Nếu bạn đang cần tìm một câu tiếp chuyện đa năng trong các dịp gặp gỡ mùa cuối năm, thì tôi xin đề cử ứng viên sau: “Sao anh/chị vẫn còn làm công việc này thế?”
Nó có thể giúp bạn đi từ tình quen sang tình thân với một người nào đó, vì đó là chủ đề mà mỗi năm hoa đào gần nở, lại thấy người người xốn xang. Cuộc trò chuyện sẽ đầy chiêm nghiệm về những chuyện xảy ra trong năm. Thế nhưng, có thể cũng nhờ câu hỏi đó mà bạn sẽ được trao giải vô duyên. Và thế là, tình anh chị em của bạn từ tương thông thành tương hành.
Chấp nhận rủi ro mất tình thân, tôi đã đi hỏi một vài người câu hỏi trên. Kết quả, phần nhiều đều đề cập đến lương thưởng tháng 13, nhưng điều thú vị là góc nhìn của họ khá khác nhau. Vì về cơ bản, chính sách về cách tính và chi trả số tiền thưởng tháng 13 cũng khác nhau giữa các doanh nghiệp và các quốc gia.
Bài viết này vì vậy xin được chia sẻ cùng bạn một số quan điểm về vấn đề công việc, lương thưởng, đồng thời mở rộng với câu hỏi “Lương thưởng tháng 13 đối với bạn là gì?”
* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
1. Tiền sung tiền sướng
“Nếu không có tiền thưởng tháng 13 mình vẫn cố gắng làm việc như thường thôi. Việc mình làm hiện tại không hẳn là thứ mình thích nhất, nhưng may mắn là qua nó, mình học được nhiều thứ mà mình thấy đáng.
Thế nên, tiền tháng 13 chắc chắn là một món tiền “quà” mình rất hào hứng được nhận. Nó như khoản thưởng mà công ty công nhận cho những nỗ lực của mình trong năm.
Mình sẽ sắm sửa một chút, rồi gửi vào khoản quỹ mình dành để đầu tư cho vài dự án cá nhân. Cơ bản mình xem nó như một khoảng dư để ‘sướng vào thân’.” – Hà, 22 tuổi
2. Tiền đau tiền đớn
“Có lẽ là khác với suy nghĩ của nhiều người, với mình, tháng lương 13 không hẳn là tiền thưởng, vì tiền thưởng thì phải tính dựa vào kết quả, hiệu suất công việc. Mình làm tốt thì phải được nhiều, còn làm ít thì cũng chịu hưởng ít thôi. Nhưng tiền tháng 13 thì chỉ thường cố định. Thế nên gọi nó là tiền công ty công nhận ‘bạn có cố gắng’ thì có lẽ đúng hơn.” – Kiên, 26 tuổi
Lan thì thẳng thắn gọi nó là tiền bồi thường tinh thần. Làm OT không lương, hàng tháng chỉ nhận đúng một khoản lương ở mức trung bình trong ngành. Không trợ cấp gì hơn. Có hao tổn gì về tinh thần, hay máy móc thiết bị trong quá trình làm việc thì cũng phải tự thân trả cả.
“Nói là ‘tiền bồi thường’, chắc mình có vẻ hơi tiêu cực. Nhưng thực sự đi làm rồi, có những thứ không đoán trước lắm. Có đứa bạn của mình làm lương tháng hơn chục triệu, nhưng đã phải bỏ ra vài triệu để đi trị liệu tâm lý.”
Vài người bạn khác của Lan thậm chí chọn nghỉ việc trong khi chỉ còn hơn vài chục ngày là hết năm. Với họ, việc chờ đợi “tiền bồi thường” của công ty không đáng cho những áp lực họ phải chịu trong công việc.
Hay tréo ngoe hơn, có những trường hợp dù muốn gắn bó với công ty lâu dài nhưng lại bị cho thôi việc. Gần đây một nhà máy tại TP.HCM đưa ra thông báo sẽ sa thải hàng ngàn công nhân ngay trước thềm năm mới. Các công nhân này vẫn sẽ làm đến hết năm và được nhận tiền thưởng tháng 13, nhưng sang Tết họ sẽ phải thôi việc ngay. Nhiều người trong số họ tuổi đã cao và khó xin được một công việc ổn định khác.
Người ta nói “đừng nói yêu mãi mãi.” Đi làm không lãng mạn, nhưng có lẽ cũng có chung quy luật kia. Đối với nhiều người, qua được hết công việc ngày hôm nay đã là hạnh phúc. Đi đến được hết “tháng 13” đã là quá nỗ lực, và may mắn, cho cả người lao động và doanh nghiệp.
3. Tiền trong truyền thuyết
“Hôm trước trong group chat đại gia đình, một người anh họ nhắn cái tin làm chị mới chợt nhớ ra đã đến tháng 12. ‘Năm nay mọi người có tin thưởng Tết chưa, chứ Đ là ấm túi rồi nhen.’ Chắc ảnh cũng chỉ quan tâm hỏi han vui vui thôi, nhỉ? Nhưng đọc tin xong chị cũng chạnh lòng một chút.
Mình cũng làm cho công ty này công ty kia nhưng freelance với cả làm theo dạng hợp đồng mà. Làm gì có thưởng tháng 13 hay thưởng Tết gì. Nhưng mà mình tự chọn con đường này rồi thì chịu thôi. Với cả nghĩ lại có phải chỉ một mình mình đâu. Mình chọn công việc này ban đầu cũng mong rằng về lâu dài mình có thể kiếm được tới tháng lương 15, 16.” – Huyền, 32 tuổi
Không đi làm công ty – nghe có vẻ là một lựa chọn mới mẻ, phổ biến hơn ở những người trẻ như chị Huyền. Nhưng nói đúng ra, nhiều ba mẹ, hay các cô dì chú bác lớn tuổi hơn từ lâu đã “làm freelance.” Dù là làm nông, hay tự kinh doanh nhỏ thì họ cũng phải tự trả lương cho mình. Nhiều thì hưởng, ít thì chịu. Còn lương thưởng tháng 13? – Chỉ là thứ trong truyền thuyết.
Ở một vũ trụ song song khác, lại có những người, dù làm công ăn lương, nhưng vẫn chưa bao giờ biết mặt mũi đồng lương tháng 13 như thế nào.
Không phải vì họ chưa bao giờ ở đủ lâu với một công việc tới tháng thứ 12, mà đơn giản là vì thoả thuận hợp đồng lao động giữa họ và công ty không có điều khoản về tháng lương 13. Cũng không thể trách vì không điều luật nào quy định các công ty phải làm thế (trừ khi bạn đang sống ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, hay Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mexico,...).
Đầu năm 2022, một thầy giáo tại Huế bị mời lên làm việc với hiệu trưởng vì đăng clip “khấn tụng” cầu lương tháng 13 trên trang Facebook cá nhân. Cư dân mạng tranh cãi không hồi kết về tính đạo đức của câu chuyện. Nhưng bỏ qua tranh cãi, sự xuất hiện của chiếc clip đó đã (lại) là một lời nhắc đáng chú ý về sự chênh lệch tiền lương có tính thiếu công bằng giữa các ngành nghề.
Tại Singapore, tháng lương thứ 13 vốn được ra đời như một khoản trợ cấp cho công chức vào năm 1972, giúp thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn về tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Nhưng dần dà, khoản tiền lương tháng 13 cũng được các công ty tư nhân áp dụng như một cách khích lệ lao động cho các nhân viên. Bài toán về chênh lệch tiền lương và giá trị thực giữa các công việc có lẽ sẽ mãi còn dang dở.
4. Tiền yêu đời
Vấn đề xoay quanh tiền thưởng tháng 13 đôi khi không chỉ nằm ở câu chuyện “được nhận” hay không, “được nhận” ít hay nhiều, mà còn là câu chuyện “cho đi.”
“Chắc là mình bắt đầu từ hai năm trước. Mình trích khoảng 1 triệu đồng hàng tháng thôi, để gửi đến một hai quỹ khuyến học và quỹ cơm cho người dân lao động khó khăn.
Ở một vài quốc gia, tiền thưởng tháng 13 không được trả vào cuối năm, mà được chia đều vào 12 tháng như một khoảng tiền thưởng nhỏ thêm hàng tháng. Nếu Việt Nam mình cũng vậy, thì có thể xem như 2 năm vừa qua mình đã dùng tiền thưởng tháng 13 để làm việc từ thiện rồi.” – Khanh, 30 tuổi
Điều mà Khanh làm không phải là hành động phổ biến mà ai cũng làm (và đủ khả năng làm). Một vài người bạn thắc mắc động lực nào khiến Khanh làm như thế, nhưng anh nghĩ đơn giản, lòng tốt đôi khi cũng xuất phát từ mong muốn làm cho bản thân hạnh phúc.
“Mình không được chứng kiến cảnh người nhận số tiền ủng hộ nhỏ bé của mình cảm thấy thế nào. Nhưng với mình, chỉ cần được chia sẻ thôi là mình cảm thấy có gì đó vui vui trong lòng rồi. Mình làm vì mình thích, chứ không có giáo lý nào trong đạo bảo mình phải ‘chia tiền’ cả.”
Hùng cũng chọn xem tiền thưởng tháng 13 của mình là khoản tiền cho đi, nhưng là mang tiền về cho mẹ. “Anh nghĩ không có lựa chọn nào là đúng hơn hay cao cả hơn. Quan trọng là bạn cảm thấy tốt về điều mình làm thôi.”
Với bạn, lương thưởng tháng 13 là tiền gì? Dù là tiền sung tiền sướng hay tiền đau tiền đớn thì vẫn rất mong bạn có một mùa lễ yêu đời!