Laws of Detachment: Cách buông bỏ để thấy đời dễ thở hơn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Laws of Detachment: Cách buông bỏ để thấy đời dễ thở hơn

Nếu có một thứ tôi ước mình biết sớm hơn, đó sẽ là Laws of Detachment - Quy luật Buông bỏ giúp ta “buông” những nặng lòng tâm tư để bắt đầu “sống” trọn vẹn.
Laws of Detachment: Cách buông bỏ để thấy đời dễ thở hơn

Nếu mỗi quả bóng bay là một mối bận tâm trong lòng, bạn muốn thả quả nào đi trước? | Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

  • Đang hẹn hò tiến triển bỗng dưng người ấy dừng lại “chỉ muốn làm bạn”?
  • Đồng nghiệp làm việc đang hợp rơ bỗng một ngày nói xấu bạn sau lưng?

Hóa ra, ta gần như không thể kiểm soát bất kỳ điều gì xảy đến với mình trong đời. Càng cố gắng gò ép các mối quan hệ bao nhiêu, ta lại càng bất lực và mất kiểm soát bấy nhiêu. Ta sẽ dần thấy mình trở thành “nạn nhân”, tự hỏi “Tại sao những chuyện này cứ xảy đến với mình?”.

Tin tốt là, cảm giác mất kiểm soát sẽ không kéo dài lâu khi bạn đã nắm một khái niệm mang tên Laws of Detachment (tạm dịch: Quy luật Buông bỏ).

Với Luật Buông bỏ, bạn cho phép mình được tách bản thân khỏi những mong cầu thúc ép, để “mạnh ai nấy sống, đường ai nấy đi” và từ đó thấy đời dễ thở hơn.

Luật Buông bỏ vận hành như thế nào, và làm sao để thực sự buông bỏ đây?

Attach và Detach: Bạn đang “gắn bó” hay “tách rời” bản thân khỏi những hỗn loạn cuộc sống?

Về cơ bản, ta có 2 sự lựa chọn trước mỗi sự kiện và con người mình gặp được trong đời: Chọn dốc toàn lực gắn bó (attach), hoặc chọn “mạnh ai nấy sống” lỡ chuyện bất thành cũng chẳng sao (detach).

Lựa chọn là nằm ở bạn. Song phần lớn con người đều sẽ đau lòng ở một mức độ nào đó khi chọn “attach”- kỳ vọng quá nhiều vào mọi thứ, mỗi nơi kỳ vọng một ít để rồi chính nó bóp nghẹt chúng ta.

Bạn hết lòng vun đắp cho tình yêu của 2 bên để rồi cuối cùng họ vẫn rời đi, bạn nhiệt huyết hết mình khi vào công ty mơ ước để rồi môi trường công ty khiến bạn vỡ mộng. Nhìn lại quá khứ, bạn sẽ nhận ra mọi ký ức tổn thương mình trải qua đều có một phần vì bạn quá hết lòng kỳ vọng trong đó.

alt
"Gắn bó cực đoan" là khi bạn tha thiết ở bên một người, nghĩ rằng chỉ có họ mới khiến bạn hạnh phúc. Chuyện còn chưa xảy ra thì bản thân bạn đã là người kiệt sức đầu tiên.

Gắn bó quá sâu khiến ta đau khổ, vậy còn “tách rời” thì sao? Đó là lý do Laws of Detachment ra đời.

Laws of Detachment: Ngưng kiểm soát mong muốn, để có được điều mình muốn

Để dễ nằm lòng, Laws of Detachment được gói gọn trong công thức 5 chữ cái ABCD’S như sau:

  • A - Allow others to be who they are: Cho phép mọi người sống thật với bản thân họ.
  • B - Be who you are: Cho phép bạn sống thật với bản thân mình.
  • C - Certainty isn’t true: Không có gì trong cuộc đời là chắc chắn.
  • D - Don’t force situations: Đừng ép mọi thứ phải xảy ra như ý mình muốn.
  • S - Solutions will emerge: Và bạn sẽ có “lời giải” cho mọi thứ ngay thôi.

Nhà văn New York Times best-seller người Mỹ gốc Ấn Deepak Chopra cũng đã định nghĩa Luật Buông bỏ đơn giản là “Để có được điều mình muốn, ta phải quên điều mình muốn đi. Cứ lặng lẽ làm và đừng nghĩ quá nhiều đến kết quả”.

Đừng ép cuộc sống “phải” thế này, “nên” thế kia. Khi ta ngừng kiểm soát mọi mối quan hệ và sự kiện xảy đến với mình, ta mới có thể ở trong trạng thái “kiểm soát” tốt hơn với cuộc sống. Thả lỏng tâm trí để bình tĩnh đón nhận, có thế mới giúp ta ngẩng cao đầu nhìn thẳng bất kể ngày mai có là gì.

Bản thân tôi cũng là người luôn cần cảm giác an toàn trong mọi thứ. Hễ chuyện không diễn ra như kế hoạch tôi muốn, tôi liền giãy giụa. Ngày ấy đồng nghiệp tôi thân thiết bỗng một ngày quay lưng khó chịu với tôi, tôi liền bộc trực hỏi họ lý do để cải thiện mối quan hệ 2 bên ngay.

Nhưng đáp lại tất cả thì, bạn biết rồi đấy. Tôi chưa bao giờ biết lý do họ cư xử tệ, và chỉ có thể vờ quên đi cảm giác mơ hồ khó xử để tiếp tục làm việc cùng nhau thêm vài tháng. Mục đích cuối cùng vẫn là để hoàn thành công việc.

Đó cũng là trước khi tôi biết đến Laws of Detachment.

3 Tín hiệu nhận biết bạn cần Luật Buông bỏ

Tôi nghĩ sở dĩ Luật Buông bỏ tồn tại vì con người ta không bao giờ thực sự tách rời bản thân khỏi mọi sự kiện xung quanh, ví dụ như:

Trong hẹn hò, bạn mất niềm tin về tình yêu vì mãi chẳng gặp được ai vừa ý

Độc thân một thời gian, bạn thấy việc tìm hiểu dây dưa hết người này đến người khác thật mệt mỏi. Song đôi lúc, chỉ đơn giản là 2 người chưa đủ hợp nhau, và situationship này chấm dứt không có nghĩa là hy vọng về tình yêu của bạn chấm dứt.

Trong tình yêu, bạn ở trong mối quan hệ đồng phụ thuộc (co-dependent)

Lún sâu vào cuộc sống của nhau, khiến bạn dần gắn liền bản sắc cá nhân mình với người còn lại. Họ vui bạn vui, họ buồn bạn buồn. Tâm lý bạn trở nên thất thường, và cũng dần đánh mất bản thân từ đó.

Trong công việc, bạn mưu cầu câu trả lời cho mọi thứ

Khi công ty không phải gia đình, đồng nghiệp cũng không có nghĩa vụ “giúp em trả lời những câu hỏi”. Ngoài phạm vi công việc, quá bận tâm đến cách người khác nghĩ gì sẽ kéo bạn vào một vòng lặp không hồi kết.

Thực hành buông bỏ, bắt đầu từ đâu?

Tuy Laws of Detachment dễ hiểu ngay từ cái tên của nó, ít ai thực sự “buông bỏ hoàn toàn” để thực hành chúng.

alt
Ngẫm nghĩ lại Laws of Detachment nhiều lần, bạn sẽ thấy quy luật này giúp gỡ rối gần như mọi vấn đề tâm lý trong cuộc sống bạn.

Dưới đây là những cách bạn có thể làm để từng bước tập Laws of Detachment, theo PsychCentral:

Đừng cố gắng tìm lý do sau mọi hành động của người khác

Khi đã mang tâm lý “tách rời”, bạn sẽ thấy phản ứng từ người khác không còn ảnh hưởng quá nhiều đến bản thân. Crush từ chối bạn, thì là họ từ chối bạn, chứ không phải do họ thấy bạn xấu hay ghét bỏ bạn. Tư duy tách rời giúp bạn tập trung vào chỉ bản thân mình để ngừng đeo bám kết quả. Dù kết thúc có thế nào, bạn cũng đã làm đúng việc mình cần làm, và chỉ vậy là đủ.

Luôn rạch ròi ranh giới bản thân

Sẵn sàng “quay lưng” khi người khác cư xử xúc phạm hoặc va vào ranh giới của bạn (boundaries). Ví dụ nếu bạn khó chịu vì đồng nghiệp bất đồng quan điểm, bạn có thể dừng ngay cuộc hội thoại lui về im lặng chứ không cần cố duy trì thêm chỉ vì họ là “đồng nghiệp”.

Tin tưởng trực giác bản thân

Nếu thấy “có gì đó không ổn”, thì là nó không ổn. Bạn không cần gắng gượng chạy theo một mối quan hệ khi não đã ra hiệu SOS từ lâu.

“Vấn đề người khác, không phải nghĩa vụ sửa chữa của bạn”

Cho phép mọi người được hành xử tự nhiên, để họ tự vấp ngã và tự rút kinh nghiệm. Chúng ta đều cần những giai đoạn rơi xuống đáy vực để học cách vươn lên. Gồng gánh giúp người khác vấn đề của họ sẽ khiến bạn mệt mỏi vô cớ, lại dễ va vào "làm ơn mắc oán".

Cách này thường áp dụng cho những người tha thiết thay đổi bạn trai/bạn gái mình, hay các vị phụ huynh cố gò ép con cái lớn lên theo ý họ muốn.

Hạn chế nghĩ đến kết cục tồi tệ

Đây được gọi là lối suy nghĩ catastrophic thinking. Như việc bạn chia tay người yêu và nghĩ rằng mình sẽ không tìm được ai khác thay thế. Nếu chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục, mọi suy nghĩ của bạn chỉ dừng lại… trong đầu bạn không hơn.

Kết

Luật Buông bỏ cũng giống như khi bạn dốc hết tâm sức thi bài thi đại học khó nhất trong đời. Nhưng giây phút bước khỏi phòng thi, bạn không còn nghĩ nhiều đến kết quả. Kết quả là thứ bạn không thể kiểm soát ngay sau khi dứt bút nộp bài, tương tự như mọi sự kiện khác trong đời mà bạn có thể đối chiếu.

Rèn tư duy “detach” là cả một quá trình dài, đặc biệt với những người nhạy cảm. Hy vọng dù khúc mắc trong đầu bạn ngay lúc này có là gì, bài viết này đã phần nào “buông” giúp bạn một phần âu lo.

Đó là bước đầu để bạn tồn tại độc lập như từng cá thể riêng lẻ, bình thản bước đi bên cạnh cuộc đời nhau không hơn.