1. Chuyện gì đã xảy ra?
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đưa ra thông báo cập nhật lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 nhằm tạo điều kiện cho người dân nghỉ dài ngày. Nhờ việc hoán đổi thứ 2 (29/4) với ngày thứ 7 cùng tuần, mọi người sẽ có 5 ngày nghỉ liên tiếp từ 27/4 tới 1/5, sau đó đi làm bù vào ngày 4/5.
Cần phải lưu ý rằng, việc hoán đổi ngày làm việc theo văn bản thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ áp dụng với công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.
Bộ khuyến khích các doanh nghiệp khác áp dụng lịch nghỉ lễ mới. Như vậy, nếu như bạn đang làm tại một đơn vị ngoài khối nhà nước, bạn nên kiểm tra xem công ty mình lựa chọn phương án nghỉ nào. Nếu doanh nghiệp không áp dụng phương án của chính phủ, bạn vẫn sẽ phải đi làm thứ 2 như bình thường.
2. Tại sao ngành du lịch tiếc nuối khi quyết định được đưa ra?
Khi Văn phòng Chính phủ chính thức thông báo kế hoạch nghỉ mới vào chiều ngày 12/4, các doanh nghiệp du lịch và cả một số người dân bày tỏ sự tiếc nuối.
Thời điểm thông báo chỉ cách thời điểm nghỉ lễ khoảng hơn hai tuần. Phần lớn những người muốn đi du lịch đã chốt kế hoạch, mua vé máy bay và đặt phòng từ sớm. Vì đã trả tiền, nhiều người vẫn sẽ du lịch ngắn ngày dù kì nghỉ đã dài hơn và có thể họ cũng mong muốn đi nhiều hơn.
Kể cả với những ai chưa chốt kế hoạch du lịch, hoặc đã chốt nhưng muốn nghỉ dài hơn, thì quyết định này vẫn tới khá muộn. Càng sát kì nghỉ thì vé máy bay, vé tàu xe càng cao, giá phòng khách sạn hay dịch vụ lưu trú cũng đắt hơn từng ngày.
Người dân không được chuẩn bị từ trước nên không phải ai cũng có thể đi du lịch dài ngày ở những địa điểm xa.
Với những doanh nghiệp lữ hành, quyết định kéo dài kỳ nghỉ hóa ra lại không ảnh hưởng quá nhiều tới kế hoạch kinh doanh của họ trong dịp nghỉ này. Việc triển khai những gói du lịch mới tương ứng với kế hoạch nghỉ mới là quá muộn.
3. Có cách nào để chuẩn bị lịch nghỉ lễ sớm hơn?
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sở dĩ Bộ chậm đưa ra kế hoạch hoán đổi ngày nghỉ vì tới đầu tháng tư mới nhận được ý kiến đề xuất.
Điều này cho thấy chúng ta chưa thực sự chủ động trong việc chuẩn bị phương án nghỉ lễ. Đúng ra, những phương án này nên được chốt cố định từ đầu năm, nhất là khi nhiều đơn vị truyền thông đã đưa tin về lịch nghỉ lễ năm nay từ cuối năm trước.
Một số người cho rằng chúng ta nên luật hóa việc hoán đổi ngày nghỉ để có thể cố định kế hoạch nghỉ. Nếu làm được điều này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ không phải mất thời gian xin ý kiến và xin phê duyệt của các Bộ khác và của Thủ tướng.
Khả năng luật hóa việc đổi ngày nghỉ lễ là khả thi. Do 30/4 và 1/5 luôn là hai ngày nghỉ lễ liền nhau nên hoàn toàn có thể tính toán trước những trường hợp phát sinh cần kéo dài kỳ nghỉ thành 5 ngày khi ngày 30/4 rơi vào thứ 3 như năm nay, hoặc khi ngày 1/5 rơi vào thứ 5.
4. Nghỉ 5 ngày có đủ để nạp lại năng lượng?
Với 5 ngày nghỉ, kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay chỉ ngắn hơn nghỉ Tết Nguyên Đán. Trong khi nhiều người tỏ ra thích thú trước quãng thời gian sắp có để nghỉ ngơi, lại có người lo rằng kỳ nghỉ dài này làm họ trì trệ và khó bắt nhịp làm việc trở lại.
Không thể phủ nhận rằng cảm giác rệu rã sau mỗi kỳ nghỉ là có thật. Để tránh điều này, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra công thức để tính toán thời lượng nghỉ hoàn hảo cho người lao động sao cho họ vừa có thể nạp lại năng lượng, vừa không cảm thấy chán chường khi phải trở lại làm việc.
Nhiều con số khác nhau được đưa ra từ các nghiên cứu, trong đó 7 ngày hoặc 8 ngày là hai con số xuất hiện nhiều nhất. Theo đó, đây là khoảng thời gian vừa đủ để ta chuẩn bị cho chuyến đi, thực hiện các kế hoạch một cách từ tốn, và không phải vội vàng quay lại làm việc khi đang vào guồng nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, con số này bị ảnh hưởng không chỉ bởi các yếu tố môi trường, xã hội, văn hóa, mà còn bởi những thứ chủ quan như sở thích cá nhân, quan niệm về việc nghỉ ngơi, đi lại, hay thậm chí là... thời tiết.
Nói cách khác, không có đáp án cụ thể mang tính phổ quát cho câu hỏi này. Tất cả phụ thuộc vào bạn và những dự định của mình. Hãy tự tìm điểm cân bằng để vừa đủ thời gian nghỉ ngơi hay thăm thú đó đây, vừa không cảm thấy trì trệ khi quay lại làm việc nhé.
5. So với thế giới, người lao động Việt được nghỉ ít hay nhiều?
Tại Việt Nam, người lao động có 11 ngày nghỉ (chưa tính nghỉ bù) vì những dịp lễ và ngày kỷ niệm. Bên cạnh đó còn có ít nhất 12 ngày nghỉ phép mỗi năm, đưa số ngày nghỉ lên 23 ngày.
Con số này thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonesia (28 ngày), Timor Leste (29 ngày), hay Myanmar (30 ngày). Nếu như so với các nước châu Âu, cách biệt còn lớn hơn nữa: ngoại trừ Vương quốc Anh và Montenegro với 28 ngày, thì các nước châu Âu có từ 29 tới 46 ngày nghỉ trong năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhiều ngày nghỉ hơn Trung Quốc (16 ngày), Đài Loan (17 ngày), Singapore (18 ngày) v.v. Nước ta cũng nhiều ngày nghỉ hơn Mỹ (10 ngày) - nơi không có quy định về số ngày nghỉ phép tối thiểu trong năm.
Nếu bạn muốn tham khảo thêm về số ngày nghỉ của các quốc gia trên thế giới, hãy xem tại đây.