Cướp vợ là văn hóa hay hủ tục? | Vietcetera
Billboard banner

Cướp vợ là văn hóa hay hủ tục?

Để phán xét sự việc qua một video, ta cần có cái nhìn đa chiều. Điều này cho phép ta công nhận rằng tục cướp vợ tuy có nguồn gốc đẹp nhưng có khả năng biến thái, gây hại cho người liên quan.
Cướp vợ là văn hóa hay hủ tục?

Tục "bắt vợ" của người H'mong

Trong một video gần đây, một nhóm 5-6 thanh niên kéo lôi, thậm chí khiêng, nhấc bổng một cô gái trên đường về phía một chiếc ô tô. Cô gái giãy giụa, kêu gào, áo bung ra, lộ cả thân mình. Xung quanh cô, nhiều người chạy theo quay video chụp ảnh.

Đây là một ví dụ của tục “cướp vợ” hay còn gọi là “bắt vợ” của một số dân tộc Tây Bắc. Nó khởi thủy từ một ý tưởng tốt đẹp là giúp những đôi trai gái yêu nhau đến được với nhau, mà không bị ràng buộc bởi định kiến xã hội như môn đăng hộ đối, đòi hỏi sính lễ hay các công đoạn tốn kém rườm rà của một cuộc dạm hỏi đúng quy trình. Đối mặt với những cản trở này, các đôi lứa có thể dựa vào tục lệ cướp vợ để đi tắt mà vẫn đến được với nhau.

Trong nhiều trường hợp, cô gái trốn về nhà chàng trai và ở đó 3 ngày đề phòng bị bắt mang về. Nhà trai đến thông báo với nhà gái là họ đã “bắt” cô gái, và nhà gái chỉ còn cách đồng ý để đôi trẻ bên nhau.

alt
Một cô gái đã bị bắt về nhà trai còn có thể bị áp lực định kiến, khiến cô gặp khó khăn với những mối quan hệ sau này.

Tuy nhiên, như rất nhiều bài viết và nghiên cứu đã khẳng định, sự biến tướng của phong tục này là vấn nạn của việc nhiều cô gái trẻ bị ép lấy chồng, phải bỏ học. Kể cả khi cô gái dũng cảm từ chối, việc bất thình lình bị bắt về nhà một kẻ xa lạ và sau đó phải viện đến những tổ chức có quyền lực mới có thể thoát khỏi một cuộc cưỡng hôn là những tổn thương và rắc rối không cần thiết. Tệ hơn, một cô gái đã bị bắt về nhà trai còn có thể bị áp lực định kiến, khiến cô gặp khó khăn với những mối quan hệ sau này.

Vậy chúng ta phải xem đoạn video lan truyền trên mạng kia với tâm thế như thế nào? Đây là một phong tục hay hủ tục? Trả lời câu hỏi này tức là ta đang chạm vào hai trường phái tiếp cận con người đối lập nhau: văn hóa tương đối (cultural relativism) và nhân quyền phổ quát (universal human right).

Văn hóa tương đối

Một ngày nọ, bạn chứng kiến một người bạn thân của mình mắc lỗi gây tai nạn giao thông. Bạn chọn im lặng để người bạn kia thoát kiếp ở tù, hay bạn chọn nói ra sự thật vì quyền của nạn nhân là được có công lý?

Đây là một trong những bối cảnh dùng để đo đạc văn hóa trong khung lý thuyết nổi tiếng của Trompenaars. Dựa vào câu trả lời của hàng nghìn người từ khắp các quốc gia, ông sắp xếp giá trị văn hóa của từng nước theo thang điểm cao thấp khác nhau.

Quốc gia nào có nhiều người chọn im lặng là một xã hội duy tình, đề cao mối quan hệ ruột thịt bạn bè thân thiết. Quốc gia nào có nhiều người chọn đứng ra làm chứng là một xã hội duy lý, đề cao quyền và đạo đức cá nhân bất kể trong hoàn cảnh và mối quan hệ nào.

Văn hóa tương đối cho rằng mỗi dân tộc có một nền văn hóa đặc trưng, không thể đánh giá đúng sai. Duy lý hay duy tình đều có giá trị như nhau và không thể phán xét tốt xấu bởi người ngoài.

Tư duy văn hóa tương đối được ủng hộ bởi hầu hết các khung lý thuyết văn hóa đương đại. Đây là kết quả của quá trình nhìn nhận văn hóa một cách bình đẳng hơn sau một thời gian dài phương Tây thống trị thế giới. Nó giúp ta hiểu rằng các giá trị phương Tây không nhất thiết là thước đo cho toàn nhân loại. Những tập tục bị người ngoài coi là “man rợ” hay “kém văn minh” hoàn toàn không có nghĩa là nó "hèn mọn" và cần phải xóa bỏ.

alt
Tư duy văn hóa tương đối cho rằng, mỗi dân tộc có quyền tự quyết văn hóa. Nếu họ muốn thay đổi thì họ phải tự thay đổi. Người ngoài không có quyền can thiệp, dù là có ý tốt.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là cách người Tây Tạng thiên táng - để xác người chết trên núi cho chim rỉa róc. Tương tự là tục bốc mộ của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ - chôn ba năm rồi đào lên róc phần thịt còn bám lại, sau đó cho xương vào hũ nhỏ hơn mà chôn cho sạch sẽ.

Tư duy văn hóa tương đối cho rằng, mỗi dân tộc có quyền tự quyết văn hóa. Nếu họ muốn thay đổi thì họ phải tự thay đổi. Người ngoài không có quyền can thiệp, dù là có ý tốt. Như vậy, tục bốc mộ chỉ có thể thay đổi nếu chính cộng đồng người Việt ở Bắc Bộ tự lên tiếng phê phán. Bất kỳ tiếng nói nào ngoài cộng đồng can thiệp đều vi phạm nguyên tắc tự chủ văn hóa.

Nhân quyền phổ quát

Cách tiếp cận con người trong bối cảnh văn hóa như trên hơi khác với việc nhìn nhận con người trước hết như một cá thể thiêng liêng cần tôn trọng, bất kể cá thể đó sống trong một bối cảnh xã hội như thế nào.

Chính vì thế, tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc gồm 30 điều, trong đó chủ yếu khẳng định những quyền cơ bản như quyền làm người, tự do, công bằng, quyền sống, mưu sinh, sở hữu tài sản, an toàn, và mưu cầu hạnh phúc.

Sự mâu thuẫn với cách tiếp cận văn hóa tương đối có thể thấy ở vô số các ví dụ điển hình như sau:

  • Nếu xã hội Trung Đông có truyền thống coi người đồng tính là suy đồi đạo đức, thậm chí điều này là một phần trong tôn giáo, thì nhân quyền phổ quát đòi bình đẳng cho người đồng tính là không thể chấp nhận được.
  • Nếu xã hội châu Phi có truyền thống cắt bỏ một phần và khâu kín bộ phận sinh dục của các bé gái để tránh việc các cô gái ham muốn tình dục, thì nhân quyền phổ quát đòi quyền tự do thân thể cho các bé là không nhấp nhận được.
  • Nếu xã hội Hồi giáo có truyền thống phụ nữ choàng khăn, thì nhân quyền phổ quát đòi quyền tự do lựa chọn có choàng khăn hay không là điều không chấp nhận được.
  • Tương tự, nhân quyền phổ quát có thể đuối lý nếu phải đối đầu trực diện với nhiều truyền thống văn hóa của châu Á như chia xã hội thành nhiều tầng lớp sang hèn khác nhau (Ấn Độ), thương cho roi cho vọt, chồng có quyền ép vợ phải quan hệ tình dục và đó không phải hiếp dâm, người phụ nữ phải tam tòng tứ đức, người đàn ông phải gánh hết trách nhiệm tài chính của cả gia đình, trọng nam khinh nữ, trên đời không có tội bất hiếu nào lớn hơn việc không có con trai nối dõi tông đường,...
alt
Cách tiếp cận con người trong bối cảnh văn hóa như trên hơi khác với việc nhìn nhận con người trước hết như một cá thể thiêng liêng cần tôn trọng, bất kể cá thể đó sống trong một bối cảnh xã hội như thế nào.

Như vậy, việc cướp vợ hoàn toàn có thể được thanh minh bởi “văn hóa tương đối” rằng đây là phong tục tập quán. Tuy nhiên, “nhân quyền phổ quát” có thể cãi lại rằng cô gái bị bắt hoàn toàn có thể không hề giả vờ mà đang bị bắt cóc thật sự. Kể cả khi cô đồng ý với hình thức của tập tục, tiếng nói của cô không phải lúc nào cũng được lắng nghe trước khi hành động diễn ra, khiến cô trở thành một cá thể bị động. Điều này vi phạm quyền tự do chọn lựa của cô.

Thực tế, các luồng ý kiến phê phán “văn hóa tương đối” đều tập trung vào việc tầng lớp thống trị và có quyền lực lèo lái danh nghĩa văn hóa để tránh phải trả lời câu hỏi về quyền tự do lựa chọn.

Giải pháp phối hợp

Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều đã đang sử dụng nhiều cấp độ của các giải pháp phối hợp giữa hai cách tiếp cận quyền con người. Một số câu hỏi sau đây sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc lựa chọn khi nào thì “văn hóa tương đối” cần tôn trọng, và khi nào thì “nhân quyền phổ quát” cần được ưu tiên:

Tư tưởng hành động này có được chính xã hội đó chấp nhận hay không?

Áp dụng với tục cướp vợ, nhiều tiếng nói trong chính cộng đồng đã thanh minh và phản đối. Hành vi này bị khẳng định là có khả năng biến thái, đi ngược với ý nghĩa ban đầu, tạo điều kiện cho việc lạm dụng tình dục và vi phạm quyền tự quyết được diễn ra dưới danh nghĩa tập quán.

Trong thực tế, cô gái ở video là một nữ sinh đi học về và bất ngờ bị bắt đi. Nếu công an không can thiệp, chúng ta rất có thể sẽ có một bà mẹ vị thành niên, phải bỏ học để làm lao động chính trong gia đình chồng. Điều đáng nói là chính bố mẹ cô gái cũng bỏ đi sau khi không cứu được con gái mình. Có thể họ nghĩ rằng con gái mình đã bí mật đồng ý với chàng trai kia, hoặc có thể họ tặc lưỡi cho rằng tục lệ như vậy thì chẳng còn cách nào khác.

Tư tưởng hành động này có thể chấp nhận chung trên toàn thế giới không?

Hãy tưởng tượng tập tục cướp vợ nằm trong phạm vi của nhân quyền phổ quát, ta có thấy điều đó hợp lý với bất kỳ một phụ nữ nào trên đời không?

Tư tưởng hành động này dựa vào nguyên tắc chung của cộng đồng hay lựa chọn cá nhân?

Nếu chỉ xem video, ta không thể trả lời trọn vẹn câu hỏi này. Hình ảnh thì là dựa theo nguyên tắc chung của tập quán cướp vợ. Tuy nhiên, chỉ đến khi công an can thiệp, ta mới thấy bản chất của sự việc là không tuân theo lựa chọn cá nhân của cô gái.

alt

Các chế tài giúp phụ nữ như đường dây nóng, thay đổi định kiến gái đã từng bị bắt vợ cũng vô cùng quan trọng.

Tư tưởng hành động này có làm hại những người liên quan không?

Việc “làm hại” ở đây cần hiểu rộng hơn những gì ta thấy trên video là cảnh cô gái bị lôi đến mức hở cả da thịt. Cô có đau không? Cô có bị sang chấn tinh thần không? Cô có phải là chỉ đang giả vờ không?

Kể cả khi cô đồng ý và thực sự giả vờ thì cô đã đủ tuổi kết hôn chưa? Tương lai của cô sau hôn nhân và sinh con có đảm bảo không? Cô có được tư vấn tử tế về những vấn đề sẽ gặp phải, khi về nhà chồng theo phương thức như thế này chưa?

Như vậy, để phán xét sự việc qua một video, ta cần có cái nhìn đa chiều. Điều này cho phép ta công nhận rằng tục cướp vợ tuy có nguồn gốc đẹp nhưng có khả năng biến thái, gây hại cho người liên quan. Nếu muốn gìn giữ tập quán này, cộng đồng người dân ở đây cần thống nhất những nguyên tắc và giới hạn cơ bản để bám sát ý nghĩa nguyên gốc của nó.

Ví dụ, một động thái rất đúng đắn là việc thay đổi từ vựng từ “cướp vợ” sang “kéo vợ”. Các giải pháp khác có thể cân nhắc là quy định mức độ của việc “kéo” ra sao thì là giả vờ, chống trả thế nào thì là tín hiệu của đang bị bắt cóc thật sự. Giống như tập quán chợ tình, việc kéo vợ cũng có thể xảy ra ở một nơi chốn nhất định, tạo điều kiện để ai cũng biết là đã có sự bí mật đồng thuận. Các chế tài giúp phụ nữ như đường dây nóng, thay đổi định kiến gái đã từng bị bắt vợ nhưng không thành vợ chồng cũng vô cùng quan trọng.

Để so sánh, ta có thể ví điều này với tập tục cha cô dâu ở phương Tây dắt con gái mình vào nhà thờ trong lễ kết hôn trao cho chồng sắp cưới. Về nguồn gốc thì đó là do phụ nữ từng bị coi như một tài sản của đàn ông, trao từ tay cha sang tay chồng. Tuy nhiên, giờ đây điều đó đã trở thành một lễ nghi chỉ mang tính hình thức. Liệu việc kéo vợ có thể trở thành một lễ nghi hình thức như vậy, được tổ chức trước sự chứng kiến của bạn bè hai bên được không?

Editor's Note: Bài viết này đóng góp thêm cách nhìn của bài "Hiểu đúng về tục kéo vợ" bởi tác giả Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện). Hãy theo dõi cả hai tác giả để biết thêm chi tiết.