Let them Theory - Để người khác đối xử với mình “sao cũng được” | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 10, 2023
Cuộc SốngThương

Let them Theory - Để người khác đối xử với mình “sao cũng được”

Nếu bạn thân đột ngột huỷ kèo đi chơi mà hai bạn đã lên kế hoạch từ một tháng trước - Let them.
Let them Theory - Để người khác đối xử với mình “sao cũng được”

Nguồn: @therabbit.archive cho Vietcetera

Let them Theory là gì?

Let them Theory (tạm dịch: lý thuyết mặc kệ) là lý thuyết được sáng tạo bởi Mel Robbins - nhà văn, người truyền cảm hứng và chủ nhân của kênh podcast Mel Robbins.

Lý thuyết này ra đời với mục đích khuyến khích mọi người hãy để người khác làm những điều họ cho là đúng, được sống là chính họ, đồng thời giảm bớt lo âu và gánh nặng cho bản thân. Những ví dụ về việc áp dụng Let them Theory:

  • Hội chị em rủ nhau đi chơi nhưng lại không rủ bạn - Let them.
  • Người yêu cũ hẹn hò với bạn thân sau khi vừa chia tay bạn - Let them.
  • Đồng nghiệp trong công ty tụ tập nói xấu bạn - Let them.
alt
Nhiều người tỏ ra đồng tình với lý thuyết Let them Theory trên Mạng xã hội | Nguồn: TikTok

Hiện nay, hashtag #Letthemtheory đã thu về 26 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok với những video chia sẻ về việc mọi người áp dụng lý thuyết này vào đời sống và những tác động tích cực mà nó mang lại.

Sự khác biệt giữa Let them Theory và Law of Detachment

Hai quy luật này đều có điểm chung, đó chính là học cách chấp nhận sự thật và hạn chế sự quan tâm với những mối quan hệ tiêu cực.

Tuy nhiên, nếu Law of Detachment cho phép bạn nghỉ chơi với những người “toxic”, thì Let them Theory khuyến khích bạn để cho người khác làm những điều mình muốn, cho họ không gian của riêng mình nhưng vẫn giữ được mối quan hệ với đối phương.

Bạn có đang kỳ vọng quá nhiều vào người khác?

Mel Robbins chia sẻ: “Tốn quá nhiều thời gian và năng lượng để khiến cho mọi người làm theo ý mình". Nhưng tại sao dù biết điều đó, bạn vẫn chọn làm như vậy?

Nhu cầu được đáp ứng về mặt cảm xúc: Nhu cầu này cho phép chúng ta có thể diễn đạt những gì mình muốn như vui, buồn, giận giữ, xúc động,... với hy vọng nhận được sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ từ mọi người xung quanh.

Nhưng càng trưởng thành, chúng ta càng dễ thất vọng vì không phải lúc nào mọi người cũng sẵn sàng để thấu hiểu bạn, dẫn đến những tranh chấp do bất đồng quan điểm.

Có qua có lại: Bạn đối xử với mọi người rất tử tế yêu cầu họ cũng sẽ đối xử với bạn như những gì bạn mong đợi. Nếu bạn ở bên họ lúc khó khăn, bạn cũng mong họ sẽ có mặt khi bạn cần. Hay khi bạn tặng cho họ một món quà vào dịp sinh nhật, bạn sẽ yêu cầu nhận được một thứ có giá trị tương đương vào ngày của bạn.

alt
Chấp nhận việc người khác không đối xử với bạn theo cách bạn mong muốn để trở nên nhẹ nhõm

Trên thực tế, những người xung quanh không có khả năng để luôn luôn đáp ứng những nhu cầu của bạn, có thể vì không có thời gian, không đủ điều kiện kinh tế hoặc có thể là vì họ… không muốn.

Đã đến lúc tạo ra “hành tinh” của riêng mình

Let them Theory không đồng nghĩa với việc cho phép người khác đối xử tệ với bạn mà bạn vẫn không phản ứng. Đó đơn giản chỉ là để cho họ không gian và thời gian để ra quyết định và không kiểm soát họ bằng những định kiến cá nhân. Vì thứ duy nhất bạn có thể kiểm soát được chỉ có chính mình.

Sẽ mất một thời gian để luyện tập lý thuyết này nhưng khi đã thành công, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng và thời gian, đồng thời giảm bớt gánh nặng, lo âu. Những phương pháp sau đây có thể trở nên hữu ích:

Hãy để họ thất bại: Khi yêu quý ai đó, bạn có xu hướng bảo vệ quá mức vì sợ họ sẽ buồn bã, thất vọng khi gặp tổn thương. Nhưng điều đó đôi khi sẽ làm họ khó chịu vì bạn can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của họ. Khi cho mọi người không gian để phát triển và thể hiện bản thân, họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và sẽ thể hiện lại sự tôn trọng ngược lại với bạn.

Ví dụ: bạn phát hiện bạn thân của bạn lén lút quay lại với người yêu cũ mặc cho những lời khuyên nhủ và cảnh báo của bạn về “red flag” của người đó - Let them.

alt
Sao cũng được, mình vui là được

Vạch ra giới hạn: việc tạo ra những ranh giới trong các mối quan hệ và chia sẻ với mọi người để họ biết đâu là mức chịu đựng tối đa của bạn sẽ giúp hạn chế việc bị người khác tác động và tổn thương.

Qua đó, chúng ta có thể phân loại được mối quan hệ nào là quan trọng, có thể gắn bó lâu dài và những mối quan hệ chỉ nên dừng lại ở mức xã giao. Vì người thật sự trân trọng bạn sẽ luôn để tâm đến những giới hạn bạn đặt ra và không bao giờ vượt qua nó.

Cuối cùng, hãy luôn cho mọi người được làm chính mình và làm những gì họ muốn. Đừng quá áp lực bản thân về việc cố gắng thay đổi những người xung quanh và thất vọng khi họ không làm theo ý mình. Bằng việc áp dụng Let them Theory, bạn sẽ có thể cân bằng giữa cuộc sống và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.