Louis C.K. nhận Grammy: Chúng ta có nên bỏ qua cho kẻ quấy rối tình dục? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Louis C.K. nhận Grammy: Chúng ta có nên bỏ qua cho kẻ quấy rối tình dục?

Nghệ sĩ thì lắm tài và nhiều tật, Louis C.K. cũng không phải là một ngoại lệ. Vậy thì khi nào ta nên tách bạch tài năng và đời sống riêng tư của nghệ sĩ?
Louis C.K. nhận Grammy: Chúng ta có nên bỏ qua cho kẻ quấy rối tình dục?

Nguồn: Sorry (2021)

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Trong những năm gần đây, Grammy nhận về nhiều sự chú ý không phải dưới tư cách một giải thưởng uy tín, mà là một sự kiện thiếu minh bạch và gây tranh cãi. Năm nay, Grammy lại một lần nữa gây sóng gió khi trao giải “Album hài kịch hay nhất" cho Louis C.K., danh hài đã có hành vi quấy rối (sexual misconduct) 5 phụ nữ năm 2017.

C.K. là một trong những nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà văn và đạo diễn có tiếng tăm và đã từng đạt nhiều giải thưởng danh giá như Emmy. Trước đó, chỉ riêng việc đề cử Louis C.K. vào hạng mục trao giải của Grammy đã khiến nhiều người bất bình và phản đối.

2. Louis C.K. đã làm gì?

Năm 2017, Louis C.K. đã bị 5 người phụ nữ tố quấy rối tình dục. Họ đều chia sẻ câu chuyện về việc Louis C.K. đã đề nghị thủ dâm trước mặt họ và ông đã thực sự làm thế với 3 người. Đây cũng là khoảng thời gian mà phong trào #Metoo bùng lên mạnh mẽ, phê phán mặt tối của giới nghệ sĩ.

alt
Bài viết của New York Times

“Thương hiệu" của C.K. bấy giờ cũng là những câu đùa cởi mở liên quan tới tình dục. Ông cũng đã từng đùa rằng “Tôi thích thủ dâm nhưng đồng thời cũng không thích ở một mình", vài năm sau khi vụ lùm xùm xảy ra. Louis cũng chưa bao giờ chính thức xin lỗi những người phụ nữ này, ông nói rằng họ ngưỡng mộ ông và ông đã “sử dụng sức ảnh hưởng của mình một cách vô trách nhiệm”.

Thậm chí trong bộ phim I Love You, Daddy (2017) do ông làm đạo diễn, C.K. cũng đã lồng ghép phân đoạn về nhân vật thủ dâm trước mặt người khác. Bộ phim được cho là đã cố gắng bào chữa cho những kẻ quấy rối tình dục, tính nam độc hại và trao cho những kẻ nắm quyền quá nhiều quyền lợi đi kèm với niềm tin bất chấp đúng sai.

Louis C.K. sau này đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Tất cả những trò đùa thương hiệu của C.K trong quá khứ không còn đem lại tiếng cười nữa khi nó đã gián tiếp bình thường hóa hành vi quấy rối của ông.

2. Grammy còn có những tranh cãi gì?

Từ những ngày đầu, Grammy 2022 đã vướng phải đủ những tranh cãi liên quan tới các đề cử của mình. Nổi bật có Marilyn Manson, ca sĩ vừa bị tố là bạo hành và hành hung phụ nữ. Bên cạnh đó danh sách này còn có DaBaby, danh hài Dave Chappelle và Kevin Hart với những phát ngôn kỳ thị cộng đồng LGBTQ+.

alt
Ca sĩ Marilyn Manson | Nguồn: Sipa USA/PA

Đáp trả lại dư luận, Harvey Mason, chủ tịch và CEO của Grammy, đã nói rằng “Chúng tôi không xem xét quá khứ, hồ sơ phạm tội của những người tham gia. Nếu một tác phẩm được nộp lên đáp ứng các tiêu chí và tính hợp pháp của Viện hàn lâm thì hoàn toàn đủ tư cách để được xem xét… Những thứ mà chúng tôi sẽ kiểm soát là sân khấu trình diễn, chương trình trao giải và thảm đỏ.” Có thể thấy rõ thái độ của Grammy là tách bạch sản phẩm với đời tư và nhân cách của người nghệ sĩ.

4. Khi nào ta nên tách bạch đời tư và tác phẩm nghệ sĩ?

Trong lịch sử của nghệ thuật không thiếu những nghệ sĩ lắm tài nhiều tật. Phong trào #MeToo đã phơi bày ra những sự thật đắng lòng: rất nhiều tác phẩm chúng ta yêu mến, được tạo ra bởi những kẻ “xấu”.

Để tạm trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể tham khảo triết gia Roland Barthes. Ông nổi tiếng với tiểu luận “Cái chết của tác giả.” Theo như ông, ý nghĩa của tác phẩm hoàn toàn bị định đoạt bởi độc giả, chứ không phải tác giả. Mỗi khi khán giả đã tiếp nhận sản phẩm, nó đã trở thành một tác phẩm mới. Tác phẩm bây giờ thuộc về người đọc, và tác giả “chết.”

Trong quá khứ, đạo diễn đại tài Roman Polanski cũng đã được nạn nhân ấu dâm của mình trong quá khứ tha thứ sau khi bà nhận được bức thư của ông. Bà muốn đặt dấu chấm hết cho câu chuyện mà truyền thông đã mãi đeo bám suốt cuộc đời bà.

Tuy nhiên, đó là ở góc nhìn cá nhân của một người cảm thụ. Còn dưới tư cách của một tổ chức lớn như Grammy thì việc này không đơn giản như vậy. Bên cạnh việc trao thưởng, các tổ chức lớn còn là nơi truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp tích cực ra với cộng đồng, ảnh hưởng tới một nền văn hóa. Quyết định chọn trao giải cho một nghệ sĩ mà không màng tới quá khứ phạm tội, lịch sử quấy rối tình dục của họ có thể vô tình cổ vũ cho văn hóa hiếp dâm, bình thường hóa sự lạm dụng quyền lực của các ngôi sao lớn.

Mỗi hành động của các tổ chức có thể góp phần thay đổi văn hóa và tạo ra một môi trường lành mạnh, nơi những nạn nhân của quấy rối không còn phải im lặng. Vậy nên trong tương lai, thay vì ca ngợi một cá nhân, các tổ chức có nên thay đổi và ca ngợi một tác phẩm?

5. Sự thất bại của văn hoá tẩy chay

Trong những câu chuyện như thế này, thái độ và góc nhìn của khán giả đóng một vai trò quan trọng. Văn hoá tẩy chay (Cancel Culture) vốn là một trào lưu gây tranh cãi, mang tính hai mặt khi giúp “phong sát" những nghệ sĩ tai tiếng nhưng đồng thời có thể là công cụ để quấy rối và bắt nạt. Trong trường hợp của Louis C.K., phong trào này đã thất bại trong việc mang đến công lý thực sự.

Có thể thấy tương tự như fan culture, văn hóa tẩy chay hiện tại không thực sự giải quyết được vấn đề. Sự tồn tại của văn hóa này phụ thuộc nhiều vào cộng đồng người hâm mộ hay cư dân mạng, nhằm phục vụ cho thị hiếu tò mò. Một phần của văn hóa này còn khiến nhiều người tự cho mình quyền “phán tội" mà bỏ qua tầm quan trọng của cơ quan hành pháp.

Chính vì không thể giải quyết được cốt lõi của vấn đề mà chúng ta thường xuyên chứng kiến một người nổi tiếng bị “xóa sổ” nhưng rồi lại quay lại một cách ngoạn mục. Gần đây nhất, chúng ta chứng kiến Minh Béo nhận giải Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 với cùng một lý do như Grammy: Minh Béo “đóng tốt nên đoạt giải". Tương tự trong câu chuyện Ngô Hoàng Anh dù bị tố quấy rối tình dục nhưng vẫn được tham gia vào danh sách Forbes Under 30.

Mong rằng, trong tương lai, những bất công xã hội rồi sẽ được giải quyết bằng sự công minh của hệ thống pháp lý.