Just Stop Oil: Phá hoại của công không nâng cao nhận thức về môi trường | Vietcetera
Billboard banner

Just Stop Oil: Phá hoại của công không nâng cao nhận thức về môi trường

Ném sốt cà chua vào tranh của Van Gogh để kêu gọi mọi người ngừng sử dụng dầu mỏ, song Just Stop Oil nhận tài trợ từ chính các ông trùm của ngành công nghiệp vàng đen.
Just Stop Oil: Phá hoại của công không nâng cao nhận thức về môi trường

Nguồn: NPR

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Vào 14/10 vừa qua theo giờ Anh Quốc, hai nhà hoạt động môi trường từ nhóm Just Stop Oil đã ném súp cà chua lên bức hoạ nổi tiếng của Vincent Van Gogh - Hoa Hướng Dương. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London.

Hai nhà hoạt động trẻ tuổi, Phoebe Plummer và Anna Holland, sau đó đã cởi áo khoác để lộ ra logo của Just Stop Oil, rồi tự dính mình vào bờ tường phía dưới bức tranh. Họ tuyên ngôn:

“Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay sự sống? Nó có giá trị hơn thức ăn không? Hơn cả công lý? Bạn quan tâm hơn đến việc bảo vệ bức tranh hay việc bảo vệ hành tinh và con người của chúng ta?”

httpsvietceteracomuploadsimages17oct2022vangoghvandalshavegraduated21andstudent20whojpeg
Phoebe Plummer bị bắt | Nguồn: Getty Images

Hai nhà hoạt động sau đó đã bị bắt giữ vì tội hình sự và xâm phạm nghiêm trọng. Rất may mắn là kiệt tác của Van Gogh không bị thiệt hại do bảo tàng đã có một lớp kính mỏng che chắn, bảo vệ bức tranh. Chỉ có một chút hư hại được ghi nhận ở khung tranh.

2. Đâu là những mục tiêu của Just Stop Oil?

Với mục đích gây sức ép lên chính phủ Anh rằng họ cần cam kết với con đường chống biến đổi khí hậu và ngừng sản xuất thêm dầu khí, Just Stop Oil đi theo đường lối hoạt động gây tranh cãi. Họ xuất hiện ở những sự kiện quan trọng, thu hút nhiều quan tâm, để tuyên ngôn niềm tin của họ.

httpsvietceteracomuploadsimages17oct20221200x1jpeg
Just Stop Oil phá một đại lý xe Aston Martin | Nguồn: Bloomberg

Just Stop Oil từng nhắm đến các mục tiêu sau đây, trong 8 tháng tồn tại của nó:

Vào ngày 13 tháng 3, nhóm này đã làm gián đoạn lễ trao giải BAFTA lần thứ 75.

Vào ngày 20 tháng 3, hai thành viên của nhóm có ý định làm gián đoạn một trận bóng đá nhưng kế hoạch vỡ lở.

Vào 1 tháng 4, tổ chức có ý định làm tắc nghẽn 10 cơ sở sản xuất và lưu thông dầu mỏ trên toàn nước Anh. Suốt trong tháng 4 đó, các thành viên của Just Stop Oil đã chặn các đoàn xe chở xăng dầu ở Anh, gây tắc nghẽn giao thông nhiều lần.

Vào ngày 3 tháng 7, một thành viên bước xuống đường đua trong giải đua công thức 1 British Grand Priz 2022, khiến giải này phải tạm hoãn.

Cũng trong tháng 7, Just Stop Oil đã coi các tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử làm mục tiêu tấn công của mình. The Last Supper của Leonardo Da Vinci và The Hay Wain của John Constable là hai trong số các mục tiêu của nhóm này.

Ngay trước vụ việc ném súp vào bức Hoa Hướng Dương, vào 26 tháng 8, Just Stop Oil đã chặn sự hoạt động của 7 trạm xăng dầu trên toàn nước Anh. 43 người bị bắt.

3. Hiệu quả truyền thông có tương xứng với hiệu quả thực tế?

Một trong những phát ngôn viên của Just Stop Oil, Alex De Koning, đã trả lời truyền thông về phương châm hoạt động của họ: “Đây không phải là gameshow The X Factor. Chúng tôi không cố gắng kết bạn ở đây, chúng tôi đang cố gắng tạo ra sự thay đổi, và rất tiếc đây là cách mà sự thay đổi xảy ra.”

Quả đúng là vậy, đường lối hoạt động của Just Stop Oil chủ yếu gây cảm xúc tiêu cực từ công chúng. Đó là lý do thông tin về họ và các hoạt động của họ lan truyền với tốc độ nhanh đến vậy. Bản thân những nhà hoạt động bảo vệ môi trường khác cũng bất đồng với cách Just Stop Oil đưa vấn đề môi trường “viral trên truyền thông.”

Thông điệp của nhóm này đưa ra không có gì sai, nhưng cách thức thực hiện gây tranh cãi của họ khiến khán giả truyền thông chỉ tập trung vào không khí tiêu cực họ gây ra, chứ không quan tâm đến yếu tố môi trường. Các nhóm hoạt động vì môi trường khác cũng sẽ ít nhiều chịu tác động không tốt từ dòng dư luận do Just Stop Oil tạo ra.

4. Just Stop Oil chạy bằng tiền của ai?

Là một tổ chức cam kết với sứ mệnh chống sản xuất dầu mỏ và nguyên liệu hoá thạch, song bản thân Just Stop Oil không thể độc lập các nguồn tiền của họ khỏi… giới thượng lưu sản xuất thứ vàng đen này.

Nguồn tài trợ chính của tổ chức đến từ quỹ từ thiện đặt trụ sở tại Mỹ mang tên Climate Emergency Fund (CEF). Nhà tài trợ chính, và cũng là một trong những sáng lập viên của CEF là Aileen Getty, người gọi J. Paul Getty, nhà sáng lập tập đoàn xăng dầu Getty Oil, là cụ nội. Cho đến nay, CEF đã nhận khoảng 1 triệu USD từ Aileen Getty. Điều này gây tranh cãi cho công chúng, nhất là khi gia tộc Getty đã từng đứng top 1 thế giới về độ giàu có nhờ khai thác xăng dầu.

httpsvietceteracomuploadsimages17oct2022gettyimages51790042594x594jpeg
Aileen Getty (áo đỏ) có quan hệ tốt với các lãnh đạo thế giới | Nguồn: Getty Images

Tất nhiên, không thể nói tất cả con cháu hưởng thừa kế kếch xù của các nhà sáng lập công nghiệp là không có thành ý muốn khắc phục những hậu quả kinh hoàng mà người thân họ gây ra. Đặc biệt, CEF cũng đã đóng góp tiền và làm chống lưng cho rất nhiều tổ chức và sáng kiến chống biến đổi khí hậu khác nhau.

Nhưng lo ngại từ giới chuyên gia về chuyện các nhà hoạt động xã hội nhận tiền từ giới thượng lưu là, các phong trào có thể là công cụ trốn thuế của giới này. Và trong quá trình vận động, các nhà hoạt động cũng sẽ không dám đối đầu với… nhà tài trợ của chính mình nếu họ có khuất tất.

5. Vì sao các phong trào bảo vệ môi trường thất bại?

Trong nửa thế kỷ nay, tính từ khi các diễn ngôn về biến đổi khí hậu ra đời, nhiều tổ chức nhân đạo, hoạt động xã hội đã được thành lập nhằm cứu trái đất. Phương án của họ rất đa dạng, từ truyền thông thay đổi nhận thức, giảm thiểu tiêu dùng cho đến bạo lực mềm như Just Stop Oil.

Song, dường như các cuộc vận động này không tạo ra mấy sự thay đổi. Hệ sinh thái vẫn tiến dần đến điểm tận cùng dù bao nhiêu tiền đã được đổ vào hoạt động xã hội. Vấn đề không phải các tổ chức không đủ cố gắng, mà họ không đủ tầm nhìn và quyền lực để tác động đến toàn bộ hệ thống sản xuất hàng hoá.

Môi trường bị ô nhiễm chỉ là hậu quả nhãn tiền của mọi hoạt động của con người. Treo băng rôn “hãy bảo vệ môi trường” hoặc “không sử dụng túi nilon” không có tác dụng gì ngoài việc đặt áp lực ngày càng lớn lên người tiêu dùng. Trong khi đó, nền sản xuất, nguyên nhân tột cùng của ô nhiễm, chẳng thay đổi dù chỉ một li.

Just Stop Oil là một phần của sự thiếu tầm nhìn này. Họ vẽ ra một bức tranh khai thác dầu mỏ xấu xí, nhưng không đưa ra được giải pháp thay thế dầu mỏ. Họ cũng không đề cập đến chuyện nguyên liệu thay thế hầu hết được khai thác tại các nước nghèo, vốn gây ra bất ổn chính trị, tham nhũng và nhiều tiêu cực khác.

Còn nếu nguyên nhân là không đủ tiền để tăng quy mô và tác động của một phong trào, thì việc tìm kiếm các quỹ lớn cũng rơi vào bế tắc. Các quỹ từ thiện lớn nhất thế giới hiện nay vẫn thuộc về các tập đoàn gây ra chính các hệ quả mà các quỹ này muốn giải quyết. Hệ quả, họ chỉ cố gắng tảng lờ một bức tranh “vừa đá bóng, vừa thổi còi.”