận về cuộc đối thoại này, có lẽ chúng ta cần chờ đợi tiếng nói của những người trong cuộc, thứ mà hiện tại chúng tôi không có.

Giải pháp là gì?

Có rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng ta vẫn chưa tìm thấy một điểm thỏa hiệp giữa cả hai bên. Liệu có nên bỏ hẳn chương trình như phía phản đối hay kêu gọi? Hay là nên thay đổi hình thức và cách tổ chức chương trình?

Một ý kiến nổi bật được đưa ra bởi Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là thay vì mời các cô gái với nhan sắc xinh đẹp lên làm bình hoa, chương trình có thể mời các nữ cầu thủ bóng đá. Việc này vừa đảm bảo sự hiện diện của phái nữ, vừa nâng tầm chất lượng chuyên môn của các phần bình luận.

Ý tưởng này dù hay, nhưng có lẽ sẽ khó mà được các kênh truyền thông chấp thuận. Điều này vừa bắt nguồn từ đòi hỏi về lợi nhuận như đã phân tích, vừa tới từ những định kiến về nữ giới nói chung trong xã hội. Giải pháp lâu dài, do đó, cần triệt để và rốt ráo hơn là chỉ dừng lại ở câu chuyện phụ nữ trong thể thao và trên truyền thông.

Có một điểm chắc chắn đó là với chúng tôi, cần nhiều hơn là số liệu định lượng để đi đến quyết định xã hội. Hoạt động vĩ mô cần dựa trên các nguyên tắc chứ không phải dựa trên số đông. Theo nghĩa này thì phe bảo vệ quyền con người vẫn là phe chúng tôi đứng về.

Nhưng chúng ta phải dè chừng, bằng không sẽ lược đi tiếng nói của chính những người phụ nữ chúng ta muốn bảo vệ. Ta có thể chống lại định kiến “fan nữ phong trào”, “đàn bà biết gì về bóng đá”, “bình hoa di động”... nhưng đừng giả định rằng người trong cuộc chỉ là nạn nhân thụ động của hệ thống, rằng họ không đủ năng lực để có sự tự chủ tương đối khi tham dự chương trình.

Đằng sau cánh gà là những câu chuyện phức tạp hơn điều bài viết của chúng tôi có thể phân tích.