Vì sao con người luôn có định kiến? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 06, 2020
Tâm Lý Học

Vì sao con người luôn có định kiến?

Định kiến hình thành từ đâu? Khoa học đưa ra câu trả lời không như bạn nghĩ.

Vì sao con người luôn có định kiến?

Chúng ta ai cũng có định kiến, đôi khi đến mức quá đáng. Chúng ta tạo ra vô vàn lý do để biện minh cho những thiên kiến của mình: “Người miền X hay phạm tội Y”, “cộng đồng LGBT phá hoại truyền thống hôn nhân gia đình”,...

Những định kiến ​​này phần lớn đều không có cơ sở và những lời giải thích cho chúng cũng không thoả đáng. Vậy những suy nghĩ này phát sinh từ đâu? 

Các nhà khoa học cho rằng chúng bắt nguồn từ một lý do: Chúng ta không thích khi những khuôn mẫu bị phá vỡ.

Tâm lý học nói gì về định kiến?

Từ quan sát thường ngày, chúng ta có thể thấy xã hội thường phân biệt đối xử những người đi chệch khỏi “chuẩn mực”, những người phá vỡ các khuôn khổ đã được đặt ra.

Định kiến bắt nguồn từ một lý do Chúng ta không thích khi những khuôn mẫu bị phá vỡ
Định kiến bắt nguồn từ một lý do: Chúng ta không thích khi những khuôn mẫu bị phá vỡ.

Một người có màu da hay cách ăn mặc khác biệt sẽ thu hút những cái nhìn phán xét vì vẻ ngoài của họ không “tương xứng" với số đông. 

Những cộng đồng thiểu số với các phong tục tập quán riêng sẽ bị cô lập vì những tập tục này không phù hợp với những “quy tắc xã hội” đã được thiết lập từ lâu. 

Con người là một sinh vật dựa trên thị giác. Những điều nhỏ nhặt nhất cũng làm chúng ta "nhức mắt". 

Những ví dụ này thể hiện một xu hướng chung, rằng chúng ta cảm thấy không thoải mái khi có thứ gì đi ngược lại với những khuôn khổ quen thuộc. Chúng ta phản ứng tiêu cực với những cá nhân khác biệt như cách chúng ta thấy khó chịu khi nhìn một đôi đũa cao thấp hay một khung ảnh treo lệch — những thứ phá vỡ sự đều đặn trong trải nghiệm thị giác của chúng ta.

Chúng ta cảm thấy không thoải mái khi có thứ gì đi ngược lại với những khuôn khổ quen thuộc
Chúng ta cảm thấy không thoải mái khi có thứ gì đi ngược lại với những khuôn khổ quen thuộc.

Theo khoa học, xu hướng này tồn tại ở nhiều nơi trên giới, và xuất hiện ngay từ khi người ta còn trẻ.

Một thí nghiệm trên một nhóm người ở Trung Quốc và Hoa Kỳ ghi nhận rằng đa số mọi người đều không thích những hình ảnh không đồng đều, chẳng hạn như một chuỗi hình tam giác có một hình nằm lệch ra ngoài. Những ai càng không thích những hình ảnh như vậy thì họ càng ác cảm với những nhóm người khác biệt như người mặc đồ khác phái (crossdresser), người có dị dạng cơ thể hoặc người thuộc dân tộc thiểu số. 

Tất nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều giả thuyết cho định kiến của chúng ta. Không phải cứ ghét hình thù dị dạng thì sẽ phân biệt chủng tộc. Thích sự ngăn nắp bằng phẳng không có nghĩa là bạn sẽ kỳ thị người khác. 

Đôi khi, cảm giác khó chịu bức bách mà hầu hết chúng ta gặp phải khi đối mặt với sự khác biệt chỉ đơn thuần là… cảm giác. 

Tâm lý và thể chất của chúng ta rất đồng bộ

Chúng ta vẫn hay tin rằng cảm xúc và suy nghĩ về những người xung quanh đơn thuần là tự đúc kết từ logic và kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, nghiên cứu lại chỉ ra kết quả ngược lại. Yêu người này, ghét người kia, tất cả đều phản ánh những gì cơ thể muốn trải nghiệm.

Cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta về người xung quanh đều phản ánh những gì cơ thể chúng ta muốn trải nghiệm
Cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta về người xung quanh đều phản ánh những gì cơ thể chúng ta muốn trải nghiệm.

Có nhiều bằng chứng khác về việc các trải nghiệm thể chất ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta. Ví dụ, các nghiên cứu neuroscience (khoa học thần kinh) cho thấy não bộ liên kết “trạng thái ấm áp” vật lý (khi được ôm, được ở gần ai đó) với “cảm giác ấm áp" tâm lý (tin tưởng, quan tâm). Hiệu ứng này tồn tại từ lúc sinh ra và kéo dài đến hết cuộc đời. 

Ngoài ra, cơ chế đau vật lý và tâm lý cũng giống nhau do cả hai đều kích hoạt cùng một khu vực của não bộ. Chẳng hạn, khi bạn cảm thấy buồn bã vì bị ai đó từ chối, cơ thể bạn cũng sẽ khó chịu theo. Thậm chí, khoa học còn phát hiện ra rằng bạn có thể hết buồn sau chia tay nhanh hơn nếu bạn uống thuốc giảm đau trong vòng 2 tuần.

Kết

Đáng tiếc là, uống Paracetamol chỉ giúp thuyên giảm “tâm lý đau". Tâm lý định kiến thì không dễ chữa như vậy. 

Tuy nhiên, nếu hiểu được nguồn gốc của hiện tượng này, ta có thể kiểm định lại những những niềm tin sai lầm của mình. Ví dụ, nếu thấy người Hồi giáo ăn mặc khác mình cũng đừng nghĩ họ nguy hiểm. “Ngứa mắt” không phải là lý do để kỳ thị.

Hãy rèn luyện bản thân khoan dung hơn với những điều không quen thuộc, ngay cả khi chúng làm ta không thoải mái. Nếu mọi người tập thói quen này từ lúc còn trẻ, về lâu dài chúng ta có thể tránh được các định kiến xã hội không cần thiết.

Bài viết được chuyển ngữ từ bài gốc của tác giả Anton Gollwitzer and John Bargh trên CNN.