Những áp lực, tổn thất lớn nhỏ trong cuộc sống là những yếu tố rủi ro có thể khiến trầm cảm bùng phát ở một cá nhân. Thời điểm xuất hiện, mức độ và diễn biến bệnh lý phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như trải nghiệm tuổi thơ, tố chất sinh học và môi trường sống hiện tại. Mời các bạn đi cùng những trải nghiệm của Hương*, một người mẹ trẻ mất con gái.
“Đại dương đen,” dự án mới của tác giả Đặng Hoàng Giang, đi vào thế giới của người trầm cảm và người thân của họ. Thông qua các trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc, dự án hy vọng có thể giúp cộng đồng hiểu hơn về các hình thái khác nhau của căn bệnh này, nó khác với “nỗi buồn thông thường” như thế nào, nó có thể gây tàn phế hay thậm chí thầm lặng sát hại ra sao, những cố gắng hỗ trợ nào nhiều thiện chí nhưng lại gây hại, và có những định kiến nào đang tồn tại.
Vì sao lại là Đại dương đen? Đây là một ẩn dụ mà nhiều người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng khổng lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.
Bạn đọc lưu ý, series này chia sẻ những câu chuyện thật của người trầm cảm nên có thể gây kích động tâm lý.
Vẫn luôn loay hoay thích ứng
Những ngày cuối năm này, Hương hay lang thang ngoài đường. Chị phát hiện ra là khi nói chuyện với người lạ, chị có thể nhắc tới Liên, cô con gái mười một tuổi của mình, một cách thoải mái như thể cô bé vẫn đang sống. Buổi trưa, trước khi đi học, Liên hay sà vào hôn hít Bin, đứa con chị mới sinh sau khi chia tay bố của Liên. “Bin ơi, Bin à… Nhìn đây đi mà…” Liên hay nói, “Đợi tôi về hẵng ngủ đấy nhá cậu nhá, đừng có mà ngủ trước đấy…” Buổi tối, mấy mẹ con hay chen chúc nhau trên chiếc sofa xem một bộ phim gì đó trên HBO và cười rinh rích. Những lúc ấy, chị cảm thấy ánh sáng trong phòng rực rỡ và ấm áp vô cùng.
Trong cuộc đời của mình, Hương đã gặp nhiều sóng gió, nhưng không ai có thể nói là chị đã không cố gắng. Hai công ty chị lập ra đã bị đổ bể trong sự đắc thắng của mẹ chị. “Mày thì giỏi giang cái nỗi gì, cứ ảo tưởng này nọ!” Bà muốn chị vào làm trong nhà nước, và nói chung, muốn chị nhất nhất cái gì cũng phải nghe bà. Để thoát khỏi bà, hai vợ chồng chị âm thầm lên tàu từ Hà Nội vào Nha Trang để làm lại từ đầu.
Rồi khi cuộc sống của hai người đang thuận lợi thì chồng chị đòi vào Sài Gòn làm ăn. Sau một năm cãi nhau liên miên, xung đột trở nên không thể hàn gắn được, Hương ký vào đơn ly hôn. Mẹ chị, như thường lệ, cho rằng tất cả những gì tồi tệ xảy ra với Hương là do lỗi của chị. “Tại nó chứ tại ai,” bà nói với người xung quanh.
Chị gửi Liên và Huy, anh trai Liên, ra Hà Nội với bà ngoại, và một mình lên Đà Lạt gây dựng lại từ đầu. Một năm sau, khi đón hai đứa trẻ vào, chị đã có một công ty riêng với một vài nhân viên, thuê một chung cư xinh xắn hai phòng, mở thêm một cái Airbnb nhỏ, và năm ngoái thì gặp bố của Bin, một người đàn ông hiền lành và có một tuổi thơ nhiều thiệt thòi. Mẹ Hương bay vào thăm, và tự hào khoe với mọi người, “Nó giống hệt mẹ nó ngày xưa, cũng táo bạo đi xa như thế.”
Hương vẫy một chiếc taxi, nói bừa một địa chỉ. Trong khi chiếc xe lên xuống những sườn đồi của thành phố, tâm trí chị quay lại khu vườn rất đẹp của ông bà nội, nơi chị hay tới chơi lúc mười tuổi. Chị cảm thấy hương của hoa bưởi, vị chát của lá ổi non, mùi của nắng, chị nghe thấy tiếng xào xạc của những gốc tre và tiếng gù gù của chim cu. Kỳ lạ thay, Liên cũng ở đó. Cùng độ tuổi với nhau, hai mẹ con nằm giữa sân gạch, ngửa cổ lên ngắm trời xanh và những tàu lá cau xiên vào mây trắng.
Hai tháng trước, Liên bị sốt. Hôm đầu là ba bảy, hôm sau thì ba mươi chín độ, kèm đau bụng. Vướng Bin, Hương để chồng mình đưa Liên vào viện. Các kết quả xét nghiệm đều bình thường. “Rối loạn tiêu hoá,” bác sĩ chẩn đoán và nhanh chóng cho Liên về nhà. Những gì xẩy ra trong ba giờ đồng hồ tiếp theo vẫn hay loé lên trong đầu Hương những lúc chị ít đề phòng nhất. Hình ảnh Liên khựng lại, ngước lên nhìn, kêu lên, “Mẹ ơi!”, rồi gục xuống. Hình ảnh đám bọt mầu hồng đùn ra từ mũi và miệng Liên khi chị ghé vào miệng cô bé để hô hấp nhân tạo. Những bong bóng hồng vẫn đùn lên, đùn lên mãi khi chị đã ngồi trên taxi tới bệnh viện, tay ôm Liên, miệng liên tục nói, “Mẹ yêu con… Mẹ yêu con…”
Buổi chiều, Hương ngồi bất động trong phòng khách đang tối dần. Dưới chân chị, Bin cắn con gấu bông, mặt mũi nhem nhuốc. Mọi người hay nói, may mà chị có Bin, nó sẽ giúp chị khuây khỏa, nhưng nhiều lúc Hương chỉ muốn quẳng Bin đi hoặc bóp chặt nó khi nó khóc dai. Huy giam mình ở phòng bên, hai mẹ con hầu như không nói gì với nhau nữa.
Cảm nhận được nỗi đau dần đông cứng
Hồi Liên mới chết, Hương tỏ ra cứng cỏi. “Tớ không sao đâu, chuyện lỡ xảy ra rồi…” chị chặn lại khi bạn bè hỏi thăm, khiến họ bối rối. Chị bắt mình phải mạnh mẽ để Liên không cảm thấy vướng bận, và cho rằng khóc lóc là biểu hiện của sự kém cỏi, yếu đuối. “Hương, chấm dứt ngay!” Chị tự ra lệnh khi nước mắt chảy ra, “Con gái sẽ không vui đâu, như vậy không xứng đáng với sự ra đi của con bé đâu". Chị trang trí lại nhà cửa, kê lại phòng của hai anh em để Huy khỏi bị gợi nhớ tới em, và quyết tâm từ một “lữ hành đơn côi, lặng lẽ”, chị sẽ trở nên “rực rỡ, tự tin và đầy năng lượng.” Nhưng cái hôm sau bốn chín ngày của Liên, khi mẹ Hương đã về lại Hà Nội, Huy đã đi học, thì chị đặt Bin ở phòng khách, vào phòng ngủ, đóng cửa lại, rồi gào thét, la hét như một người điên.
Những ngày này, nỗi buồn bao trọn quanh Hương như một tấm màng vật lý mà chị có thể sờ mó được. Có lúc chị muốn làm điều gì đó thật ác. Có lẽ kẻ phạm tội là người đã bị tổn thương tới mức sống ác hay thiện thì với họ cũng như nhau? Một cuộc sống ngang tàng, bất cần, chị hình dung, sẽ có thể làm chị quên đi được nỗi đau. Thêm nữa, khi chị ác, Liên sẽ ghét chị, và hai mẹ con sẽ không còn vương vấn nhau nữa. Những lúc khá hơn, chị tự nhủ mình may mắn nên có “Bồ Tát đầu thai làm con gái” để giúp chị học cách buông bỏ, nay đã hết sứ mệnh nên con về trời. Thậm chí, chị đã bắt tay vào viết chuyện, trong đó Liên tự thuật về những giây phút cuối cùng của mình trên trần gian.
Hương vào bếp. Vừa bỏ mấy cái bánh tiêu ra đĩa, chị vừa nghĩ, Liên sắp đi học về rồi, có món này nó sẽ thích lắm đây. Khi sực tỉnh ra, chị run người lên, nỗi nhớ giống như một làn sương mỏng giăng quanh người, xiết nhẹ, khiến chị nổi da gà.
Tầm nửa năm sau khi Liên qua đời, sự đau đớn trở nên đông cứng. Không còn quằn quại nữa, nhưng Hương thấy mình như bị kẹt trong một cái ô tô bị va đập méo mó và đang chìm xuống đâu đấy mà xung quanh cứ mờ ảo, tối tăm và ngột ngạt. Vào một buổi tối, HBO chiếu lại đúng cái phim mà mấy tháng trước mấy mẹ con vừa ngồi xem vừa cười đùa với nhau. Lúc này, căn phòng ảm đạm và sầm sì như một cái hang. Hương quyết định rời bỏ Đà Lạt. Ít lâu sau, gia đình chị chất đồ đạc lên xe tải, quay ngược lại Nha Trang.
Mất mát người thân là một trong những stress lớn nhất trong đời mà một cá nhân có thể gặp phải, và nó có thể đẩy người ta vào trầm cảm, lo âu, hay rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, nhiều khi là tất cả những thứ này. Theo một nghiên cứu khoa học của Mỹ, trong năm đầu tiên sau tổn thất, khoảng một phần tư số người bị mất người thân có đủ những triệu chứng để có thể được chẩn đoán trầm cảm. Sau một năm, cứ bẩy người có người thân qua đời thì có một người bị trầm cảm. Tỉ lệ những người chỉ có một vài triệu chứng nhưng không hội tụ đủ các yếu tố để được chẩn đoán trầm cảm cao gần gấp đôi.
Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là không phải đau buồn nào cũng chuyển hoá thành trầm cảm. Trong khi đau buồn, thương tiếc là một phản ứng hợp lý và tự nhiên khi người ta gặp tổn thất, thì trầm cảm là một phản ứng bệnh lý - nó xẩy ra khi người bị mất mát không thích ứng được với thực tại mới. Người đau buồn cần được an ủi và hỗ trợ trong quá trình họ học đối mặt với tổn thất và chấp nhận nó. Người trầm cảm cần được chữa trị.
Phiền toái chồng chất lên nỗi đau
Liệu Nha Trang, nơi Hương đã lập nghiệp sau khi rời Hà Nội và có nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũ, sẽ giúp chị đứng dậy như chị đã làm được ở hai lần khủng hoảng trước? Hương lên các dự định khác nhau. Chị quyết định mở dịch vụ trông trẻ và phụ việc thêm ở một công ty của bạn. Nhưng rồi một loạt những phiền toái xẩy ra. Ba chị thường xuyên tới chơi và ở lại ăn uống mà không báo trước. Chị bị trộm, mất hết điện thoại, laptop, máy tính bảng. Cái nhà chị thuê có chất lượng rất tệ, khiến chị phải sửa nhiều.
Với những người khác, đây chỉ là những điều khó chịu lớn nhỏ mà cuộc sống nào cũng có. Nhưng dường như với Hương, chúng là những hòn đá cuối cùng được chất lên để bẻ gẫy lưng chị. Vì sao?
Bởi quan hệ cằn cỗi từ nhỏ giữa Hương và mẹ đã khiến chị luôn cố gắng một mình vượt qua mọi sóng gió mà không tìm tới sự trợ giúp? Vì chị coi việc thể hiện những cảm xúc đau buồn là kém cỏi và hèn nhát, nên nỗi đau đã chỉ bị đè nén chứ không được chuyển hoá một cách tích cực để sự mất mát trở thành một phần của cuộc sống mới của chị nhưng không có sức công phá nữa? Vì cuộc ly hôn trước đó mấy năm đã làm suy yếu khả năng chịu đựng stress của chị? Vì người chồng mới của Hương không đem lại cho chị sự hỗ trợ tinh thần cần thiết và không cùng gánh vác được gánh nặng an sinh?
Sẽ không bao giờ có thể biết được, nhưng sau một năm gắng gượng, chị bị trầm cảm đánh gục hoàn toàn.
Dấu hiệu gục ngã
Hương giật mình nhận ra nhiều lúc mình đang độc địa với Huy, y như ngày xưa mẹ chị đối xử với chị, và điều này khiến chị căm ghét bản thân hơn. Huy cam chịu. Bin cũng vậy, nó lặng lẽ cưỡi ngựa gỗ trong nhà. Có buổi trưa, mãi nó không ngủ, Hương vứt thằng bé xuống giường. Nó khóc. Hương đánh nó. Nó khóc to hơn. Chị gí mặt vào mặt nó, gào lên, “Có im đi hay không nào? Còn muốn cái gì nữa?” Bỗng nhiên, Bin ngừng khóc. Nó nhìn Hương chăm chú, ánh mắt vừa như an ủi vừa như đặt câu hỏi. Chị cũng đã dừng việc trông trẻ chỉ sau hai tuần, tiếng khóc của chúng vang lên chát chúa khiến chị không thể nào chịu đựng được và trở nên hung hãn.
Một hôm, đang sắp xếp tài liệu ở công ty của bạn thì Hương bỗng thấy một bóng đen kéo tới trên đầu. Tất cả tối lại, trong Hương xuất hiện một cái lỗ trống hoác, nụ cười của chị trở nên méo mó, cơ mặt chị cứng lại.
Chị lê ra ngoài đường, ngồi âu sầu trên ghế đá. Bờ biển Nha Trang đầy gió và nắng, nhưng Hương chỉ thấy bi kịch xung quanh mình. Kìa, một cặp vợ chồng trẻ đang bế con nhỏ, sinh con làm gì cho nó cực, không ràng buộc nhau có phải tốt hơn không. Đằng xa, có người đang loay hoay tìm chỗ đậu ô tô, mua xe làm chi để chuốc phiền phức vào người. Về cơ bản, chúng ta đã sai ngay từ khi được sinh ra đời, chị thầm nghĩ, làm gì cũng sai hết.
Trong những tháng tiếp theo, bóng đen kéo tới ngày một nhiều hơn. Hương thấy cuộc sống đang trượt dần ra khỏi sự kiểm soát của mình mà não chị lại đơ ra như một cái máy tính bị treo khiến chị chỉ có thể giương mắt lên nhìn. Chị có cảm giác người mình co rúm lại, gù xuống, các bước chân lệt xệt.
Hương hay ôm cái điện thoại trên giường, không cơm nước, không tắm rửa cho Bin. Trong chị đầy những mặc cảm tội lỗi. Giá như buổi sáng hôm đó chị đích thân mang Liên tới bệnh viện, chứ không vì Bin đang bú mà để cho chồng đưa con bé đi, thì chắc chị đã cứu được nó. Giá như chị không lấy chồng, không đẻ Bin. Vì biết đâu Liên và Bin có duyên số là hai đứa chỉ được gặp nhau trong vài tháng ngắn ngủi, nên khi Bin xuất hiện thì Liên phải ra đi?
Có những lúc, chị thèm được biến mất. Tay chân, cơ thể chị đã trở thành một cái vỏ, bên trong nó là sự trống rỗng tuyệt đối, một thứ trống rỗng của vô nghĩa. Đó là lúc Hương hiểu ra vì sao người ta có thể bỏ nhà đi và dần trở thành ngơ ngẩn như những người thỉnh thoảng ta vẫn thấy lang thang ngoài đường.
*Tên và một số chi tiết cá nhân đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư của nhân vật.