Từ "Những đứa trẻ trong sương," vén màn sương định kiến văn hoá | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 03, 2023
Cuộc SốngĐời sốngOpinion

Từ "Những đứa trẻ trong sương," vén màn sương định kiến văn hoá

Làm sao để tiếp cận văn hoá khác một cách đa chiều mà không áp đặt thiên kiến sẵn có của mình?
Từ "Những đứa trẻ trong sương," vén màn sương định kiến văn hoá

Nguồn: Những đứa trẻ trong sương - Children of the Mist (2021)

Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (2021) của đạo diễn Hà Lệ Diễm đang được chiếu tại các cụm rạp trong nước. Bộ phim tạo ra nhiều cuộc thảo luận về tục kéo vợ của người Mông, là một trong những yếu tố bối cảnh quan trọng nhất của tác phẩm.

Quan sát trên truyền thông, mạng xã hội, và tại rạp chiếu phim, tôi thấy các luồng dư luận chủ yếu xoay quanh chuyện tục kéo vợ là một phong tục văn hoá tốt đẹp, hay một hủ tục lạc hậu. Điều đó khiến tôi nghĩ đến vị trí của mình trong những năm tháng sống và học tập tại phương Tây, nơi tôi thuộc về một nhóm thiểu số, nơi niềm tin văn hoá của tôi bị bác bỏ, bị coi là mê tín, cổ hủ.

Dĩ nhiên, là một người Kinh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi không có thẩm quyền để đại diện cho văn hoá của người Mông. Trong bài viết này, tôi muốn trình bày cảm nhận cá nhân của mình về tác phẩm này khi là một nhà nhân học làm việc với nhiều nhóm cộng đồng thiểu số, đặc biệt là các cộng đồng người Mông. Tôi cũng có nhiều bạn bè người Mông và vì thế, được lắng nghe nhiều thảo luận của họ về kéo vợ.

Nhìn chung, đưa ra một kết luận về phong tục và văn hoá chưa bao giờ đơn giản, và người thưởng thức điện ảnh có thể tiếp cận vấn đề này đa chiều hơn.

Tiến gần vào đời sống để hiểu

Để hiểu một người hoặc một cộng đồng, điều đầu tiên cần làm là tiến gần tới đời sống của họ. Đó là điều mà Hà Lệ Diễm đã làm được với Những đứa trẻ trong sương. Cô không che giấu sự xuất hiện của mình trong câu chuyện. Nhiều cảnh quay cho thấy những tương tác rất gần gũi của cô với từng nhân vật. Người xem có thể thấy người trong cuộc chấp nhận Diễm tham gia vào cuộc sống của họ.

Sự gần gũi ấy được thể hiện khi Diễm đi theo nhân vật chính là Di, và thể hiện Di có quyền quyết định mình có xuất hiện ở trong khung hình hay không. Diễm giữ những đoạn Di lấy tay che ống kính lại khi em đang tranh cãi với Vàng, chàng trai đang theo đuổi mình và cũng là một trong số các nhân vật xuất hiện trong thực hành kéo vợ. Đó là sự tôn trọng quyền tự chủ và tự quyết của người trong cuộc.

Thực hành làm phim ấy làm lộ ra những tự sự đa chiều (nuanced) của người trong cuộc về kéo vợ, dù Diễm không giải thích về tục này trong phim.

httpsimgvietceteracomuploadsimages22mar2023childrenofthemist1jpg
Nguồn: Những đứa trẻ trong sương - Children of the Mist (2021)

Khi chúng ta đứng từ xa để tiếp xúc với một cộng đồng mình chưa biết, một xu hướng rất tự nhiên của chúng ta là giản lược đặc điểm của họ thành một vài khuôn mẫu phổ thông. Ta thấy chúng được nói nhiều trên truyền thông nhưng chưa có cơ hội tiếp xúc trực tiếp để biết sự phức tạp của thực tế, có nhiều nguy cơ là ta lặp lại những khuôn mẫu đó trong tư duy và sự diễn giải của mình.

Các khuôn mẫu do người ngoài tạo ra rất hạn chế, nên khiến ta không hiểu được hết những gì nằm ngoài khung hiểu biết của mình. Sự giản lược xảy ra khi ta nghĩ rằng nếu thuộc về chung một cộng đồng thì mọi tiếng nói của người trong cuộc đều giống nhau. Nhưng thực ra quan điểm của người trong cộng đồng rất đa dạng, phụ thuộc vào vị trí của họ trong cộng đồng và trải nghiệm cá nhân của họ với các thực hành văn hoá trong chính cộng đồng đấy. Đến gần hơn với từng con người, giống như cách Diễm đến gần với gia đình Di, anh Pho, chị Say, ta thấy được sự đa chiều chứ không hề đồng nhất của người trong cuộc.

Diễm cũng tập trung vào góc nhìn của người phụ nữ trong cuộc, là Di và mẹ. Trước đó, đa phần các nhận định về chủ đề này, dù theo hay chống, đều đến từ người đàn ông. Bản thân Diễm, người làm bộ phim, cũng là một người phụ nữ dân tộc Tày, chứ không phải một nhà nghiên cứu người Kinh.

Vào đầu năm 2022, khi có một video clip kéo vợ xuất hiện trên mạng và "viral," nhiều người nghĩ các thực hành diễn ra trong clip mang tính đại diện chung cho các cộng đồng người Mông. Nhưng thực tế là phong tục này không được thực hiện y hệt nhau ở mọi trường hợp, và có những nhóm Mông đã không còn thực hành tục lệ này từ lâu. Ngay cả ở Sapa, nơi diễn ra câu chuyện, nhiều người Mông lớn tuổi am hiểu về phong tục cho rằng những thực hành mang tính ép buộc và bạo lực như thế là không đúng với luật tục vốn có.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu như Những đỉnh núi du ca của Nguyễn Mạnh Tiến, và các chia sẻ cá nhân của nhiều bạn bè người Mông, tục kéo vợ vốn dĩ mang nhiều ý nghĩa nhân văn, ví dụ như tạo điều kiện cho các đôi nam nữ yêu nhau đến được với nhau mà không chịu sự ngăn cấm của gia đình. Nhiều người cho rằng khi một cô gái được kéo tức là họ có giá, họ giỏi giang, xinh đẹp thì mới có chàng trai muốn kéo họ. Và sau này khi có xích mích, người vợ có thể nói rằng người chồng thích mình thì xưa mới kéo mình, chứ không phải tự nhiên mà người phụ nữ về nhà chồng.

Dù có ý nghĩa nhân văn, nhưng vẫn có thể có một số người dùng phong tục này để ép buộc người con gái phải theo mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phong tục này sẽ chỉ luôn đem đến những cái kết không tốt, hay có thể bị hiểu đơn giản là một hủ tục như nhiều người lầm tưởng.

Bộ phim cũng không đưa ra một tuyên ngôn về văn hoá hay đánh giá giản đơn về một phong tục, bởi vì khi xem phim, tôi cũng cảm nhận được phần nào sự bối rối và mâu thuẫn của Diễm khi chứng kiến câu chuyện.

Còn nhớ cảnh Di bị kéo đi, Diễm đã vô cùng xúc động. Cô muốn giúp Di nhưng tôn trọng khi bị bà nội Di cản lại. Chỉ khi được mẹ Di cho phép, Diễm mới giúp Di để cô không bị nhà trai đặt lên xe, và sau cùng họ đã thả cô ra. Có thể có một số ý kiến trong cuộc chúng ta đồng cảm hơn những ý kiến khác, nhưng ta cần tôn trọng việc văn hoá đó diễn ra, vì một tục lệ còn tồn tại thì nó còn phải có ý nghĩa gì đó với người trong cuộc. Họ có quyền từ bỏ, tiếp tục hoặc điều chỉnh vì đó là sự tiếp biến tự nhiên của văn hoá.

Như vậy, ta thấy không hề tồn tại một ý niệm phổ dụng duy nhất, rằng tục kéo vợ hoặc là hủ tục, hoặc là truyền thống tốt đẹp. Có nhiều hơn một ý niệm tồn tại trong cộng đồng, vì thế chúng ta nên có một cái nhìn đa chiều và phức tạp hơn khi tiếp cận vấn đề. Điều đó cũng có nghĩa là thật sự lắng nghe những tiếng nói đa dạng trong cộng đồng.

Một bộ phim cần người xem chuẩn bị về kiến thức

Lối tiếp cận cá nhân, riêng tư của Diễm dù thuyết phục, song cũng mang sự rủi ro nếu văn hoá được tuỳ ý diễn giải bởi người xem. Cái khó của nhà làm phim Hà Lệ Diễm là, chưa chắc công chúng đã hiểu hết góc nhìn phức tạp mà cô cố gắng truyền tải nếu họ chưa có bất cứ kiến thức hay tiếp xúc gì với văn hoá Mông. Cá nhân tôi thấy Diễm đã xử lý thông điệp rất khéo léo, và "né" được rủi ro giản lược phong tục văn hoá hay tái lập định kiến phổ thông đối với nhóm khán giả đã biết về tục kéo vợ. Tuy nhiên, nếu bạn tới rạp chiếu phim để tìm hiểu về văn hoá Mông, thì sẽ rất khó để hiểu mọi chi tiết một cách tuần tự nếu chưa biết gì trước về tục kéo vợ.

Bộ phim không đưa ra những giải thích rõ ràng về các luật lệ của phong tục này, mà chỉ có một số thông tin ẩn trong những câu nói của các nhân vật. Vì thế cách người xem hiểu về câu chuyện sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi nền tảng kiến thức và niềm tin sẵn có. Người phản đối kéo vợ sẽ tập trung vào những đoạn họ cảm thấy chứng minh rằng kéo vợ là bạo lực. Người ủng hộ kéo vợ cũng làm tương tự. Và cả những người có quan điểm khác đều có thể tìm thấy các chi tiết ủng hộ cho góc nhìn của mình. Trong thực tế thì mọi tự sự như vậy đang diễn ra đồng thời, không cái nào phủ nhận cái nào.

httpsimgvietceteracomuploadsimages22mar2023mv5bnjjinwuwzjutyzdkyi00owrhlwe2ntktndi2ztcxnjjkmzrkxkeyxkfqcgdeqxvymte5ntm5ntu5v1jpg
Nguồn: Những đứa trẻ trong sương - Children of the Mist (2021)

Bản thân bộ phim không kết luận kéo vợ là hủ tục, nhưng cũng không cố gắng đưa ra một thông điệp ngược lại rằng thực hành này là tuyệt đối tốt và không hề có rủi ro, vì như vậy cũng sẽ rơi vào nguy cơ giản lược hoá vấn đề.

Bản thân tôi thấy bất ngờ nhất ở bộ phim ở việc ngay cả những "người ngoài" như các giáo viên người Kinh lên dạy ở vùng cao cũng được khắc hoạ với toàn bộ sự phức tạp của tính người. Thường thì hình ảnh cán bộ như vậy chỉ đại diện cho chính sách pháp luật trong công cuộc mang con chữ lên vùng cao. Nhưng trong phim, các cô giáo đã không hề gán kéo vợ với hủ tục. Họ nói phong tục thì không ai cấm và chỉ cảnh báo với Di và Vàng rằng họ chưa đủ tuổi kết hôn. Có lẽ, những giáo viên này đã tiếp xúc đủ về văn hoá để không phản đối thực hành bản địa, dù ý thức được về những rắc rối về pháp luật mà cộng đồng địa phương phải đối diện.

Kết luận

Bộ phim Những đứa trẻ trong sương, theo tôi, nên được coi như một lời mời suy ngẫm thay vì một sự kết luận. Nó có thể gợi ra những cuộc thảo luận cả trong và ngoài cộng đồng. Nếu khán giả người Kinh có cơ hội để có cái nhìn đa chiều hơn, thì bản thân cộng đồng cũng có thể thảo luận thêm để đưa ra các quyết định về thực hành văn hoá của mình.

Suy cho cùng, mọi văn hoá luôn biến đổi. Thế nhưng, sự biến đổi này cần đến từ sự tự quyết của cộng đồng văn hoá, chứ không nên do người ngoài quyết định.