Lý do bạn nên chia sẻ vấn đề thay vì giữ kín trong lòng | Vietcetera
Billboard banner

Lý do bạn nên chia sẻ vấn đề thay vì giữ kín trong lòng

Lợi ích khi ta chuyển lo lắng nội tâm thành ngôn từ và cách chia sẻ hiệu quả.
Lý do bạn nên chia sẻ vấn đề thay vì giữ kín trong lòng

Nguồn: Shutterstock

Con người khác với đồ vật vô tri nhờ vào cảm xúc. Khi đồ vật bị hư, chúng ta có thể sửa chữa hoặc thay thế. Khi cảm xúc gặp “trục trặc", ta không thể áp dụng cách tương tự, nhưng luôn có một phương pháp khác, đó là giãi bày chúng thành lời.

Vì sao việc nói ra tâm sự trong lòng luôn là một trong những lời khuyên đầu tiên được nhắc đến khi ai đó gặp vấn đề tâm lý như lo lắng, căng thẳng hay lo âu? Nói ra những rắc rối của bản thân mang lại nhiều lợi ích hơn chúng ta nghĩ, bởi nó có thể:

Giúp giải tỏa cảm xúc và áp lực cá nhân

Trong não bộ con người, hạch hạnh nhân (amygdala), cùng với hệ viền (limbic system), giữ vai trò xử lý các yếu tố cảm xúc. Trước những kích thích hay nguy hiểm, chúng rà soát ký ức để lựa chọn phản ứng cho chúng ta, chẳng hạn vào trạng thái đối mặt (fight) hoặc chạy trốn (flight). Sau đó, hạch hạnh nhân sẽ lưu giữ ký ức này để ứng phó cho những trường hợp về sau.

Khi chúng ta quá căng thẳng, hạch hạnh nhân sẽ điều khiển mọi thứ theo hướng thái quá, lấn át mọi suy nghĩ lý trí. Chính vì vậy ta cần làm dịu phản ứng của hạch hạnh nhân bằng cách chuyển cảm nhận thành ngôn từ. Trong tâm lý học, phương pháp này được gọi là “affect labeling".

Chuyển suy nghĩ thagravenh lời noacutei sẽ giuacutep lagravem dịu hạch hạnh nhacircn từ đoacute giảm căng thẳng vagrave aacutep lực caacute nhacircn Nguồn Shutterstock
Chuyển suy nghĩ thành lời nói sẽ giúp làm dịu hạch hạnh nhân, từ đó giảm căng thẳng và áp lực cá nhân. | Nguồn: Shutterstock

Giúp tháo gỡ khúc mắc và mâu thuẫn

Nếu chúng ta không nói, người xung quanh không thể hiểu chúng ta đang nghĩ gì, cần gì. Mọi khúc mắc và hiểu lầm vì thế mà tích dần theo thời gian. Đó có thể là mâu thuẫn trong quan hệ yêu đương hay hôn nhân, trong công ty hoặc trong gia đình.

Lấy ví dụ khi bạn không hài lòng về một thói quen xấu của người yêu. Nếu bạn cứ im lặng và giả vờ cho qua, thói quen ấy vẫn lặp lại, bạn càng cảm thấy ức chế và dễ nổi nóng. Nhưng khi bạn thẳng thắn góp ý và trò chuyện cùng người yêu, khúc mắc được tháo gỡ, đôi bên thấu hiểu và bớt đi những cuộc cãi vã vô cớ.

Giao tiếp về khuacutec mắc của nhau sẽ giuacutep chuacuteng ta traacutenh được những catildei vatilde vocirc cớ Nguồn Shutterstock
Giao tiếp về khúc mắc của nhau sẽ giúp chúng ta tránh được những cãi vã vô cớ. | Nguồn: Shutterstock

Giúp cải thiện sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần

Nghiên cứu cho thấy việc viết hoặc chia sẻ những vấn đề chất chứa trong lòng có ảnh hưởng tích cực lên sức khỏe và hệ miễn dịch. Khi giữ quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ nội tâm, con người càng thêm căng thẳng tinh thần và mệt mỏi thể chất.

Việc bày tỏ cảm xúc không tự động chữa lành mọi vấn đề và khiến bạn khoẻ mạnh hay hạnh phúc ngay lập tức. Tuy nhiên, cũng như việc ăn uống lành mạnh và rèn luyện sức khỏe, nói vấn đề ra thành lời sẽ góp phần vào quá trình cải thiện sức khỏe của bạn nói chung. Đồng thời, hành động này giúp bạn hiểu cảm xúc của mình và dễ dàng kiểm soát nó hơn trong tương lai.

Noacutei vấn đề ra thagravenh lời sẽ goacutep phần vagraveo quaacute trigravenh cải thiện sức khỏe của bạn noacutei chung Nguồn Shutterstock
Nói vấn đề ra thành lời sẽ góp phần vào quá trình cải thiện sức khỏe của bạn nói chung. | Nguồn: Shutterstock

Nên tâm sự thế nào mới hiệu quả?

Chính vì những lợi ích nêu trên, việc chia sẻ được khuyến khích hơn cứ mãi giấu kín. Nhưng muốn giãi bày đạt hiệu quả, chúng ta cần lưu ý một số điều sau:

Chọn đúng người

Hãy chọn người bạn thấy tin tưởng và thoải mái khi tâm sự. Bạn không nên kể vấn đề cá nhân cho một người thiếu tinh tế, không biết giữ bí mật, vì họ sẽ đem lại cảm giác bất an, khó chịu. Nếu cần nhiều thời gian trò chuyện, bạn cũng không nên tâm sự liên tục với một đối tượng để tránh làm họ nhàm chán và mệt mỏi. Trong trường hợp cần lời khuyên về vấn đề nào đó, tốt nhất hãy tìm người đã từng trải qua vấn đề tương tự.

Chọn đúng lúc

Bạn không thể gọi cho bạn bè lúc nửa đêm để thao thao bất tuyệt chuyện của mình. Hãy chọn những lúc không ảnh hưởng đến công việc hay thời gian nghỉ ngơi của họ, chẳng hạn như sau giờ làm hoặc cuối tuần. Khi muốn gặp mặt, bạn nên chủ động hẹn trước để thể hiện sự tôn trọng và không làm ảnh hưởng đến những kế hoạch riêng của họ.

Tự giới hạn mức độ

Khi bạn nói quá nhiều về một vấn đề, bạn đang than phiền quá mức. Không ai thích nghe mãi một vấn đề lặp lại từ ngày này qua tháng nọ mà vẫn không đi đến đâu. Bạn không cần thiết phải đưa ra được giải pháp, nhưng ít nhất qua những buổi chia sẻ, bạn cần hiểu được và cải thiện được cảm xúc của mình, đó mới là mục đích chính. Bạn cũng không nhất thiết nói hết mọi chuyện riêng tư, mà hãy khéo léo giới hạn lượng thông tin có thể chia sẻ.

Đan xen với những điều tích cực

Ngoài tâm sự về rắc rối, đừng quên chia sẻ những trải nghiệm thú vị và cảm xúc tích cực khác trong cuộc sống của bạn. Việc này một phần giảm nhẹ cảm giác bi quan, phần khác tăng sự hào hứng cho cuộc hội thoại, tránh khiến người nghe cảm thấy nặng nề.

Kết

Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được lắng nghe và thấu hiểu, vì vậy đừng ngại nói ra cảm xúc hay vấn đề của mình. Có nhiều cách chia sẻ như: than thở với bạn bè, hỏi ý kiến đồng nghiệp, bàn bạc với người thân, chia sẻ trên mạng xã hội, hay trò chuyện với bác sĩ tâm lý.

Việc nói ra những điều chất chứa trong lòng giúp ta giải tỏa cảm xúc, tháo gỡ mọi khúc mắc và suy nghĩ lạc quan hơn. Ngoài ra, chúng ta cần cân nhắc các yếu tố khác, bao gồm con người, thời điểm, mức độ và nội dung để việc chia sẻ vừa thỏa mãn nhu cầu của người nói, vừa không trở thành gánh nặng cho người nghe.