“Là mình” trên sân khấu và ngoài đời có gì khác nhau? | Vietcetera
Billboard banner

“Là mình” trên sân khấu và ngoài đời có gì khác nhau?

Là người làm sân khấu, cô Nguyễn Thị Minh Ngọc có cơ hội trải nghiệm nhiều mảnh đời khác nhau, và chiêm nghiệm những bài học về việc tìm thấy chính mình.
“Là mình” trên sân khấu và ngoài đời có gì khác nhau?

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Khủng hoảng danh tính” (identity crisis) dường như là cụm từ định nghĩa trải nghiệm trưởng thành của người trẻ ngày nay, đặc biệt là gen Z. Họ là một thế hệ lớn lên giữa biển thông tin của internet, của mạng xã hội, của những biến đổi liên tục về địa chính trị thế giới. Ở trong một thế giới với quá nhiều “tiếng ồn” như vậy, thật khó để họ thực sự hiểu và tìm thấy chính mình.

Vì vậy khi trở lại với mùa thứ 4, Edustation khai thác chủ đề Là Mình. Thông qua các cuộc trò chuyện với nhiều nhà giáo nổi tiếng, chúng ta thấy cách họ đi thật xa và nhìn vào từng trải nghiệm để hiểu hơn về chính mình. Đối với họ, “là mình” không hề dễ, và kể cả khi đã tìm thấy phiên bản ưng ý nhất của mình, bạn phải giữ cẩn thận để không đánh mất nó.

Khách mời đầu tiên của mùa 4 là đạo diễn, biên kịch, giảng viên Nguyễn Thị Minh Ngọc. Cô là người đồng sáng lập nhóm Tuổi Trẻ Cười, CLB Đạo diễn thể nghiệm (tiền thân Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B), và là biên kịch các phim Hải Nguyệt, Sống Trong Sợ Hãi, Ngọc Viễn ĐôngSong Lang. Cùng Vietcetera lắng nghe những chiêm nghiệm của cô Ngọc về sân khấu kịch, và “sân khấu” chính cuộc đời mình.

Ý niệm về thành công: Tường minh trong mọi việc mình làm

Là người rất thích đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung và Cổ Long, cô Minh Ngọc rất tâm đắc một triết lý thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của Kim Dung: “Sống chẳng lấy gì làm vui, chết chẳng lấy gì làm khổ”. Vì vậy, cô tâm niệm sự “thành công” trong cuộc sống là có thể sống khinh khoái, sống một cách nhẹ nhàng và vui vẻ, không bận tâm về người khác.

Một thực thể khác trong truyện kiếm hiệp là các “minh giáo” - những giáo phái “thay trời hành đạo, gặp bất bình chẳng tha”. Đối với cô Ngọc, làm nghệ thuật cũng là một cách như vậy - việc mang tiếng nói của những người yếu thế lên sân khấu, lên phim ảnh giúp họ được lắng nghe. Và nó cũng giúp chính bản thân người làm sân khấu được sống nhiều kiếp người, từ đó thấu hiểu hơn về cuộc đời, về bản thân, về đạo đức làm nghề.

21may2024edustationnguyeiinthiiminhngoickhooanguyen11jpg
Là người làm sân khấu, cô Minh Ngọc cảm thấy may mắn vì được “sống” qua nhiều mảnh đời. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

“Minh” ở đây cũng là sự thấu hiểu tường tỏ những gì mình làm và tin vào nó, dù chưa chắc điều này đã hợp ý người khác. Triết lý này được cô áp dụng đào tạo thành công nhiều thế hệ diễn viên sau này, dù đôi khi bị người khác phản đối.

Có thể nói, phương pháp dạy học trong lớp cô Ngọc và những người cộng sự của mình rất phi truyền thống. Chẳng hạn trong vở kịch tốt nghiệp, thay vì cho học viên diễn một vở kịch bình thường, cô yêu cầu họ đóng kịch câm. Nhiều người nghe ý tưởng này bảo cô bị “khùng”, vì như vậy không thể hiện được kỹ năng thoại - yếu tố “sống còn” với nghề diễn.

Nhưng trên thực tế, việc diễn kịch câm khó hơn nhiều so với kịch thoại. Bởi khi đó diễn viên đã mất đi lời nói, họ chỉ còn ánh mắt và cử chỉ để truyền tải cảm xúc, và phải cố gắng hết mình để thể hiện được cái “hồn” nhân vật.

Hiểu đơn giản, nếu diễn thoại là bơi có phao, thì diễn câm là bơi mà không được dùng phao. Và nhiều người tốt nghiệp lớp đó đã trở thành diễn viên nổi tiếng trong nghề, bao gồm cả Hồng Đào.

“Vô chiêu thắng hữu chiêu”

Đây là một triết lý khác trong kiếm hiệp, có thể hiểu nôm na nghĩa là “có chiêu thức, có bài bản chưa chắc đã thắng được đối phương”. Theo cô Ngọc, nhiều khi không thể dùng những công thức, bài giảng có sẵn trong giáo trình. Thay vào đó, phải tùy tình hình mà thiết kế những bài học phù hợp nhất với học viên.

Chẳng hạn trong một lần đứng lớp, cô Ngọc yêu cầu học viên chọn một con vật để diễn. Mọi người đều chọn chó, mèo, chuột… cho đến Hồng Đào thì không biết chọn con gì khác nên đã diễn con sâu. Cô “ngọ nguậy” mãi đến khi cô Ngọc đến hỏi “em khi nào hóa thành bướm?”.

Các con vật khác đều có những hành vi, tiếng kêu cụ thể, nhưng riêng con sâu thì khác. Khi là sâu, nó chỉ ăn rồi ngủ trong kén, nhưng khi hóa bướm, nó phải bay.

Như vậy ngay cả với bài tập đơn giản như diễn con vật, bạn không thể đi theo một công thức cụ thể nào. Điều cô Ngọc muốn truyền tải cho học viên là, chúng ta có thể học cái khung nền căn bản (fundamentals), nhưng phải tự mình bồi đắp lên thêm mới tạo nên cái hồn cho từng vai diễn.

21may2024edustationnguyeiinthiiminhngoickhooanguyen04jpg
Theo cô Ngọc, chúng ta có thể học cái khung nền, nhưng phải tự bồi đắp thêm để tạo nên cái hồn cho sản phẩm. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Trong biểu diễn có một khái niệm là “hành động tối cao”, tức mục đích cuối cùng mình muốn đạt tới. Làm nghề diễn, ta phải làm thật tròn vai mình đang đóng, dù là vai nhỏ hay vai lớn, phản diện hay chính diện - như vậy mới là kính nghiệp.

Đây là triết lý cô Ngọc muốn truyền tải cho cả người ở ngoài ngành diễn: Dù làm công việc gì, cũng phải làm thật cẩn thận và có tâm, vì nó thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho công việc.

Lời khuyên cho giới trẻ đang bị “mắc kẹt” ngày nay?

Cái khó ló cái khôn, hay bó cái khôn là do mình

Không ít vở kịch của cô Ngọc bị cắt xén khi trình chiếu trên TV. Do đó khi làm kịch bản, cô và ê-kíp phải rất chú ý để khi bị cắt, vở kịch không mất đi cái hồn vốn có, và vẫn là đứa con tinh thần của cả đoàn.

Với các vấn đề trong cuộc sống cũng vậy. Cô Ngọc khuyên các bạn trẻ không đi theo lối tư duy nhị nguyên, tức chỉ có thể theo 1 trong 2 phương án. Thay vì giữ nguyên kịch bản gốc để vở kịch không được trình chiếu, hoặc chấp nhận cắt xén theo ý nhà đài, cô đã tìm ra cách thứ 3 - chủ động lên kịch bản sao cho việc cắt xén không gây ảnh hưởng.

Chúng ta cũng có thể tư duy như vậy - luôn hỏi bản thân “có phương án thứ 3 nào không?” khi đứng trước những lựa chọn khó khăn. Một khi thực sự muốn, ta luôn có thể tìm ra phương án phù hợp nhất cho mình, giúp thực hiện điều mình muốn với ít tổn hại nhất có thể.

21may2024edustationnguyeiinthiiminhngoickhooanguyen06jpg
“Cái khó ló cái khôn, hay bó cái khôn là do mình”. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

“Là mình” rất khó, đừng hủy hoại, phụ bạc nó

Một tiểu thuyết của Haruki Murakami có chi tiết một người nhìn vào gương và thấy một người khác. Câu chuyện được viết theo hơi hướng kinh dị, nhưng cô Ngọc lại nhìn ra một ẩn dụ rất hay: mình biến đổi từ lúc nào không hay.

Đứng trước thế giới luôn nhiều tiếng ồn và sự biến đổi, chúng ta cần cho mình những “khoảng lặng” cần thiết để tự nhìn lại mình. Khi nhìn bản thân từ con mắt người ngoài, bạn dễ dàng thấy được mình đang tiếp xúc những gì, đi theo con đường nào, và có cần chỉnh lại ở đâu không. Từ đó bạn sẽ tránh được tối đa việc “lạc lối” và đánh mất bản thân.