Theo một khảo sát của Decision Lab tại Việt Nam, hơn 73% trong số hơn 1100 đáp viên cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường là quan trọng. Cụ thể, có 73% đáp viên ở độ tuổi gen Z và 75% gen Y đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, và 66% sẵn sàng tái chế hoặc trả giá cao hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 45/2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các cá nhân và hộ gia đình phải tiến hành phân loại rác làm 3 loại: tái chế, thực phẩm và khác (chất thải nguy hiểm, cồng kềnh và đồ dùng 1 lần). Nếu không tiến hành, bạn có thể bị phạt từ 500.000 tới 1 triệu đồng.
Dù vậy, vẫn còn không ít những hiểu lầm tồn đọng về quy trình và hiệu quả của tái chế, dẫn tới việc thực hành chưa đúng cách. Chẳng hạn việc không phân loại rác đúng cách sẽ vô tình gây thêm tổn hại thêm cho môi trường thay vì cải thiện nó.
Hiểu lầm 1: Cái gì có biểu tượng tái chế đều có thể tái chế
Chúng ta đều đã quen thuộc với biểu tượng tái chế (hình tam giác có 3 mũi tên xoay vòng vào nhau) xuất hiện trên bao bì hầu hết các sản phẩm, đặc biệt là đồ nhựa. Tuy nhiên thực tế là không phải cái gì mang biểu tượng này đều có thể tái chế.
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy bên trong hình tam giác thường có một con số. Đó chính là số ký hiệu vật liệu của sản phẩm, và bảng dưới đây sẽ cho bạn biết khả năng tái chế của từng loại vật liệu:
Hiểu lầm 2: Có thể đựng rác tái chế trong túi nylon
Về lý thuyết, túi nylon có thể tái chế được. Nhưng trên thực tế, chúng lại không được xử lý ở các nhà máy tái chế rác, và sẽ bị thải ra ngoài làm ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.
Vì vậy thay vì dùng túi nylon, chúng ta có thể để rác tái chế trong thùng hoặc hộp làm từ nhựa cứng, giấy/bìa carton hay kim loại. Với các túi nylon không còn sử dụng, bạn xếp chúng vào loại rác thải khác, bên cạnh rác tái chế và rác thực phẩm. Điều này áp dụng cả với túi nylon tự hủy sinh học, bởi chúng chỉ phân hóa trong điều kiện nhiệt độ và sinh học nhất định, không thể xếp chung với rác thực phẩm.
Hiểu lầm 3: Phân loại rác tại nguồn không cần thiết, vì rác sẽ bị trộn lẫn sau đó
Đây có lẽ là rào cản lớn nhất cho việc phân loại rác tại Việt Nam. Bởi tại hầu hết các khu dân cư và khu vực công cộng, xe rác chỉ có một ngăn duy nhất chứa tất cả các loại rác thải. Điều này khiến không ít người ngại thay đổi, bởi họ không thấy nỗ lực của mình và gia đình mang lại kết quả thực tế.
Dù vậy, chúng ta vẫn nên phân loại rác tại nguồn khi có thể. Bởi khi để lẫn các loại rác thải với nhau, chúng có thể tương tác và làm ô nhiễm lẫn nhau, ảnh hưởng đến khả năng tái chế. Chẳng hạn khi để lẫn giấy viết (rác tái chế vô cơ) với thức ăn thừa (rác hữu cơ), giấy sẽ bị nước từ thức ăn thấm vào làm mủn hoặc nát, không còn khả năng tái chế như ban đầu.
Có cách nào giúp việc tái chế đơn giản hơn không?
Có thể thấy phần đông người Việt Nam có ý thức về tái chế rác thải và bảo vệ môi trường, tuy nhiên lại chưa biết tái chế đúng cách. Đa số các khu dân cư cũng chưa có cơ sở vật chất để phân loại rác đúng chuẩn. Các doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều chương trình tái chế, song không ít mang tính thi đua ngắn hạn, thiên về truyền thông hơn là tính bền vững lâu dài.
Vậy sẽ ra sao nếu có một sản phẩm công nghệ giúp chúng ta thu gom rác thải, đem đi tái chế một cách nhanh chóng và tiện lợi? Đó chính là lý do dự án Ve Chai Ơi ra đời.
Dự án Ve Chai Ơi là gì?
Đây là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam giúp phân loại rác tại nguồn và bán rác tái chế online, do chị Đoàn Kiều My - Giám đốc Đổi mới sáng tạo tại Earable Neuroscience Vietnam khởi xướng.
Lấy cảm hứng từ tiếng rao “ve chai ơi!” quen thuộc của những người thu ve chai truyền thống, ứng dụng sẽ mang tiếng rao ấy nhân rộng online để mọi người dân, mọi lứa tuổi trên đất nước Việt Nam. Chỉ cần chạm tay vào màn hình điện thoại, người dùng đã có thể bán ve chai nhanh và đảm bảo rác được tái chế chuẩn.
Có gì mới lạ trong dự án Ve Chai Ơi?
Ve Chai Ơi là một mini app được tích hợp trên Zalo - nền tảng nhắn tin đã được rất nhiều người Việt sử dụng, nên bạn không cần tải thêm một app riêng. Trên ứng dụng có sẵn hướng dẫn cụ thể cách phân loại rác tại nguồn theo tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Sau khi phân loại, bạn đặt lịch hẹn để đơn vị thu gom đến tận nơi lấy rác, ngay cả khi nhà bạn ở sâu trong ngõ, hẻm. Khi đã hoàn tất giao ve chai, bạn sẽ tích được một số điểm nhất định để quy đổi thành tiền mặt, quà tặng hoặc đóng góp cho các dự án bảo vệ môi trường. Đây là điểm mạnh lớn của Ve Chai Ơi so với các chiến dịch tái chế trước đây, khi chúng ta phải tự mình mang rác đến nơi tái chế/đổi quà, trong khi chưa chắc đã phân loại đúng cách.
Như vậy toàn bộ quy trình có thể gói gọn trong 3 bước: phân loại rác, đặt lịch và tích điểm. Nhờ sự dễ dàng, thuận tiện trên, Ve Chai Ơi hứa hẹn sẽ là ứng dụng “gối đầu giường” trong thời gian sắp tới, đặc biệt khi Nghị định 45/2022 có hiệu lực từ ngày 1/1.
Ve Chai Ơi sẽ chính thức ra mắt vào ngày 11/1 tới đây. Trong giai đoạn 12 tháng đầu tiên, app sẽ tập trung thí điểm 3 loại rác tái chế giấy, nhôm và nhựa tại TP. HCM, trước khi mở rộng thêm với các vật liệu khác trên quy mô toàn quốc.