Lời nói “Không!” nặng hơn 15.000 USD | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Lời nói “Không!” nặng hơn 15.000 USD

Thông báo rút lui khỏi giải French Open của Naomi Osaka đặt ra câu hỏi lớn về mối quan hệ giữa truyền thông và vận động viên cho giới chuyên môn, và fan hâm mộ.
Lời nói “Không!” nặng hơn 15.000 USD

Nguồn: Bloomberg

Tay vợt xếp thứ 2 thế giới Naomi Osaka đang là một trong những cái tên hot nhất trên các mặt báo thể thao quốc tế của tuần qua. Cô tuyên bố rút lui khỏi giải Pháp mở rộng, sau khi bị phạt 15.000 USD vì không tham dự buổi họp báo bắt-buộc sau chiến thắng mở màn. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử của giải đấu, một vận động viên bỏ cuộc vì bất đồng ý kiến với ban tổ chức.

Nhưng đáng chú ý hơn cả, Naomi thẳng thắn chia sẻ rằng cô rút lui vì muốn hồi phục, và bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân. Nếu gặp các ký giả, điều đó là không thể, bởi họ có vẻ như không quan tâm gì đến thứ gọi là “mental health”. Điều này đặc biệt thể hiện rõ qua nhiều câu hỏi phỏng vấn “vô cảm”, thậm chí “vô duyên” lặp đi lặp lại trong các buổi họp báo sau khi một vận động viên thua cuộc.

Lời chia sẻ của cô như “một cú tát thẳng vào mặt” giới truyền thông, đồng thời soi chiếu vào vết nứt lớn của một hệ thống thi đấu thể thao chuyên nghiệp đang tỏ ra cứng nhắc.

“Tức giận là do thiếu thấu hiểu.”

titleTwitter trước ngagravey ruacutet lui khỏi giải Phaacutep mở rộng của Osaka Naomi
"Tức giận là do thiếu thấu hiểu. Thay đổi khiến người ta khó chịu". - Tweet trước ngày Naomi Osaka rút lui khỏi giải đấu.

Nhiều người chỉ trích Naomi rằng cô không làm tròn nghĩa vụ của một vận động viên bên ngoài sân thi đấu. Việc cô từ chối tham gia họp báo giống như việc một diễn viên không chịu quảng bá cho bộ phim sắp ra mắt của họ. Họ cho rằng cô đang vô ơn với truyền thông, những người thu hút sự chú ý từ đại chúng để giúp môn thể thao của cô trở nên danh giá. Cô đang bất công với những đồng nghiệp đang thực hiện đúng nhiệm vụ của họ. Và cô đạo đức giả, vì từ chối báo chí, nhưng vẫn hoạt động trên Twitter.

Những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức thật khó để phân giải cho vừa lòng tất cả, thế nhưng có một sự thật khó chối cãi rằng quy định bắt buộc phải họp báo trước/sau trận đấu đối với các vận động viên đang trở nên lỗi thời.

Sự phát triển của các kênh phương tiện truyền thông kỹ thuật số, và mạng xã hội nói riêng, đã giúp khán giả biết đến suy nghĩ, lối sống của các thiên tài thể thao một cách trực tiếp và dễ dàng hơn bao giờ hết. Tin tức đến từ báo chí chính thống vì vậy không phải lúc nào cũng “nóng hổi” và được người ta mong đợi như những trải nghiệm khó tìm. Nhiều ký giả bắt đầu tận dụng thời điểm cảm xúc của các vận động viên chưa ổn định để đặt các câu hỏi nhạy cảm, nhằm tìm kiếm yếu tố “giải trí”, tạo chất sốt dẻo cho bài viết.

Đây là điều bất bình mà nhiều vận động viên, không chỉ trong quần vợt, rất thấu hiểu. Có lẽ chỉ cần một câu trả lời của cầu thủ NFL Marshawn Lynch là đủ để nói cho khán giả hiểu tính hình thức của “truyền thống họp báo này”: Tôi ở đây để không bị phạt (I'm here so I won't get fined).

titleCầu thủ Lynch trả lời phỏng vấn Lynch lagrave người rất kiecircn định Ai hỏi gigrave anh cũng chỉ trả lời
Lynch là người rất kiên định... Ở một buổi họp báo khác, ai hỏi gì anh cũng chỉ trả lời "Cảm ơn đã đặt câu hỏi cho tôi"! | Nguồn: @bcondotta/Twitter

Thay đổi “khó”, nhưng có “chịu” được không?

“Thay đổi là cần thiết” - Có lẽ nói ra điều này là quá hiển nhiên đối với vấn đề đang gây tranh cãi, nhất là ở thời đại sức khỏe tinh thần đang ngày càng được quan tâm.

Nhưng vấn đề là thay đổi thế nào?

Lệnh cấm họp báo là điều không tưởng, bởi dù chúng nhàm chán đến thế nào thì vẫn là con gà đẻ trứng vàng. Người ta có thể không nghe hết 5 phút phỏng vấn, nhưng chỉ cần chưa đến 10 giây để nhìn thấy chiếc logo trên áo, nhãn hiệu trên chai nước đặt trên bàn, tấm phông nền in tên nhà tài trợ phía sau các vận động viên. Đó là một phần của “công việc”.

Và mỉa mai thay, công việc quảng cáo, tưởng phụ mà lại chính, khi nó tạo ra 71.7 triệu USD (trong tổng 77.5 triệu USD) thu nhập của Naomi Osaka trong vòng 12 tháng qua.

Thứ thay đổi khả thi nhất mà chúng ta có thể trông chờ là cách mà các buổi họp báo này diễn ra. Bình luận viên Naomi Broady của BBC cho rằng các quan chức có thể xem xét sửa đổi các quy tắc, chẳng hạn như kéo dài thời gian trước khi diễn ra các buổi họp, để các vận động viên có thể “bình tĩnh, tiêu hoá nỗi buồn và khóc nơi khuất ánh đèn sân khấu…”.

Vận động viên trượt băng nghệ thuật Moore-Towers, kiêm Đại sứ Thể thao an toàn tại Canada, thì chia sẻ: Với các trường hợp như Osaka, các vận động viên nên được phép cử một đại diện thay họ chia sẻ sau trận đấu cho giới truyền thông. Về lâu dài, các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần nên được xem xét nghiêm túc ngang với các chiến lược phát triển thể chất và kỹ thuật của các vận động viên. Bởi suy cho cùng, những căng thẳng trong giới thể thao không chỉ đến từ 1 buổi họp báo.

Và một tin tức cuối cùng, có lẽ đáng để vui mừng nhờ sự dũng cảm của Naomi Osaka: Công ty phát triển ứng dụng Calm, một ứng dụng về thiền, vừa tuyên bố sẽ trả tiền phạt cho bất kỳ tay vợt nào từ chối xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Grand Slam 2021 vì lý do sức khỏe tâm thần. Nhiều nhãn hàng về sức khoẻ khác được dự đoán sẽ nhập cuộc, tạo nên làn sóng nhận thức cao hơn về mental health, tựa như cách Black Lives Matter đã làm với nạn phân biệt chủng tộc.

Lời nói "Không!" của nữ vận động viên đã phần nào chứng minh sức mạnh của nó. Tháng "Nhận thức về sức khoẻ tinh thần" vừa mới kết thúc, nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều thời gian để nghĩ tới nó và hành động. Đây có lẽ cũng chính là lời nhắc của nữ vận động viên dành cho tất cả mọi người. Bất kể bạn là một vận động viên quần vợt, một ngôi sao nhạc rock, một giám đốc điều hành kinh doanh, một ký giả, một giáo viên, một người dọn dẹp, một công chức, bạn đều có thể bị tổn thương cảm xúc, và mắc bệnh tâm lý.

Đôi khi ta cần nói "không" để "có" điều mình muốn.