Toxic masculinity - Tính nam độc hại và áp lực mang tên "nam tính" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Toxic masculinity - Tính nam độc hại và áp lực mang tên "nam tính"

Con trai không được khóc, đàn ông phải hung hăng... bạn có là nạn nhân của tính nam độc hại cùng những tiêu chuẩn vô lý này?
Toxic masculinity - Tính nam độc hại và áp lực mang tên "nam tính"

Nguồn: Variety

1. Toxic masculinity là gì?

Toxic masculinity /ˈtɑːk.sɪk ˌmæs.kjəˈlɪn.ə.t̬i/ (n) được gọi là tính nam độc hại, dùng để chỉ những tiêu chuẩn cực đoan về nam tính.

Một số tiêu chuẩn đó đã trở nên bình thường trong nhiều nền văn hóa, thậm chí còn được tôn vinh. “Con trai không được khóc” là một ví dụ điển hình.

2. Nguồn gốc của toxic masculinity?

Cụm từ “toxic masculinity” xuất hiện lần đầu tại một phong trào dành cho nam giới (the mythopoetic men’s movement), được khởi xướng bởi Shepherd Bliss, vào những năm 1980.

Trước làn sóng nữ quyền mạnh mẽ lúc bấy giờ, cách nhìn của xã hội lên những hành vi và giá trị nam tính đã thay đổi. Những hành động, tính cách mà đàn ông từng tự hào bỗng bị nhìn nhận như đang chống lại phụ nữ.

Kết quả là nhiều nam giới cảm thấy lạc lõng, không xác định được vai trò của mình trong xã hội. Một số khác dần có thái độ gay gắt với hi vọng lấy lại những giá trị cũ, dẫn đến hành vi quá khích (phong trào Red Pill là một trong số đó).

Phong trào của Shepherd không nhằm giành lại quyền lợi cho đàn ông. Thay vào đó, họ giúp nam giới hiểu về vai trò mới của mình trong xã hội và thoát khỏi những quan niệm độc hại về nam tính.

Shepherd chia sẻ mình đặt tên “toxic masculinity” như một thuật ngữ y khoa. Bởi ông tin rằng giống như các căn bệnh khác, tính nam độc hại cũng có phương thuốc của nó.

3. Vì sao toxic masculinity trở nên phổ biến?

Nhiều nghiên cứu cho rằng tính nam độc hại được cấu thành từ ba quan niệm chính:

  • Mạnh mẽ: đàn ông phải khỏe mạnh về thể chất, chai lì về cảm xúc và hung hăng trong hành vi;
  • Không có tính nữ (Antifeminity): đàn ông không được có bất kỳ điều gì được xem là nữ tính, như thể hiện cảm xúc hoặc đồng ý nhận sự giúp đỡ;
  • Quyền lực: đàn ông phải đạt được quyền lực và địa vị, trong tài chính và xã hội, thì mới có được sự tôn trọng từ người khác.

Tính nam độc hại không chỉ là những tiêu chuẩn sai lệch về cách hành xử “như một người đàn ông”. Nó còn là áp lực mà nam giới phải gánh vác từ những kỳ vọng huyễn hoặc của xã hội. Chúng trở thành gánh nặng từ lúc họ chào đời cho tới khi trưởng thành. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần của nam giới, mà còn là cơn ác mộng đối với những người xung quanh khi bị sự độc hại của nó ảnh hưởng.

Tính nam độc hại có trong hầu hết mọi nền văn hóa, tín ngưỡng và tầng lớp. Ở Mỹ, trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Pew Research Center năm 2018, người tham gia cho rằng các hành vi bảo vệ, chống trả được xem là tốt ở nam giới. Tuy nhiên, hành vi có tính chăm sóc và thể hiện cảm xúc lại bị xem là không tốt.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), nam giới Việt chịu áp lực khủng khiếp về trách nhiệm “làm trụ cột gia đình”. Họ định nghĩa hình ảnh đàn ông đích thực là phải kiếm thật nhiều tiền, trở thành lãnh đạo, có khả năng tình dục cao và nuôi được vợ con.

Những áp lực ấy là một trong các nguyên nhân khiến đàn ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, gián tiếp góp phần vào tỷ lệ tự sát ở nam giới cao gấp 2-6 lần tỷ lệ ở phụ nữ trên toàn thế giới.

4. Cách sử dụng toxic masculinity

Tiếng Anh:

A: My dad told me a real man gotta be tough. Only girls cry.

B: Well, that’s an example of toxic masculinity. Men are human too, you should express whatever you feel.

Tiếng Việt:

A: Bố tớ dạy là làm con trai phải cứng rắn. Chỉ lũ con gái mới khóc nhè thôi!

B: Đấy là ví dụ của tính nam độc hại đó. Con trai cũng có quyền bộc lộ cảm xúc họ có chứ!