Ký ức của chúng ta có thật sự đáng tin? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 08, 2020
Tâm Lý Học

Ký ức của chúng ta có thật sự đáng tin?

Cùng một câu chuyện nhưng tùy vào thời điểm, ta lại cho ra rất nhiều "dị bản", khiến cho ký ức của chúng ta đôi khi cảm thấy khó tin

Ký ức của chúng ta có thật sự đáng tin?

Trang Phạm @tranglearntoart cho Vietcetera

Chúng ta giải thích sự hiện diện của mình bằng cái tên bố mẹ đặt, giấy khai sinh, những bức ảnh, đồ vật và những câu chuyện cuộc đời. Qua việc kể chuyện, chúng ta nhớ và xây dựng lại ký ức về những sự kiện, nhân vật và cảm xúc mình trải qua. Ký ức là quá khứ, là hiện tại, cũng là tương lai, là bằng chứng cho sự hiện diện của một bản thể trong mối quan hệ với những bản thể khác.

Liệu ký ức có đáng tin cậy? 

Nhà tâm lý học Charles Ferneyhough viết rằng bên cạnh những ký ức thực tế về ngày, giờ hay địa điểm (semantic memories) chúng ta còn dùng những ký ức tự truyện (autobiographical memories) để kể về những câu chuyện xảy ra trong đời mình. Ta đóng vai người du hành thời gian, sống lại trong khoảnh khắc đó với một vài chi tiết liên quan được tái hiện. 

Tuy nhiên loại ký ức này, theo Ferneyhough giải thích, lại không đáng tin bởi một vài lý do.

Trước hết, bản chất của việc nhớ lại (remember) luôn là “re-remember” nên nhầm lẫn, sai sót là thường tình và tất yếu. Tái xây dựng ký ức là khi não bộ góp nhặt lại những mảnh ký ức đã mờ nhạt, liên quan đến các giác quan và các chi tiết. Vì thế, bên cạnh việc kể lại những gì đã xảy ra, não bộ cần thêm thắt để gắn kết chúng, từ đó thêu dệt nên một câu chuyện có ý nghĩa và đóng vai trò phác họa cái tôi của người kể chuyện ở thời điểm hiện tại.

Câu chuyện được kể phần nào thể hiện cái tôi của bạn ở thời điểm hiện tại
Câu chuyện được kể phần nào thể hiện cái tôi của bạn ở thời điểm hiện tại

Steph Lawler, tác giả của “Identity, sociological perspectives” (tạm dịch: Bản dạng, góc nhìn xã hội học) cũng đồng tình: “Không chỉ đơn giản là ký ức không đáng tin cậy (mặc dù đúng như vậy), vấn đề là bản thân ký ức đã là sản phẩm của xã hội.”

Con người là một sinh vật xã hội, sống theo bầy đàn. Về mặt xã hội học, bản dạng của một người được phản ánh trong suốt quá trình người đó tương tác với những người khác và thế giới xung quanh. Cũng qua sự tương tác đó mà ký ức được hình thành.

Nhiều người có thể cùng chia sẻ một ký ức với nhau, và một câu chuyện không chỉ thuật lại hành động, cảm xúc của chủ thể, mà còn phải hòa hợp với câu chuyện của những chủ thể khác. Do đó, ký ức không hoàn toàn đáng tin cậy như nhiều người từng nghĩ. Mà chúng ta đã, đang và luôn xây dựng bản dạng của mình.

Ký ức không chỉ là bằng chứng cho sự tồn tại của một người, cũng không là dấu chấm hết của bản dạng người đó.

Rất tự nhiên, chúng ta luôn thấy bản thân xây dựng và tái dựng nhiều lần tự truyện của mình với mọi người xung quanh. Ngay giây phút bạn bắt đầu thuật lại một câu chuyện xảy ra trong quá khứ, với một người nghe khác, một hoàn cảnh khác, một hiện tại khác, ký ức về nó đã và đang được hiểu theo một cách khác rồi.

Cùng một câu chuyện trong quá khứ nhưng đối với người hoàn cảnh thời điểm khác nhau chúng ta lại cho ra đời một câu chuyện khác
Cùng một câu chuyện trong quá khứ nhưng đối với người, hoàn cảnh, thời điểm khác nhau, chúng ta lại cho ra đời một câu chuyện khác

Khi dùng một lăng kính khác để nhìn nhận quá khứ, bạn đang liên tục tái tạo, làm mới cái tôi của mình. Bạn kể về mình của quá khứ, nhưng cũng đang phác họa mình của hiện tại. Phủ nhận bản chất bất biến, vốn có của bản dạng, Lawler đưa ra kết luận: “Bản dạng không phải là thứ cơ bản và thiết yếu, mà được tạo ra thông qua những câu chuyện mà con người sử dụng để giải thích và hiểu cuộc sống của họ”.

Trân trọng ký ức của mình

Ferneyhough nhấn mạnh rằng không nên vì sự thiếu tin cậy mà từ bỏ giá trị của ký ức. Thay vào đó, nên xem ký ức là một phương tiện để liên tục viết lại bản thân và thích ứng tốt hơn. Ta trân trọng một câu chuyện không giống với bản gốc bởi chúng ta được trở thành người kể chuyện cho chương “viễn tưởng” của mình.

Như đã nói, nhiều người có thể cùng chia sẻ ký ức với nhau, nên tái dựng bản dạng của một người cũng có nghĩa đang tái dựng bản dạng của những người cùng chia sẻ ký ức đó. Ngoài những câu chuyện bạn kể, bản dạng của bạn còn được thể hiện qua những câu chuyện của người khác. Đây là tính xã hội hoá của ký ức.

Kể lại câu chuyện của chính mình vốn dĩ đã thay đổi ít nhiều, từ góc nhìn của người khác lại càng dễ bị phóng đại, bóp méo. Điều đó đồng nghĩa với việc một người trong mắt người khác có thể trở nên rất phiến diện, chủ quan; những hiểu lầm không đáng có cũng từ đó mà nảy sinh. 

Hãy để lại dấu ấn đẹp trong ký ức của nhau
Hãy để lại dấu ấn đẹp trong ký ức của nhau

Không đáng có hơn nữa là hành động theo thiên kiến, biến suy nghĩ thành hành vi xa lánh, thù ghét, bài trừ, hoặc tẩy chay. Khi cư xử theo chiều hướng tiêu cực như vậy, chúng ta đang đóng vai phản diện trong câu chuyện cuộc đời của người khác. Do đó, luôn cần một cái nhìn khách quan, chân thành, quan tâm đến cả những nhân vật tham gia câu chuyện của mình để giảm bớt định kiến về họ. Trân trọng ký ức về họ cũng là trân trọng ký ức và bản dạng chính mình.

Kết

Việc trân trọng, giữ gìn ký ức yêu cầu ở mỗi cá nhân một sự hài hòa, cân bằng giữa tính tưởng tượng và tính xác thực, giữa một người và mọi người, giữa cá nhân và cộng đồng. Cái chết cuối cùng (The Final Death) của một người đã khuất, như trong bộ phim hoạt hình Coco, là khi ký ức về họ thực sự bị quên lãng bởi những người đang sống. Và khi con người để lại dấu ấn đẹp trong ký ức của nhau, đó mới là sự sống đích thực.