* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết của Vietcetera.
Children of the Mist (Những đứa trẻ trong sương) sở dĩ đi xa đến vậy là vì khai thác một chủ đề độc đáo mang tính thiểu số về tục kéo vợ của người H’Mông, nhưng vẫn đưa nó lên tầm phổ quát về cái gọi là “sự phá vỡ uy quyền ẩn danh”. Và góc nhìn trung lập của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm theo phong cách “điện ảnh trực tiếp” của dòng phim tài liệu Varan càng trở nên hiệu quả khi để cho nhân vật kể chuyện và sự thật lên ngôi!
Một cô gái trẻ bướng bỉnh và cứng đầu như đá núi
Tôi xem Những đứa trẻ trong sương lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái tại sự kiện Vietnam Week ở Washington DC, nơi bộ phim tài liệu này là một trong ba tác phẩm của điện ảnh Việt Nam được chọn trình chiếu.
Bộ phim tài liệu dài kể về hành trình của một cô gái mới lớn người dân tộc H’Mong từ năm cô 12 tuổi đến 15 tuổi. Đạo diễn cùng đồng hành với nhân vật của mình trong suốt 3 năm theo sự lớn lên của nhân vật. Đó là một cuộc hành trình vừa trong trẻo hồn nhiên nhưng cũng rất quyết liệt và mạnh mẽ (thậm chí bướng bỉnh và cứng đầu như đá núi) của một cô gái trẻ tự mình trải nghiệm, mắc sai lầm và tự trả giá để không biến mình thành nạn nhân của hủ tục của người H’Mong.
Một bộ phim thật hay vì đã có một nhân vật thật hay và một câu chuyện thật hay. Và sự kiên nhẫn, đồng cảm của đạo diễn với nhân vật và câu chuyện của mình đã làm nên một tác phẩm sống động, rực rỡ mà vẫn rất tự nhiên và chân thành.
Đó có lẽ là lý do khiến bộ phim tài liệu đầu tay của một nữ đạo diễn Việt Nam đi xa đến vậy, tham gia hơn 100 LHP quốc tế, đoạt 13 giải thưởng, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc tại IDFA (Amsterdam International Documentary Film Festival) – Liên hoan phim tài liệu quan trọng hàng đầu của thế giới và lọt vào danh sách rút gọn hạng mục Phim tài liệu xuất sắc của giải Oscar năm 2023.
Giờ đây, sau khi đã chu du khắp thế giới, chuyến hành trình đầy cảm hứng của hai cô gái trẻ (nhân vật chính và đạo diễn phim) đã dừng lại ở Việt Nam để tiếp tục lan tỏa câu chuyện rực rỡ ấy của họ ở quê nhà.
Di, cô gái người dân tộc H’Mông – nhân vật trung tâm của bộ phim xuất hiện vào những khung hình đầu tiên ở tuổi 12-13, cất tiếng cười giòn tan đầy hồn nhiên giữa một vùng núi cao đầy sương mù của Sapa, nơi cô sống trong một gia đình và ngôi làng nhỏ. Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi má ửng đỏ do sương giá và đôi mắt luôn mở lớn, Di giống như hình dung của hầu hết khán giả về một cô bé người H’Mông mới lớn qua những bức hình du lịch nhan nhản và dễ dàng bị “đóng khung” trong những bài báo quen thuộc về người vùng cao.
Nhưng điểm khác biệt lớn nhất của bộ phim, là Diễm để cho Di tự kể câu chuyện của mình qua những góc máy trung lập, hầu như không can thiệp và luôn theo sát cô bé ở đằng sau. Ở những góc máy ấy, Di hiện lên tinh nghịch, tươi sáng, tham gia những trò chơi với những đứa bạn cùng trang lứa.
Và ở trò chơi ấy, ta thấy ẩn hiện bóng dáng của một truyền thống cổ xưa của người H'Mông đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng. Bọn trẻ thực hiện một trò chơi “kéo vợ” – một tập tục lâu đời của người dân tộc này ở vùng cao. Một cách mở đầu để triển khai chủ đề thật “dính”!
Nhưng tất nhiên, Di cũng giống như những chàng trai cô gái mới lớn khác trong thời đại của Internet. Dù bận rộn với nhiều công việc khác nhau và đôi khi quá sức với một đứa trẻ tuổi 12, những lúc rảnh rỗi, Di gần như không rời chiếc điện thoại thông minh, nơi cô bé kết nối với một thế giới rộng lớn hơn và có thể bày tỏ, giao tiếp một cách tự do nhất.
Cô bé có một tài khoản mạng xã hội, một cửa sổ chat luôn sáng đèn để tiếp cận các chàng trai cùng lứa hay bày tỏ những rung động, yêu ghét đầu đời với sự non nớt của mình. Di cũng đến lớp học đều đặn để được cô giáo khuyến khích về việc học để độc lập, tự chủ hơn cũng như thoát khỏi những hủ tục lạc hậu ở làng quê của mình.
Và chống lại “uy quyền ẩn danh”
Thế nhưng, có một thứ như “uy quyền ẩn danh” khiến cô gái vị thành niên ấy vẫn phải “tuân phục” nó trong vô thức. Trong một phiên chợ đầu năm, Di đã leo lên chiếc xe của một chàng trai trẻ trong làng và… biến mất. Và như vậy, trong một giây phút vô thức, cô gái hồn nhiên ngây thơ ấy bị cuốn vào phong tục tập quán (có đánh giá cho là hủ tục,) như cách mà mẹ và chị gái của cô cũng từng bị cuốn vào.
Đó là cách mà bố mẹ cô từng gặp nhau. Đó cũng là cách mà chị gái của cô (La) kết hôn ở tuổi 14 và tới tuổi 17 thì đang mang thai đứa con thứ hai. Và đó cũng là cách khiến những người phụ nữ như mẹ cô, chị gái cô và rất nhiều phụ nữ H’Mông khác phải “gánh” trên vai vô số hủ tục hiển nhiên khác, ví dụ như họ phải làm việc vất vả, lo hết việc đồng áng, bếp núc, chăn nuôi…; trong khi chồng của họ suốt ngày uống rượu và say xỉn.
Hơn ai hết, Di là người hàng ngày phải chứng kiến điều đó. Vậy cho nên khi đã thoát khỏi cơn “vô thức của hủ tục” và đang đứng trước một đám cưới truyền thống của người H’Mông – hậu quả của cơn bốc đồng, Di chợt thức tỉnh và trở nên quyết liệt để chống lại nó, bằng chính sự bộc trực, bướng bỉnh của mình. Nói cách khác, Di đã phá vỡ “uy quyền ẩn danh” của hủ tục và truyền thống lâu đời ở làng quê của cô – điều mà mẹ và chị gái của cô phải tuân phục.
Trong cuốn Xã hội tỉnh táo – tác giả, nhà phân tâm học Erich Fromm bàn đến cái gọi là “Uy quyền ẩn danh – sự tuân phục” này rất thú vị. Ông viết: “Chúng ta có thể thấy rõ sự biến mất của uy quyền công khai trong mọi lĩnh vực của đời sống. Cha mẹ không còn ra lệnh nữa, họ gợi ý rằng đứa trẻ “sẽ muốn làm điều này”. Vì chính họ không có các nguyên tắc hay đức tin nào, họ cố gắng hướng dẫn đứa trẻ làm theo những gì mà quy luật tuân phục mong đợi. Và thường thì, vì lớn tuổi hơn và do đó ít cập nhật “cái mới nhất”, họ học hỏi từ đứa trẻ những thái độ nào là cần thiết.”
Trong bộ phim tài liệu này, khi Di đang đứng trước khủng hoảng lớn nhất của mình, mẹ của cô không thể can thiệp, bởi đơn giản là bà cũng là “nạn nhân” của hủ tục và coi đó là “truyền thống” của làng quê mình.
Đạo diễn phim cũng không thể can thiệp bởi cô phải giữ vị trí trung lập của mình và hơn nữa, cô cũng không thể phá vỡ một tập tục đã ăn sâu bao đời. Chỉ đến khi tiếng hét kêu cứu của Di vang lên khi bị giằng co trong cuộc “bắt vợ” của nhà trai, ta nhận ra rằng, đó là tiếng hét dũng cảm và quyết liệt nhất của cô gái trẻ người H’Mông để đáp trả lại hủ tục rằng: “Tôi không muốn kết hôn!”
Thái độ của Di khi chống lại thứ uy quyền ẩn danh ấy có lẽ là cái kết đẹp nhất cho bộ phim Những đứa trẻ trong sương.
Hay nói cách khác, Di đã tự trải nghiệm, tự mắc sai lầm, tự trả giá và tự thức tỉnh – để không biến mình trở thành nạn nhân của hủ tục!