Post-vacation blue: Lúc đi hết mình, lúc về đứng hình | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Post-vacation blue: Lúc đi hết mình, lúc về đứng hình

Sau khi tạm biệt chuyến đi bung lụa, nhiều người không khỏi hụt hẫng, chán nản như vừa kết thúc một bộ phim hay một cuốn tiểu thuyết.
Post-vacation blue: Lúc đi hết mình, lúc về đứng hình

Nguồn: Unsplash

1. Post-vacation blue là gì?

Post-vacation blue (nỗi buồn hậu kỳ nghỉ) là cảm giác chán nản khi trở lại guồng sống cũ sau kỳ nghỉ. Sự “lệch nhịp” giữa lúc đi và lúc về có thể thấy rõ nhất ở những chuyến du lịch.

Tuy đây không phải là rối loạn tâm lý lâm sàng, nhưng nó vẫn mang những dấu hiệu tương tự trầm cảm. Một số triệu chứng dưới đây sẽ xuất hiện muộn nhất khoảng một tháng sau chuyến đi:

  • Cảm giác trống rỗng, tiếc nuối, cô đơn, căng thẳng
  • Không thể tập trung, đầu óc mơ màng
  • Cơ thể uể oải, rã rời
  • Khó ngủ, chán ăn
  • Mất hứng và đứt kết nối với nhịp sống cũ

Khoảng nghỉ trong mùa hè là thời điểm “vàng” để xách ba lô lên và đi. Có tới 12,2 triệu lượt du khách nội địa đã “lên đường” trong tháng 6 vừa qua.

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tới lúc tan. Tạm biệt chuyến đi bung lụa, nhiều người không khỏi hụt hẫng, chán nản như vừa kết thúc một bộ phim hay một cuốn tiểu thuyết. Kỳ nghỉ càng dài, càng vui thì nguy cơ buồn bã càng cao.

2. Nguồn gốc của Post-vacation blue?

Đến nay, nguồn gốc của thuật ngữ post-vacation blue vẫn còn là ẩn số. Nhưng riêng từ “blue” thì từ thế kỷ 14, nó đã được gắn với nghĩa nỗi buồn và nước mắt. Về sau, “blue” thường được dùng để mô tả giai đoạn man mác buồn trước những dạng trầm cảm nghiêm trọng và kéo dài.

Post-vacation blue là thuật ngữ phổ biến ở Mỹ và Canada, còn ở Anh hay Ireland là post-holiday blue. Bên cạnh đó, còn một số thuật ngữ khác đều chỉ trạng thái bất ổn sau một trải nghiệm đặc biệt như: post-party blues (nỗi buồn hậu bữa tiệc), Monday blues (nỗi buồn ngày thứ Hai), Sunday night blues (nỗi buồn tối Chủ Nhật).

Ở Nhật cũng xuất hiện một hiện tượng tương tự là Gogatsu Byou hay "Bệnh tháng năm" (五 月 病). Sau một tháng nghỉ ngơi, nhiều người bị “tụt mood” khi bắt đầu năm học mới hoặc công việc mới mà trải nghiệm khác xa với kỳ vọng.

3. Vì sao Post-vacation blue phổ biến?

Những tưởng việc nghỉ sẽ đem lại niềm vui lâu dài, ai ngờ trạng thái chông chênh sau đó lại khiến ta muộn phiền hơn. Nhưng theo thuyết điểm đặt (set-point theory) thì đây thực ra là cơ chế cân bằng của con người.

Thuyết này cho rằng cảm giác hạnh phúc trong kỳ nghỉ chỉ tăng lên tạm thời, vì cuối cùng người ta sẽ quay trở lại mức hạnh phúc ban đầu.

Cảm giác trống rỗng ấy cũng không xa lạ với 57% người được khảo sát tại Anh. Và theo Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần (NAMI), 64% người mắc các vấn đề tâm thần cho biết những ngày nghỉ khiến tình trạng của họ tồi tệ hơn.

Có 3 nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến post-vacation blue:

Cơ thể thay đổi đột ngột

Trong một chuyến đi tuyệt vời, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone hạnh phúc dopamine như một phần thưởng. Nhưng khi ta ngưng hành động giúp ta nhận “quà” thì đó cũng là lúc cảm giác hào hứng mất đi.

Cơ thể sẽ càng “sốc” hơn khi bạn trở về từ một nơi lệch múi giờ và nếp sinh hoạt. Do có quá nhiều xáo trộn từ môi trường ngoài, nên đồng hồ sinh học bên trong bị “lag” và phối hợp thiếu ăn ý. Việc này sẽ khiến bạn bị đánh thức giữa đêm, gà gật khi trời sáng, và những ngày bực dọc, căng thẳng.

Sự chênh lệch trong nhận thức

Với nhiều người, đi du lịch là để tìm đến một nơi không còn những nhàm chán, bế tắc của cuộc sống cũ. Nhưng vấn đề thì vẫn ở đó, họ trở về và gặp một khó khăn đến hai lần, cảm giác nặng nề cũng nhân đôi.

Trạng thái thoát ly thực tại (escapism) cũng là cơ sở để não bộ đặt trải nghiệm giữa lúc đi và lúc về lên bàn cân. Thiên kiến nhận thức này có tên là “hiệu ứng tương phản” (contrast effect) - khi ta có xu hướng đánh giá một việc bằng cách so sánh với việc khác.

Điều này có thể khiến ta yêu thích chuyến đi đã qua hơn, lưu luyến đến mức quên mất hiện tại.

Buông thả trong kỳ nghỉ

Xõa hết sức, chơi hết mình là đặc trưng của kỳ nghỉ. Không còn bị kìm kẹp, kiểm soát, ta có thể thoải mái chiều chuộng bản thân với những đêm rượu quá chén, ăn vặt ngấu nghiến và vung tiền thỏa thích.

Hết mình là thế nhưng lúc về thì chỉ còn chiếc túi rỗng, cái bụng cồn cào, tâm trạng trầm uất. Đó là vì ta đã tiêu thụ những món ăn gây gián đoạn hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh có mối liên hệ với cảm xúc.

Ngoài ra, nỗi lo sẽ chồng chất khi còn phải gánh hậu quả sót lại của cuộc vui như thiếu tiền. Để thoát khỏi tình trạng này, dưới đây là một gợi ý để chuyển về cuộc sống cũ mượt hơn:

  • Sắp xếp 1-2 ngày trước khi đi làm
  • Ghi lại và chia sẻ những kỷ niệm
  • Tìm về những sở thích cũ
  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: ăn uống lành mạnh, tránh dùng thiết bị điện tử vào giờ ngủ, tập thể dục
  • Tạo những trải nghiệm mới, dỡ bỏ những thói quen cũ không còn phù hợp
  • Hòa vào khung cảnh thiên nhiên
  • Thực hành lòng biết ơn với trải nghiệm đã qua và thực tại

4. Dùng Post-vacation blue như thế nào?

Tiếng Anh

A: I don't know why after the last trip, I don't have any energy to go to work.

B: Oh, I think you might be going through the post-vacation blues.

Tiếng Việt

A: Không hiểu sao sau chuyến đi vừa rồi, tớ chẳng còn chút sức lực nào để đi làm nữa.

B: Tớ nghĩ có khi cậu đang rơi vào trạng thái chán nản hậu kỳ nghỉ đấy.