Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia" có thực sự dùng tiểu xảo như lời đồn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia" có thực sự dùng tiểu xảo như lời đồn?

Đã 12 năm kể từ nghi vấn gian lận đáp án của Quán quân Đường lên đỉnh Olympia, công chúng mới có một nhà vô địch gây tranh cãi. Vậy thực hư chuyện này là gì?
Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia" có thực sự dùng tiểu xảo như lời đồn?

Nguồn: VnExpress

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2024 vừa qua đã vinh danh quán quân Võ Quang Phú Đức (THPT Chuyên Quốc học Huế, Thừa thiên Huế). Với thành tích áp đảo, chiến thuật nhạy bén ngay từ những vòng đầu tiên, Phú Đức đã xuất sắc đem về chiếc vòng nguyệt quế danh dự.

Sau chiến thắng của Đức, bên cạnh những lời chúc mừng, chiến thuật mà cậu áp dụng trong vòng thi “Về đích" cũng trở thành chủ đề bàn luận. Ở vòng này, mỗi thí sinh sẽ lần lượt thi phần thi cá nhân bằng cách trả lời câu hỏi có số điểm từ 20-30 tương ứng với số giây tương tự.

Nếu sau thời gian quy định, thí sinh vẫn chưa có đáp án thì những thí sinh còn lại sẽ có 5 giây để nhấn chuông giành quyền trả lời. Nếu trả lời đúng, người trả lời sẽ nhận toàn bộ số điểm và sai thì bị trừ một nửa số điểm của câu hỏi.

Trong phần thi của thí sinh cuối cùng - Trung Kiên, Phú Đức đã bấm chuông để giành quyền trả lời câu hỏi. Lúc này số điểm của Phú Đức đang dẫn đầu với 235 điểm, và Nguyên Phú đang về nhì với 215 điểm.

Nếu Nguyên Phú trả lời được câu hỏi của Kiên thì Phú sẽ chiến thắng. Nên Đức đã nhanh trí nhấn chuông để giành quyền trả lời. Vì nếu trả lời không đúng, Đức vẫn bảo đảm ngôi quán quân vì chênh lệch với Phú 5 điểm.

2. Tại sao chiến thuật này gây tranh cãi?

Sau cuộc thi, bên cạnh những lời khen ngợi về chiến thuật của Đức, cũng có những khán giả cho rằng lối chơi của Đức nghiêng về “tiểu xảo". Vì đây là một cuộc thi trí tuệ, và việc giành chiến thắng bằng chiến thuật mà không phải kiến thức khiến phần thi không được thuyết phục.

alt
Một tài khoản nhận về nhiều tranh cãi khi lên án chiến thuật của Phú Đức | Nguồn: Facebook Nguyễn Quanh Anh

Việc Phú Đức ăn mừng chiến thắng ngay sau khi giành được quyền trả lời câu hỏi cũng khiến gây tranh cãi. Khán giả theo dõi chương trình cho rằng cậu không nên có thái độ này nếu dành thắng bằng chiến thuật, nhất là trong khuôn khổ một cuộc thi đề cao trí tuệ như Đường lên đỉnh Olympia.

Nhiều người cũng không đồng tình với luật chơi và đề nghị chương trình điều chỉnh luật để đảm bảo tính công bằng tuyệt đối. Chẳng hạn, nếu giành câu hỏi mà thí sinh không thể trả lời được, thì cơ hội nên tiếp tục chia đều cho hai thành viên cuối cùng.

3. Đây có thực sự là tiểu xảo như lời đồn?

Lối chơi của Phú Đức tương tự với chiến thuật gamesmanship thường xuất hiện nhiều trong những môn thể thao có tính cạnh tranh như bóng đá, tennis hay bóng bầu dục. Với gamesmanship, người chơi sẽ đẩy các quy tắc đến giới hạn mà không phá vỡ nó để giành chiến thắng.

Chẳng hạn như trong bóng đá, một số cầu thủ thường đá câu giờ sau khi đã ghi bàn để không cho đối thủ vượt lên. Trong nhiều trường hợp, người sử dụng gamesmanship là người đang chiếm ưu thế trong cuộc chơi, và họ sử dụng chiến thuật này nhằm không cho người khác ghi điểm.

Ở trường hợp của Phú Đức, dù không có câu trả lời chính xác nhưng cậu đã tước đi quyền trả lời của đối thủ (breaking the flow of an opponent's play - một phương pháp trong gamesmanship) và giành chiến thắng.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào chiến thuật của cậu để kết luận đây là mánh khoé hay tiểu xảo thì vẫn còn nhiều bất cập. Bởi ngay từ những vòng đầu tiên, cậu đã gây ấn tượng với chiến thắng gần như tuyệt đối.

Cậu cũng là một trong những thí sinh vượt qua vòng thi “Vượt Chướng Ngại Vật” nhanh nhất lịch sử, với đáp án Net zero được đưa ra ngay khi có gợi ý đầu tiên. Đồng thời, Phú Đức đang là người dẫn đầu, nên cậu chỉ dùng chiến thuật này để giữ vững vị trí của mình.