Bạn có biết, ban đầu Quốc khánh nước ta không phải ngày 2/9? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bạn có biết, ban đầu Quốc khánh nước ta không phải ngày 2/9?

Và những điều có thể bạn chưa biết xung quanh ngày Quốc khánh nước ta.
Bạn có biết, ban đầu Quốc khánh nước ta không phải ngày 2/9?

Diễu hành kỷ niệm ngày Quốc khánh trên quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1960. | Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Không chỉ mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, sự kiện này còn đánh dấu sự ra đời của nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Không chỉ là biểu tượng cho hòa bình, độc lập và tự do, ngày 2/9 còn là dịp đoàn viên của biết bao gia đình. Nhân kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh, cùng Vietcetera tìm hiểu thêm 5 điều có thể bạn chưa biết về ngày lễ lịch sử này.

1. Ngày 2/9 từng không phải Quốc khánh

Hiện nay 2/9 được quy định là ngày Quốc khánh, và là một ngày lễ chính thức của nước ta. Tuy nhiên trong những năm đầu của nước Việt Nam mới, 2/9 được gọi là ngày Việt Nam độc lập, còn 19/8 mới là ngày Quốc khánh.

Cụ thể, sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946 đã quy định ngày 2/9 là ngày "Việt Nam độc lập". Sắc lệnh 141bis ký ngày 26/7/1946 cũng ghi rõ: "Ngày 19 tháng 8 dương lịch, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 8 năm 1945, từ nay sẽ là ngày Quốc khánh Việt Nam”. Kể từ 2 văn bản này, ngày 2/9 thường được gọi là Ngày Độc lập, Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa hay Ngày Tuyên ngôn độc lập.

30aug202413241600126564239746705764049233606840472459njpg
Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946. | Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Đến năm 1954, “Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9” đăng trên báo Nhân dân là văn bản chính thức đầu tiên mà Chính phủ sử dụng cụm từ “Quốc khánh” để nhắc đến ngày 2/9. Ngày này được chính thức quy định là Quốc khánh tại điều 145, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

2. Vì sao Bác Hồ chọn ngày 2/9 để đọc Tuyên ngôn Độc lập?

Có hai luồng ý kiến khác nhau giải thích điều này. Thứ nhất, khi Bác Hồ cùng các cộng sự bàn việc chọn ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, có nhiều ý kiến đề xuất ngày 25/8. Tuy nhiên bác sĩ riêng của Bác là ông Vũ Đình Tụng, cũng là một người Công giáo đã đề xuất ngày 2/9.

Bởi ngày đó mọi người được nghỉ làm, và cũng là ngày Chúa nhật kính các đấng tử vì đạo Việt Nam - một ngày lễ quan trọng mà người Công giáo đều tới dự. Vào thời điểm đó, chỉ phía Công giáo mới có các đoàn thể với đồng phục, đội ngũ chỉnh tề nên dễ vận động đồng bào Công giáo tham gia mít-tinh sau khi tan lễ.

Vì vậy, Bác đã liên lạc với tòa giám mục Hà Nội và đến thăm Nhà thờ Lớn. Khi thấy giáo dân đang chuẩn bị mừng lễ các vị tử đạo Việt Nam vào ngày 2/9, Bác đã suy nghĩ một lúc rồi nói: "Tôi sẽ làm cho ngày đó thêm ý nghĩa nữa". Có lẽ điều này đã khiến Bác quyết định chọn ngày 2/9 để đọc Tuyên ngôn Độc lập.

30aug2024tr1a1450x288jpg
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. | Nguồn: Tạp chí Công thương

Ý kiến thứ hai của PGS. TS. Sử học Nguyễn Quang Liệu cho rằng, Bác Hồ chọn ngày 2/9 là để trùng với ngày Phát xít Nhật ký thỏa thuận đầu hàng quân Đồng Minh, và lá cờ phát xít Nhật bị hạ xuống. Qua đó thể hiện rõ Việt Nam là một quốc gia độc lập.

3. Bản thảo đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập được viết ở đâu?

Đó chính là số nhà 48 Hàng Ngang, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây vốn là nơi ở của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ Chính quyền Cách mạng Lâm thời Việt nam 5147 lượng vàng (gấp đôi ngân khố chính phủ lúc bấy giờ).

Sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc và được sắp xếp chỗ làm việc, nghỉ ngơi tại đây. Trên tầng hai có một căn phòng rộng, góc phòng có chiếc bàn con kê sát tường, vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy đánh chữ. Ngay chính tại chiếc bàn này, Bác đã viết bản thảo đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập ngày 26/8/1945, trước khi được hoàn chỉnh tại cơ quan lâm thời của Chính phủ ở số 12 Ngô Quyền.

30aug202466jpg
Bên trong căn phòng nơi Bác Hồ đã viết bản thảo đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập. | Nguồn: Học viện Chính trị Công an Nhân dân

4. Hai người phụ nữ kéo cờ vào ngày 2/9/1945 là ai?

Họ là Lê Thi - nữ sinh trường Đồng Khánh (nay là trường THCS Trưng Vương), sau trở thành giáo sư Triết học, và Đàm Thị Loan - nữ đội viên du kích người Tày đại diện cho phụ nữ các dân tộc thiểu số, sau này là phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái. Cả hai bà lúc đó mới 19 tuổi, và cùng trốn gia đình đi hoạt động Việt Minh từ tuổi thiếu niên.

Giáo sư Lê Thi được giao nhiệm vụ quan trọng một cách tình cờ, khi dẫn đầu Đoàn Phụ nữ Hàng Bông tới dự lễ Tuyên ngôn Độc lập. Sớm ngày 2/9/1945, bà mặc áo dài trắng, đi giày bata, cầm gậy gỗ chấn chỉnh đội hình. Lúc ấy một cán bộ ban tổ chức tiến tới, thông báo muốn cử một phụ nữ lên kéo cờ và bà được chọn.

30aug20242bathi27940540pmjpg
Giáo sư Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan (phải) trong một cuộc hội ngộ năm 1987. | Nguồn: Vietnam News

“Khi bài Quốc ca vang lên cũng là lúc cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên, khi bài Quốc ca kết thúc là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình… Đó cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng, nước mắt ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào. Trên lễ đài, tôi được nhìn thấy Bác Hồ rõ hơn trong bộ kaki giản dị, khác hẳn những vị lãnh tụ mà tôi được học trong sách vở”, giáo sư Lê Thi kể lại.

5. Ngày Bác Hồ qua đời trùng vào Quốc khánh năm 1969

Ngày 29/8/1969, Bác Hồ nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ngày lễ Quốc khánh, Bác sẽ ra dự mươi mười lăm phút”. Thế nhưng đến tối ngày 31/8/1969, Bác bị mệt nên không thể đến dự lễ kỷ niệm Quốc khánh được tổ chức tại Hội trường Ba Đình.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Do hoàn cảnh thời chiến, để tránh trùng với ngày Quốc khánh, Bộ Chính trị đã thông báo Bác mất ngày 3/9. Bản Di chúc được công bố cũng dựa trên bản thảo Bác viết năm 1965, một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng các đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và 1969.

30aug20246vsgk20190909151518jpg
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. | Nguồn: Truyền hình Nghệ An

Phải đến năm 1989 khi có đầy đủ các điều kiện, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI mới công bố ngày mất thực tế và toàn bộ các bản Di chúc của Bác. Trong thông báo của Bộ Chính trị số 151 ngày 19/8/1989 nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9h47 ngày 2/9/1969. Vì trùng với ngày vui lớn của dân tộc, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã quyết định công bố lùi một ngày, là 3/9/1969.