Làm thế nào để chia tay trong yên bình? | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 03, 2022
Cuộc SốngThương

Làm thế nào để chia tay trong yên bình?

Theo Mark Manson, dưới đây là 10 quy tắc cần lưu ý để có một cuộc chia tay êm đẹp.
Làm thế nào để chia tay trong yên bình?

Nguồn: Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết "How to Break Up Gracefully" được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Từ xưa nay chia tay đã luôn là một điều khó khăn. Nó không chỉ khó thực hiện, mà việc xử lý “bãi chiến trường”, cùng những cảm xúc phức tạp ngổn ngang sau đó vất vả không kém.

Các cuộc chia tay cũng khó nhằn bởi chúng “độc nhất vô nhị” tựa như mối quan hệ đã dẫn đến chúng. Đưa ra lời khuyên về chia tay có thể phức tạp, bởi còn phải xét đến ngữ cảnh. Ví dụ, tôi không bao giờ khuyên bất cứ ai chia tay qua tin nhắn. Tuy nhiên, tôi đã dùng tin nhắn khi người kia đang nổi cơn tam bành và tưởng đó là cách phù hợp. Do vậy, sẽ không có câu trả lời đơn giản ở đây.

Chìa khóa cho một cuộc chia tay êm đẹp và độ hồi phục của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bạn là người chia tay trước hay là người “bị đá”? Bạn chia tay vì một vấn đề cụ thể, hay vì sự hào hứng và xúc cảm đã nhạt phai? Tình cảm liệu đã bị xáo trộn trong thời gian dài, hay mọi thứ diễn ra một cách đột ngột?

Rồi đến những câu hỏi dài hạn như: Bạn có muốn giữ liên lạc với người yêu cũ không? Làm thế nào để bạn vượt qua việc nhớ nhung họ? Nếu họ muốn quay lại thì sao? Sẽ ra sao nếu Steve thân với bạn hơn cô ta, còn cô ta thì nghĩ Steve theo phe mình, trong khi Steve thật sự thích bạn hơn?

Đây đều là những câu hỏi chính đáng. Và chúng xứng đáng được trả lời. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết sức. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách xử trí một cuộc chia tay thật hòa nhã. Nhưng trước tiên, hãy cân nhắc xem chia tay có phải là điều nên làm vào thời điểm này hay không.

Chia tay hay ở lại, làm sao để quyết định sáng suốt?

Đôi khi, thật dễ dàng để biết khi nào nên từ bỏ một người. Nếu bạn bị đối xử tệ bạc, liên tục bị phớt lờ, lừa dối hoặc trải qua một mối quan hệ độc hại, thì bạn cần rời đi ngay.

Nhưng nhiều khi, chia tay không phải là một quyết định rõ ràng như vậy. Có lẽ mọi thứ chỉ hơi “lệch pha”. Có lẽ những cuộc tranh luận dường như không đi đến đâu cả. Có lẽ cả hai không thật sự tương hợp, dù không nghiêm trọng nhưng bạn không chắc mình có thể tiếp tục chấp nhận. Tôi hiểu mà.

Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên đào sâu một chút để tìm hiểu điều gì đang thực sự diễn ra. Bởi trong các mối quan hệ, bất kỳ vấn đề nào ta gặp phải hiếm khi dừng lại ở những gì nằm trên bề mặt. Vậy nên, chuyện không bao giờ là “chỉ có vậy”.

Để biết rằng mình có nên ra đi hay không, bạn có thể tham khảo bài viết: Chia tay hay ở lại, làm sao để quyết định sáng suốt?

10 Quy tắc để chia tay một cách êm đẹp

Dù chông gai, nhưng nếu bạn đã quyết định đã đến lúc thu dọn mọi chuyện và chấm dứt mối quan hệ, thì tôi có lời khen ngợi về sự dũng cảm của bạn.

Bây giờ chúng ta hãy cùng vượt qua những điều chông gai.

1. Luôn chia tay trực tiếp và nếu có thể, đừng làm điều đó ở nơi công cộng

Trừ khi họ làm những thứ quá thể như hành hung con mèo của bạn (hoặc gửi cho bạn 43 tin nhắn sướt mướt chỉ trong một đêm), nhưng nếu bạn ít nhiều có sự tôn trọng dành cho họ, thì hãy luôn trực tiếp chia tay.

Đúng là khó thật, nhưng phải ráng mà làm thôi. Và nếu có thể, đừng làm điều đó ở chốn đông người. Nơi công cộng khiến người ta cảm thấy khó bộc lộ, cho dù đó là những lời cuối cùng muốn nói hay đống chén đĩa họ muốn đập bể. Điều này đưa chúng ta đến nguyên tắc số hai…

2. Không bao giờ làm quá và giữ cơn giận dữ ở mức tối thiểu

Bạn có thể quẫn trí. Và cũng dễ hiểu nếu bạn cảm thấy mình bị xé toạc từ trong ra ngoài. Ước rằng hỏa ngục sẽ thiêu rụi họ và thôi thúc được phá hủy cuộc sống cùng mọi thứ họ quý trọng thành từng mảnh… cũng hoàn toàn chẳng khác thường.

Nhưng bất kỳ nỗ lực nào để thực hiện điều đó cũng chỉ khiến bạn giống một đứa con nít đang nhõng nhẽo. Hãy kiểm soát bản thân. Đau buồn và bày tỏ nỗi đau không xấu, nhưng đừng làm gì ngu ngốc. Hãy giữ điều đó riêng tư và bộc lộ với người mà bạn tin tưởng.

Và bạn cần chú ý gấp đôi nếu ở nơi công cộng. Dưới đây là một ví dụ hay về cách ta không nên xử sự trong một cuộc chia tay:

3. KHÔNG cố gắng làm người kia cảm thấy tốt hơn

Đặc biệt là với những người chia tay trước. Một khi mối quan hệ đã dứt, cảm xúc của người kia không còn là trách nhiệm của bạn. Và không những bạn đã hết trách nhiệm giúp họ đối mặt với vấn đề, việc an ủi còn khiến họ cảm thấy tệ hơn. Nó cũng phản tác dụng vì chỉ khiến đối phương thêm oán giận khi bạn tỏ ra tử tế (nhưng lại chia tay với họ).

Và lạy trời, đừng ngủ với họ. Nghiêm túc mà nói cả hai vừa mới chia tay. Họ khóc lóc và nói rằng họ sẽ nhớ bạn đến nhường nào. Bạn ôm lấy họ để an ủi. Bạn bắt đầu rối bời vì ước rằng giá mà mọi chuyện đã suôn sẻ hơn, nhưng chia tay là tốt hơn cho cả hai.

Đây là điều thứ hai mà nhiều người không đủ can đảm để làm. Nhiều người bị ám ảnh trong việc giữ mối quan hệ bạn bè và buộc bản thân liên lạc với người cũ dù điều đó chỉ khiến họ căng thẳng hơn.

4. Sau khi chia tay, hãy nghiêm túc cắt đứt mọi liên lạc trong một khoảng thời gian ngắn

Nghiên cứu về các cuộc chia tay cho thấy những người hạn chế liên lạc với người cũ sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều.

Điều này không chỉ hoàn toàn hợp lý khi bạn không gặp/nói chuyện với nhau trong một khoảng thời gian ngắn, mà còn lành mạnh. Càng tiếp xúc nhiều, bạn càng có nguy cơ kẹt trong mớ hỗn độn kiểu “dù không còn là người yêu nhưng vẫn qua lại với nhau”.

5. Trò chuyện với ai đó

Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng hãy đảm bảo là bạn có thực hiện. Nếu đây là một mối quan hệ đặc biệt nghiêm túc, hãy trò chuyện với một người bạn hoặc thành viên gia đình đáng tin cậy trước khi đưa ra quyết định. Và sau đó thực hiện nghiêm túc bất kỳ lời khuyên nào họ dành cho bạn.

alt
Dù có vẻ hiển nhiên nhưng hãy đảm bảo rằng bạn có thể trò chuyện với ai đó. Chúng ta thường kém trong việc nhìn nhận mối quan hệ của mình. | Nguồn: Unsplash

Chúng ta thường kém hơn trong việc nhìn nhận mối quan hệ của chính mình. Nhưng bạn bè có thể thấy cách mà nó ảnh hưởng đến ta tốt hơn ta.

6. Cho phép bản thân buồn / tức giận / thất vọng, nhưng không phán xét hoặc đổ lỗi cho bất kỳ ai

Những cảm xúc đều lành mạnh và bình thường, kể cả đó là cảm xúc tiêu cực. Nhưng phán xét và đổ lỗi không hề giúp ích.

Điều này không đồng nghĩa là bạn không nên phân biệt hành vi tốt/xấu hoặc lựa chọn tốt/xấu. Học hỏi từ những sai lầm của bản thân và những vấn đề trong mối quan hệ sẽ giúp bạn vượt qua và bước tiếp.

Tôi đã thực sự rối tung lên khi kết thúc mối quan hệ nghiêm túc đầu tiên. Tôi ôm trong lòng thật nhiều oán hận vì cô ấy đã bỏ tôi để theo một người đàn ông khác. Tôi đã không thực sự bắt đầu vượt qua nó cho đến khi tôi chấp nhận rằng mình đã không phải là một người bạn trai tuyệt vời. Một khi nhận ra mình không phải là một thiên thần hoàn hảo, cũng như không hoàn toàn là nạn nhân, thì việc đối mặt với chuyện đã rồi và buông bỏ chúng sẽ dễ dàng hơn.

Bắt đầu bằng cách xác định rằng người ấy không tuyệt như bạn nghĩ và thực sự có những điểm bạn không thích. Nhận thức những điều bạn làm chưa tốt và cách để cải thiện. Nhưng đừng đổ lỗi cho người kia vì chính con người họ.

Mọi người đều bước vào một mối quan hệ với chủ đích tốt đẹp nhất. Hầu hết mọi người bị tổn thương và phản bội theo một cách nào đó sau mối quan hệ. Hầu hết mọi người đều kết thúc trong tình trạng bị xáo trộn nặng nề. Không có gì đặc biệt kinh khủng về bạn hoặc người kia. Chỉ cần học hỏi từ những sai lầm và vượt qua thôi.

7. Nhận ra bản chất của chia tay là dấu hiệu cho thấy hai bạn không tương hợp và cả hai sẽ tốt hơn khi không bên nhau

Có một điều khiến tôi kinh ngạc: những người vừa mới kết thúc mối quan hệ và than thở rằng “anh ấy/cô ấy và tôi đã từng là một cặp đôi hoàn hảo”.

Hiển nhiên là không. Nếu hoàn hảo thật thì hai bạn vẫn ở bên nhau rồi.

Chẳng hiểu sao, khi nhắc đến sự tương hợp, mọi người bỗng nhiên chối bỏ sự thật rằng họ đã không còn bên nhau. Ừ đấy, mặc dù chúng tôi đã cào cấu nhau trong sáu tháng qua, nhưng chuyến đi đầu tiên cùng nhau đến Florida vẫn thật kỳ diệu. Chúng tôi đã rất phù hợp với nhau.

Mặc dù tất cả chúng ta đều có thiên kiến ​​nhận thức khi nhớ về mọi thứ tốt hơn so với bản chất của nó, nhưng quan trọng là bạn nên nhắc nhở bản thân về lý do mà bạn chia tay. Đó thường là lý do chính đáng.

Và cho những ai còn dai dẳng sau vài tháng hoặc nhiều năm: hãy dừng lại đi. Nếu họ phù hợp với bạn, họ đã nhận ra ngay từ bây giờ rồi. Bạn chỉ đang tự huyễn hoặc bản thân thôi.

8. Đầu tư vào bản thân

Càng ở trong một mối quan hệ càng lâu, ý thức về bản sắc của bạn càng hòa lẫn với họ. Ở cùng với ai đó trong một không gian thân mật lâu dài sẽ tạo ra một thực thể tâm lý thứ ba, bao trùm lên bản sắc của cả bạn và họ.

Và khi thực thể đó đột ngột chết đi, nó không chỉ gây đau đớn mà còn để lại một lỗ hổng tạm thời trong chính con người của bạn.

alt
Đầu tư vào bản thân là một lời khuyên tử tế sau khi bạn chia tay. | Nguồn: Unsplash

Đây là lý do tại sao lời khuyên hậu chia tay tử tế và quan trọng nhất là đầu tư xây dựng lại bản sắc cá nhân. Tìm lại những sở thích cũ. Tập trung gấp đôi vào công việc. Bắt đầu dự án mới bạn đã trì hoãn trong nhiều tháng. Và hơn hết, hãy dành thời gian cho bạn bè. Bạn bè sẽ không những trấn an và làm bạn cảm thấy tốt hơn trong thời điểm này, mà họ còn giúp bạn một lần nữa củng cố bản sắc cá nhân. Tình bạn quả là liều thuốc tốt nhất cho một trái tim vỡ tan.

9. Chỉ bắt đầu hẹn hò lại khi bạn thấy thích thú một cách tự nhiên khi gặp người mới

Rất nhiều người chia tay và bước vào thời kỳ cố quên đi người cũ sau đó. Họ lập tức trở lại cuộc chơi và vớ lấy người đầu tiên xuất hiện. Vấn đề là, đây giống một cơ chế đối phó hơn là nhiệt tình thực sự với việc gặp gỡ người mới. Bạn có thể nhận ra điều đó, vì những kết nối chóng vánh thường mang cảm giác phức tạp và thiếu thốn. Lo âu và tuyệt vọng sẽ trở lại cùng sự trả thù, và nhìn chung quá trình gặp gỡ người mới mà thế này thì sẽ cực kỳ kém thú vị.

Sau khi ngừng liên lạc và đầu tư vào bản thân, đừng tạo áp lực phải gặp người mới cho đến khi bạn cảm thấy hứng thú làm điều đó một cách tự nhiên. Có một sự khác biệt giữa hứng thú và tuyệt vọng. Tuyệt vọng là cảm giác cô độc và thiếu trọn vẹn nếu không được hẹn hò với ai - kiểu như bạn cần phải ở trong mối quan hệ thì mới hạnh phúc được. Hứng thú là bạn thực sự phấn khích để khám phá những gì bên ngoài và cảm thấy ổn, bất kể điều gì có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, khi bạn hào hứng gặp những người mới và ở một vị thế cảm xúc tốt, bạn thậm chí còn hấp dẫn hơn rất nhiều. Nó đáng mà.

10. Chỉ cố gắng trở lại làm bạn với người yêu cũ khi đã hết ý định hẹn hò với họ

Một số người có mục tiêu đáng ngưỡng mộ là kết bạn với người yêu cũ. Những người khác có mục tiêu đáng ngưỡng mộ khác là bẻ gãy xương bánh chè của người yêu cũ bằng cái cần nạy vỏ xe.

Dù mục tiêu cho mối quan hệ trong tương lai của bạn với người yêu cũ là gì, chúng cần phải diễn ra một cách tự nhiên. Việc ép buộc một tình bạn sẽ gây khó khăn vì nó khiến người kia cảm thấy có nghĩa vụ với bạn. Và điều này có thể khuấy động rất nhiều cảm xúc tiêu cực còn sót lại từ cuộc chia tay.

Những gì tôi nhận ra là nếu bạn có một tình bạn bền chặt trong mối quan hệ, tình bạn đó sẽ tự nhiên xuất hiện bên ngoài mối quan hệ khi cả hai bạn đã bước tiếp. Trong nhiều trường hợp, sự thoải mái đủ để hình thành gắn kết như xưa có khi cần cả hai đã hẹn hò với người mới. Những lần khác thì cũng cần rất nhiều thời gian. Nhưng nếu tình bạn vẫn còn đó, thì cuối cùng nó sẽ nảy mầm thôi. Hãy làm điều đó một cách tự nguyện, chứ đừng ép buộc.

Cố gắng quay lại với nhau có thực sự vô vọng?

Tôi thường nhận được email từ nhiều người nói về tình trạng chia tay của họ và hỏi điều đó liệu có vô vọng hay không. Có cơ hội nào để họ quay lại với nhau không?

Đây là vấn đề: nếu bạn quay lại với nhau sau một lần chia tay, thì có thể bạn sẽ thành công. Nhưng đấy là trong trường hợp một hoặc cả hai bạn thực sự học hỏi từ cuộc chia tay và thay đổi cách cư xử hay nhận thức về mối quan hệ. Có rất nhiều ví dụ về các cặp đôi cần xa nhau một thời gian để có góc nhìn khách quan về mối quan hệ, cũng như học cách vận hành nó. Và nói chung, chỉ một cuộc chia tay thảm khốc thì cũng không quá khó để hàn gắn.

Nhưng nếu bạn trải qua cuộc chia tay này đến cuộc chia tay khác. Hoặc điều mà đôi khi tôi gọi là "chu kỳ bùng nổ/vỡ òa cảm xúc" - khi mà bạn chỉ một là ở thiên đàng, hai là ở địa ngục thì có lẽ bạn nên chấm dứt nó vĩnh viễn.

Hãy tưởng tượng mối quan hệ của bạn như một chiếc đĩa sứ xinh đẹp. Nếu bạn làm vỡ nó một lần, bạn có thể gắn nó lại với một chút cẩn thận và nỗ lực. Nếu nó vỡ lần thứ hai, bạn vẫn có thể ghép lại nhưng mất thời gian và công sức chăm sóc hơn nhiều. Nhưng nếu bạn làm vỡ nó từ lần này qua lần khác, cuối cùng bạn sẽ kết thúc bằng rất nhiều mảnh vụn. Và cho dù bạn thích chiếc đĩa đó đến mức nào, tốt hơn hết bạn nên đi và tìm một chiếc đĩa khác.