Tháng 8-9 và 1-2 hàng năm là thời điểm nhập học của đa số các trường. Ngay giữa khoảng thời gian đó, tháng 10-11 dương lịch lại là mùa cưới. Chính vì vậy, đây là thời điểm bạn có thể chứng kiến không ít những người bạn của mình bước sang trang mới của cuộc đời: đi du học, chuyển công tác sang thành phố khác hay lập gia đình riêng.
Những bước ngoặt này có thể khiến bạn không còn được gặp họ thường xuyên như trước. Bởi họ đã chuyển sang một thành phố mới, hoặc trở nên bận rộn với những mối quan tâm khác. Điều này dẫn đến những thay đổi tất yếu trong tình bạn giữa hai người, và đó có thể là một trải nghiệm không hề dễ dàng.
Bạn thân trải qua thay đổi, chúng ta sẽ thấy thế nào?
Khi bạn thân đi du học, chuyển công tác hay lập gia đình, họ trải qua một thay đổi lớn và chúng ta cũng vậy.
Theo chuyên gia tâm lý lâm sàng Hailey Shafir, việc bạn thân chuyển đi xa có thể gây cú sốc tâm lý với một số người. Nó mang lại cảm giác giống như mất mát (grief), khi bạn mất đi sự gần gũi về khoảng cách địa lý với họ, và có những cảm xúc lẫn lộn.
Ở một thái cực, bạn mừng cho họ vì có cơ hội khám phá một đất nước mới, hoặc được làm công việc họ mơ ước. Nhưng ở thái cực còn lại, bạn đau buồn, trống rỗng và cảm giác như mình bị bỏ lại phía sau. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có nhiều người bạn rời đi ở cùng một thời điểm, như trong mùa du học.
Một số khác lại ghen tị khi thấy bạn đạt được thành tựu hay thực hiện được ước mơ. Chẳng hạn nếu bạn thân đạt học bổng du học, bạn có thể ghen tị vì cũng từng ứng tuyển học bổng đó mà không trúng. Hoặc bạn đã dự tính chuyển tới thành phố khác phát triển sự nghiệp, nhưng vì lý do khách quan nào đó, bạn phải bỏ dở ước mơ này.
Điều tương tự đôi khi cũng xảy ra khi bạn thân kết hôn hay sinh con. Kể cả khi vẫn ở cùng thành phố, bạn không còn được gặp họ thường xuyên như trước, bởi lúc này gia đình trở thành ưu tiên hàng đầu của họ. Ngoài ra khi bạn bè đồng loạt lập gia đình, bạn cũng có thể phải đối mặt với áp lực dồn cưới từ người khác - một cảm giác vốn đã không mấy dễ chịu.
Bản thân tôi cũng đã trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc nói trên. Sau quá trình đi tư vấn tâm lý, tôi nhận ra những điều bản thân có thể và không thể kiểm soát trong bức tranh toàn cảnh của sự thay đổi này.
Ba điều cần chấp nhận khi cuộc sống bạn bè thay đổi
Cảm xúc của bạn
Như đã nói trên, bạn có thể trải qua nhiều loại cảm xúc khác nhau trong giai đoạn này. Dù là cảm xúc gì, bạn cần tránh gán cho chúng cái mác là cảm xúc tốt hay xấu, sai hay đúng. Thay vào đó, bạn chỉ cần ghi nhận rằng chúng tồn tại và đang diễn ra, và điều đó hoàn toàn ổn.
Bạn có thể viết những cảm xúc của mình ra giấy, như vậy sẽ dễ dàng gọi tên chúng. Hoặc nếu bạn đi tư vấn tâm lý, đừng ngại kể cho chuyên gia toàn bộ cảm xúc và suy nghĩ đang diễn ra trong đầu bạn. Việc này rất quan trọng, bởi phủ nhận cảm xúc sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
Các chuyên gia trị liệu cũng sẽ không đánh giá những cảm xúc của bạn. Trái lại, đây là thông tin họ cần biết để giúp bạn xử lý chúng tốt hơn.
Bạn có thể chưa sẵn sàng cho việc kết bạn mới
Không ít người cho rằng, khi không còn thường xuyên gặp bạn cũ thì nên kết bạn mới để lấp đầy chỗ trống mà người cũ để lại. Điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt khi tinh thần bạn cũng cần thời gian để thích nghi với những xáo trộn đang diễn ra.
Trong khi đó, kết bạn mới là một quá trình mà bạn cần đầu tư thời gian, công sức và khả năng mở lòng - điều mà hiện tại bạn có thể chưa cảm thấy sẵn sàng. Vì vậy, bạn cứ dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho chính bản thân mình trước đã.
Tình hình có thể thay đổi
Bạn thân bước sang chương mới của cuộc đời cũng sẽ kéo theo nhiều thay đổi khác trong mối quan hệ với bạn. Chẳng hạn khi cách biệt múi giờ, bạn phải chờ vài tiếng mới được trả lời tin nhắn. Lâu dần, bạn không còn thường xuyên “tâm sự mỏng” với họ như trước. Giữa hai bạn cũng sẽ có một khoảng cách nhất định khi không còn liên tục cập nhật cuộc sống của nhau.
Cũng có thể sau khi chuyển đi xa hoặc lập gia đình, họ trở nên bận rộn với những mối quan tâm khác. Bạn không còn ở trong “danh sách ưu tiên” của họ, dẫn đến tình bạn phai nhạt dần. Yếu tố này bạn không thể kiểm soát, và nếu nó xảy ra thì cũng hoàn toàn bình thường. Việc người khác thay đổi là “tất lẽ dĩ ngẫu”, dù bạn có mong muốn hay không.
Bạn có thể làm gì để giữ lửa tình bạn?
Theo giáo sư xã hội học Rebecca G. Adams, sự gần gũi, lặp lại và tương tác ngoài dự kiến là ba điều kiện cần thiết để “giữ lửa” tình bạn. Dù không thể gặp nhau thường xuyên, hai bạn vẫn có thể tập trung vào yếu tố “lặp lại” bằng nhiều hoạt động như:
Gửi meme cho nhau: Những chiếc meme đơn giản có thể mang lại hiệu quả kết nối không ngờ. Bạn chỉ cần thả bức ảnh thay lời muốn nói, còn người nhận cũng chỉ cần thả “haha” là có thể chia sẻ tiếng cười cùng bạn.
Ghi nhớ ngày đặc biệt của đối phương: Đây là cách giúp bạn củng cố yếu tố “tương tác ngoài dự kiến”. Bạn có thể đặt một chiếc bánh, bưu thiếp hoặc món quà bất ngờ cho bạn thân trong dịp sinh nhật, và chắc chắn bạn ấy sẽ nhớ điều đó hơn là những lời chúc trên mạng xã hội.
Lên kế hoạch cho hoạt động định kỳ: Nếu ở cùng thành phố, hai bạn nên bố trí gặp nhau ít nhất một lần trong mỗi tháng hoặc mỗi quý. Bạn có thể đề xuất những hoạt động thuận tiện cho điều kiện của bạn thân. Chẳng hạn nếu họ đã có con, bạn lựa chọn quán cafe có không gian cho trẻ em vui chơi để họ đưa con theo.
Với bạn bè ở xa, các bạn có thể gọi video, chơi game, xem phim hay đọc sách cùng nhau. Có khá nhiều ý tưởng cho các cuộc tụ tập “xa mà vẫn xôm” mà các bạn có thể tham khảo.
Dù vậy bạn lưu ý rằng, việc duy trì tình bạn bằng bất kỳ hình thức nào đều cần nỗ lực từ cả hai phía. Do đó nếu bạn đã làm tất cả những điều trên mà đối phương không muốn thực hiện, bạn không nên cố gắng níu kéo. Thay vào đó, bạn tập trung vào những gì nằm trong khả năng xử lý của mình.
Đừng quên chăm sóc tốt cho bản thân
Trong thời điểm cuộc sống bạn trải qua nhiều xáo trộn, việc chăm sóc tốt cho bản thân vẫn là quan trọng nhất. Bạn cố gắng duy trì ăn uống lành mạnh, đúng bữa, ngủ đủ giấc và tập thể dục nhẹ nhàng. Việc này giúp bạn hạn chế phát sinh thêm vấn đề về sức khỏe khi tâm lý vốn đang bất ổn. Nếu cần thiết, đừng ngại tìm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý.
Bạn cũng có thể tham gia một lớp học thiền, yoga hoặc một câu lạc bộ sinh hoạt theo sở thích của mình. Đây là cách “bắn một mũi tên trúng hai đích”, bởi bạn vừa học cách chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, vừa gặp được những người có chung sở thích. Biết đâu bạn sẽ kết được những người bạn mới từ các cộng đồng này?
Tạm kết
Sau nhiều lần chứng kiến bạn bè đi du học, định cư hay lập gia đình, tôi nhận ra việc có cảm xúc lẫn lộn là hết sức bình thường. Quan trọng là bạn ghi nhận sự tồn tại và để chúng đi qua, bởi hầu hết cảm xúc chỉ tồn tại nhất thời chứ không kéo dài mãi.
Bạn sẽ cần thời gian để thích nghi với những thay đổi khi không còn thường xuyên gặp họ, và điều đó hoàn toàn ổn. Nếu có điều gì thay đổi theo hướng tiêu cực mà nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, đừng cố gắng níu kéo hay đau buồn. Bạn đã làm tất cả những gì bạn có thể làm, và cũng chỉ nên tập trung vào những điều đó.
Dù vậy theo giáo sư tâm lý Anne Moyer, một tình bạn đủ lâu dài và bền chặt sẽ không biến mất khi các bên trải qua thay đổi trong cuộc sống. Vì vậy tôi tin rằng, nếu thân nhau đủ lâu và thực lòng trân quý nhau, các bạn sẽ luôn tìm ra cách duy trì tình bạn trong bất cứ hoàn cảnh nào.