Mình từng có “mối quan hệ độc hại” với môn Toán | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Mình từng có “mối quan hệ độc hại” với môn Toán

… cho đến khi mình gặp thầy Cường, người giúp mình nhìn ra vẻ đẹp của Toán và cách nó luyện cho mình tư duy logic để xử lý mọi việc.
Mình từng có “mối quan hệ độc hại” với môn Toán

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Hồi cấp 2, mình từng có thời gian bị mất gốc và mất luôn hứng thú học Toán, tới mức độ đã bị 6 điểm cho bài thi giữa kỳ. Mối quan hệ của mình với môn Toán tiếp tục ở chế độ “độc hại” như vậy trong suốt mấy năm trời. Chỉ đến năm lớp 9, khi sắp bước vào cuộc “vượt vũ môn” đầu tiên trong đời, mình mới đi học thêm để cải thiện tình hình.

Mình tìm đến lớp Toán của thầy Nguyễn Cao Cường, nơi sĩ số trung bình lúc nào cũng ở khoảng 70-100 người. Nhưng những gì mình nhận về vượt xa khỏi kỳ vọng ban đầu, là thi đỗ trường cấp 3 mong muốn.

Phải nói thầy Cường là một người có tư duy logic tuyệt vời. Nhờ thầy mà mình học được cách kết nối các kiến thức đã học với nhau, từ đó nhìn ra vẻ đẹp của môn Toán và của tư duy logic nói chung. Chính mình cũng chưa từng nghĩ rằng, một thầy giáo dạy thêm lại thay đổi hoàn toàn tư duy của mình về học tập nhiều đến vậy.

19nov202437559294067597512207559558725722950130238755njpg
Thầy Cường đã thay đổi hoàn toàn tư duy của mình về Toán và việc học nói chung. | Nguồn: Nguyễn Cao Cường

Một buổi học thầy Cường thường bắt đầu bằng việc học công thức, sau đó làm các bài tập áp dụng nó. Rồi thầy sẽ lần lượt giải đáp các thắc mắc, để chúng mình luôn luôn hiểu rằng bản thân đang học cái gì. Chúng mình chỉ có chính xác 5 phút để làm bài, vì vậy ai cũng phải “deep work”, tập trung hết mức để hoàn thành. Không khí lớp học giống như một cuộc thi Toán nho nhỏ, vừa đủ vui mà không quá áp lực.

Đây có lẽ chính là điều khiến lớp thầy Cường khác biệt với các lò luyện thông thường, nơi bạn sẽ được giao một đống bài tập để làm, rồi học thuộc cách giải mà thầy cô đưa ra. Cách làm như vậy giống như “luyện gà”, bạn có thể nhớ được format bài toán và cách giải, nhưng thi xong là chúng bay sạch ra khỏi đầu bạn, không đọng lại chút nào.

Một “tuyệt chiêu” khác của thầy Cường có lẽ là cuốn giáo trình được thiết kế cực kỳ khoa học với phần lý thuyết độc lập, và bài tập phân bổ từ dễ đến khó. Các công thức được viết to rõ ràng, và được đặt ở vị trí dễ tìm để học sinh check lại bất cứ lúc nào.

Thậm chí sau này đi dạy gia sư mình cũng áp dụng lại cách trình bày như vậy, và nhận ra nó hiệu quả với bất cứ ai. Đây là lúc mình nhận ra, nó không chỉ là cuốn giáo trình thông thường mà là cả một công trình nghiên cứu khoa học chứa đựng bao tâm huyết của thầy.

19nov202442296741372898013144176071183742032806203718njpg
Nếu nghe tên thầy mình “quen quen”, có thể bạn đã thấy trên bìa một vài quyển sách giáo khoa Toán. | Nguồn: Nguyễn Cao Cường

Không chỉ vậy, thầy còn hay làm thơ giúp mọi người nhớ được các công thức Toán. Giữa giờ học, thầy cũng rất tích cực pha trò, nói chuyện với học sinh. Mình cảm giác thầy có một “tuyệt chiêu” nào đó khiến học sinh quý trọng và nể phục, nhưng vẫn rất gần gũi và ấm áp.

Mình vẫn nhớ mãi một câu thầy động viên chúng mình: “Học không phải là con đường duy nhất để thành công, nhưng là con đường ngắn nhất và êm ái nhất”. Thay vì bắt ép hay dọa dẫm nếu học sinh lười học, thầy cho chúng mình lựa chọn con đường đến thành công mà chúng mình mong muốn. Chính sự trao quyền này khiến học sinh chủ động hơn nhiều trong học tập.

Nhờ công ơn của thầy, mình đã từ một đứa ghét Toán đến thi Toán được điểm cao nhất lớp. Từ việc coi Toán là “chướng ngại vật” phải cắn răng vượt qua để tốt nghiệp phổ thông, mình nhìn ra vẻ đẹp của nó, và cách nó luyện cho mình tư duy logic để xử lý mọi việc. Giờ đây khi được giao nhiệm vụ khó trong công việc hay cuộc sống, mình không còn quá sợ hãi như trước, mà có thể bình tĩnh áp dụng tư duy logic và kinh nghiệm sẵn có để vượt qua.

“Update” một chút, là sau khi học thầy mình đã thi đỗ cấp 3 Lê Quý Đôn, rồi vào Đại học Ngoại thương và hiện làm quản lý cấp trung trong công ty. Còn thầy Cường giờ đã là Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, có nhiều công trình nghiên cứu quan trọng và thi thoảng lên sóng truyền hình để chia sẻ kinh nghiệm quý báu của mình trong giáo dục.

19nov202441753906772821902718453783061245875112021597njpg
Thi thoảng mình lại “gặp” thầy đang chia sẻ trên TV. | Nguồn: NVCC

(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn Tâm).