Markus Bissel và Klemens Leutgöb bàn về tầm quan trọng của hiệu quả năng lượng | Vietcetera
Billboard banner

Markus Bissel và Klemens Leutgöb bàn về tầm quan trọng của hiệu quả năng lượng

Trong tập này của Vietnam Innovators, Markus Bissel và Klemens Leutgöb bàn về những phương pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể thực hiện.
Markus Bissel và Klemens Leutgöb bàn về tầm quan trọng của hiệu quả năng lượng

Klemens Leutgöb and Markus Bissel

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Podcast Vietcetera | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Bất kỳ đâu chúng ta đều cần sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, mỗi nơi sẽ có nhu cầu năng lượng khác nhau. Ở một đất nước khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, các thiết bị thiết bị điện hay thiết bị làm mát là những vật dụng không thể thiếu. Ở một số quốc gia khác lại cần đến thiết bị sưởi ấm. Tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống đều cần đến năng lượng.

Chính vì nhu cầu và mức độ sử dụng năng lượng rất cao, việc đáp ứng được nhu cầu này là một thử thách nan giải. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, chúng ta cũng cần tăng cường tính hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng.

Trong tập Vietnam Innovators này, host Hảo Trần đã gặp và trò chuyện với ông Markus Bissel và ông Klemens Leutgöb.

Markus là Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của GIZ (viết tắt của Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit GmbH, có nghĩa là Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ) tại Việt Nam, với một đội ngũ gồm 60 chuyên gia.

Klemens là nhà kinh tế năng lượng và là Giám đốc điều hành của Công ty e7 Energy Innovation & Engineering có trụ sở tại Áo. Klemens và đội ngũ e7 hiện đang hợp tác với GIZ Việt Nam với vai trò chuyên gia tư vấn phát triển và mở rộng thị trường hiệu quả năng lượng ở Việt Nam.

Trong buổi trò chuyện, hai vị khách mời đã cùng trao đổi quan điểm về vị trí của Việt Nam trên bản đồ năng lượng thế giới và một số giải pháp thực tế người dân đang sử dụng để tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, những chiến lược nào cho Việt Nam để đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo cũng là chủ đề bàn luận đáng quan tâm.

Khi được hỏi Việt Nam đang nằm ở đâu trên bản đồ năng lượng thế giới, Markus cho rằng chỉ số chuyển dịch năng lượng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tình hình thực tế của Việt Nam. Dù còn rất nhiều điểm cần cải thiện, Markus cũng cho biết có hai điều Việt Nam khiến ông ấn tượng trong vòng ba năm qua:

  • Sự gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo nhờ việc Chính phủ ban hành biểu giá điện hỗ trợ FIT (Feed-In Tariffs). Giá FIT khuyến khích các hộ gia đình tự cung cấp điện với hệ thống năng lượng tái tạo tại gia. Ví dụ như, nếu nhà bạn có lắp đặt công trình điện mặt trời áp mái, bạn sẽ được Chính phủ trả tiền để mua lại phần điện dư ra sau khi sử dụng, “thông qua hợp đồng bán điện với mức giá hỗ trợ”. Nhờ vậy, trong hai năm qua, công suất lắp đặt đã tăng nhanh, lên đến 20 gigawatt. Đó là một con số rất ấn tượng.
  • Tỷ trọng năng lượng tái tạo nói chung cũng tăng đáng kể. Đó là vì ngoài điện mặt trời, thuỷ điện cũng được người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam sử dụng. Tỷ trọng công suất điện từ thuỷ điện và điện mặt trời cộng lại hiện đã lên tới khoảng 28%, nếu so với các nước khác thì đây là một thành tích đáng tự hào.
Tua bin gioacute ở Phương Mai Quy Nhơn Nguồn Shutterstock
Tua bin gió ở Phương Mai, Quy Nhơn | Nguồn: Shutterstock

Khi bàn về vấn đề tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam so với thế giới, Klemens đã chia sẻ:

  • Hiệu quả năng lượng là một vấn đề không hề đơn giản. Chúng ta cần phải cải thiện hiệu quả năng lượng liên tục trong mọi lĩnh vực. Đồng thời, nó cũng đòi hỏi các mô hình thị trường khả thi để cung cấp dịch vụ cho các phân khúc khách hàng khác nhau.
  • Dù quan trọng, nhưng rất khó để thuyết phục mọi người thấy được tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng “vì hiệu quả năng lượng là vô hình”.
  • Theo Klemens, thứ sẽ thúc đẩy hiệu quả năng lượng chính là một cuộc “khủng hoảng”. Cụ thể hơn, khủng hoảng năng lượng hay thiếu hụt nguồn cung trong tương lai gần sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và cuối cùng là tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo. “Đôi khi, những sự kiện không mong muốn như là một cuộc khủng hoảng năng lượng lại có thể góp phần quan trọng cho chuyển dịch năng lượng về lâu dài,” Klemens bình luận.

Cả Klemens và Markus cũng chỉ ra một số biện pháp tiết kiệm năng lượng đã được áp dụng hiệu quả trên thế giới và có thể áp dụng ở Việt Nam:

  • Sự tham gia của nhà nước: Theo kinh nghiệm của Markus, nếu Chính phủ có các chính sách yêu cầu công ty điện lực có nghĩa vụ hỗ trợ khách hàng tiết kiệm năng lượng như ở châu Âu, thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.
  • Ưu đãi về thuế: Những cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế sẽ giúp thúc đẩy thị trường, nâng cao nhận thức về vấn đề năng lượng, và tiết kiệm được một khoản lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi được giảm chi phí, các doanh nghiệp sẽ xem dần nhìn nhận hiệu quả năng lượng là vấn đề trọng tâm.

Với sự hỗ trợ của e7, GIZ đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính quyền Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai khung pháp lý và quy định nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng. Đồng thời, giúp nâng cao khả năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho khối tư nhân, cũng như hợp tác kỹ thuật để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong tương lai.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm